Trang

Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

VỀ HAI CON TRAI CỦA ÔNG HUN - SEN

Chuyện nhiều con lãnh đạo của Việt nam được "bầu" làm lãnh đạo tại đại hội ĐCSVN các cấp gần đây đang được nhiều người quan tâm. Nó liên quan đến lẽ công bằng, tính dân chủ, hiệu quả của việc tìm người tài phục vụ sự nghiệp chấn hưng đất nước...Nhiều ý kiến khác nhau đã được phát biểu tuy nhiên chưa có kết luận cuối cùng. Nhà báo Huy Đức qua câu chuyện về hai con trai của ông Hun- Sen đã cho rằng Việt nam còn rất lâu mới có thể bằng được CPC

Không biết có phải vì các "thái tử đảng" xuất hiện ồ ạt ở Việt Nam mà Phnom Pênh cũng đang có tin đồn, Hun Sen sắp đưa con trai mình lên thay thế. Hôm 19-10-2015, Hun Sen đã phải trấn an:  "Campuchia (CPC) là một thể chế dân chủ. Thậm chí, Vua cũng được chọn bởi Hội đồng tôn vương. Ở CPC muốn trở thành lãnh đạo phải thông qua bầu cử ".

Hun Sen hiện đang có hai người con theo chân bố: Hun Manet sinh 1977 và Hun Many sinh 1982. Hun Manet tốt nghiệp West Point năm 1999, sau đó lấy bằng tiến sỹ tại đại học Bristol (Anh), hiện đang là Phó tư lệnh Lục quân CPC. Hun Many - từng du học ở Mỹ, Pháp, Úc - là thủ lĩnh thanh niên CPP, đắc cử nghị sỹ trong cuộc bầu cử tháng 7-2013.

Hun Manet là người CPC đầu tiên học ở Học viện quân sự West Point và là một trong bảy học viên nước ngoài tốt nghiệp cùng khóa. Tất nhiên, yếu tố "con trai Hun Sen" đóng một vai trò quan trọng để Hun Manet trở thành tướng ba sao (2013) [Quân đội CPC đang có 5400 tướng + khoảng hơn 500 tướng công an]. Nhưng, để trở thành Phó tư lệnh Lục quân, Hun Manet cũng đã phải trải qua từng nấc thang: Phó tư lệnh cảnh vệ; Tư lệnh lực lượng chống khủng bố... Và, phải lập công.

Trong cuộc đụng độ với quân đội Thái Lan trên biên giới, nổ ra từ năm 2008 đến 2011, Hun Manet đã được tăng cường vào thời điểm khó khăn nhất và trở thành một trong những chỉ huy xuất sắc; rồi trở thành một trong những người thương thảo chính với Thái Lan về vấn đề biên giới; là thành viên quan trọng đại diện cho Campuchia tại tòa án quốc tế La Haye với phán quyết cuối cùng về ngôi đền Preah Vihear nghiêng về phía Campuchia.

Ngày 16-10-2015, trả lời phỏng vấn đài truyền hình ABC của Australia về việc liệu ông có thể trở thành Thủ tướng CPC trong tương lai, Hun Manet nói: “CPC là một thể chế dân chủ đa đảng. Hiến pháp quy định cứ 5 năm chúng tôi phải tiến hành bầu cử. Vì thế sự lựa chọn ai và khi nào trở thành lãnh đạo tùy thuộc vào nhân dân CPC”.

Cũng hôm 19-10-2015, Son Chhay - một nghị sỹ đối lập, CNRP - đã phải thừa nhận: "Hun Manet có khả năng và tất cả kỹ năng để cải thiện hình ảnh quân đội. Khi CNRP lên nắm quyền, tướng Hun Manet có thể vẫn là một tư lệnh tốt của lực lượng vụ trang Hoàng gia". Thế nhưng, người em của Manet, Hun Many hiện lại đang được đánh giá cao hơn cả người anh.

Năm 2015, Hun Many là một trong 19 người nhận giải thưởng Gusi Peace Prize - giải thưởng của tổ chức Gusi Prize Interrnational có trụ sở tại Manila (Philippine) - dành cho lãnh đạo thanh niên và những nhà hoạt động nhân đạo. Hun May cũng đã nhận giải thưởng quốc tế với tư cách là một người “Bảo vệ các di sản văn hóa”. Năm 2013, Hun Many, chứ không phải ông anh, ra tranh cử và trở thành nghị sỹ.

Chỉ đến khi Hun Sen rời khỏi vị trí quyền lực, chúng ta mới biết rõ thực tài của Manet và Many nhưng cái cách mà họ đang "đi" rõ ràng rất khác hai người con trai của Thủ tướng Việt Nam và con của các nhà lãnh đạo địa phương mới xuất hiện sau kỳ đại hội.

Tại sao những người có bằng cấp và trẻ tuổi được "trao trọng trách" thay vì là tín hiệu đáng mừng lại trở thành câu chuyện đám tiếu trong thiên hạ.

Trong một nhà nước minh bạch, những người phục vụ trong bộ máy công quyền được phân chia ra các ngạch chính như: chính trị gia (nắm quyền thông qua bầu cử); các viên chức chính trị bổ nhiệm (được các nhà hành pháp lựa chọn và được các cơ quan lập pháp phê chuẩn) và các viên chức hành chánh...

