Trang

Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014

NHỮNG ĐIỀU CHƯA BIẾT VỀ MỘT VỤ VIỆC ĐÃ BIẾT

1981: Vụ cướp trực thăng tại sân bay Bạch Mai trốn đi Trung Quốc

Chiếc UH-1H 576 và phi hành đoàn tại Đại Tân (TQ) sáng sớm 30/9/1981
Chiếc UH-1H 576 và phi hành đoàn tại Đại Tân (TQ) sáng sớm 30/9/1981
Theo Cầu Nhật Tân
Trong khi chiến sự vẫn rất căng thẳng trên toàn tuyến biên giới Việt – Trung, dịp Quốc khánh Trung Quốc 1/10/1981, Việt Nam bàng hoàng bởi vụ cướp máy bay trực thăng chiến đấu biên chế ngay tại Sở chỉ huy của quân chủng Không quân ở sân bay Bạch Mai. 

Rạng sáng 30/9/1981, 2 chiến sỹ gác sân bay Bạch Mai (Trụ sở Bộ tư lệnh quân chủng Không quân) tại Hà Nội bị hạ sát bằng lưỡi lê đâm vào cổ họng. Chiếc máy bay trực thăng UH-1H với đầy đủ vũ khí và cơ số xăng dầu đã bị cướp mất. Ít ngày sau, qua Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của ĐCS Trung Quốc, Việt Nam mới hay tin những người trên máy bay đã được Trung Quốc biệt đãi, được gặp “lãnh tụ” Hoàng Văn Hoan, được Triệu Tử Dương tiếp đón.
Sáng sớm ngày 30/9/1981, lực lượng bảo vệ sân bay Bạch Mai phát hiện 2 bộ đội gác sân bay bị hạ sát, ngay sau đó họ đã không thấy chiếc máy bay trực thăng UH-1H số hiệu 576. Táo tợn hơn, sau khi cất cánh khỏi sân bay Bạch Mai, chiếc máy bay này còn đàng hoàng hạ cánh xuống phường Phúc Xá thuộc địa bàn quận Ba Đình đón thêm người rồi mới bay thẳng đi Trung Quốc trước sự bất lực hoàn toàn của lưới lửa phòng không dày đặc thời chiến.
Tác giả chính của vụ cướp máy bay này là Thiếu úy Kiều Thanh Lục, ngoài ra còn có sự trợ giúp của một số sỹ quan, cán bộ quân chủng Không quân (cùng trốn theo sang Trung Quốc) trong đó đáng chú ý có một người là cựu sỹ quan không lực Việt Nam cộng hòa được thu dung phục vụ tạm thời trong quân chủng. Dựa vào chi tiết này, phán đoán ban đầu là chiếc máy bay đã bay ra hạm đội 7 của Hoa Kỳ (lúc đó Việt Nam vẫn coi Hoa Kỳ là kẻ thù nguy hiểm nhất). Ngay lập tức, toàn bộ các đồng chí diện “thu dung” bị đặt dưới chế độ giám sát đặc biệt, kể cả đồng chí từng lái máy bay ném bom dinh Độc Lập.
Chỉ sau khi Nhân Dân Nhật Báo đăng chi tiết về vụ cướp máy bay và Bắc Kinh tổ chức họp báo quốc tế rầm rộ với Kiều Thanh Lục, Dương Văn Lợi, Hoàng Xuân Đoàn và Lê Ngọc Sơn (phi hành đoàn) thì Việt Nam mới ngã ngửa ra rằng chiếc máy bay đang ở trong tay Trung Quốc.
Sau thất bại quân sự năm 79, Trung Quốc cố thổi phồng vụ này lên, nâng tầm quan trọng ngang vụ “lão thành cách mạng Đảng Cộng sản VN” Hoàng Văn Hoan bỏ trốn, đặc biệt lại đúng dịp 32 năm Quốc khánh Trung Quốc (1/10/1981). Bắc Kinh gọi đây là máy bay đặc dụng biên chế riêng phục vụ Bộ Chính trị của “tập đoàn Lê Duẩn”.
Những ngày sau, không những “lãnh tụ” Hoàng Văn Hoan mà ngay cả Triệu Tử Dương (Chủ tịch TQ) cũng đích thân tiếp 10 người đi trên máy bay. Thậm chí còn có tin, nếu Trung Quốc thành lập “chính phủ” Hoàng Văn Hoan lưu vong thì những người trên sẽ được Bắc Kinh cơ cấu vào các chức vụ quan trọng như bộ trưởng Quốc phòng, Tư lệnh Không quân …
Vụ giết bộ đội, cướp máy bay ngay tại sân của quân chủng Không quân đã trôi qua 33 năm nhưng nhiều câu hỏi lớn vẫn chưa tìm được câu trả lời thấu đáo. Có hay không bàn tay của tình báo Hoa Nam đạo diễn vụ này? Ai đã cố tình nạp sẵn nhiên liệu vào máy bay và chuẩn bị các điều kiện cất cánh khác trong khi quy trình để máy bay cất cánh phải qua nhiều khâu, nhiều người? Tại sao chiếc máy bay bị cướp có thể lọt qua hàng loạt các trận địa phòng không bảo vệ Thủ đô và nhiều căn cứ không quân, quân sự trọng yếu trên đường đi trong khi từ lúc cất cánh đến lúc bị phát hiện chỉ vẻn vẹn chưa đầy 5 phút, đặc biệt trong bối cảnh lực lượng phòng không VN đã được huấn luyện kỹ chiến thuật chống trực thăng tầm thấp sau vụ Sơn Tây 1970.
Nếu không có mật lệnh từ trước, hẳn chiếc máy bay đã bị chính lưới lửa phòng không của Trung Quốc bắn hạ chứ không thể bay sâu vào nội địa TQ để hạ cánh xuống huyện Đại Tân (lúc đó Bắc Kinh vẫn duy trì một lực lượng quân sự khổng lồ trên biên giới Trung – Việt nhằm xâm lược Việt Nam).
Ngoài ra, không thể không nhắc tới việc một vị lãnh đạo quân chủng Không quân VN năm ấy, không những không bị kỷ luật mà qua hơn 10 năm, sau khi thăng lên nhiều cấp của Bộ Quốc phòng, thì bị “biếm” bởi một quyết định phê duyệt được cho là có “yếu tố Trung Quốc”.

Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2014

MỘT TÂM TRẠNG NGUY HIỂM, CÓ THẬT VÀ ĐANG LAN RỘNG

    Phải nói là thời gian vừa qua tôi đã giành rất nhiều thời gian theo dõi vấn đề Biển Đông để biết diễn biến các hành động leo thang của TQ; tình cảm yêu nước, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của các giới đồng bào trong và ngoài nước; phản ứng của giới lãnh đạo VN... Tâm trạng của tôi đã có lúc rất phấn khởi trước làn sóng yêu nước của dân mình dâng cao, lãnh đạo có những tuyên bố thẳng thắn, thể hiện được ý chí của nhân dân. Tuy nhiên, có vẻ như cái tâm trạng phấn chấn đó đang nguội dần và cảm giác nhàm chán đã xuất hiện và đang ngày càng lan rộng bởi phía mình cứ nói loanh quanh, bất nhất. Nói đã ít mà làm lại càng ít hơn. Hiện giờ tôi đã không còn háo hức theo dõi tin tức về biển Đông nữa. Nhiều bài chỉ đọc cái title rồi cho qua luôn bởi biết chẳng có gì mới. Đó chính là trạng thái chai lì cảm xúc mà tôi cho là nguy hiểm được thể hiện trong bài sau đây:
                                            
