Trang

Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

NHỮNG HÉ LỘ ĐẦU TIÊN

Blog / Phạm Chí Dũng / Ngày 17 / 11 / 2015

82 nhân sự ‘luân chuyển’, án kinh tế và Hội nghị 13




Có thông tin cho biết Hội nghị 13 “quyết định nhân sự” của Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam có thể sẽ diễn ra vào nửa đầu tháng 12/2015.
Nếu tin tức trên là chính xác, 2015 là năm “lạm phát” hội nghị Trung ương - có đến 4 kỳ họp 10, 11, 12 và 13, so với chỉ một kỳ được Bộ Chính trị tổ chức vào năm 2014.
Sau khi Hội nghị Trung ương 12 kết thúc “bất phân thắng bại” vào nửa đầu tháng 10/2015, Hội nghị 13 có ý nghĩa “quyết định” - nếu quả đúng nó phải là như thế - đối với vô số ý tưởng và mưu đồ sắp xếp, khuynh loát lẫn thâu tóm bàn cờ chính trị quốc gia.
Thời gian để “lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng lần thứ 12” chỉ còn rất ngắn, nếu cuộc hội tụ “giới tinh hoa trong đảng” này diễn ra theo dự kiến vào tháng Giêng năm 2016. Hoặc cho dù Đại hội 12 được tổ chức ngay sau Tết Nguyên đán 2016, không khí cuộc đua vẫn được kích động lên mức cao nhất để không một tay đua nào không bị ám ảnh bởi nỗi bất an thường trực “chiến thắng hay là chết”.
Còn ngay trước Hội nghị Trung ương 13 lại là một lẽ sống còn: trước khi thở phào để tơ tưởng đến vai vế tổng bí thư, người ta cần không bị Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Cchính trị gạt khỏi danh sách đề cử “tứ trụ” do dính dáng đến “tiêu chí đặc biệt”.
Vậy “tiêu chí đặc biệt” có thể là gì?
Án kinh tế
Từ giữa tháng 11/2015, trên mạng xã hội bắt đầu xuất hiện những bài viết về thảm kịch ngân hàng và nội bộ giới lãnh đạo Việt Nam. Những tựa đề như “Em vợ thủ tướng” và “Ai bảo kê cho ông Trầm Bê” của tác giả bằng xương bằng thịt đã trở nên trực diện và đối đầu hơn rất nhiều so với vài bài báo mang tính ẩn dụ kín đáo cùng người viết nặc danh trước đây.
Khá đồng pha, trên mặt báo chí nhà nước cũng hiện ra một số bài viết phê phán, chỉ trích công cuộc “tái cơ cấu ngân hàng” cùng thảm trạng nợ xấu, tuy với liều lượng “nhân đạo” hơn.
Nhưng một chiều kích cần được đặc biệt chú ý và phân tích là khác hẳn chiến dịch “đánh” vào những địa phận được coi là “sân sau” của vài ủy viên Bộ Chính trị trong hai năm 2013 và 2014, khoảng thời gian cuối 2015 lại chứng kiến dòng thủy lưu chảy ngược: không còn là câu chuyện về “doanh nhân thành đạt” Hà Văn Thắm của Ngân hàng Ocean được cho là người của “khối đảng”, mà mũi giáo dường như đang muốn chọc thẳng vào tổng hành dinh của phe chính phủ.
Chi tiết không khó để nhận ra là trong khoảng 3 tháng qua, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình hầu như “mất tích”, trái ngược hình ảnh xuất hiện thường xuyên trước đó. Thay cho ông Bình, người ta thấy vài phó thống đốc khác hiện diện trước công luận và báo chí.
Một thông tin cũng đang rộng dần trên mạng xã hội và cả trên báo chí nhà nước là chiến dịch Ngân hàng nhà nước mua lại 3 ngân hàng thương mại là Xây Dựng, Đại Dương và GP với giá 0 đồng đang bị nghi ngờ có mối khuất tất nào đó. Một lần nữa, xuất hiện một luồng dư luận đặt lại câu hỏi về mối quan hệ mờ ám giữa hai ngân hàng Sacombank và Phương Nam, cùng vai trò của đại gia Trầm Bê.
Gần đây, có đồn đoán rằng ông Nguyễn Văn Bình đang bị điều tra, liên quan đến những vụ việc ở các ngân hàng GP và Phương Nam. Cũng có thông tin cho biết sắp tới, ông Bình có thể “nghỉ”, mà như vậy là còn may cho ông ta.
Trong thời gian chấp nhiệm từ tháng 8/2011 đến gần đây, Nguyễn Văn Bình được một số dư luận xem là “cánh tay mặt” của giới lãnh đạo chính phủ. Ông Bình cũng được một số dư luận cho là có mối liên đới và chi phối mật thiết với các nhóm lợi ích vàng, ngân hàng và ngoại tệ. Có người nói “cứ mổ Nguyễn Văn Bình và giới ngân hàng là ra hết”.
Liên quan đến một ngân hàng lớn của nhà nước là Agribank, một bài viết trên mạng xã hội còn đề cập đến “em vợ thủ tướng” - chỉ đích danh một thiếu tướng an ninh thuộc Bộ công an…
Khác với giới chức đảng mà cách nào đó bị xem là “tháp ngà” và không có nhiều cơ hội để “hành là chính”, những người bên chính phủ đã có một khoảng thời gian hành sự đủ lâu để khiến ngân khố quốc gia gần như cạn kiệt, nhưng cũng vì thế đã lộ ra quá nhiều “gót chân Asin”.
82 nhân sự ‘luân chuyển’ và ‘thế nước đang lên’