Không phải tuổi tác hay bằng cấp mà là lá phiếu của cử tri quyết định số phận của các chính trị gia. Các chính trị gia đứng đầu các cơ quan hành pháp vẫn thường bổ nhiệm một số thành viên trẻ tuổi, có bằng cấp, để "làm đẹp nội các" nhưng không chính trị gia nào lại đi chọn những người vô danh. Vì, ngoài việc phải đối diện với nghị viện khi phê chuẩn họ còn phải đối diện với cử tri. Nếu chọn những kẻ vô tích sự thì không sớm thì muộn, họ sẽ bị cử tri lật đổ.

Các chính trị gia, các nhà hoạch định chính sách mới cần có những năng lực hơn người. Còn viên chức hành chánh là những vị trí thừa hành, thủ tục thế nào thì cứ thế mà làm, không được cật vấn, không sáng kiến. Một nền hành chính chuyên nghiệp không ai lãng phí nguồn nhân lực bằng cách chọn "người tài" làm công việc của những người chỉ cần có trình độ trung bình.

Nếu không tách bạch như vậy, nếu cứ đẩy các chuyên viên hành chánh leo từng bậc, nhảy từ ngạch này sang ngạch kia. Thì nếu không phải con ông cháu cha, cũng chỉ chọn được những kẻ quen thừa hành và giỏi ăn chia lên làm lãnh đạo.

Nếu xét về bằng cấp chuyên môn, Nguyễn Thanh Nghị chỉ là một kỹ sư chuyên về kết cấu. Đâu phải cứ học về xi măng sắt thép là có thể đứng đầu ngành xây dựng. Sẽ là hợp lý nếu cho Nghị phụ trách kỹ thuật của một công trình hay trực tiếp đào tạo các kỹ sư. Đưa Nghị lên thứ trưởng là đánh đổi một nhà chuyên môn được học bài bản lấy một amateur về chính sách.

Những người như Nghị cũng có thể từ bỏ chuyên môn để làm chính trị và không nên hỏi tuổi một người làm chính trị. Nhưng không thể không hỏi Nghị đã làm được những gì để ở tuổi ấy và chỉ trong một nhiệm kỳ lại có thể "ghế trên ngồi tót sỗ sàng" như thế.

Một người được học hành đàng hoàng ở những nền giáo dục tiến bộ trở thành lãnh đạo dù sao cũng vẫn tốt hơn những người đi từ trong rừng ra với văn hóa lớp ba. Nhưng, không thể không hỏi vì sao những người cùng thời, tự tìm kiếm học bổng (chứ không phải đi học bằng tiền ngân sách) có nhiều thành tích cá nhân lại không thể leo lên như những người có bố làm thủ tướng hay bí thư tỉnh ủy.

Hổ phụ có thể sinh hổ tử.

Một nhà lãnh đạo tử tế chắc chắn sẽ để lại những di sản chính trị tốt đẹp cho con cái. Những di sản đó sẽ thêm giàu có nếu con cái họ "nhận thừa kế" thông qua lá phiếu của dân (như Benigno Aquino III, Park Geun-Hye hay Justin Trudeau...). Và, những di sản đó cũng sẽ ngay lập tức trở thành vết nhơ lịch sử nếu những đứa con vội vã nhận trực tiếp "từ tay bố" dưới hình thức những chiếc ghế.

Ngay cả các "thái tử đảng" của Trung Quốc cũng phải tự lặn ngụp trong chính trường và phần lớn đều thăng tiến sau khi cha mẹ họ không còn sống hoặc không còn chức tước.

Năm 1982, từ văn phòng Quân ủy Tập Cận Bình được "luân chuyển" xuống cơ sở, làm bí thư huyện ủy. Phải mất 18 năm, leo từng bậc thang, Tập mới lên được chức tỉnh trưởng Phúc Kiến (2000). Bạc Hy Lai cũng mất một thời gian tương tự (1984-2001) để đi từ phó bí thư huyện ủy lên tới chủ tịch tỉnh Liêu Ninh, dù cha - Bạc Nhất Ba - lúc đó là một người rất có ảnh hưởng tới Giang Trạch Dân.

Ở CPC, Hun Sen thực sự thâu tóm phần lớn quyền bính và đang điều hành đất nước này như một nhà độc tài. Nhưng, ngay cả Hun Sen cũng không dám trơ trẽn cho con cái nắm quá nhiều quyền lực.

Hun Sen làm như thế vì vừa là một người khôn ngoan. Một tiểu thương trước khi để lại tiệm phở cho con cũng phải thử thách người thừa kế bằng những việc như rửa chén, bưng bê. Chỉ có những nhà lãnh đạo thiển cận mới trao quyền lực cho những "cậu ấm", ngoài việc đèn sách, chưa bao giờ tự mình làm một việc gì cho tới đầu tới đũa.

Nhưng Hun Sen phải làm như thế còn vì nền chính trị CPC, dẫu chưa thực sự dân chủ, cũng đã có đối lập và có khá nhiều quyền tự do ngôn luận. Campuchia không phải là một hình mẫu cho Việt Nam. Nhưng còn rất lâu, Việt Nam mới có thể bằng CPC, kể cả dân trí và quan trí.

Chỉ trong một nền chính trị không có vai trò của dân, những nhà lãnh đạo thiếu liêm sỉ mới có thể thu vén cá nhân vô độ.