                                                    CHAI LÌ CẢM XÚC
Nguyễn Văn Tuấn
03-07-2014
Dạo này theo dõi tình hình thời sự ở VN liên quan đến vụ Biển Đông tôi chẳng có cảm giác gì. Nếu có một ông lớn nào mới lên tiếng thì người dân có thể đoán được vị đó nói gì, bởi vì họ chỉ sắp xếp những khẩu hiệu. Nói chung là những phát biểu của họ chẳng có gì phải đáng quan tâm, vì lời lẽ thì chán ngắt (do thiếu tính sáng tạo) và nội dung thì chẳng có liên quan hay ảnh hưởng gì đến vận mệnh đất nước này, hay dân tộc này. Còn bên Tàu thì họ cũng chẳng quan tâm, họ chỉ để cho báo chí mắng vài câu rồi tiếp tục việc làm của họ.
Giới quan chức VN có phát biểu hay không phát biểu thì tình hình Biển Đông vẫn thế, vẫn xấu hơn từng ngày. Thật vậy, Tàu cộng tuyên bố đem thêm giàn khoan vào Biển Đông; họ điều thêm tàu chiến, máy bay chiến đấu, và đủ thứ các tàu ngụy hình hải cảnh hay kiểm ngư. Họ có nói gì thì tàu của VN vẫn bị uy hiếp HÀNG NGÀY, tàu của VN bị đâm va hàng ngày, tàu của VN vẫn chạy trốn lòng vòng tránh những cú tấn công của Tàu cộng. Vậy thì có họ phát biểu hay không phát biểu chẳng có tác động thực tế nào cả.
Mà, làm sao gây tác động khi những câu đại khái như “chúng ta sẽ đấu tranh lấy lại Hoàng Sa”, “không ai chọn láng giềng”, “phải giữ bằng được chủ quyền”, “không chấp nhận nhượng bộ chủ quyền thiêng liêng”, v.v. Câu đầu tiên thể hiện một sự đầu hàng, thế hệ này không lấy lại được HS, vậy thì làm sao mong chờ thế hệ sau lấy được khi thế hệ hiện nay chẳng để lại cho thế hệ sau cái gì cả (ngoại trừ nợ nần). Còn những câu còn lại thì chẳng có ý nghĩa gì, vì đó chỉ là những rhetoric tiêu biểu và đường mòn chữ nghĩa. Chỉ có bao nhiêu chữ được lặp đi lặp lại nhiều lần.
Trong khi VN đang rất cô đơn trên trường quốc tế thì VN lại đưa ra nhiều tín hiệu mâu thuẫn nhau. Trong Đối thoại Shangri-La, Mĩ và Nhật lên tiếng mạnh mẽ chỉ trích Tàu (và ngầm ủng hộ VN), vậy mà phía VN lên nói ví von đó như là một xung đột trong gia đình! Một miệng thì kêu gọi người ta ủng hộ, còn một miệng khác thì nói “chuyện của gia đình chúng tôi”! Mâu thuẫn thứ nhất. Hễ thấy người Việt ở nước ngoài biểu tình chống Tàu là báo chí VN hăng hái đưa tin, nhưng sinh viên ở VN mà biểu tình chống Tàu thì bị cấm đoán xách nhiễu thậm chí hành hung. Mâu thuẫn thứ hai. Mới hôm nay, báo VN đưa tin rằng Tàu nhận một “vố đau” từ Chủ tịch ASEAN, vì ông này từ chối đề nghị của Tập Cận Bình về Biển Đông. Bài báo ca ngợi ngài chủ Chủ tịch ASEAN là “nhà lãnh đạo Myanmar thể hiện thái độ quyết đoán, không chấp nhận đứng về phía Trung Quốc.” Tôi tự hỏi tại sao VN không có một lãnh đạo nào quyết đoán như ngài Chủ tịch ASEAN? Tại sao không một nhà lãnh đạo VN không dám nói KHÔNG với Tàu? Ca ngợi người ta anh hùng thì ok, nhưng phải nhìn lại mình ra sao chứ. Mâu thuẫn thứ ba.
