Trang

Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

NGÀY SUY NGẪM CỦA DÂN TỘC

Tôi đã đọc khá nhiều bài viết về ngày 30 - 4, cảm thấy hoang mang vì tính chất phức tạp của chủ đề làm mình khó xác định điều gì là sự thật, điều gì là dối trá; điều gì là đúng, điều gì là sai. Tôi không muốn nhìn vấn đề một cách đơn giản vì mình thuộc bên thắng cuộc. Dân tộc VN đã đi qua một chặng đường vô cùng phức tạp, nhiều mất mát đau thương và tôi muốn biết vì sao lại như vậy và phải làm sao để dân tộc VN thoát ra khỏi những hoàn cảnh trớ trêu, cùng nhau xây dựng một đất nước giàu mạnh bù đắp cho những mất mát đau thương từng gánh chịu. Trong tâm cảm như vậy xin giới thiệu bài viết mà tôi cho là rất đáng đọc dưới đây:   

NGÀY SUY NGẪM CỦA DÂN TỘC
 
- Thay vì “Ngày toàn thắng”, “Ngày thống nhất”, “Ngày quốc hận”... ngày 30 tháng 4 năm 1975 từ nay nên được coi là “Ngày suy ngẫm” của dân tộc.
Chris Tran.
 
Hà Nội, Chủ nhật, 26 tháng 4 năm 2015.
 
Ký ức về cuộc chiến
Tôi sinh ra trong một gia đình cha mẹ là những đảng viên cộng sản tập kết ra miền Bắc vào năm 1954. Những người như cha mẹ tôi là thiểu số trong đại gia đình hai bên. Đa số họ ở lại miền Nam. Và rồi Tổng tuyển cử không diễn ra như dự kiến do Hiệp định Geneva bị phá vỡ. Đất nước bị chia cắt thành hai miền, Bắc và Nam. Cơ hội thống nhất trong hòa bình đã bị bỏ lỡ.
Tuổi thơ của tôi trải qua toàn bộ thời kỳ chiến tranh mà đối với miền Bắc Việt Nam là hai giai đoạn Mỹ ném bom, lần thứ nhất là từ 1964 đến 1968, và lần thứ 2 là từ tháng 4 năm 1972 đến tháng 12 năm 1972, đánh dấu bằng thất bại của chiến dịch rải thảm B52 của Mỹ, với tuyên bố của Tổng thống Mỹ Nixon “đưa Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”.
Với những cuộc ném bom hủy diệt miền Bắc và đưa một nửa triệu quân đổ vào miền Nam, Mỹ đương nhiên được coi là xâm lược Việt Nam, và bị cộng đồng quốc tế kịch liệt phản đối, với phong trào chống can thiệp của Mỹ vào Việt Nam diễn ra trên khắp thế giới.
Cha mẹ tôi không kể nhiều cho các con của mình về những người thân ở miền Nam, ngoại trừ một người cậu của tôi, một Việt Cộng ở Quảng Nam bị mù hai mắt vì trúng bom Mỹ, được đưa ra miền Bắc và có thời gian an dưỡng ở Trung Quốc. Sau năm 1975 tôi được biết rằng, tất cả những người khác trong gia đình hai bên cha mẹ tôi đều là những người phục vụ chính quyền Sài Gòn, dân sự hay quân sự.
Thế rồi ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến...
“Đất nước hoàn toàn thống nhất, sạch bóng quân thù, non sông từ nay liền một dải...” - Đó là những gì mọi người luôn được nghe những ngày sau đó trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng. Sau ngày đầu tiên cùng nhà trường đi diễu hành mừng “miền Nam giải phóng” hô khẩu hiệu đến khản giọng, tôi trở lại cuộc sống bình thường với tâm trạng háo hức, tò mò của một thiếu niên về chuyến vào Nam gặp người thân họ hàng mà tôi chưa từng biết.
 
Thống nhất đất nước và hai phía của gia đình
Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đánh dấu thời kỳ “Đất nước thống nhất”.
Thông tin tuyên truyền từ miền Bắc làm cho người ta phân biệt “nhân dân miền Nam” - những người được xem là sống dưới ách kìm kẹp của chế độ Sài Gòn, với “ngụy quân và ngụy quyền” - những người phục vụ trong bộ máy nhà nước và quân đội của chính quyền Sài Gòn, “tay sai” của đế quốc Mỹ.
Thông tin tuyên truyền từ miền Nam làm cho người ta khiếp sợ về một cuộc trả thù “tắm máu” của cộng sản, về chế độ “cộng vợ, cộng chồng”... nếu miền Bắc chiến thắng.
Bất chấp tuyên truyền từ hai phía làm cho người ta dễ dàng có những dự cảm tiêu cực về người thân trong một gia đình từ hai miền Nam và Bắc, các cuộc đoàn tụ với người thân cả hai bên nội ngoại của gia đình tôi đều chan chứa tình cảm ruột thịt.
Khi đó, tôi không thấy sự thấp kém của những người thân được coi là “ngụy quân, ngụy quyền” như tuyên truyền, và tôi tin những người thân của gia đình tôi cũng không coi chúng tôi, những người từ miền Bắc vào là “cộng sản man rợ”. Tình yêu thương gia đình trong dòng họ tràn ngập trong chúng tôi. Không những thế, tôi còn chứng kiến sự ngưỡng mộ của những người thân từ miền Nam đối với cha mẹ tôi là những người thành đạt và có địa vị xã hội nhất định trong chính quyền miền Bắc Việt Nam, cũng như thấy cha mẹ tôi ngưỡng mộ những người thân thành đạt trong chính quyền miền Nam Việt Nam, từ sĩ quan quân đội đến nghị sĩ quốc hội.
Và tôi cũng thấy điều hoàn toàn tương tự ở những gia đình có người thân từ cả hai miền Bắc, Nam. Tuy nhiên, không ai biểu thị tình cảm đó một cách công khai, mà chỉ trong gia đình, với người thân mà thôi.
Sau này trưởng thành, xây dựng gia đình, tôi lại được chứng kiến mạnh mẽ một lần nữa bức tranh đó ở gia đình của vợ tôi, một gia đình có nhiều người thành đạt và có địa vị xã hội ở cả hai chính quyền miền Bắc và miền Nam.
 
Cải tạo, phân biệt đối xử
Đó là trong gia đình, còn ở bình diện xã hội, mọi điều diễn ra rất khác. Có rất nhiều người thân của gia đình tôi thuộc “ngụy quân, ngụy quyền” phải trải qua những năm cải tạo khắc nghiệt, từ vài năm đến hàng chục năm.
Sau những cuộc cải tạo đó, không một ai cải tạo cả.
Cậu tôi, một trung tá tâm lý chiến của quân đội Sài Gòn khi chiến tranh chấm dứt, có nói với tôi sau khi đi trại cải tạo về: “Cải tạo gì? Chính họ được cậu cải tạo họ vì họ có biết gì đâu”. Nếu biết nội dung của những cuộc cải tạo đó là gì, chắc ngày nay người ta đều đồng ý với cậu tôi.
Rất nhiều người, sau những cuộc cải tạo đó đã lựa chọn định cư ở Mỹ.
Một người anh họ của tôi, chỉ là một giáo viên dạy tiếng Anh giỏi, cũng bị sa thải, phải kiếm sống bằng nghề xe đạp ôm và không bao giờ trở lại sự nghiệp của mình nữa.
Con cái của những người thuộc chế độ Sài Gòn còn không được học hành như các bạn cùng trang lứa, như không thể vào trường đại học, không được du học... Khi tương lai mờ mịt, họ phải tìm đường di cư ra nước ngoài.
Trong hàng triệu người bỏ nước sau 1975, cho đến những năm 1990 có những người thân của tôi. Có người phải “vượt biên” tới bảy lần, vô cùng tốn kém và nguy hiểm, mới có thể định cư ở nước ngoài. Có trường hợp nhiều gia đình người thân của tôi tổ chức cùng vượt biên, và may mắn thành công. Sau này tôi mới được nghe về thảm họa “thuyền nhân” với hàng chục ngàn người Việt Nam mất mạng dưới biển hay vào tay cướp biển.
May mắn thay, thế giới đã dang tay đón nhận họ khi họ bị từ chối ở chính quê hương mình. Chỉ mới năm 2013, tôi mới được biết đất nước Israel nhỏ bé cũng từng đón nhận hàng trăm thuyền nhân từ Việt Nam, điều mà nhiều người Việt Nam không hay biết.
Tôi vẫn còn thắc mắc, vì sao một thảm họa nhân đạo quy mô toàn cầu như vậy lại không được ghi lại ở bất kỳ đâu trên thế giới, như những khu tưởng niệm về diệt chủng người Do thái của chủ nghĩa phát-xít tại nhiều nơi trên thế giới, để không bao giờ nó được lặp lại?
 