Huy Đức

Thứ Hai, 12 tháng 10, 2015

SÂN KHẤU LỚN

Hội nghị BCHTƯ 12 vừa kết thúc với thành công tốt đẹp. Trong hội nghị này vấn đề quan trọng nhất và cũng là vấn đề được toàn dân quan tâm nhất là vấn đề nhân sự của ban lãnh đạo mới của Đảng. Do ĐCSVN là đảng duy nhất nắm toàn bộ quyền lực trên chính trường VN nên chất lượng của ban lãnh đạo mới có vai trò quyết định đối với vận mệnh của Đất nước trong nhiệm kì tới. Vậy nên những người yêu nước, quan tâm đến vận nước không thể không quan tâm, theo dõi vấn đề này. Nhiều dự đoán đã được đưa ra và đây là một trong số đó.

                  Phương án Nhân sự trình Hội nghị trung ương 12

                                                              Dân Luận
 
Ngày 11/10/2015, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương (BCHTW) Đảng CSVN lần thứ 12 – khóa 11 sẽ bế mạc, với vấn đề quan trọng nhất là chuẩn bị nhân sự cao cấp cho Đại hội Đảng lần thứ 12 vào đầu năm 2016 đã được Ban CHTW thông qua. Dưới đây là một số thông tin ghi nhận được bên lề Hội nghị Trung ương 12 từ các nguồn tin.
Vấn đề nhân sự ai ở, ai đi hay chuyện cơ cấu nhân sự cho Đại hội Đảng 12 của các chuyên gia là chuyện dự đoán trên cơ sở thu thập các thông tin từ những nguồn tin là người trong cuộc, ở đây là các quan chức cao cấp trong đảng. Độ tiếp cận các thông tin ở mức càng cao bao nhiêu thì độ xác thực của các thông tin đưa ra càng chính xác bấy nhiêu.



Các phân tích gần đây của ông Lê Hồng Hiệp và giáo sư Carl Thayer (Úc) đều có một đánh giá chung cho rằng ông Nguyễn Tấn Dũng đang ở thế thượng phong so với các đối thủ chính trị khác và hy vọng cho ông Nguyễn Tấn Dũng ở cái ghế tổng bí thư đảng CSVN.
Tuy vậy tất cả đều là sự phỏng đoán, vấn đề các vị trí nhân sự quan trọng nhất sẽ do BCHTW quyết định.
Nhiệm vụ trọng tâm của công tác nhân sự trong Hội nghị BCHTW 12 sẽ là: thông qua phương án đối với các trường hợp nhân sự đặc biệt của Bộ Chính trị và BCHTW cần thiết cho khóa 12; chốt cơ cấu của Bộ Chính trị là 17 hay 19 thành viên và xem xét việc tăng số lượng các Ủy viên BCHTW; dự kiến danh sách các thành viên của 2 cơ quan lãnh đạo này; dự kiến nhân sự cho các chức danh chủ chốt – tứ trụ để các thành viên thảo luận.
Được biết, Bộ Chính trị đã trình BCHTW 3 phương án nhân sự chủ yếu để cho Ban CHTW bàn bạc như sau:
1. Phương án 1: Đảm bảo tính kế thừa
Việc lựa chọn một đồng chí có kinh nghiệm điều hành quản lý sẽ nắm chức vụ Tổng Bí thư Đảng sau Đại hội 12 là yêu cầu hết sức cần thiết và phù hợp với tình hình trong gia đoạn mới. Tuy vậy, để đảm bảo tính chuyển tiếp và kết thừa thì cũng cần thiết một phương án phù hợp, đặc biệt là quan hệ đối ngoại.
Dự kiến:
TBT – Nguyễn Tấn Dũng; TT: Trần Đại Quang; CTN: Nguyễn Thiện Nhân; CTQH: Phạm Quang Nghị.
2. Phương án 2: Trẻ hóa cán bộ
Độ tuổi của các Ủy viên Bộ Chính trị không quá 63 tuổi (sinh năm 1953), đây là yêu cầu được đưa ra từ số đông các Ủy viên Trung ương được cho là thuộc phe của ông Dũng:
Dự kiến:
TBT: Nguyễn Tấn Dũng; TT: Trần Đại Quang; CTN: Nguyễn Thiện Nhân; CTQH: Nguyễn Thị Kim Ngân
3. Phương án 3: Lựa chọn theo quy định
Trong trường hợp các nhân sự đặc biệt không được BCHTW thông qua, thì phương án nhân sự sẽ được thực hiện theo đúng quy định và BCHTW bầu theo điều lệ của đảng trên cơ sở các nhân sự của Bộ Chính trị trình BCHTW.
Dự kiến:
TBT: Trần Đại Quang; TT: Nguyễn Xuân Phúc; CTN: Nguyễn Thiện Nhân; CTQH: Nguyễn Thị Kim Ngân
Phương án nhân sự do Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành trung ương trong Hội nghị BCHTW Đảng lần thứ 12 để thảo luận cũng chỉ là đường hướng mà Hội nghị BCHTW 12 lần này chốt lại ở mức sơ bộ.
Điều này sẽ còn được bàn bạc ở các Hội nghị BCHTW tiếp theo nếu cần thiết.
Theo nguồn tin cho biết, thì các vị như ông Trần Đại Quang, ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Nguyễn Thiện Nhân và bà Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ là ứng viên cho 4 chức vụ quan trọng.
Số lượng Ủy viên Bộ Chính trị sẽ là 17 người.
Dự kiến các Ủy viên Bộ Chính trị khóa 11 ở lại khóa sau chỉ còn 8/16 vị.
Các ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Sinh Hùng, Tô Huy Rứa, Lê Hồng Anh, Trương Tấn Sang, Ngô Văn Dụ, Phùng Quang Thanh, Lê Thanh Hải sẽ nghỉ.
Danh sách bổ xung sẽ bao gồm: Đỗ Bá Tỵ, Ngô Xuân Lịch, Phạm Minh Chính, Võ Văn Thưởng, Tô Lâm, Đinh Tiến Dũng, Trịnh Đình Dũng, Nguyễn Hòa Bình và Phạm Bình Minh.
Điều đáng nói là ông Vũ Đức Đam không có tên trong danh sách dự kiến này.
Lâu nay, ban lãnh đạo Việt nam tiến hành quản lý theo phương thức lãnh đạo tập thể, tập thể cùng quyết và cùng chịu trách nhiệm đã dẫn đến tình trạng vai trò của Bộ Chính trị và Tổng Bí thư đã khá lu mờ, do sự bất đồng nội bộ. Do đó mọi vấn đề lớn và quan trọng cho đến nay đều phải được đưa ra bàn bạc tại Hội nghị BCHTW. Lối làm việc này dẫn đến tình trạng trong Bộ Chính cá mè một lứa, không ai bảo được ai, đây chính là nguyên nhân khiến cho các quyết định từ cơ quan cao nhất không có hiệu lực.
Từ đó có ý kiến thấy rằng quyền lực trong đảng cần phải được tập trung trong tay một người thì sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Tuy vây, phương án này đã không được thống nhất trong Bộ Chính trị, với lý do sẽ dẫn tới tình trạng lãnh đạo độc đoán như trường hợp Tổng Bí thư Lê Duẩn trước đây. Tuy vậy đa số Ban CHTW lại ủng hộ phương án này, đó là phương án Tổng Bí thư kiêm chức vụ Chủ tịch nước theo mô hình Trung quốc.
Đánh giá chung của Hội nghị Trung ương 12 là phe cải cách của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có ưu thế vượt trội và áp đảo, dù rằng có tin cho rằng ông Nguyễn Tấn Dũng tỏ ra mệt mỏi. Song cơ cấu nhân sự có quá nhiều những nhân vật vốn xuất thân từ ngành Công an là một điểm mờ cho ban lãnh đạo khóa tới.
Tin giờ chót: Nhân sự cho các chức danh “tứ trụ” và đặc biệt là chức danh Tổng Bí Thư cũng chưa được chốt lại lần cuối và sẽ tiếp tục được bàn bạc thêm.