Càng gần Hội nghị 13, chiến dịch “luân chuyển cán bộ” càng phả hơi thở buốt gáy nhiều quan chức. Vào dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay, trên một số tờ báo nhà nước bất chợt xuất hiện một bài viết rất dài với nhan đề “Công tác nhân sự cho Đại hội 12 được chuẩn bị kỹ” của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa.
Có lẽ đã khá lâu rồi, ông Rứa mới xuất hiện với một bài viết nửa chuyên môn nửa kinh viện như thời ông còn giảng bài ở Học viện chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.
Hầu như toàn bộ bài viết đến 8000 từ trên nói về công tác cán bộ. Nhưng có lẽ nội dung “luân chuyển cán bộ’’ mới là phần được nhấn nhá mạnh mẽ nhất. Và trái tim của bài viết được mặc định như một tiết lộ hoàn toàn mới: “thực hiện luân chuyển 54 đồng chí thuộc diện Trung ương quản lý để đào tạo bồi dưỡng thông qua thực tế địa phương và điều động 28 đồng chí đang công tác tại các địa phương về Trung ương để có điều kiện kiện toàn các chức danh chủ chốt gắn với nguồn nhân sự tham gia cấp ủy địa phương khóa mới”.
Có thể nói, đây là lần đầu tiên từ thời điểm sau Tết Nguyên đán 2015 đến nay, ông Rứa - người được xem là “kiến trúc sư” của chiến dịch luân chuyển cán bộ - công bố con số cụ thể về 82 nhân sự cao cấp (54 + 28) được “Trung ương” điều về địa phương và ngược lại.
Hãy nhìn lại một thế cờ khá liều lĩnh nhưng lại chế ngự phần lớn bàn cờ: vào quý đầu năm nay và trước khi diễn ra Hội nghị Trung ương 11, Ban Tổ chức Trung ương đã bất ngờ thực hiện một đợt điều động nhân sự từ các địa phương ra Trung ương và từ Trung ương về địa phương, tổng cộng lên đến gần sáu chục người.
Trước khi diễn ra Hội nghị Trung ương 12 vào tháng 10/2015, lại có thêm một đợt điều động nhân sự hai chiều như thế với con số ước khoảng hai chục người.
Tình hình biến động nhân sự cấp kỳ như vậy đã khiến cán cân lực lượng trở nên cân bằng hơn, khác khá nhiều với thế một chiều đi lên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Trung ương 10 vào đầu năm 2015 - khi chỉ số thăm dò của ông Dũng được xem là cao nhất trong Bộ Chính trị. Trước đó, thậm chí còn có thông tin cho biết Thủ tướng Dũng “nắm” đến gần 70% nhân sự trên tổng số 200 thành viên Ban Chấp hành Trung ương.
Chưa kể đến con số ủy viên Trung ương khoảng 70 người do bên đảng muốn “tăng cường” trong thời gian tới, tình hình nhân sự trong Ban Chấp hành Trung ương hiện thời có vẻ được kiểm soát khá chặt chẽ bởi Ban Tổ chức Trung ương - cũng được hiểu là “cánh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Gần đây, trong bối cảnh ngân khố quốc gia chỉ còn vẻn vẹn 45.000 tỷ đồng mà “không biết phân bổ cho cái gì”, vài chuyên gia phản biện trung thành vẫn nhất mực viết bài ca ngợi: “Thế nước đang lên”.
Làm thế nào để tạo ra một lãnh tụ?
Quay lại bài viết mang tính báo cáo của Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa vào cuối tuần trước. Rất có thể bài viết này không phải ngẫu nhiên mà hiện ra trước Hội nghị Trung ương 13.
Thậm chí, dường như ông Rứa còn khá tự tin trong khẩu khí và văn phong, khi trong bài viết trên xuất hiện một đoạn ví von đầy tính triết lý: “Tagor, một nhà thơ, một triết gia Bà La Môn nổi tiếng của Ấn Độ đã nói: Đào luyện một người đàn ông, chúng ta được một người đàn ông. Đào luyện một phụ nữ, chúng ta được một gia đình. Đào luyện một thầy giáo, chúng ta được một thế hệ. Còn đào luyện một lãnh tụ, chúng ta được một quốc gia phát triển”.
Vậy làm thế nào để một chế độ sầm sập hoàng hôn ở Việt Nam đỉnh cao tham nhũng có thể tạo ra một “lãnh tụ”?
Nhiều khả năng vấn đề “tiêu chí đặc biệt” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, và Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa, được coi là đồng tác giả, sẽ được bủa vây kỹ càng tại Hội nghị 13. Một số trong những nội dung đáng chú ý của “tiêu chí đặc biệt” là nhân sự cấp cao không được để “người thân trục lợi” và không có “vấn đề chính trị hiện nay”.
Nếu “dính” phải những nội dung trên, nhiều khả năng nhân sự cấp cao sẽ không được Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị giới thiệu để trở thành ứng cử viên Tổng Bí thư tại đại hội 12.
Và khi đó là dấu chấm hết. “Chiến thắng hay là chết!”.
Chính trị là như thế.
Để dựng lên một lãnh tụ, người ta phải quét sạch những mầm mống lãnh tụ.

Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

SỰ THẬT ĐẮNG LÒNG

Hôm nay ngày 20 tháng 11, ngày tôn vinh các nhà giáo, nhớ lại ngày xưa tình thày trò cao quí, tha thiết và đẹp đẽ biết bao ! Nhưng, hỡi các cụ già, các cụ có đau lòng không khi bây giờ cái tình cảm đáng ra là phải cao quí ấy đã khác rất nhiều rồi, chẳng còn gì như xưa nữa. Mời các cụ đọc bài dưới đây của một cựu học sinh hiện sống tại Sài Gòn nói về cái sự mất mát ấy.  

TÌNH THÀY TRÒ BÂY GIỜ CHẲNG CÒN NHƯ XƯA NỮA

Có phải tại Việt Nam, tình nghĩa thầy trò bây giờ chỉ còn là sự đổi chác trong trường học, nên khi bước ra ngoài xã hội, chẳng còn mấy học trò nặng tình mang theo hình ảnh người đã dạy mình?
Thống kê của trang tin therichest.com cho rằng giáo viên là một trong những nghề hạnh phúc nhất, cùng với các nghề khác như làm tóc, làm vườn, tiếp thị... nhưng ở Việt Nam hiện nay, thực tế lại khác.
Từ lâu, giáo viên ở Việt Nam bị coi là nghề không làm ra nhiều tiền, thậm chí đó là ngành nghề cần được xã hội hỗ trợ. Trong mắt các phụ huynh, quà cáp thế nào cho thầy cô giáo của con trong những dịp lễ tết là điều họ quan tâm, nhằm giúp cho con họ hưởng được điều kiện học hành tốt nhất.
Còn trong mắt học trò – lứa tuổi học cấp 2, cấp 3 – cứ thầy cô giáo nào khó khăn, hay gọi mình lên bảng thì… ghi danh học thêm với họ là lựa chọn tốt nhất! Và tất nhiên, thần tượng của giới trẻ hiện nay không phải là thầy cô của họ, mà chính là hình ảnh lung linh huyền ảo của giới showbiz nhiều tiền lắm của – trong cũng như ngoài nước - bao gồm cả những hotgirl hay hotboy trạc tuổi.
Vào những năm tôi bước vào đại học (thập niên 80 của thế kỷ trước), học sư phạm là lựa chọn cuối cùng của bạn bè tôi, khi không còn cách khác. Lớp có 52 bạn thì đến hơn phân nửa thi vào đại học y khoa, đại học kinh tế, còn lại chọn trường tài chính kế toán, trường tổng hợp.
Không có ai trong số bạn bè tôi chọn sư phạm, thế mà oái ăm thay, vì không đủ điểm vào đại học, đa số bạn bè tôi phải học cao đẳng sư phạm hay trung học sư phạm – một quyết định của ban tuyển sinh lúc bấy giờ, cứ ai thi đại học thiếu điểm thì chuyển vào hai trường đó, do số thí sinh chọn thi vào sư phạm quá ít.
Để được tiếp tục đi học – vừa có học bổng vừa có gạo, tiêu chuẩn của sinh viên thời đó – nhiều người bạn của tôi bỗng nhiên trở thành thầy cô giáo dạy cấp 1 và cấp 2, và đáng buồn là có rất ít người yêu cái nghề giáo viên của mình.