Ngày chiến thắng, ngày quốc hận và chia rẽ
Những ngôn từ cao sang nhất đã được giành cho chiến thắng vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, với đỉnh cao là “Chiến thắng vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc” mà số người Việt Nam đồng ý hay không đồng ý có lẽ đều là hàng triệu.
Ở phía khác... Mãi đến năm 2000, kỷ niệm 25 năm ngày chiến tranh kết thúc, tôi mới được biết và chứng kiến lễ kỷ niệm “Ngày quốc hận” tại Washington DC. Và số người Việt Nam đồng ý hay không đồng ý về tên gọi của ngày này có lẽ cũng là hàng triệu. Tôi cảm thấy có lỗi khi biết về ngày này quá muộn để có thể chia sẻ về đau thương và mất mát của hàng triệu người Việt xa xứ, trong đó có những người thân của tôi, và hàng triệu người đã phải trải qua cơn ác mộng về cải tạo, về phân biệt đối xử, và trên tất cả, về thảm họa thuyền nhân.
Trong ngày lễ kỷ niệm đó, đi dọc theo Washington Mall, trong vô số biểu ngữ, tôi thấy có “Ở đâu có cộng sản, ở đó có chia rẽ”. Tôi dịch cho anh bạn Mỹ đi cùng, người đã từng phục vụ trong thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam. Anh ta nói: “Người Việt Nam các anh, ở đâu cũng chia rẽ”. Với hiểu biết của mình ở phía khác, miền Bắc, tôi không có gì khác hơn là đồng ý với anh bạn Mỹ đó.
Và tôi lại nhớ đến câu nói của người cậu trung tá tâm lý chiến: “Không có một dân tộc nào nói về đoàn kết nhiều, mà lại chia rẽ như dân tộc Việt Nam”.
Ông cũng là người nói với tôi sau khi đi cải tạo về, những năm 1980: “Đừng tưởng thắng nhau là vinh quang. Việt Nam chỉ là con bài trong ván bài của các nước lớn, là Mỹ, là Liên Xô, là Trung Quốc”.
Đó là điều chua xót, đáng suy ngẫm của người Việt Nam về sự chia rẽ bị lợi dụng của mình.
 
Bắc hay Nam, bên này hay bên kia
Người ta có thể phân chia người Việt Nam một cách đơn giản là người Bắc và người Nam, cộng sản hay không cộng sản, thắng cuộc hay thua cuộc. Sự phân chia phiến diện từ tiềm thức này là cơ sở của sự chia rẽ người Việt Nam.
Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, yêu quý thành phố tươi đẹp này, nhất là những năm tháng của tuổi thơ khi nó còn là đẹp nhất - Tôi là một “người Bắc”. Quê nội ngoại của tôi ở Quảng Nam, dù chỉ về thăm vài lần trong đời, nhưng cảm thấy thân thương, ruột thịt - Tôi là một “người Nam”. Cha mẹ tôi là đảng viên cộng sản. Mẹ tôi là một đảng viên mẫu mực với nhiều thành tích đóng góp cho xã hội, cha tôi là một đảng viên, mà theo lời ông, “chạy sang phía Việt Minh, vào đảng cộng sản vì sợ bị thủ tiêu” (cha tôi từng là một đảng viên của Quốc dân đảng) - Gia đình tôi là cộng sản. Tôi từng có nhiều năm phấn đấu, nhưng rồi từ bỏ và không bao giờ là đảng viên cộng sản - Tôi vừa là cộng sản, vừa không phải là cộng sản. Tôi thuộc “bên thắng cuộc”, vào Nam với tâm trạng vui mừng khấp khởi và tò mò xem “bên thua cuộc” ra sao, rồi cảm thấy mình chính là “bên thua cuộc” khi chua xót thấy những người anh em họ hàng mình mất mát to lớn như thế nào khi thuộc về “bên thua cuộc”.
Tôi cảm thấy mình ở khắp nơi, Bắc, Nam, cộng sản, không cộng sản, bên thắng cuộc, bên thua cuộc, được hưởng những điều tốt đẹp mà nhà nước ban cho, nhưng cũng bị tước những quyền cơ bản hiến định.
Có hàng triệu người Việt như tôi, cảm nhận thấy mình thuộc cả hai bên của ranh giới hiềm khích và hận thù?
Và, hơn tất cả sự phân biệt “bên này, bên kia” đó, trong khi hàng triệu người bị cuốn vào xung đột “ý thức hệ” - cộng sản hay không cộng sản, thì cái cộng sản từng luôn cuốn hàng triệu người, trong đó có những công dân ưu tú, với lý tưởng  độc lập tự do cao đẹp, không biết từ lúc nào đã trở thành công cụ đắc lực cho những kẻ xấu ngày càng đông đảo lợi dụng, trở thành quyền lực vô biên, đang hối hả củng cố vị thế ngự trị của mình với số đông đang sống trong sợ hãi, dốt nát và đói nghèo.
 
Lời kết, về hòa giải và hòa hợp dân tộc
Có lẽ tôi phải viết hàng trăm trang mới nói hết được những ý nghĩ của mình về nước Việt Nam và người Việt Nam vào giai đoạn lịch sử phức tạp này của dân tộc.
Qua câu chuyện cuộc đời của rất nhiều người mà tôi có dịp được biết đến về cuộc chiến, trước và sau đó, tôi thấy rằng có thể  nhiều triệu trang cần phải được viết về giai đoạn lịch sử này đã chưa được viết, hoặc bởi bị cấm đoán, hoặc bởi người ta đã lãng quên trong lo toan của cuộc sống đời thường...
Với Internet, người ta tiếp nhận được nhiều thông tin hơn, có cơ sở để có nhận thức và phán quyết của riêng mình về lịch sử. Đối với tôi, những nhận thức và phán quyết cá nhân đó có những chuyển biến theo thời gian mà dường như ngày càng gần với thực tại khách quan hơn, làm chính tôi phải ngỡ ngàng.
Ông Võ Văn Kiệt, một lãnh đạo cao cấp của nhà nước thống nhất đã có một phát biểu nổi tiếng  về ngày 30 tháng 4, tuy không được phổ biến rộng rãi: “Ngày có hàng triệu người vui nhưng cũng có hàng triệu người buồn”. Đó luôn là nhận thức của ông, từ 30 tháng 4 năm 1975, hay phải chăng chính ông sau này đã nhận được đủ thông tin hơn để thay đổi nhận thức và phán quyết của mình về lịch sử?
Tôi nghĩ, trên thực tế tâm trạng của những người Việt Nam khắp nơi trên thế giới vào ngày này là phức tạp, là sâu sắc hơn là nỗi buồn hay niềm vui.
Phía những người vui... Nếu chỉ là vui, phải chăng đó là những người không có nhiều mất mát trong cuộc chiến để mà suy ngẫm? Có lẽ còn hơn cả niềm vui, họ còn kiêu hãnh về chiến thắng mà mình đóng góp.
Với niềm tin là mình đóng góp xương máu cho nền độc lập, cho thống nhất đất nước, giải phóng dân tộc... làm sao mà người ta không kiêu hãnh?
Phía những người buồn... Nếu chỉ là buồn, phải chăng đó là những người không có nhiều mất mát trong cuộc chiến để mà suy ngẫm? Có lẽ còn hơn cả nỗi buồn, họ còn có mối hận thù vì bị đối xử tàn tệ, bị cướp đi cơ hội có một cuộc sống bình thường.
Bị đầy đọa, bị mất người thân yêu, người ta khó có thể vượt qua được hận thù?
Ở phía được coi là hận thù, tôi còn thấy sự tiếc nuối về thất bại của một lý tưởng độc lập, tự do khác, bị vùi dập và quên lãng...
Đất nước Việt Nam đã thống nhất 40 năm, nhưng dân tộc vẫn còn chia rẽ trong những con sóng ngầm. Hòa giải và hòa hợp dân tộc dường như còn xa vời, bất chấp tuyên bố của ai về điều ngược lại.
Hòa giải và hòa hợp dân tộc, tiếc thay, chưa bao giờ được đặt ra như một chương trình dài hạn của quốc gia, trong khi nó không thể được phát động từ cộng đồng dân sự trong hoàn cảnh chính trị - xã hội hiện nay của Việt Nam.
Trong khi đó, hòa giải chưa được đưa ra bởi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Các sáng kiến hòa giải từ bên ngoài Việt Nam ở bất kỳ một quốc gia nào, trớ  trêu thay, dường như cũng luôn được coi là hành động thù địch, làm phương hại đến quan hệ của Việt Nam với quốc gia đó.
Ngày 30 tháng 4 đối với tôi ngày càng trở thành một ngày đem đến cảm xúc phức tạp. Cảm xúc về sự yếu thế của một dân tộc tự chia sẽ, tự chấp nhận sống trong lừa dối, tự chấp nhận sống trong vô thức của ngạo mạn hay hận thù, với chính đồng tộc của mình.
Các thế hệ sẽ dần qua đi, để không còn có ai đáng cho ai ngạo nghễ về chiến thắng, không còn có ai đáng cho ai hận thù vì tội ác đã gây ra.
Nước Mỹ đã hòa giải với Việt Nam sau nhiều tội ác điên rồ. Hình ảnh cựu chiến binh Mỹ ôm hôn cựu chiến binh Bắc Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sự hòa giải. Họ đang tích cực tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh từ rà phá bom mìn, cứu giúp nạn nhân chiến tranh, xây dựng trường học, bệnh viện... Hai quốc gia Mỹ và Việt Nam đã trở thành những đối tác thân thiết về thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục. 
Nhưng chúng ta còn chưa thấy được hình ảnh cựu chiến binh miền Nam và miền Bắc ôm hôn nhau, dù đã có nhiều cựu chiến binh Nam Việt Nam định cư ở nước ngoài, theo tôi được biết, đã về nước tham gia làm từ thiện, tham gia xây dựng quê hương, trong lặng lẽ. Điều khác biệt của họ so với các cựu chiến binh Mỹ là, họ hành động với lòng yêu quê hương, đồng bào, chứ không phải từ mặc cảm tội lỗi trong chiến tranh.
Tôi ước mong ngày này trở thành “Ngày suy ngẫm” của dân tộc. Suy ngẫm về chiến thắng, về hận thù, về hòa giải, về khoan dung với đồng tộc của mình, vượt lên trên vô thức và định kiến vốn đã đầy ắp trong mỗi con người, vượt lên trên bất đồng chính kiến.
Suy ngẫm để cùng đối mặt với những sự thật phũ phàng, dù ở bất kỳ “bên” nào, để có được nhận thức và phán quyết tường minh về lịch sử cho mình và cho các thế hệ tương lai.
Suy ngẫm để cùng đưa ra được một chương trình nghị sự, từ ý chí của cộng đồng, chính trị và phi chính trị, về hòa giải và hòa hợp của người Việt Nam trên toàn Thế giới, như một dân tộc thống nhất, vĩ đại.