Thứ Ba, 6 tháng 10, 2015

TỪ SYRIA HÃY QUAY VỀ VIỆT NAM


    Mấy hôm nay LUSONQUELAM tập trung sự quan tâm vào vấn đề Nga tiến hành không kích lực lượng IS(?) ở Syria. Ở trong nước Đại hội XII của ĐCSVN đang đến gần cũng đang nhận được sự quan tâm rất lơn của mọi tầng lớp nhân dân. Ban Chấp hành TW đang họp bàn về Đại hội. Việc đóng góp ý kiến cho bản dự thảo báo cáo chính trị tại đại hội hình như cũng đang được tiến hành song không mấy sôi nổi. Tuy lác đác nhưng có những ý kiến rất đáng quan tâm, thể hiện tâm huyết cũng như trí tuệ của những người đóng góp. Dưới đây xin giới thiệu một trong số đó mà bản thân tôi thấy tâm đắc.

"Tôi bàng hoàng tự hỏi: Chẳng lẽ đây là người VN ta?’                                                                                 Cập nhật :    01:00   05/10/2015


   "Cái mà chúng ta chưa làm được lớn nhất không phải là phát triển kinh tế mà là việc xây dựng con người"
 TS.Lê Kiên Thành, con trai cố TBT Lê Duẩn, chia sẻ cùng Tuần Việt Nam những trăn trở của ông về vấn đề con người trong dự thảo báo cáo chính trị của BCH TW khóa XI cho Đại hội khóa XII.
Lê Kiên Thành, Lê Duẩn, Đại Hội Đảng, con người, người Việt, XHCN, đảng viên
TS. Lê Kiên Thành. Ảnh: Minh Trí/ Một thế giới
Cái chưa làm được lớn nhất là xây dựng con người

Nhà báo Duy Chiến: Thưa ông, xuất thân từ gia đình truyền thống, với tư cách là một đảng viên, một doanh nhân, chắc ông đã nghiên cứu dự thảo báo cáo chính trị của BCH TƯ Đảng  Đại hội 12. Điều ông quan tâm nhất trong báo cáo này là gì?
TS. Lê Kiên Thành:  Báo cáo chính trị là sự tổng kết, đánh giá kết quả những gì chúng ta đã làm trong 5 năm qua một cách toàn diện, cả được và chưa được. Những năm vừa qua, nhìn nhận và quan sát sự vận hành của xã hội ta, cái tôi quan tâm nhất, đó là con người.
Chương 7 “Phát triển văn hóa và xây dựng con người” của báo cáo đã có nhận định tình hình chung và đánh giá về công tác này. Trong 6 nhiệm vụ trọng tâm thì nhiệm vụ thứ 6 cuối cùng cũng nói tới phát huy nhân tố con người. Như vậy, chương 7 và “nhiệm vụ thứ 6  trong 6 nhiệm vụ” đề cập đến xây dựng con người.
Và đây là phần tôi quan tâm, lo lắng, ưu tư nhất trong tình hình xã hội của chúng ta giai đoạn hiện nay. Bởi vì, suy cho cùng thì “nguyên nhân của mọi nguyên nhân”, thành hay bại, cũng do yếu tố nhân tố con người quyết định. Chúng ta phải hiểu rằng rất nhiều điều chúng ta chưa làm được là do chúng ta chưa xây dựng được con người cần thiết. 