'Bỏ tiền vào phong bì là tốt nhất'

Tôi còn nhớ một cô bạn của mình sau này trở thành giáo viên cấp 1 ở một huyện ngoại thành có lần than phiền với tôi: “Ngày 20/11 đầu tiên của mình, bọn học trò chỉ toàn mang đến cho mình bún, bánh cuốn, bánh, trái cây, trứng gà…- những thứ nhà chúng bán hoặc tự làm, mà mình có thích những thứ đó đâu. Thế nên vào năm sau, trước ngày 20/11 mình phải nói thẳng với học trò đừng mang những thứ đó cho mình nữa!”.
Tôi hỏi: “Thế bạn thích học trò tặng mình cái gì? – Bỏ tiền vào phong bì là tốt nhất, mình có thể mua thứ mình thích! – Bạn tôi hồn nhiên trả lời.
Kể từ ngày đó cũng gần 40 năm, điều đáng buồn là ý thích của thầy cô giáo ngày nay... dường như cũng chả khác mấy.
Mới đây nhất, một bạn đồng nghiệp than thở với tôi: “Em gửi con trai 2 tuổi vào nhà trẻ. Tháng đầu tiên em mua quà tặng cô, cô nhận và không nói gì cả. Em nghĩ vậy là xong.
Sau đó thấy bé ngày nào về nhà cũng khóc lóc tỏ vẻ không thích đi học, em dọ hỏi các phụ huynh khác, họ bảo em mua quà cho cô làm gì, đưa tiền ấy. Sau đó tháng nào em cũng gửi phong bì cho cô thì mọi chuyện khác hẳn, con em được săn sóc tốt hơn, không khóc khi đi học nữa.
Image copyright Hoang Dinh Nam AFP GETTY
Image caption Học sinh bây giờ có ý niệm về người thầy khác nhiều so với những thế hệ trước
Một lần họp phụ huynh ở trường, một cô giáo đã nói thẳng với em: "Lương giáo viên rất thấp, chúng tôi chỉ sống bằng tiền phụ huynh cho”. Bạn ấy tỏ vẻ thất vọng vì hồi học ở quê nhà (một tỉnh miền Trung) cha mẹ bạn ấy không phải tốn tiền cho thầy cô mà bạn ấy vẫn thích đến lớp đến trường.
Thời tôi đi học, cha mẹ tôi cũng chưa bao giờ phải mua quà tặng thầy cô, chứ đừng nói tặng thầy cô phong bì tiền, thế mà tôi vẫn lên lớp đều đều, năm nào cũng nhận phần thưởng.
Đó là điều may mắn của thế hệ tôi so với các thế hệ bây giờ, vì cho đến khi đầu đã bạc, tôi vẫn còn giữ được ký ức đẹp về những thầy cô của mình và việc rủ bạn bè cùng đến thăm thầy cô vào ngày 20/11 là một trong những niềm vui.
Nhưng con tôi thì không: chả có ai trong số những thầy cô đã từng dạy nó để lại cho nó ấn tượng về sự đam mê, về thiên chức đầy ý nghĩa của nghề giáo.
Trong 12 năm học, dù chưa bao giờ thúc đẩy cha mẹ chuyện mua gì tặng thầy cô giáo vào ngày 20/11 (tôi luôn tự nguyện thu xếp việc đó như một bổn phận nhưng không bao giờ cho con tham gia) nhưng mỗi khi nhắc đến các thầy cô cũ từng học, nó toàn nói với giọng châm chọc: “Ông (hay bà ấy)… không thích đứa nào hỏi nhiều về bài học, cũng không thích đứa nào có ý kiến khác, cứ như bọn con là con vẹt ấy!”.

Mất dần ánh hào quang

Mỗi khi nhớ đến thầy cô của mình, tôi thường buồn cho con. Suốt thời tiểu học và trung học, thầy cô luôn là thần tượng của tôi. Tôi nhớ năm đầu tiên bước vào trường trung học Lý Thường Kiệt – năm 1973 - ở quê nhà, tôi đã choáng ngợp trước hình ảnh các giáo sư (trước 1975 ở miền Nam: giáo viên dạy trung học được gọi là giáo sư) đi xe hơi đến trường, thầy giáo mặc comple (đồ veston bây giờ), còn cô giáo mặc áo dài thướt tha.
Chọn môn ngoại ngữ là tiếng Anh, bọn học trò lớp 6 chúng tôi mê mẩn cô giáo dạy tiếng Anh mỗi ngày đến trường là mặc một bộ áo dài khác nhau. Bọn tôi thường xì xào với nhau: Chắc cô có cả một tủ đầy áo dài, vì chưa bao giờ thấy cô mặc lại áo cũ.
Image caption Liệu có bao nhiêu học trò sau khi ra trường còn nhớ đến người thầy cũ?
Các giáo sư trung học trong mắt chúng tôi thời ấy là những con người thành đạt, có vị trí ngoài xã hội nên rất đáng kính trọng. Cô giáo chủ nhiệm lớp 6 của tôi không chỉ có những giờ lên lớp rất hay về môn văn mà còn dạy bọn học trò cách ứng xử với nhau, cách ứng xử với mọi người khi ở ngoài đường.
Chúng tôi rất yêu cô nhưng đến buổi tất niên chia tay vào cuối năm, chúng tôi chả có gì tặng cô ngoài những tấm thiệp tự vẽ bằng tay và mấy cành hoa giấy cùng chia nhau làm. Sau năm 1975, cũng học lại ngôi trường ấy, tôi sửng sốt trước hình ảnh một thầy giáo dạy tiếng Anh của lớp mình tranh thủ ít phút cuối giờ lên tiếng mời chào học trò mua… khoai lang nhà thầy trồng!
Hơn 40 năm sau, hình ảnh thầy cô giáo không chỉ trở nên khốn khổ - một nghề nghiệp cần được xã hội tương trợ - mà còn ngày càng mất dần ánh hào quang với biết bao scandal thầy cô đánh chửi học trò. Bơi giữa luồng cảm xúc coi thường của xã hội và học trò, họ thật sự cô đơn khi tận tâm với học trò mà không cần báo đáp, trong lúc những đồng nghiệp chung quanh họ đang tận thu học trò bằng mọi cách.
Năm nay, nếu tôi không kịp đến thăm thầy chủ nhiệm lớp 12, tôi chắc thầy sẽ gọi điện thoại hỏi thăm tôi. Nhưng con tôi thì không có kế hoạch gì cho ngày này - không có thầy cô giáo nào con tôi muốn đi thăm hay muốn xin ý kiến mỗi khi cần, cũng như chưa bao giờ tôi nghe nói một thầy cô giáo nào gọi điện thoại hỏi thăm nó.
Tình nghĩa thầy trò chỉ còn là sự đổi chác trong trường học, nên khi bước ra ngoài xã hội, chẳng còn mấy học trò nặng tình mang theo hình ảnh người đã dạy mình…