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 28-4-15

Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2015

CẦN HỌC LẠI LỊCH SỬ NƯỚC NHÀ

Một lần cách đây vài chục năm, tôi đến tham quan Kinh thành Huế. Khi đọc quyển sách tóm tắt về các triều vua nhà Nguyễn tôi đã phải thật ngạc nhiên nhận ra là nhà Nguyễn thật có công lớn mà lâu nay không hề nghĩ đến. Đó là công lao mở mang bờ cõi . Nhờ đó mà VN mới có hình chữ S kéo dài một dải từ ải Nam quan ( nay đã phải lùi lại ) đến mũi Cà mau như ngày nay. Lâu nay ta chỉ biết các triều nhà Nguyễn là những kẻ đã bán nước ta cho Pháp. Rồi ý nghĩ lại tiếp tục. Kiến thức lịch sử VN mấy ngàn năm trong đầu mình chỉ là những chiến công chống giặc phương Bắc còn việc ông cha mình hàng mấy ngàn năm đã xây dựng đất nước như thế nào, từ khai khẩn đất đai, làm ăn  kinh tế, phát triển văn hóa... thì hầu như không hề để ý tới, mù tịt. Cho đến ngày hôm nay, đất nước thống nhất đã 40 năm, ta đã chẳng biết gì, một cách chính thức, về miền Nam VN ngoài các sự kiện đánh nhau với Mĩ, Ngụy. Vậy nên những bài viết trong dịp kỉ niệm ngày 30/4 này đã bổ sung cho ta biết thêm nhiều điều về lịch sử nước nhà.  

Học gì từ chính sách kinh tế của VNCH?

  • 25 tháng 4 - 2015
 
"Việt Nam ngày nay nên học chế độ Việt Nam Cộng Hòa trong cách nhìn về kinh tế thị trường cũng như cách đào tạo, trọng dụng nhân tài ".
Nhận định trên được chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành, một Việt kiều Mỹ nay đang sống ở Việt Nam, đưa ra trong cuộc phỏng vấn với BBC ngày 23/4.
Ông Thành cũng cho rằng "dư âm của nền kinh tế tập trung" đang hạn chế sự phát triển của Việt Nam trong thời điểm hiện tại, cũng như trong tương lai.
BBC: Ông có thể cho biết một số đặc trưng của nền kinh tế miền Nam trước năm 1975?
Ông Bùi Kiến Thành: Trước 1975 thì kinh tế miền Nam, dù có những khó khăn do chiến tranh, nhưng vẫn là nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường.
Vì trong bối cảnh chiến tranh nên chính sách thời đó là mở rộng tất cả những gì có thể. Nông nghiệp thì gặp khó khăn về chiến tranh, thương mại cũng chỉ trao đổi hàng hóa, chứ việc phát triển công nghiệp thì chưa được bao nhiêu.
Nhưng nó vẫn là nền kinh tế cho phép nhân dân tự do tham gia, để những người có ‎ý chí muốn làm kinh tế được tạo điều kiện tốt.
Trong những năm dưới Đệ nhị Cộng hòa thì có khó khăn do cơ chế quản lý nhà nước vẫn chưa có những kinh nghiệm trong vận hành kinh tế thị trường, quản lý‎ nhà nước vẫn chưa hoàn toàn trong sáng, vẫn có những nhũng nhiễu của các nhóm lợi ích.
Trước 75 thì kinh tế miền Nam sống nhờ viện trợ hoa kỳ. Mỹ cung cấp cho miền Nam một tài khoản lớn, mỗi năm mấy trăm triệu đôla, mỗi năm nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam rồi chi cho chính phủ, chi cho phát triển.
Với nền Đệ nhị Cộng hòa thì chiến tranh mở rộng và chi phí của bộ máy quân sự Mỹ ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế. Nền kinh tế phát triển ảo, phát triển về hạ tầng chứ không phải phát triển doanh nghiêp để tạo ra công nghệ mới.
Nó có định hướng tốt là nền kinh tế thị trường nhưng không vững chắc, không dựa vào cơ sở kinh tế mà chỉ dựa vào chiến tranh là chính.
Cả Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa đều không có điều kiện để phát triển hết tiềm năng của một nền kinh tế thị trường, do chiến tranh và việc chuyển đổi qua nền kinh tế kế hoạch tập trung rất là khắc nghiệt.
Nếu so sánh với các nước khác thì Đại Hàn bắt đầu dưới thời Park Chung Hee mới bắt đầu phát triển tốt và đến 70 mới phát triển xa hơn Việt Nam Cộng Hòa.
Không thể so sánh với những nước như Nhật được. Nhật đến năm 70 đã phát triển thành nền kinh tế tiến bộ rồi.
Singapore thời đó cũng chỉ mới bắt đầu có tiến triển dưới thời L‎ý Quang Diệu và đến 70 thì phát triển xa hơn miền Nam nhiều, vì cả ba nước này không bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.

BBC: Xu hướng phát triển của Việt Nam Cộng Hòa sẽ như thế nào nếu được phát triển trong hòa bình, thưa ông?
Ông Bùi Kiến Thành: Nói chung nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa là một nền kinh tế thị trường có nhiều tiềm năng, nếu được phát triển trong hòa bình thì sẽ có nhiều khả năng phát triển tốt hơn là chính sách phát triển tập trung sau 30/4/1975.
Nếu Việt Nam có hòa bình thì những chính sách phát triển kinh tế bắt đầu từ nền Đệ nhất Cộng hòa vẫn được duy trì, như khu công nghiệp Biên Hòa, các trung tâm phát triển công nghiệp. Khi đó chúng ta học dần dần thì bắt đầu tích lũy kinh nghiệm và bắt đầu đi lên.
Tuy nhiên, sau 30/4 thì tất cả những kinh nghiệm đó bị chặn đứng, áp dụng kế hoạch tập trung của miền Bắc vào miền Nam, bao nhiêu doanh nghiệp bị quốc hữu hóa, doanh nhân thì vào trại cải tạo hoặc bỏ xứ ra đi.
Nền kinh tế tan vỡ ra hết và nền kinh tế tập trung không phát triển được, việc ngăn sông cấm chợ khiến nền kinh tế đi vào ngõ cụt.
Đến khi đó nhà nước cộng sản mới áp dụng chinh sách Đổi Mới. Nhưng Đổi Mới không phải là kinh tế thị trường mà là nền kinh tế 'nhiều thành phần vận hành theo kinh tế thị trường dưới sự quản lý‎ của nhà nước".
Cho đến nay định nghĩa của nền kinh tế Việt Nam sau Đổi Mới vẫn chưa có gì mới hơn là định nghĩa năm 1986, là kinh tế nhiều thành phần có sự quản l‎ý của nhà nước.
Vì vậy nên đến 2015, chúng ta vẫn bị sự chi phối nặng nề của các doanh nghiệp nhà nước, không thoát ra được tư duy kế hoạch tập trung của một số lãnh đạo, và không thoát ra khỏi sự vận hành của kinh tế nhà nước, trì trệ và không có hiệu quả.
Từ năm 1985 đến giờ ta không bắt kịp các nền kinh tế khác vì tư duy không rõ ràng, không ai biết kinh tế xã hội chủ nghĩa là cái gì.
Một mặt thì nói là kinh tế thị trường, một mặt thì nói là có sự quản l‎ý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chúng ta đã mất hết 30 năm mà vẫn còn loay hoay trong những việc làm không rõ ràng.