Phần ghi nhận và đánh giá về con người và văn hóa trong dự thảo đã đề cập, ông thấy chưa đầy đủ và chưa thỏa đáng như thế nào?
TS Lê Kiên Thành: Nhìn vào xã hội chúng ta đang sống trong những năm vừa qua, với cách đánh giá và xác định nhiệm vụ “xây dựng con người” ở vị trí cuối cùng trong 6 nhiệm vụ quan trọng này, theo tôi, dự thảo đã đặt ở vị trí không thỏa đáng.
Trong khi đó, cái mà chúng ta chưa làm được lớn nhất, đáng lo nhất trong thời gian vừa qua không phải là ở kinh tế, mà ở việc xây dựng con người! Tôi xin nói thẳng đó là sự thất bại, chứ không phải sự sự xuống cấp, suy đồi, như trong dự thảo!
Có lẽ chưa bao giờ hình ảnh dân tộc ta đang bị xuống cấp vô cùng trầm trọng như hiện nay. Theo dõi truyền thông có thể thấy trong không ít vụ án kẻ sát nhân xuống tay với nạn nhân quá dễ dàng, đơn giản.  Một con người chưa bao giờ phạm tội ác có thể giết một lúc 4 người, có cả trẻ em, mà không có mảy may gợi nên chút sợ hãi. Hay cháu giết bà nội, con có thể giết cha...
Điều đó nói lên cái gì? Đó là, chúng ta đang hủy hoại tài nguyên lớn nhất, sức mạnh lớn nhất, quyết định nhất là con người! Đáng lo nhất là trong dự thảo báo cáo chính trị không có một hướng nào để giải quyết.
Hồi xưa Bác Hồ có nói: “Muốn xây dựng CNXH thì phải có con người XHCN”. Tuy nhiên, tôi có cảm giác như chúng ta chưa tự tin vào chính mình, chưa dám đặt ra định hướng cho dù CNXH còn lâu mới đến. Chúng ta đang xây dựng con người mà chính cái xã hội đó chưa hình thành, chưa tồn tại, vậy chúng ta có thể làm được điều đó không?
Được chứ! Cho dù CNXH chưa đến, nhưng chúng ta vẫn hình dung được những tố chất của những con người của xã hội mới đó. Muốn như thế thì những con người đó phải bảo tồn cho được những tố chất truyền thống của dân tộc đã từng tôi luyện qua bao nhiêu năm, đồng thời con người đó phải biết hấp thụ những tinh hoa của thời đó. Đó là con người gì? Trong dự thảo hoàn toàn còn thiếu định hướng đó. Chừng nào ta chưa nói được điều đó thì tất cả những mâu thuẫn xã hội hiện nay chưa giải quyết được!
Tóm lại, rõ ràng con người và những vấn đề về con người phải được đặt lên hàng đầu, chứ không phải vào vị trí cuối cùng như trong dự thảo!

Những phẩm chất cao đẹp, nhân văn đã đi đâu?
Thưa ông, con người và tài nguyên con người, sức mạnh lớn nhất của Việt Nam chúng ta theo quan điểm của ông, họ như thế nào? Ông có thể phác họa vài nét về hình hài con người đó?
TS Lê Kiên Thành: Có thời điểm người nước ngoài nhận định về xã hội ta là “Ra ngõ gặp anh hùng”. Đó là sự thật và không phải ta tự nói về ta. Nhà báo nổi tiếng Úc Uyn-phret Bơc-sét nhìn thấy hình ảnh cô du kích áp giải phi công Mỹ đã thốt lên: “Súng thì dài hơn người, chiến công thì nhiều hơn tuổi”! Con người VN có thời điểm lịch sử bừng sáng đến như vậy, nhờ vậy đã giải quyết được những vấn đề rất lớn mà lịch sử đặt ra cho dân tộc VN vào thế hệ đó.
Đó không phải là những con người duy ý chí, không thật. Họ hoàn toàn thật, sống vì gia đình con cái chứ không phải quên hết tất cả. Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng chúng ta có thể hoạch định chiến lược vừa giữ gìn vừa xây dựng được lớp con người mới VN. Cái mới này phải hoàn toàn mang tính chất của người VN cũ là yêu thương dân tộc, hàng xóm, con người và say mê lao động, có trách nhiệm với đất nước.
Lê Kiên Thành, Lê Duẩn, Đại Hội Đảng, con người, người Việt, XHCN, đảng viên
Sức mạnh lớn nhất, quyết định nhất là con ngườiẢnh minh họa
Vào những năm 1970 – 1971, tôi đã từng chứng kiến cuộc giải tù bình Mỹ từ Hỏa Lò ra sân vận động Hàng Đẫy làm cuộc mít tinh. Hai bên đường nhân dân đứng rất đông. Khi đoàn tù bình đi qua không một tiếng chửi bới, không có gạch đá ném. Người ta nhìn đám tù binh đi trong im lặng. Thỉnh thoảng có người hét to: “Đả đảo đế quốc Mỹ” một cách rất tự phát.Quay lại tính nhân văn của dân tộc, tôi cứ băn khoăn mãi. Hôm trước mở báo ra tôi cứ bị ám ảnh hình ảnh hai ông già đi ăn trộm gà bị bắt, bị đánh hộc máu mồm ra, rồi bắt ngậm con gà chết. Tôi cứ bàng hoàng, tự hỏi: “Chẳng lẽ đây là người VN chúng ta?”
Sau nghĩ lại tôi thấy tự hào về dân tộc mình: Chúng nó đã giết bao nhiêu người, trong đó có nhiều người thân của những người đang đứng hai bên đường. Vậy mà chỉ nhìn chúng đi qua, vừa khinh rẻ, coi thường, nhưng vừa rộng lượng. Con người VN lúc ấy rất đàng hoàng, văn minh, nhân ái, rộng lượng, và chính trên tư thế ấy chúng ta mới thắng Mỹ được.
Thế thì những con người ấy giờ đâu rồi? Những phẩm chất cao đẹp, nhân văn với cả kẻ thù của mình giờ đã đi đâu? Chúng ta chưa làm được nhiều về vật chất thì chúng ta phải giữ được những phẩm giá tuyệt vời như thế. Và không chỉ giữ được mà còn phải nhân ra.
Đảng ta đang khẳng định sự lãnh đạo của mình thì Đảng phải xông vào việc đó, chứ không thể chỉ có vài ý kiến nhạt nhòa như trong dự thảo. Đó là tôi chưa nói về những tiêu chí liên quan đến con người cũng rất quan trọng.