Hiện nay chẳng ai biết giới lãnh đạo VN sẽ giải quyết vấn đề Biển Đông ra sao. Thoạt đầu thì tuyên bố là sẽ kiện Tàu ra tòa án quốc tế, nhưng nay thì chẳng ai nhắc đến ý tưởng đó nữa. Có người nói thẳng ra là họ sợ sau khi kiện Tàu thì kinh tế VN sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Sự thú nhận đó cho thấy một bộ phận không nhỏ trong giới chóp bu vẫn không muốn “thoát Tàu”. Không kiện cũng là một cách nói cho Tàu biết rằng VN vẫn xem Tàu là cái bóng che chở — một cách tự nguyện đưa mình vào quĩ đạo của kẻ thù. Nhưng hễ ai hỏi gì thì họ nói “Oh, tình hình phức tạp lắm”. Hai chữ “phức tạp” nó trở thành một thứ bùa chú để tránh đối đầu với sự thật. Nếu là người có trách nhiệm với dân, với cộng đồng, lãnh đạo không thể nào chỉ dừng ở “phức tạp” mà phải giải thích nó có nghĩa gì trong thực tế. Chứ nói phức tạp thì ai cũng nói được vì nó vô nghĩa?!
Trong khi đó thì các thủy thủ và nhân viên kiểm ngư VN ở đầu sóng ngọn gió vẫn phải đương đầu với hiểm nguy mỗi ngày. Tôi không còn đếm được bao nhiêu tàu VN đã bị đâm va, không còn nhớ bao nhiêu thủy thủ bị thương. Hình như “chiến lược” của lãnh đạo VN là mua cảm tính quốc tế. Họ để cho những chiếc tàu cũ rích, rĩ sét, mỗi lần bị đụng là bẹp dúm lại, trông rất thảm hại. Để làm gì? Để các kí giả nước ngoài quay phim. Mà, ngay cả kí giả Úc quay phim và chiếu trên tv Úc cũng chẳng gây được cảm tình nào từ người dân địa phương. Khúc phim chỉ nói lên điều mà mọi người đã biết. Khúc phim đó quả là tốn kém! Đâu phải cần đến những khúc phim đó để mếu máo “mét” với thế giới là “Thằng Tàu to con kia nó đánh tôi”. Người ta sẽ hỏi rồi mày làm gì để đối đầu với nó, chẳng lẽ cứ đưa mặt ra cho nó đánh hoài? Một số người thì nhớ đến câu “đó chỉ là xung đột trong gia đình”, vậy thì để họ giải quyết với nhau!
Có người nói rằng sự kiên nhẫn của VN là lựa chọn đúng vì không muốn gây chiến tranh và VN chẳng sợ ai cả. Người khác thì cho đó là một lựa chọn hèn. Cái biên giới giữa nhẫn nhịn và hèn thì chẳng bao xa. Nói gì thì nói, tôi thấy chỉ có một số ít người ở VN quan tâm đến tình hình Biển Đông, tuyệt đại đa số chẳng ai quan tâm. Họ quá bận rộn bươn chãi với cuộc sống mỗi ngày thì thì giờ đâu mà nghĩ chuyện xa xôi. Một số người thì không làm gì cả vì họ nghĩ là hoài công do VN chỉ là một phiên bản của Tàu và tự mình làm nô lệ cho Tàu, vậy thì nói làm gì cho mất công. Một số nhỏ thì nghĩ đã có Đảng và Nhà nước lo, nên họ thoải mái nhậu nhẹt. Nói chung, tôi gọi đó tình trạng emotional fatigue – mỏi mệt cảm xúc. Người ta đã chai lì cảm xúc trước những thông tin về Biển Đông và hình ảnh tàu VN bị đâm va, người ta hờ hững với những phát biểu mà có cũng như không vì chẳng có ý nghĩa gì, và sự chai lì đó cực kì nguy hiểm cho đất nước và dân tộc này.