Nền kinh tế thị trường của miền Nam đã bị phá vỡ sau năm 1975
BBC: Liệu chính phủ ngày nay có thể học được gì từ chính sách kinh tế miền nam trước 1975 thưa ông?
Ông Bùi Kiến Thành: Thứ nhất là kinh tế là việc của nhân dân chứ không phải của chính phủ, chính phủ không làm kinh tế. Đó là bài học lớn nhất.
Phải bỏ tập quán chính phủ đi làm kinh tế. Đã có định hướng như thế rồi nhưng chính phủ Việt Nam vẫn chưa ra khỏi vấn đề tư duy kinh tế nhà nước.
Thứ hai là các nhóm lợi ích của thành phần cầm quyền có ảnh hưởng rất lớn về vấn đề lợi ích trong nền kinh tế, khiến nền kinh tế bị khống chế bởi một nhóm lợi ích, khó mà phát triển được.
Kinh tế làm sao phải lan tỏa được để mọi người có thể tham gia, làm sao để tổ chức mà cả hệ thống chính trị, hệ thống hành chính tạo điều kiện cho người dân tham gia bình đẳng vào vấn đề kinh tế.
Ở miền Nam khi đó không có vấn đề là đảng viên thì hay ở trong hệ thống tổ chức nào mới được trọng dụng.
Đến bây giờ chúng ta thấy rằng về vấn đề quản lý nhà nước, toàn thể Việt Nam vẫn ở trong hệ thống Đảng Cộng sản, không phải đảng viên thì không được gì, mà chưa hẳn là 4 triệu đảng viên cộng sản đã là tinh túy nhất của toàn dân Việt Nam, nên nó hạn chế việc đào tạo lãnh đạo quản lý‎ nhà nước.
Chúng ta chưa thực sự mở cửa đào tạo, có hệ thống giáo dục tân tiến.
Đi vào đại học thì học những chuyện đã cũ rích rồi, từ những sách tiếng Anh dịch ra cho học sinh học mà thầy giáo đọc còn chưa hiểu, trong khi ở những nước khác, sinh viên học trên internet các dữ liệu, kiến thức mới.
Hệ thống giáo dục của Việt Nam chưa thể đưa những kinh nghiệm hay kiến thức mới vào nền giáo dục kịp thời, nên chúng ta đào tạo ra các sinh viên không đủ năng lực đi vào thực tế, đi vào xã hội.
Các doanh nghiệp khi thuê từ đại học ra phải đào tạo lại cho phù hợp với doanh nghiệp mình, nên tốn gấp đôi thời gian và tiền.
Bên cạnh đó, Việt Nam bây giờ còn có cái đại nạn là phải đi mua việc. Điều đó tạo ra vấn đề là những cán bộ làm việc trong cơ quan nhà nước không phải do năng lực. Những chuyện đó hạn chế chất lượng quản lý nhà nước của Việt Nam.
Ở miền Nam trước 75 thì là một nền giáo dục rất mở, người sinh viên và các thầy giáo được quyền tiếp cận các nền giáo dục tư tưởng, dù là tư bản hay cộng sản, không hạn chế.
Giáo dục miền Bắc khi đó chỉ có Marxist thôi, không được đọc sách báo, không nghe về tư bản chủ nghĩa, không nghe BBC, radio thì bị khóa không được mở các tần số đấy.
Giờ thì trong trường đại học mở ra nhiều hướng để sinh viên tiếp cận, ví dụ như Internet. Nhưng giáo trình thì không bao nhiêu, vì các thầy cũng có được học đâu, các thầy cũng học trong cơ chế xã hội chủ nghĩa bao năm nay rồi, nên việc đào tạo các thầy trước rồi đào tạo sinh viên sau khiến nền giáo dục bị chậm trễ.
Dư âm của một nền văn hóa tập trung vẫn khiến Việt Nam bị hạn chế cho đến nay.

Thứ Tư, 22 tháng 4, 2015

NHẬN DIỆN ĐAO PHỦ BỨC TỬ VIỆT NAM


Nhận diện đao phủ bức tử Việt Nam

                                               Nhà văn Võ Thị Hảo, viết từ Hà Nội
                                                               2015-03-25
“Việc của người biết suy nghĩ là không đứng cùng phía với đao phủ.”-Albert Camus.

TQ tuyên bố chủ quyền ở VN

Hiện vẫn còn một nước tên là Việt Nam nhưng cái tên chưa đủ để minh chứng rằng nước chưa mất. Việt Nam bây giờ cũng như một cây cổ thụ ngàn năm tuổi đang bị lưỡi cưa máy đốn hạ, lá trên cây dù chưa rụng hết nhưng dưới gốc thì thân gỗ đã bị xẻ làm muôn mảnh đem bán để ghép thành cái tràng kỷ kê chỗ ngồi cho nhiều nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Đám người này đã sốt sắng dâng lên đám đầu lĩnh Trung Quốc bữa đại tiệc với món chính là máu thịt của đất nước Việt Nam.
Chi tiết quan trọng nhất khiến người ta nghi ngờ rằng VN đã mất chủ quyền lãnh thổ vào tay TQ đã thể hiện trong một sự kiện chấn động khiến thế giới sửng sốt và bất bình nhưng nhà cầm quyền VN thì im lặng chấp nhận.
Tại cuộc họp báo ngày 8/3/2015, ông Vương Nghị - Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc đã lớn tiếng tuyên bố với thế giới rằng việc TQ xây các đảo đá trên biển Đông là xây trên sân nhà của họ và chỉ trích kịch liệt những ai phản đối hành vi này của TQ. Và cái phần mà TQ khẳng định là „sân nhà“ ấy, lại đang là lãnh hải của VN có lịch sử từ lâu đời và đã được công ước quốc tế đương nhiên thừa nhận.
Tuyên bố trên của TQ gây bàng hoàng và phẫn nộ cho những người công tâm và am hiểu lịch sử vấn đề. Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia khi trả lời phỏng vấn của RFI đã không che giấu sự bất bình: “Tôi vô cùng kinh ngạc khi đọc thấy ý kiến của Ngoại trưởng Trung Quốc đưa ra vài hôm trước ngày kỷ niệm 27 năm cuộc tấn công của Hải quân Trung Quốc vào tàu hậu cần Việt Nam ở khu vực quan Đá Gạc Ma (Johnson South Reef) ngày 14/3/1988. Nhận xét của ông Vương Nghị vừa thô bạo, vừa ngạo mạn.”
Dù liên tục lấn chiếm VN từ biên giới đến biển đảo, nhưng đây là lần đầu tiên TQ dám ngang ngược tuyên bố biển Đông là sân nhà. Việc TQ xây dựng những chuỗi đảo nhân tạo trên lãnh hải VN rõ ràng là hành động xâm lược, là bàn đạp để TQ thôn tính VN.
Trước sự xâm lược trắng trợn đó, trách nhiệm tối thiểu của nhà cầm quyền VN là phải lập tức phản đối mạnh mẽ trước hết trên lĩnh lực ngoại giao, đồng thời vận dụng các lực lượng quân sự, chính trị , sức mạnh quốc tế để buộc TQ trả lại chủ quyền lãnh thổ.
Nhưng sự ngược đời đã xảy ra. Sau tuyên bố của Vương Nghị, đến tận hôm nay VN vẫn không lên tiếng phản đối. Càng lạ lùng hơn là cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao VN dự định tổ chức vào ngày 12/ 3/2015, ba ngày sau tuyên bố của TQ lại bị xóa bỏ.