Đó là tiêu chí gì, thưa ông?
TS Lê Kiên Thành: Đó là tiêu chí thất nghiệp và chỉ tiêu giải quyết công ăn việc làm cho con người.
Việc con người có việc làm ảnh hưởng sâu rộng đến con người, không chỉ đến đời sống mà ảnh hưởng tới toàn thể con người, kể cả đạo đức, tinh thần, văn hóa và quyền con người. Con người có quyền rất lớn là quyền được lao động để mà sinh sống. Cho nên đối với các đảng cầm quyền, một trong những mục tiêu của họ là sẽ đưa chỉ số thất nghiệp từ bao nhiêu xuống bao nhiêu.
Thất nghiệp nói lên cái gì?  Đó không chỉ là nhu cầu sống mà còn là an ninh xã hội. Vừa rồi tất cả các chuyện xảy ra tôi cho rằng phần lớn chúng ta chưa đáp ứng được quyền của con người, tức quyền có công ăn việc làm. Từ đó gây ra chuyện xuống cấp về con người.
Sự xuống cấp của quan chức là ở góc độ khác. Bởi họ được tiếp cận với quá nhiều quyền lợi mà không giữ bản thân. Còn xuống cấp trong xã hội nói chung vì quá nghèo khổ, không có công ăn việc làm.
Hiện nay tỷ lê thất nghiệp của VN là bao nhiêu? Chúng ta chưa có con số chính xác và chính thức, nhưng cá nhân tôi nghĩ, thất nghiệp không dưới 15 – 17%. Và chưa bao giờ tỷ lệ thất nghiệp và chỉ tiêu giải quyết công ăn việc làm được đưa báo cáo của Chính phủ hay báo cáo chính trị của Đảng như thế này. Từ cái không đúng cơ bản này sinh ra vô vàn những vấn đề khác.
Thực ra những cái đó nếu Đảng lãnh đạo được thì vai trò của Đảng mới thể hiện rõ. Từ trước đến nay chúng ta tác động rất mạnh vào con người để huy động sức người, sức của cho cuộc chiến tranh mà sự chênh lệch vật chất rất lớn giữa một bên là nước Mỹ một bên là VN. Cái gì để đẩy sức mạnh vật chất lên ngang tầm để thắng Mỹ?
Người ta đã tổng kết muôn đời rồi, không thể dùng tinh thần thắng vật chất được mà phải vật chất thắng vật chất. Vậy cái gì ở VN trong thời điểm đó đẩy cái vật chất bé nhỏ này thành vật chất lớn để chọi lại vật chất khổng lồ kia? Tinh thần chỉ nằm một phần trong khái niệm đó thôi. Để làm được điều đó thì phải cho tất cả quyện lại với nhau tạo ra lượng vật chất thật để chống chọi.
Trong công cuộc xã hội mới này nếu chúng ta làm được như vậy thì cũng có thể từ thu nhập thấp đẩy chất lượng cuộc sống lên tầm cao như chất lượng cuộc sống của những nước có thu nhập cao. Khi chúng ta đổi mới, thì việc đụng đến con người mới XHCN là tránh né, ngại đề cập, xem nó như cổ hủ, lỗi thời. Nếu chúng ta xây dựng được con người XHCN trong nền kinh tế thị trường này thì đó mới là định hướng thật, là sự khẳng định có định hướng XHCN.
Con người XHCN làm chủ kinh tế thị trường, tại sao không? Đó mới là sự khác biệt của chúng ta thật sự. Chính phủ lo về phát triển kinh tế, còn Đảng phải lo về con người, xây dựng con người. Nắm được con người là nắm được cốt lõi của vấn đề, nắm được tất cả và chi phối được điều chúng ta muốn khẳng định là định hướng XHCN. Không thể khác được!
>> Xem tiếp Kỳ 2:‘Phải bắt đầu ngay từ đảng viên chức vụ cao’
                                                                                                                          Duy Chiến
TS. Lê Kiên Thành sinh năm 1955, là con trai của cố TBT Lê Duẩn.Ông tham gia quân đội rất sớm, từ năm 1972, vào Đảng năm 1976. Từ năm 1990, ông đã nghỉ công tác tại cơ quan nhà nước để tham gia làm kinh tế tư nhân. Ông từng là Chủ tịch HĐQT ngân hàng Techcombank. Hiện nay ông Chủ tịch HĐQT Công ty CP xây dựng và phát triển đô thị, Tổng giám đốc công ty Thiên Minh…. 
     Có một điều mà tôi ( chủ blog này ) chưa hoàn toàn tán đồng với tác giả là khái niệm về "con người XHCN". Chúng ta hiện đang có khái niệm nền KT thị trường theo định hướng XHCN mà không ai rõ nội hàm của nó là gì. Không rõ nội hàm mà vẫn cố thêm vào là sự bảo thủ,rất hàm hồ và rất có hại. Nó tựa như tạo ra một đám sương mù phía trước làm mất phương hướng của người đi. Thay cho khái niệm này là khái niệm về "con người Việt nam mới" với những phẩm chất như tử tế, yêu nước, năng động, cầu tiến....rất cần thiết để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt nam thân yêu. 