Bài viết thể hiện văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả, một nhà báo đang sinh sống và làm việc ở TP Hồ Chí Minh.

Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

THẾ TRẬN MỚI

Hôm qua Mỗ đọc được một bài khêu lại vấn đề cái chết của nhân vật Nguyễn Bá Thanh. Bài này đưa ra một giả thiết ngược hoàn toàn với những gì số đông vẫn nghĩ về vụ việc này, cho rằng không phải NXPhúc, cũng không phải đ/c X, mà là đ/c L mới là thủ phạm. Đến nay Mỗ không còn quan tâm đến vụ việc này nữa. Nhưng việc ai đó khêu lại nó với những lập luận mới, theo Mỗ, chứng tỏ một thế trận mới đang xuất hiện trên vũ đài chính trị.  Và bài dưới đây cho ta hình dung cái thế trận mới xuất hiện này.

Trước khi trở thành người ghi công dân chủ cho Myanmar, Thein Sein từng là một đại tướng quân đội.
Trước khi trở thành người ghi công dân chủ cho Myanmar, Thein Sein từng là một đại tướng quân đội.
Nhân vật “được kỳ vọng” Nguyễn Tấn Dũng? Hay người có hơi hướng trở về đường lối “dân tộc - dân chủ 1946” Trương Tấn Sang? Hoặc Nguyễn Phú Trọng - người đã “kết luận” để nhà nước Việt Nam chấp nhận Công đoàn độc lập? Và cả “ẩn số” Trần Đại Quang?...

Độ trễ 5 năm?

Hai sự kiện chấn động “Bình thường hóa Mỹ - Cuba” cuối 2014 và “Cách mạng dân chủ Myanmar” cuối 2015 có lẽ là khá đủ để giới lãnh đạo Việt Nam không còn mấy tơ tưởng về chuyện trở thành “tiền đồn canh giữ hòa bình thế giới”.

Hoặc mơ mộng độc đảng trừng trị dân chủ như bao năm trước.

Bây giờ là lúc phải tính đến một thay đổi nào đó. Phải thay đổi gấp rút để đánh đổi lấy sự tồn tại không biết được bao lâu.

Mùa thu năm 2015, một tháng trước khi diễn ra trận động đất đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc của Aung San Suu Kyi chiến thắng gần như tuyệt đối ở Myanmar, từ “chủ nghĩa xã hội” đã biến mất trong các diễn văn khai mạc và thông báo bế mạc Hội nghị trung ương 12 đảng Cộng sản Việt Nam. Trừ vài tờ báo đảng, đại đa số báo chí nhà nước cho tới nay hầu như không nhắc đến từ ngữ một thời rất phổ biến này.

Nhìn sang thể chế, nếu phải sang năm 2016 Việt Nam mới chịu ban hành hai đạo luật để thực thi quyền tự do lập hội và quyền tự do biểu tình như Hiến pháp từ năm 1992 đã quy định, thì Việt Nam sẽ khai mở dân chủ chậm hơn khoảng 5 năm so với Myanmar.

Năm 2011, Thein Sein nhậm chức tổng thống Myanmar và bắt đầu thay đổi. Không chỉ bắt đầu bằng việc trả tự do cho các tù nhân chính trị, trong đó có người lãnh án đến hơn 100 năm, ông Thein Sein còn thể chế hóa khung luật pháp về quyền tự do lập hội, tự do biểu tình và tự do báo chí.