Lộ trình đao phủ bức tử VN

Trước sự im lặng chấp nhận của VN, TQ đã nuốt trọn phần còn lại của con mồi. Phần đầu đã được tiêu hóa xong từ những năm trước đây, khi những nhà cầm quyền VN từ cấp địa phương tới Trung ương đã hăm hở giao đất rừng dọc biên giới mà hầu hết là những vị trí hiểm yếu về an ninh quốc phòng cho TQ thuê và quản lý tới 50 năm theo phương thức người TQ tha hồ tung tác trong đó.
Thiếu tướng Nguyễn Kim Khoa - chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho biết trên báo Đất Việt ngày 18/6/2014 : Qua khảo sát ở một số nơi, đã thấy có 19 dự án được các địa phương cấp phép cho thuê tới khoảng 398.374 ha đất rừng dọc biên giới Việt - Trung, đặc biệt là những vị trí trọng yếu về an ninh quốc phòng. (Trong khi đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ báo là 10 tỉnh).
Mức giá mà VN cho TQ thuê đất rừng biên giới rẻ mạt đến mức không tưởng tượng nổi: nhiều nơi TQ chỉ phải trả 2,75 đ cho mỗi mét vuông đất mỗi năm! (Theo đại biểu QH Trần Việt Hưng(Hòa Bình) – báo Thanh niên đưa tin ngày 12/6/2010)
Nhận định của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng thực sự các cấp chính quyền đã bán rừng và dồn đất nước VN vào tình trạng tự sát, khiến VN mất đi vùng lãnh thổ quan trọng nhất về quốc phòng an ninh.
Mặc dù vậy, cho đến nay không một ai phải chịu trách nhiệm về những hành vi có thể coi là bán nước và phản quốc này.
Cùng trên lộ trình các cấp chính quyền VN để ngỏ cửa cho những kẻ xâm lược VN, họ còn tạo điều kiện đặc biệt dễ dàng cho người TQ vào kinh doanh, sản xuất, trốn thuế, thuê đất trồng lúa, rau quả, thuê mặt nước nuôi tôm cá... lập những đặc khu TQ như ở Vũng Áng – Hà Tĩnh và nhiều nơi. Song song với những chính sách về chính trị, ngoại giao và quốc phòng, an ninh, những chính sách về kinh tế thương mại đã giết chết nền sản xuất của VN và biến VN thành thị trường tiêu thụ hàng rởm và hàng độc hại của TQ. Không những nền kinh tế chính trị và văn hóa của VN bị bức tử mà cả VN đang bị biến thành một bệnh viện khổng lồ trong đó chen chúc những người dân đang chết dần mòn vì hóa chất độc hại của TQ.
Trong tình thế ấy, thay vì bảo vệ đất nước và nhân dân, nhà cầm quyền VN đã liên tục dùng mọi lực lượng từ văn hóa tư tưởng, báo chí truyền thông tới công an và côn đồ để ngăn chặn, vu cáo, mạt sát, khủng bố, đánh đập, bỏ tù, bao vây về kinh tế, cắt cả nguồn sống của những ai dám bày tỏ lòng yêu nước, bảo vệ tự do dân chủ và phản đối TQ xâm lược. Đến các cuộc dâng hương tưởng niệm những người đã hy sinh trong những cuộc chiến bảo vệ đất nước chống TQ tàn sát cũng bị nhà cầm quyền cho các lực lượng công an, dân phòng, dư luận viên và côn đồ ngăn cản.
Với những hành động có hệ thống, nhất quán trong nhiều năm như vậy, dư luận có quyền nhận định rằng nhà cầm quyền VN đã có quyền lợi chung với đám đao phủ TQ đang bức tử đất nước VN.
Để dẹp tan dư luận, Bộ trưởng quốc phòng VN – lại có những hành động bất chấp sự thật, trách nhiệm và và lương tâm khi khẳng định rằng “quan hệ Việt Trung vẫn phát triển tốt đẹp” và coi việc xâm lược của TQ chỉ là “mâu thuẫn gia đình”. Hơn thế nữa, Ngày 31/12/2014, vị này còn lớn tiếng răn đe và kết tội rằng người VN ghét TQ là một việc nguy hiểm, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh đất nước cũng như quan hệ giữa hai quốc gia. (theo tinphapluat.com)
Dù không muốn thừa nhận sự thật đau lòng, người VN cũng không thể không nhận thấy dù cái tên VN còn đó, nhưng hồn nước thì đã bị nhiều nhà cầm quyền cộng sản làm tay sai cho TQ giẫm đạp mỗi ngày. Tung hoành trên mảnh đất này là dòng máu phản trắc đớn hèn đã được tiêm vào động mạch của vô số nhân vật trong các bộ máy quyền lực. Đó thực sự là đám tay sai của TQ, núp dưới chiêu bài Đảng cộng sản VN, lấy chủ nghĩa Mác Lê nin và ý thức hệ xã hội chủ nghĩa mà nhân loại đã lên án là tội ác chống lại loài người làm bức màn sắt che cho những tham vọng, quyền lợi nhóm, để chĩa họng súng độc tài vào người dân, biến VN thành một “nhà tù” khổng lồ đàn áp bất cứ ai dám phê phán, ngăn cản con đường bán nước của chúng.
Người VN trong tình thế đó, là những con gà bị trói chặt, dao đã kề cổ. Ai cam tâm im lặng, chịu đi nhặt cơm thừa canh cặn, tung hô khen ngợi đám tay sai bán nước, tiếp tay cho bọn xâm lược, hoặc tiếp tục vắt kiệt máu mỡ mình nuôi bộ máy cầm quyền phè phỡn trên xương máu nhân dân thì sẽ được tồn tại.
Nhưng thế có phải là cuộc sống con người?
Người VN đã tê dại. Đã lạc mất linh hồn, Đến mức số đông đã mặc kệ mọi sự, cam chịu dao kề cổ và trong khi đang kê chiếc cổ gầy dưới lưỡi dao đao phủ , người VN cũng tương tự nhà cầm quyền của họ, chỉ dám mơ tới một con dao đao phủ cùn hơn để cứa cổ mình lâu chết hơn, chứ không dám mơ tới việc phải làm gì để thoát khỏi lưỡi dao ấy. Không ít người do không am hiểu tình hình nên đã trở thành độc ác, đứng về phía đao phủ bức tử VN, a dua mạt sát những dân oan hoặc những đồng bào đã không quản nguy hiểm đấu tranh cho quyền lợi của đất nước và cho cả chính họ.

Mất nước là bởi nhà cầm quyền VN

000_Hkg9812263.jpg
Vùng đảo Gạc Ma nhìn từ trên cao, ảnh minh họa chụp hôm 15/5/2014.
TQ thực sự rất ngang ngược, tham lam và đã dùng nhiều thủ đoạn đối với loài người trên thế giới này. Không ngẫu nhiên khi có nhiều tài liệu khoa học thống kê, phân tích về những thủ đoạn thâm hiểm, tàn bạo của nhà cầm quyền cộng sản TQ và một trong những cuốn sách rất nổi tiếng đã được xuất bản mang tên “Chết bởi tay Trung Quốc” của hai giáo sư kinh tế học Perto Navarro và Greg Autr đã cảnh báo loài người về những tham vọng và hiểm họa mà TQ mang tới để các nước đối phó.
VN “đã chết bởi tay TQ”! Nhưng khốn khổ khốn nạn ở đây là cái chết do VN tự chuốc lấy. Chết chỉ vì nhà cầm quyền cộng sản đã bằng mọi giá, thà hy sinh lãnh thổ, danh dự, đất nước, nhân dân chứ không chịu mất Đảng, mất thể chế cộng sản.
Họ yêu Đảng, yêu Mác Lê nin, yêu chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản đến thế kia ư?
Hoàn toàn không. Ở trong bộ máy, họ biết quá nhiều hành vi bỉ ổi độc ác của nhau và của thứ chủ nghĩa này. Họ gắn bó chẳng qua thể chế ấy, chủ nghĩa ấy là một cỗ xe bọc thép mang vũ khí hạng nặng bảo vệ hữu hiệu nhất cho băng cướp tham nhũng tha hồ lừa bịp và cướp bóc người dân. Thế giới đã chứng minh cỗ xe cộng sản càng lăn đi càng chất chồng tội ác. Sự sợ hãi bị mất tất cả đã khiến nhà cầm quyền gắn với thể chế cộng sản như mạng sống. Họ đã lựa chọn con đường hy sinh đất nước và nhân dân để giữ chế độ độc tài nhằm bảo vệ cho giai cấp thống trị tha hồ cướp bóc.
Đó cũng là điều mà TQ đã rất khôn ngoan tận dụng để thao túng đám cướp bóc này. Đám này còn rất sốt sắng thực hiện mưu đồ nhập VN vào TQ trong năm 2020 theo như cam kết của Hội nghị Thành Đô 1990. Tham vọng vĩ cuồng mang hơi hướng Mao Trạch Đông của Tập Cận Bình cộng với và sự nôn nóng muốn rảnh tay nên giao đất sớm cho TQ của đám bán nước VN, nay đã về đích trước 5 năm so với kế hoạch?!
Albert Camus nói: “Việc của người biết suy nghĩ là không đứng cùng phía với đao phủ”. Khi nhà cầm quyền hoặc người VN đứng về phía đao phủ , thì chính họ đang hái quả trên ngọn cây nhưng lại dùng lưỡi cưa xẻ nát thân cây đã dung dưỡng họ.
Xét những động thái khác thường qua tuyên bố của TQ và sự im lặng chấp nhận của VN, dư luận không thể không nhận ra VN đã nằm gọn trong cái mõm tham lam của TQ. Cánh tay của nước Mỹ dù mạnh nhưng đã bị khước từ bởi chính nhà cầm quyền VN không những chỉ đứng về phía đao phủ mà còn là tay trong cho đao phủ. Nước Mỹ và khối các nước văn minh hiện giờ chỉ còn chứng kiến những cú đong đưa cầu lợi của VN đang được điều khiển bởi đầu não TQ mà thôi.
Nhưng chính TQ cũng đang phải đối diện với nguy cơ sụp đổ trong tương lai gần bởi chính những khối ung thư nội bộ của họ. Sự phát triển nôn nóng bất chấp danh dự và thủ đoạn của nền kinh tế TQ đương nhiên sẽ mau chóng phá vỡ cái vỏ chật chội lạc hậu của thể chế chính trị phi tự nhiên theo ý thức hệ cộng sản đã bị loài người tẩy chay. Việc cộng dồn những tội ác chống lại loài người mà nhiều thế hệ nhà cầm quyền TQ đã làm với người dân của họ và thế giới cũng sẽ đến ngày “tức nước vỡ bờ”, chưa kể những chấn động mạnh mẽ của cuộc tranh giành quyền lực phe nhóm đang diễn ra dưới vỏ bọc “đả hổ diệt ruồi” tại TQ.
Sự sụp đổ ấy đương nhiên sẽ kéo theo sự tan vỡ bi thảm trong một ngày không xa của thể chế cộng sản VN đã tự nguyện nộp mình vào tay TQ thay vì thức thời đón nhận những cơ hội của Cách mạng Nhung VN, tự cải cách thể chế, đồng hành với quyền lợi của toàn dân tộc.
Và dẫu nước VN có mất về tay TQ, những người gắng gỏi vì đất nước và người dân VN không tuyệt vọng. Cuộc đấu tranh đòi thoát khỏi thể chế cộng sản để cứu nước, đem lai toàn vẹn lãnh thổ, dân chủ, tự do và nhân quyền cho người VN dù khó khăn nhưng là một cuộc chạy tiếp sức của các thế hệ. Nhà cầm quyền không bao giờ có thể tiêu diệt hết được những người yêu nước yêu công lý và yêu tự do.
Nhà văn Võ Thị Hảo, viết từ Hà Nội

Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

Trong những ngày này mọi người đều quan tâm đến chuyến đi thăm Trung quốc dường như vội vã của ông Nguyễn phú Trọng. Rất nhiều bài bình luận, phân tích đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bạn Vũ cao Phan, dân Culờ, cũng có bình " Việt nam chưa chủ động trước các đại cường "... Dưới đây là một trong số các bài nêu trên xin giới thiệu để cùng tham khảo.   