Xem thêm tọa đàm với GS Trần Ngọc Thêm về 30 năm đổi mới nhìn từ Văn hóa:

Thứ Năm, 1 tháng 10, 2015

NHÀ CAO NHÀ THẤP Ở WASHINGTON DC

Ở Thủ đô Hoa kì các tòa nhà không được cao hơn tòa nhà Quốc hội trên đồi Capitol là có ý nghĩa rằng pháp luật là tối thượng. Ngoài ra, chiều cao các tòa nhà còn bị hạn chế vì lí do an ninh. Xin tham khảo thêm cách nhìn vấn đề này của người Mĩ qua bài dưới đây.

Đôi điều về chiều cao các tòa nhà ở Washington DC

                                                        Hiệu Minh Blog

Một góc của DC chụp từ gác thượng của Kennedy Center. Ảnh: HM
Một góc của DC. Ảnh: HM
Kể từ năm 1790, thủ đô Washington District of Columbia (viết tắt là DC) được thành lâp, thành phố vuông 16kmx16km = 256km2 (nay đã bớt vuông vì bỏ phần Virginia) và chưa từng mở rộng sau 225 năm. Từ Virginia nhìn sang DC sẽ không thấy cao ốc nào vượt quá 12-13 tầng nên trông từ trên cao, DC như…mặt phẳng.