Nhưng cả ba thứ luật được coi là “tự do” ấy vẫn còn nguyên vẹn trong mớ bùng nhùng ở Việt Nam. Sau một thời gian đằng đẵng được hứa hẹn quá nhiều, chỉ đến giữa năm 2015 Quốc hội Việt Nam mới ban hành dự thảo Luật về hội như một cử chỉ xoa dịu lòng dân và trí thức, nhưng nội hàm lại đầy rẫy từ ngữ “xin - cho” và “bảo đảm an ninh quốc gia”. Trong khi đó, Luật biểu tình vẫn chưa thấy tăm hơi đâu, còn Luật báo chí vừa siết báo nhà nước nhưng cũng muốn làm lợi cho quyền lực của các nhóm thân hữu chính trị và lợi ích kinh tế.

Nhưng dù sao, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đã có bước khởi động mang hơi hướng “dân chủ” nhanh hơn một chút so với thông điệp “nắm chắc ngọn cờ dân chủ” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ đầu năm 2014. Cũng bởi thế, cuộc đua đến chức vụ tổng bí thư đảng vào đại hội 12 vẫn chưa thể hoàn toàn loại trừ ông Hùng, cho dù độ tuổi của ông sẽ không thể được chấp nhận nếu không có một “quy chế đặc biệt” nào đó.

Trong “tứ trụ” hiện thời, ông Nguyễn Sinh Hùng bất chợt trở thành nhân vật có nhiều phát ngôn ấn tượng nhất về “không phải muốn bắt ai thì bắt”, “nói hay thế mà một đồng tăng lương cũng không có là sao!”, hay gần đây nhất là ủy quyền cho chánh văn phòng Quốc hội lần đầu tiên thông báo công khai về từ ngữ quá đỗi nhạy cảm: “Xã hội dân sự”…

Có thể ông Nguyễn Sinh Hùng đang vận động theo hướng thay đổi - một kiểu cách dân chủ theo thuyết “hội tụ” - nằm giữa phương Tây và ý thức hệ bảo thủ của giai cấp tư sản đỏ Việt Nam.

Thế còn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì sao?

Gorbachev của Myanmar

Thực tế trần trụi cần được thừa nhận là dù đưa ra vài phát ngôn có vẻ tiến bộ hay chỉ đơn giản là “nói khác đi một chút”, song ông Dũng chưa làm được gì cho dân chủ Việt Nam, nếu không muốn nói là ngược lại.

Tháng 11/2015, sau khi phần lớn Quốc hội Myanmar thuộc về phong trào dân chủ ở quốc gia này, một số người đã nhắc lại “thành tích” lời khuyên dân chủ cho Myanmar của Thủ tướng Dũng trong cuộc gặp với Tổng thống Thein Sein vài năm trước.

Nhưng nói bao giờ cũng dễ hơn làm. Từ năm 2012, giới quan sát bắt đầu dùng cụm từ “thành tâm chính trị” để đề cập về Thein Sein chứ không phải cho giới lãnh đạo đầu môi chót lưỡi của Việt Nam.

Trong kịch bản Myanmar, “thành tâm chính trị” lại là một tố chất căn bản cho mọi sự thay đổi về thể chế, chưa kể đến lợi ích có được tiếp theo về an toàn gia sản lẫn sinh mạng chính trị.

Thein Sein được ai đó xem là “vĩ đại” cũng có thể có lý. Ở vào thế thượng phong năm 2011 khi chẳng nhất thiết phải giải chế cho Aung San Suu Kyi, ông vẫn có thể giữ nguyên chế độ quân phiệt nhiều năm nữa theo cung cách của Trung Quốc và Việt Nam muốn bám chặt cơ chế độc đảng.

Song ở đây lại nổi lên điều được coi là “tư cách chính trị gia” - theo đúng nghĩa của cụm từ này. Thein Sein đã làm những gì có thể, kể cả chấm dứt dự án đập thủy điện Myitsone gây ô nhiễm môi trường có giá trị tới 3,7 tỷ USD với Trung Quốc. Để kết quả ngày nay dư luận đang tôn vinh ông: Thein Sein xứng đáng là Gorbachev của Myanmar.

Còn Myanmar đã được các nước Đức, Pháp, Na Uy, Nhật Bản và Câu lạc bộ Paris xóa số nợ lên đến 6 tỷ USD. Sau 50 năm cắt bang giao, tổng thống Mỹ đã đặt chân lên đất nước này hai lần năm 2012 và 2014.

Đến giờ phút này, công cuộc chuyển hóa dân chủ ở Myanmar đã khá trọn vẹn: êm thắm, ôn hòa, không đổ máu; còn giới quan chức và quân đội vẫn giữ nguyên được tài sản và sinh mạng.

Đó cũng là những gì mà giới lãnh đạo Việt Nam, dù chẳng ai nói ra, nhưng tất thảy đều ao ước.

Vậy ai sẽ muốn làm Thein Sein ở Việt Nam?