     Việt Nam và trò chơi địa chính trị


Ông Trọng tiếp thủ tướng Nga ngay trước khi thăm Trung Quốc và có thể sẽ thăm Hoa Kỳ trong tháng Năm
Cụ Nguyễn Khuyến, người sống hầu hết cuộc đời trong thế kỷ 19, nổi tiếng với bài thơ trào phúng ' Hội Tây' trong đó có câu 'Tham tiền cột mỡ lắm anh leo'.
Sang thế kỷ 21 với thái độ nghiêm túc hơn, Truyền hình Việt Nam vừa quyết định mở lại chương trình ' Hội nhập' sau nhiều năm gián đoạn vì theo họ "năm 2015 sẽ là năm của hội nhập vì trong năm nay Việt Nam dự định sẽ ký kết hiệp định thương mại tự do với EU, với Hàn Quốc, với liên minh hải quan Nga, Kazakhstan, Belarus và đặc biệt là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP."
Ở tuổi 85, Đảng Cộng sản với người đứng đầu chuẩn bị bước sang tuổi 71 cũng đang đứng trước nhiều cột mỡ trong các mối quan hệ ngoại giao phức tạp và tiềm ẩn những rủi ro.

'Trò chơi địa chính trị'

Điểm qua các hoạt động ngoại giao của Việt Nam riêng trong tháng Tư người ta có thể thấy Hà Nội dường như đang có vị thế ngày càng tăng trong con mắt các cường quốc đang ve vãn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc hôm 7/4 giữa lúc hai tàu chiến Mỹ do một Đại tá người Mỹ gốc Việt chỉ huy đang ở Đà Nẵng còn Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tới Hà Nội cũng trong đúng ngày chiến hạm Hoa Kỳ cập cảng Tiên Sa hôm 6/4.
Cùng ngày 6/4, báo chí Việt Nam và quốc tế đưa tin lãnh đạo cơ quan an ninh quốc gia Ấn Độ, một đồng minh của Hoa Kỳ, nói Delhi sẵn sàng đào tạo các sỹ quan tình báo, hải quân và không quân cho Việt Nam khi gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm 3/4.
Ngay trong ngày đầu tháng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã điện đàm với Thủ tướng Tony Abbott, một đồng minh khác của Mỹ mà ông Dũng vừa tới thăm trong tháng Ba.
Trước đó một ngày Chủ tịch Trương Tấn Sang tiếp lãnh đạo phe thiểu số Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi sang thăm Việt Nam trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên minh Nghị viên thế giới mà Việt Nam có vẻ tổ chức đầy tốn kém với xe đưa rước và tiệc tùng khoản đãi hiếm thấy.
Ông Trương Tấn Sang cũng còn có chuyến thăm đã lên lịch tới Nga trong tháng Năm, tháng mà lãnh đạo Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng dự kiến sẽ tới Hoa Kỳ.
Trong bối cảnh quan hệ Nga - Mỹ căng thẳng và Washington đang xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam có lợi thế với tư cách là một quốc gia nằm ở vị trí quan trọng và có ảnh hưởng trong khu vực.
Nhưng một nhà quan sát người Nga, Giáo sư Vladimir Kolotov, cũng vừa cảnh báo hôm 6/4 rằng Hà Nội chỉ là "con tốt" trong "trò chơi địa chính trị" giữa Mỹ và Trung Quốc, hai cựu thù của Việt Nam.
Và Nga cũng không chỉ đứng nhìn trò chơi này của hai nước đứng hàng thứ nhất và thứ ba về xuất khẩu vũ khí, lĩnh vực Nga cũng đứng hàng thứ nhì.
Hà Nội đã nhận ba trong số sáu tàu ngầm kilo trong hợp đồng vũ khí trị giá khoảng hai tỷ đô la mà ông Nguyễn Tấn Dũng ký khi thăm Nga hồi năm 2009.
Cũng phải nói thêm Việt Nam còn mua hai chiếm hạm lớp Sigma từ Hà Lan với giá được cho là chừng 600 triệu đô la sau khi vẫn thủ tướng Việt Nam đặt vấn đề về chuyện này từ năm 2010.

Quan hệ tay tư

Điều có thể dễ dàng thấy từ chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng tới Bắc Kinh là sự hiện diện đông đảo các nhân vật cao cấp của Việt Nam trong đoàn tháp tùng.
Kể cả ông Trọng, đoàn có năm ủy viên Bộ Chính trị trong đó bốn người gần như chắc chắn sẽ có mặt trong dàn lãnh đạo hậu Đại hội Đảng trong năm sau.
Người Mỹ hẳn sẽ nhìn vào phái đoàn thăm Trung Quốc để xem có bao nhiêu người sẽ cùng ông Trọng tới Hoa Kỳ trong chuyến đi có thể diễn ra trong thời gian tới.
Ông Trọng sang Trung Quốc với phái đoàn hùng hậu
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng thăm Hoa Kỳ và nhiều nước đồng minh nhưng chưa thăm chính thức Trung Quốc
Một điều khác cũng đáng chú ý trong bối cảnh chuyến thăm Trung Quốc của ông Trọng là đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người được cho là muốn ngồi vào ghế tổng bí thư trong năm sau, chưa từng thăm chính thức Trung Quốc dù đã thăm cả Hoa Kỳ và Nga trong hai nhiệm kỳ thủ tướng.
Mối quan hệ giữa Hà Nội với Bắc Kinh, Moscow và Washington luôn tiềm ẩn những thách thức ở các góc độ khác nhau.
Căng thẳng trên Biển Đông nơi hiện Trung Quốc đã chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một góc của đảo Trường Sa sẽ luôn là cái gai trong quan hệ Việt - Trung.
Những văn bản được hai bên ký kết công khai trong chuyến đi của ông Trọng tới Trung Quốc không có văn bản nào nói cụ thể về giải pháp tháo gỡ căng thẳng trên biển và lòng tin giữa hai bên vào những gì ký kết cũng không phải khi nào cũng cao.
Ngay khi ông Trọng còn ở Trung Quốc, tờ New York Times nói Bắc Kinh vẫn tiếp tục mở rộng sự hiện diện của họ trên đảo Trường Sa sau khi chiếm một đảo từ tay Việt Nam hồi năm 1988.
Hoa Kỳ ở các mức độ khác nhau thường đặt ra vấn đề nhân quyền thậm chí với danh sách cụ thể các 'tù nhân lương tâm' mà họ muốn chính quyền trả tự do.
Trong năm 2014 hai nhân vật có trong danh sách, Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ và blogger Điếu Cày, tức Nguyễn Văn Hải, đã được trả tự do nhưng mới đây một dân biểu Mỹ đã lại trao một danh sách khác cho Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Các lãnh đạo Việt Nam có vẻ vồn vã với Nga hơn cả do họ không bị ép về dân chủ, nhân quyền và cũng không có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải.
Nhưng Nga cũng là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Trung Quốc, nước trong thập niên 80 còn được chính quyền Hà Nội công khai coi là kẻ thù nguy hiểm nhất của Việt Nam.
Và quan hệ chặt chẽ chưa từng có trong lịch sử giữa Nga, nước đang bị phương Tây cấm vận, và Trung Quốc sẽ khiến Moscow khó có phản ứng mạnh mỗi khi Hà Nội và Bắc Kinh xung khắc.
Việt Nam đã ý thức được điều này và tăng cường quan hệ với nhiều đồng minh thân cận của Hoa Kỳ trong đó có Hàn Quốc, Nhật Bản và cả Anh.

'Ăn xin đến bao giờ'

Nhưng điều quan trọng hơn cả vẫn là nội lực của chính Việt Nam trong các mối quan hệ với bên ngoài.
Mới đây một quan chức Nhật Bản đã đặt câu hỏi đến bao giờ Việt Nam sẽ không cần đến viện trợ phát triển ODA của họ nữa sau khi đã nhận chừng 20 tỷ đô la trong 20 năm qua theo blogger Nguyễn Văn Tuấn.
Blogger này còn dẫn lời ông Lê Đăng Doanh thuật lại lời của một nhà tài trợ giấu tên hỏi rằng Việt Nam "định ngửa tay ăn xin đến bao giờ" trong khi tự hào là "người thông minh, có học", có "truyền thống" cũng như "trí tuệ".
Tháng Tư này cũng đánh dấu 40 năm kết thúc Cuộc chiến Việt Nam vốn đã khiến cả triệu người bỏ nước ra đi sau đó.
Tháng Tư này đánh dấu 40 năm kết thúc cuộc chiến Việt Nam
Nhưng chính những người mà đối với họ tháng này là "tháng Tư đen" và ngày 30/4 là "ngày quốc hận" cũng đóng góp vào số 80 tỷ đô la kiều hối mà Việt Nam nhận được chỉ trong 12 năm từ 1991-2013 theo các chuyên gia trong nước.
Những Việt kiều mà đa số sống ở Hoa Kỳ và nhiều con em của họ phục vụ trong quân đội nước này sẽ tiếp tục có ảnh hưởng tới sự phát triển của Việt Nam trong tương lai.
Người chỉ huy hai chiến hạm tối tân của Hoa Kỳ đang cập cảng Đà Nẵng là Đại tá người Mỹ gốc Việt Lê Bá Hùng.
Và điều có thể khẳng định là Việt Nam sẽ chỉ thực sự được nể trọng trong con mắt các cường quốc khi người dân Việt Nam, chứ không chỉ các quan chức, giàu có và có quyền đưa ra các quyết định quan trọng về hướng đi của đất nước trong đó có hướng đi của các mối quan hệ đa phương.
Và cũng chỉ như vậy sự hội nhập mới không như sự mô tả 'Hội Tây' của cụ Nguyễn Khuyến:
"Khen ai khéo vẽ trò vui thế, Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu!"