Thủ đô DC “phẳng” vì có Hiến pháp qui định
Qua hơn 200 năm DC vẫn “phẳng” vì chiều cao của các tòa nhà qui định trong Hiến pháp Hoa Kỳ, được sửa đổi vài lần do thực tế phát triển.
Năm 1894, chung cư Cairo trên phố CU (Q) cạnh quảng trường Dupont Circle, bỗng nhiên xây cao tới 50m, dân sống quanh phản đối rầm trời vì cao ốc phá vỡ kiến trúc thủ đô.
Rối như canh hẹ, Hội đồng thành phố DC đã qui định độ cao của chung cư tối đa 27 m, khu thương mại là 34m, hoặc độ cao của nhà chỉ bằng chiều rộng của mặt phố để, cái nào “ngắn” hơn thì chọn. Qui định này đề phòng khu nhà ở trước công viên lại lấy chiều rộng của công viên hay quảng trường làm độ cao của tòa nhà sẽ có tới hàng trăm tầng. Dân Mỹ lách luật hơi bị giỏi.
Sau mấy năm tranh cãi, Quốc hội Hoa Kỳ khóa 55 thông qua một điều luật gọi là Height of Buildings Act of 1899 – Chiều cao nhà cửa (1899 – năm thông qua) mà độ cao cho phép của các tòa nhà trong DC không cao quá 40m đối với khu buôn bán và khu dân cư không được vượt quá 27m, bỏ qui định lấy chiều rộng mặt phố làm chiều cao của nhà.
Năm 1910 Quốc hội Mỹ lại sửa đổi tiếp, cho phép building chỉ được cao bằng độ rộng mặt phố cộng với 6,1m. Ví dụ, mặt phố rộng 28m độ cao của tòa nhà tối đa là 34,1m (10-12 tầng). Nhưng khu dân cư không được vượt quá 27 m và khu thương mại cũng không quá 40m. VP các bộ các ngành quan trọng đều tuân thủ qui định nghiêm ngặt này. Có vài trường hợp trên đại lộ Pennsylvania được phép cao tới 49m do mục đích thương mại. Thêm 9m cho trường hợp đặc biệt mà Quốc hội cũng phải phê duyệt.
Đồi Capitol nơi có tòa nhà Quốc hội cao 88m và tượng đài Washington (tháp bút) ở giữa DC cao 169m. Với qui định trên thì không có bất kỳ tòa nhà nào trong DC lại vượt mặt nhà Quốc hội và tháp bút Washington. Dân DC mới đồn kiến trúc DC theo phong thủy chính trị “No one is above the law – không ai ngồi trên pháp luật”. Họ dùng luật trong độ cao của nhà cửa để giữ cho kiến trúc thành phố luôn nhất quán và theo đúng nghĩa thượng tôn pháp luật.
Súng bắn tỉa chính xác ở độ xa 2,7km. Ảnh: internet
Súng bắn tỉa chính xác ở độ xa 2,7km. Ảnh: internet
Có một lý do an ninh khá quan trọng. Năm 1963, TT Kennedy bị ám sát do kẻ bắn tỉa ngồi trên tòa nhà cao tầng nên một phát đã làm bay sọ của ông. Phải gọi đây là vụ xa…sát mới đúng. Nếu các tòa nhà gần Capitol Hill cao hơn nhà Quốc hội, an ninh khó được đảm bảo.
Thời nay súng trường bắn tỉa với kính ngắm phóng đại có thể tiêu diệt mục tiêu cách xa vài km là thường. Nếu chiếm được độ cao thì việc xa…sát ai coi như uống ly café hay chén cái bánh ngọt trong starbucks. Đang đứng bỗng ngã vật vì phát đạn vào đầu mà không hề nghe tiếng súng nổ vì súng giảm thanh ngày nay đã tới trình độ nổ không nghe thấy tiếng.
Tháng 11-2009, một lính Anh đã hạ sát hai lính Taliban tại tỉnh Helmand (Afghanistan) ở tầm xa 2,47km bằng khẩu súng Accuracy International L115A3. Một cụ già với khẩu súng ngắn S&W 9mm đã bắn trúng mục tiêu cách xa 914m (1000 yards).
Chưa kể việc theo dõi bằng các thiết bị hiện đại như IT, thiết bị định vị từ xa, nghe lén hay quay phim chụp ảnh cách vài km bình thường như cơm bữa mà chẳng cần vào trong khu nhà nhậy cảm đó dù có được bảo vệ tới đâu.
Vì thế, tại khu quan trọng như tòa nhà chính phủ, phủ tổng thống, nhà quốc hội thường được bảo vệ nghiêm ngặt, bán kính vài km không được xây tòa nhà cao hơn vì lý do an ninh là chính, kiến trúc quan trọng nhưng không thể vượt lên an ninh. Nếu nhà thấp hơn chỉ có thể ngắm sang nhà hàng xóm có cô đang tắm nude mà bắn súng…nước thôi :)
Đôi điều về cao ốc 8B Lê Trực
Tin từ Việt Nam cho hay, dư luận đang nóng về công trình cao ốc 60m trên phố Lê Trực cách lăng Hồ Chí Minh và Nhà Quốc hội chỉ khoảng 400m. Chiều cao của nhà Quốc hội là 39m và lăng cụ Hồ là 21m. Gần đó là Bộ Ngoại giao, phủ Chủ tịch, phủ Thủ tướng, VP Trung ương Đảng CS Việt Nam chỉ cao ba, bốn tầng.
Nhà 8B Lê Trực cạnh lăng HCM. Ảnh từ TPO.
Nhà 8B Lê Trực cạnh lăng HCM. Ảnh từ TPO.
Tòa nhà cao 60m nằm cách đó chưa đến nửa km, mọi hoạt động trong khu vực nhạy cảm này sẽ hoàn toàn trong tầm ngắm của cư dân sống trong cao ốc 8B phố Lê Trực. Chỉ cần cái ống nhòm vài chục đô la, bọn trẻ con có thể ngắm thỏa thích các nghị sỹ trong sân vườn nhà Quốc hội.
Không những cao ốc này sẽ phá vỡ cảnh quan khu Ba Đình mà còn dấy lên những câu hỏi về an ninh. Giá xây dựng của tòa nhà không thể sánh với việc hoạt động của đầu não quốc gia. Hãy nghĩ lại trước khi quá muộn.
HM. 29-9-2015
Bonus trên Wiki. “Phố Lê Trực mang tên đề đốc Hà Nội (1882) vì không giữ được thành nên rút chạy lên Sơn Tây và bị cách chức. Ngày 5-7-1885, kinh đô Huế bị Pháp chiếm, vua Hàm Nghi cùng Tôn Thất Thuyết chạy ra Hà Tĩnh, xuống chiếu Cần vương, kêu gọi sĩ phu và nhân dân đánh giặc Pháp, Lê Trực triệu tập nghĩa binh khởi nghĩa ở vùng Quảng Bình. Sau đó bị giặc đánh ráo riết, ông chạy ra Hà Tĩnh. Ở đây ông hợp sức với Tôn Thất Đàm (con cả Tôn Thất Thuyết) tiếp tục kháng chiến. Cho tới ngày vua Hàm Nghi bị bắt, thấy bất lực, ông giải tán nghĩa binh, về quê nhà, không rõ cuối đời ra sao.
Lời bình của Mao Tôn Cua. Ông chủ tịch Nguyễn Thế Thảo rất giỏi cưa cây mà lẽ ra phải để cây càng cao càng tốt. Nhưng ông không biết cưa nhiều cao ốc lừng lững giữa thủ đô như con voi trong phòng khách mà lẽ ra ông phải để chúng càng thấp càng đẹp. Giá như ông Thảo cưa cao ốc như cưa cây thì dân thủ đô dựng tượng vị kiến trúc sư tốt nghiệp từ Ba Lan. Tuy nhiên, không giữ được vẻ đẹp của Thăng Long, ông nên bị cách chức như cố nhân Lê Trực, về quê  đuổi gà cho vợ.