Thein Sein nào cho Việt Nam?

Những ngày cuối năm 2015, bất chấp không khí tranh đấu quyền lực vẫn được ưu tiên đến mức tối đa trước Hội nghị trung ương 13 và chắc chắn tới tận Đại hội đảng 12, có thể một luồng khí khác sẽ dần xâm chiếm đại hội này. Không chỉ quyết định sự thắng thế hay giằng co của các phe phái chính trị, Đại hội 12 còn có thể mở ra một bước ngoặt thay đổi về hệ tư tưởng chính trị, tiếp sau khởi động của thay đổi “xoay trục sang phương Tây” từ giữa năm 2014 đến nay.

Một điều có vẻ khá nghịch lý đang diễn ra: nhân vật từng và vẫn còn bị giới trí thức cải cách lên án là bảo thủ nhất - Nguyễn Phú Trọng - trong thực tế và cho tới nay lại trở thành người tạo ra được nhiều thay đổi nhất về đối ngoại và vài thứ quyền làm người, và do đó có nhiều khả năng nhất đi theo đường hướng dân chủ hóa ở Việt Nam. Một nhà quan sát dè dặt “Nếu ông Trọng tiếp tục tái nhiệm tổng bí thư nửa nhiệm kỳ tới thì cũng không phải là kịch bản quá xấu”.

Trong đảng cũng đang nhen nhóm một hy vọng nhỏ nhoi rằng Nguyễn Phú Trọng muốn và có thể trở thành “Thein Sein Việt Nam”, cho dù sự so sánh này có vẻ khá khập khiễng.

Dù sao và xét cho cùng, nếu người bị xem là cố thủ tư tưởng nhất như Nguyễn Phú Trọng mà còn bắt đầu thay đổi, các ủy viên khác trong Bộ Chính trị đều có thể đổi thay.

Câu hỏi đặt ra là trong tình thế tam mã hoặc tứ mã tranh hùng chức vụ tổng bí thư tại Đại hội 12, hai thế lực đối đầu khác là Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng sẽ làm gì để cứu vớt hình ảnh dân chủ, dù chỉ trên bề mặt, cho cá nhân mình? Hay chỉ quá thần tượng Putin nước Nga và cách thức làm sao để trở thành “Sa hoàng Việt Nam”?

Cùng lúc, một số dư luận lại đang bàn tán về Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang, không chỉ là ẩn số về nhân sự cấp cao cho Đại hội 12 mà cả về hướng đi đối nội lẫn đối ngoại của ông Quang, nếu nhân vật này giành thắng lợi trong cuộc đua sắp tới.

Tất nhiên việc Bộ Chính trị thỏa hiệp cho một tướng lĩnh công an giữ chức vụ cao trong “tứ trụ” không phải là điều hay ho gì cho bộ mặt nhân quyền đối ngoại. Song trong thực tế diễn biến nội bộ, tướng Quang dường như đang có lợi thế, và lịch sử các đại hội đảng ở Việt Nam vẫn thường bị chao đảo bởi tính thỏa hiệp cho một nhân vật “trung lập” giữ chức vụ cao khi không bên nào giành thắng ưu thế vượt trội.

Cũng cần nhắc lại, trước khi trở thành người ghi công dân chủ cho Myanmar, Thein Sein từng là một đại tướng quân đội.

Chỉ có điều, “thành tâm chính trị” của Thein Sein xứng đáng được mọi chính trị gia thiếu “thành tâm” hơn nhiều của Việt Nam “học mà nhớ lấy”.

Học mà nhớ lấy

Khá giống với tình hình Myanmar năm 2010, thể chế Việt Nam hiện thời đang phải đối mặt với bi kịch kinh tế và bế tắc dân chủ. Nhưng còn bi đát hơn Myanmar, nội bộ Việt Nam đang “xa mặt cách lòng” chưa từng có. Thực trạng Bộ Chính trị chỉ còn là một ốc đảo giữa biển khơi cuồn cuộn sóng ngầm đã khiến những người còn sót lại phải cố nhảy lên con thuyền nan hòng “tiến ra biển lớn”.

Tiến ra biển lớn. Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi.

Có thể còn khá lâu mới xuất hiện một Aung San Suu Kyi cho Việt Nam. Nhưng sau sự kiện dân chủ Myanmar cuối 2015, có lẽ toàn bộ giới lãnh đạo Việt Nam đều thừa khôn ngoan để nhận ra rằng chỉ có con đường trở thành Thein Sein, hoặc trở nên một phần của Thein Sein, mới có thể lấy lại phần nào lòng dân và do đó mới là sinh lộ cho họ, gia đình họ lẫn các tập đoàn lợi ích lấy thuyết vụ lợi làm trung tâm phát triển.
Nếu không, rất có thể đến một lúc nào đấy họ sẽ mất trắng…

 Phạm Chí Dũng Blog

Thứ Năm, 12 tháng 11, 2015

VỚI SỰ KIỆN MYANMAR VN THÊM MỘT LẦN LẠC LÕNG

Myanmar làm người Việt ngạc nhiên.               