Thứ Hai, 6 tháng 4, 2015

VẼ TRANH, XEM TRANH VÀ BÌNH TRANH

Trước đây mình đã từng đọc một số bài viết về mĩ thuật trên tạp chí NGỌN LỬA NHỎ của Liên xô. Mình rất thích những bài viết này vì nội dung sâu sắc và lối viết đầy tính văn học. Ở VN, những bài viết của Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng ....cũng khá hay. Đọc nó ta hiểu thêm về họa sĩ, tác phẩm và cho ta nhiều hiểu biết hơn về cách thưởng thức một tác phẩm mĩ thuật nói chung, tranh nói riêng. Với mong muốn cùng các bạn đọc những bài viết như vậy, xin giới thiệu bài viết rất hay về bức tranh " Cuộc chiến đã đi qua "dưới đây.

 

Cuộc chiến đã đi qua




pham-tuan-dung-1-622.jpg
 
Họa phẩm Cuộc chiến đã đi qua

Sự sáng tạo rất nghiêm khắc và cẩn trọng

Họa sĩ Phạm Tuấn Dũng sinh năm 1942 tại Hà Nội, ham thích hội họa từ nhỏ nhưng không đậu được vào trường Mỹ thuật ông theo học vẽ với hai họa sĩ Phạm Viết Song và Đinh Minh.
Từ năm 1966 ông là họa sĩ chính cho báo Thiếu Niên Tiền Phong và sau đó chuyển sang báo Giao thông vận tải. Năm 1995 chuyển sang làm Phó TBT tạp chí Kho Bạc bây giờ là tạp chí Quản Lý Ngân Quỹ Quốc Gia.
Họa sĩ Phạm Tuấn Dũng đã có 5 cuộc triển lãm cá nhân, trong số đó một triển lãm do phòng Thương Mại Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội tổ chức  và một triển lãm khác được thực hiện tại Đức.
Mình không được đào tạo trong trường của nhà nước mình chỉ học với các họa sĩ bên ngoài thôi với họa sĩ Phạm Viết Song và họa sĩ Đinh Minh  nhưng thời gian học không được nhiều vì lúc ấy nghèo lắm không có tiền đóng tiền học.
-Họa sĩ Phạm Tuấn Dũng
Tranh của ông theo phong cách cổ điển, hầu hết chất liệu là sơn dầu trên bố. Chân dung và phong cảnh là hai chủ đề chính trên tranh Phạm Tuấn Dũng.
Họa sĩ mang tới cho người yêu tranh cảm nhận tầm nhìn sắc sảo của một cây cọ từng trải nghiệm các biến cố cuộc đời. Mỗi nét nhấn, mỗi cách xử lý màu sắc và ánh sáng ông đều đặt vào đấy sự sáng tạo rất nghiêm khắc và cẩn trọng:
vì mình rất yêu nghề, lúc nào cũng vẽ nên cũng có một số kết quả.Mình không được đào tạo trong trường của nhà nước mình chỉ học với các họa sĩ bên ngoài thôi với họa sĩ Phạm Viết Song và họa sĩ Đinh Minh  nhưng thời gian học không được nhiều vì lúc ấy nghèo lắm không có tiền đóng tiền học cho nên học cứ bập bà bập bõm tổng cộng lại thời gian đi học chưa được đến hai năm thế nhưng mình thành công
Tranh Phạm Tuấn Dũng hiền lành và bàng bạc cái duyên của người Hà Nội cũ. Hầu hết tranh phong cảnh của ông sáng lên thứ ánh sáng của hy vọng vào một ngày mới cho dù ông vẽ mưa giông (Mưa buồn) hay gió bão (Mưa từ phía đảo). Ánh sáng vàng ươm lập đi lập lại trên những cành lá, chất óng ả của đất non khắc họa vào trí nhớ người xem từng góc khuất thời gian mà hơn một lần họ bắt gặp trong quá khứ.
pham-tuan-dung-2-400.jpg
Tác phẩm Họa sĩ Phạm Viết Song của Họa sĩ Phạm Tuấn Dũng.

Nhưng trên hết, tranh của Phạm Tuấn Dũng cuốn hút người xem vẫn là chân dung.
Một vài nét nhấn đã làm cho nhà văn Nguyễn Xuân Khánh trở thành thơ mộng và có vẻ như muốn bước chân ra ngoài chiếc khung chật chội của tranh. Nhà văn Hồng Phi đi thẳng vào trí nhớ người xem bởi nét cọ mạnh bạo cùng sắc màu xưa cũ của 36 phố phường Hà Nội. Họa sĩ Phạm Ngọc Liệu rắn rõi, phong trần và càng nhìn thì chân dung của ông càng trở nên bí ẩn. Nếu một hiền triết xuất hiện cạnh bức tranh, ngay lập tức câu hỏi sẽ nảy sinh: ai mới thật sự là một nhà tư tưởng?
Trong tất cả tranh chân dung của Phạm Tuấn Dũng nếu được chọn bức ấn tượng nhất có lẽ không ít người sẽ chọn họa sĩ Phạm Viết Song.
Trên nền thô nhám của bố, nét vẽ theo kịp chuyển động của chiếc pipe chừng như khắc họa tiếng rít khoái cảm để đưa khói vào khí quản. Cái thần của bức tranh không căng mắt người xem mà ẩn hiện chừng mực trên từng khu sáng tối, đậm nhạt, ăn ý và nối kết nhau trên mỗi vuông nhỏ của canvas.
Và không phải lúc nào chân dung ông vẽ cũng diễn tả người đang sống. Ông vẽ cả chân dung của người không xuất hiện trong cuộc sống thực bởi những khuôn mặt ấy là tư tưởng, là khu vực sáng tạo mà người mẫu được hình thành từ góc khuất của nhận thức, của trăn trở và tâm trạng.

Một mối cảm hoài khó cưỡng

Trong sưu tập chân dung của Phạm Tuấn Dũng có lẽ “Cuộc chiến đã đi qua” sẽ làm cho nhiều người chú ý nhất. Nét cọ của ông truyền lại cái thần một bà mẹ được dẫn dắt bởi ký ức và trên cái nền cuộc chiến tranh đã qua vẫn đọng lại trong tâm tưởng người họa sĩ một mối cảm hoài khó cưỡng.
Tôi vẽ bức tranh này một chiều một thước rưỡi còn một chiều là hai thước. Như tôi đã nói trong chiến tranh thời gian chống bom đạn của Mỹ thì một nhà điện ảnh Sô viết có làm một cuốn phim tài liệu lấy tên: “Trên đất nước rn vang tiếng súng” nói về đất nước Việt Nam và tôi rất ấn tượng cái phim ấy nên tôi cũng suy nghĩ về nó rất nhiều.
pham-tuan-dung-3-400.jpg
Họa hình Họa sĩ Phạm Ngọc Liệu của Họa sĩ Phạm Tuấn Dũng.
Từ khi biết suy nghĩ cho đến bây giờ tôi cảm nhận rằng tôi đã sống trên quê hương đất nước tôi, một đất nước nhỏ bé tồn tại từ xưa đến giờ nhưng luôn luôn phải chống với giặc để tồn tại, để bảo vệ quê hương của mình. Từ cái ý đồ ấy tôi vẽ một bức tranh và lấy tên là “Cuộc chiến đã đi qua”.
Tôi nghĩ rằng thời kỳ chiến tranh mà tôi cho là đau đớn nhất đó là cuộc chiến tranh của hai hệ tư tưởng khác nhau của người trong cùng một nước. Cuộc chiến tranh mà họ hàng, anh em ruột thịt bắn giết nhau để phục vụ cho ý đồ tư tưởng của mỗi bên khác nhau. Bức tranh tôi lấy tên “Cuộc chiến đã đi qua” để diễn tả cuộc chiến tranh đau đớn nhất.
Ở quê hương tôi nhất là từ vĩ tuyến 17 trở vào thì rất nhiều gia đình có hoàn cảnh, rất nhiều các bà mẹ có nỗi đau và tôi vẽ bức tranh này để phản ảnh những hình tường đó.
Tôi vẽ một bà mẹ có 12 đứa con hy sinh, một nửa phía bên này một nửa phía bên kia. Chiến tranh đã đi qua, đất nước đã thống nhất mà bà mẹ có còn gì đâu! Chằng còn gì cả. Vật chất thì trong bao nhiêu năm bom đạn đã bị hủy diệt hết, mẹ chỉ còn một sinh vật tồn tại cạnh mẹ là một con chó. Mẹ ngồi trên một chõng tre đã gãy hết cả nang và hằng ngày mẹ thương nhớ các con mẹ đã cúng cơm cho chúng bằng 12 cái bát, 12 cái bát mẻ và 12 đôi đũa tre một bát hương nghi ngút khói có lẽ đấy là thông điệp gọi các con về và chúng nó đã về. Bữa nào cúng cơm thì chúng đều về. Chúng yêu quý mẹ cả con trai cả con gái. Chúng vòng quanh mẹ bám víu chờ bám bờ vai gầy guộc của mẹ chúng chẳng hề hận thù căm ghét gì nhau mà thương yêu nhau quấn quýt nhau vì chúng là anh em ruột thịt.
Từ khi biết suy nghĩ cho đến bây giờ tôi cảm nhận rằng tôi đã sống trên quê hương đất nước tôi, một đất nước nhỏ bé tồn tại từ xưa đến giờ nhưng luôn luôn phải chống với giặc để tồn tại, để bảo vệ quê hương của mình. Từ cái ý đồ ấy tôi vẽ một bức tranh và lấy tên là “Cuộc chiến đã đi qua”.
-Họa sĩ Phạm Tuấn Dũng
Tổng thể bức tranh là một tiếng thở dài, hay đúng hơn, một ám ảnh. Ánh nắng chiều vàng vọt yếu ớt chiếu xuyên khung cửa vào căn nhà hiu quạnh với nhang khói âm u tạo cho người xem cảm giác nặng trĩu không gian của quá khứ. Ánh nắng là cả một ẩn dụ, cắt ngọt phân nửa thân hình bà mẹ như ám thị rằng bà mẹ ấy cũng bị cắt phân nửa bởi 12 đứa con trong cuộc chiến. Sáu đứa bên này sáu đứa bên kia. Trong tư thế ngồi thẳng, mắt nhìn vào người xem như khẳng định bà là một hiện thân của hôm nay chứ không đến từ quá khứ mặc dù chung quanh bà là câu hỏi triền miên về những gì đã xảy ra cho các đứa con của bà. Tay chân bà khẳng khiu nhưng toát ra sức sống nội tâm mãnh liệt trong không gian chật ních hình bóng của những đứa con đã chết.
Những đứa con ấy lung linh ẩn hiện trên background của sắc cam chuyển dần sang đỏ, xám dần vì nhang khói cúng tế thần linh trong các đình miếu. Tác giả mượn thời kỳ thần thánh và linh hiển để ẩn dụ những khuôn mặt mờ nhạt như âm bản của một cuộn phim quá khứ. Cuộn phim nói về cái chết của những đứa con cùng một mẹ sinh ra nhưng chết cho hai thể chế khác nhau và những cái chết ấy cuộn tròn trong chiếc khăn tang chỉ có bà ngồi lặng im mân mê đau đớn.
Toàn bộ nền tranh tôi dùng màu cam với hai sắc độ khác nhau mờ ảo. Màu cam như màu lửa chiến tranh, còn một màu cam như là tình thương yêu của anh em ruột thịt. Cuộc chiến tranh này anh em trong một nhà do một bà mẹ Việt Nam sinh ra. Một bà mẹ rất gầy guộc tóc đã bạc, tôi vẽ mẹ nhìn thẳng vào người xem như muốn hỏi rằng cuộc chiến tranh này chúng tôi được cái gì?
Vẽ xong bức tranh tôi có lần đọc được câu thơ của nhà thơ Nguyễn Duy: Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh, phe nào thắng thì nhân dân đu bại’.”
Những vật tưởng như lỉnh kỉnh trong tranh thật ra đã gắn kết rất thành công các mẫu tình tiết rời rạc. Chú chó vô tư nhìn con bướm lượn lờ như một chút sinh khí bên ngoài căn nhà mà tác giả muốn làm dịu bớt sức ép từ nhang đèn, đũa chén và nhất là nải chuối héo hắt nằm trên chiếc chõng tre cũng buồn hiu lặng lẽ.
pham-tuan-dung-4-400.jpg
Họa hình Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh của Họa sĩ Phạm Tuấn Dũng.

Những vật dụng quen thuộc chung quanh bà trở nên tỏa sáng khi bên cạnh chúng là nỗi cô đơn của một người mẹ ngồi nhớ đến con. Bà ngồi như tượng bởi bà đã sống quá lâu trong không gian ấy. Không gian của những bóng ma cũ và mới. Không gian của người sống kẻ chết xen lẫn nhau, bởi hơn ai hết bà đang sống cùng với quá khứ, chia sẻ quá khứ và mặc nhiên bà nghĩ mình đang thở cái không khí của ngày hôm qua, khi những đứa con bà lần lượt ra đi.
Năm 2012 tôi có mở một cuộc triển lãm riêng tôi có bày bức tranh này và dưới bức tranh tôi có lấy hai câu thơ của Nguyễn Duy để ở dưới.
Tôi nhớ trong cuộc triển lãm ấy có hai họa sĩ người Mỹ tới xem và xem rất kỹ, sau đó họ có nhờ một anh bạn tôi phiên dịch lại với tôi như thề này. Chúng tôi đã được xem nhiều tranh về đề tài chiến tranh nhưng tranh này của ông không hề thấy có súng và khói lửa, bom đạn nhưng sự ghê rợn đau đớn khốc liệt của chiến tranh thì đã bao trùm toàn bộ bức tranh này, xin cám ơn ông. Đấy là câu mà hai họa sĩ người Mỹ đã nói.
Bức tranh đã xô đẩy người xem ngã nghiêng cùng những suy tưởng rất riêng. Bạn có thể bật dậy khi đã về tới nhà và nhớ lại một chi tiết nào đó mà khi xem tranh bạn chưa phát hiện ra. Bạn cũng có thể thay đổi thái độ trước nét vô tư của con bướm, vật duy nhất không bị chi phối bởi những cái chết. Nét vô tư ấy đã cân bằng bớt tâm trạng mà bức tranh mang tới. Tác giả có muốn bạn bị ám ảnh hay không không phải là điều quan trọng, mà chính bạn, bạn có tự cho phép mình bị ám ảnh hay không lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Tôi nghĩ rằng ngày 30 tháng 4 ấy nếu chiến thắng thì chiến thắng của cả dân tộc. Ngày 30 tháng 4 là ngày thông nhất đất nước, chiến thắng của một dân tộc không có sự phân chia nào cả. Bây giờ thì có điều mà tôi suy nghĩ là cái dân tộc này phải thống nhất lại để bảo vệ kẻ thù phương Bắc luôn luôn lúc nào cũng dòm ngó từ ngày dựng nước hàng mấy nghìn năm nay cho đến bây giờ không khi nào nó buông tha ý đồ xâm lược ở bờ biển, đất nước của chúng ta.
Câu chuyện 40 năm gói gọn trong một bức tranh là điều khó làm.
Dấu ấn 40 năm qua hình ảnh của bà mẹ gắn với niềm nhớ nhung các con của bà là chiếc gai nhọn làm cho chúng ta, những người xem tranh, khó tránh được trầy xướt. Vết thương chiến tranh vẫn tiếp tục rỉ máu mỗi khi có người nhắc lại như một chiến thắng hào hùng.
Còn bà, có lẽ vết thương không còn nữa vì con cái vẫn bao quanh mỗi lần khói nhang dậy mùi trong căn nhà ọp ẹp. Mỗi một bát nhang tàn tro là một niềm vui, cho dù niềm vui ấy thật khó mà diễn đạt bằng lời.
Phạm Tuấn Dũng đã rất thành công khi kéo dài niềm vui đơn sơ và ngắn ngủi ấy của bà mẹ qua cách mà ông diễn đạt: “Cuộc chiến đã đi qua”.
Vâng, cuộc chiến đã đi qua nhưng đâu đó trên những con đường Việt Nam lưu lạc khắp cùng thế giới vẫn sót lại biết bao là mảnh vỡ.

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2015

CHUYỆN TÌNH CỦA CHÀNG LỰC SĨ TÍ HON

Chuyện tình đẹp như mơ của chàng lực sĩ tí hon và bạn gái khổng lồ
M.A | Theo Daily Mail | 30/03/15 16:45
Anh Anton Kraft luôn cảm thấy hạnh phúc và thoải mái bên cô người yêu khổng lồ, dù chiều cao của cả hai chênh lệch khá lớn.
Anh Anton Kraft (sống tại Florida, Mỹ) được xem là lực sĩ tí hon mạnh mẽ nhất thế giới. Tuy chỉ cao 1,3m, nhưng Anton (52 tuổi) có thể nâng tạ với trọng lượng hơn 228kg.
Chuyện tình giữa anh Anton và cô người yêu China Bell cũng phần nào làm người khác tò mò.
Cô China Bell cao đến hơn 1m9, dù ngoại hình của cả hai có sự chênh lệch khá lớn, nhưng Anton cho biết cả hai không gặp bất kỳ trở ngại nào. Và Anton còn tự nhận mình đang là “người đàn ông hạnh phúc nhất thế giới”.
Anh Anton Kraft và bạn gái China Bell
Cô Bell (43 tuổi) là một người chuyển giới. Ngay từ lần đầu tiên gặp Anton, cô đã bị ấn tượng bởi kỹ năng đẩy tạ của anh.
“Tôi khác biệt, anh ấy cũng khác biệt. Sự khác biệt đó giúp chúng tôi đến bên nhau” – cô cho biết.
Sự chênh lệch của ngoại hình không thể ngăn cản được tình yêu mà cả hai dành cho nhau
Kể về chuyện tình của mình, Anton chia sẻ: “Chúng tôi từng cố gắng chống xã hội, nhưng giờ mọi thứ đã thay đổi. Bang Florida chấp nhận việc kết hôn đồng giới và chúng tôi quyết định tìm đến đây để được ở bên nhau. Tôi yêu bạn gái mình, cô ấy đã làm nhiều điều để trở thành một phụ nữ. Tôi cảm thấy mình là người may mắn nhất hành tinh. Anh cảm ơn em rất nhiều, China Bell”.


Ảnh Anton có thể nâng tạ trọng lượng hơn 200kg
Tin Update


2