Tổng thống Myanmar, ông Thein Sein vừa chúc mừng đảng ̣đối lập của bà Aung San Suu Kyi thắng lợi trong kỳ bầu cử vừa qua (90% phiếu sơ bộ).
Lời chúc là chỉ dấu quân đội Myanmar, được đảm bảo 25% ghế trong Quốc hội, chấp nhận cuộc chơi chuyển quyền qua lá phiếu.
Nhưng họ sẽ vẫn muốn 'bảo kê' chính trị hay chuyển đổi thành quân đội chuyên nghiệp thì chúng ta còn phải chờ xem.
NLD thắng lớn nhưng gần 90 đảng phái khác cũng muốn có vai trò của họ, nhất là ở các vùng sắc tộc.
Dù sao thì Myanmar đã bước qua ngưỡng đầu của quá trình dân chủ hóa mà cả ông Thein Sein và bà Suu Kyi đều có vai trò quan trọng.
Có người bạn của tôi mới viết trên Facebook rằng " Việt nam còn cần một Thensein hơn là San Suu Kyi ".Quả vậy, dù có khác biệt phe phái, quân đội Myanmar đã đồng ý 'dấn thân' vào cuộc chuyển đổi hòa bình với ông Thein Sein là một biểu tượng.
Chuyện Myanmar không xảy ra bất chợt mà đã có đó cả 5-10 năm nay.
Nhưng nhìn chung, người Việt Nam theo mọi xu hướng lại một lần nữa tỏ ra ngạc nhiên, thậm chí bất ngờ trước biến chuyển ngoạn mục tuần qua.
Các nhà lãnh đạo cao nhất hình như chưa từng tiếp xúc và cũng chưa thấy phát biểu gì mấy ngày qua về bà Aung San Suu Kyi.
Một lần nữa, dù cùng trong ASEAN với Myanmar, Việt Nam lại đi sau Trung Quốc trong chính trị khu vực.
Hồi tháng 6, ông Tập Cận Bình đã mời bà Aung San Suu Kyi sang Bắc Kinh trong giao lưu hai đảng vì bà chỉ mới là dân biểu không có chức danh nhà nước.
Trước đó, Đảng đoàn Trung Quốc cũng mời Đoàn Thanh niên của NLD sang thăm, điều chưa thấy xảy ra với Đảng và Đoàn Thanh niên Cộng sản ở Việt Nam.
Báo chí 'cách mạng' Việt Nam cũng tránh nói đến cách mạng dân chủ Myanmar.
Báo Đảng Trung Quốc khôn ngoan hơn, đã qua bài trên Global Times khẳng định "dân chủ hóa tại Miến Điện không phải là Cách mạng Màu".
Trên thực tế, màu hay không màu thì cũng là chuyển đổi lớn ngay biên giới phía Nam khiến báo Trung Quốc phải phù phép về ngôn từ để mở đường giao lưu một khi NLD lên nắm quyền.
Quyền lợi kinh tế Trung Quốc tại Myanmar lâu nay dựa trên 'guanxi' với quân đội và bị phê phán là "gắn chặt với tham nhũng", theo ông Moe Myint Kyaw, Tổng thư ký Phòng thương mại và công nghiệp Myanmar nói với BBC Tiếng Trung.
Ai sẽ lo các quyền lợi kinh tế của Việt Nam tại Myanmar khi chính quyền Nay Pyi Daw thay đổi?

Đi sau và chỉ nhìn phần ngọn?

Nhưng người Việt Nam ở hải ngoại và giới vận động dân chủ nhân quyền trong nước cũng không nhanh và đi xa hơn chính quyền bao nhiêu trước chủ đề Myanmar.
Trước bầu cử, nhiều nhóm xã hội dân sự từ Indonesia, Singapore, Thái Lan...đã tự tổ chức đoàn sang Myanmar làm quan sát viên.
Xin nhắc họ cứ đi với tư cách cá nhân, hội đoàn sinh viên, NGO chứ không đại diện cho các chính phủ, không phải quan sát viên của EU hay ASEAN.
Còn người Việt Nam thì sao?
Theo những gì tôi biết thì không có nhóm nào như vậy từ Việt Nam sang Myanmar.
Sau cuộc bỏ phiếu lịch sử, các ý kiến thể hiện ra trên mạng xã hội tiếng Việt cũng không có gì mới mẻ, chủ yếu nói theo báo chí quốc tế.
Một số nhà vận động nhân đây đòi hỏi chính quyền Việt Nam phải thay đổi tương tự.
Nhưng cũng chỉ là đòi hỏi chung chung, ai nghe?
Thậm chí không ít người Việt còn coi nước này còn nghèo - thu nhập bình quân chừng 1200 USD, thấp hơn Việt Nam (2000 USD -2013), nên không có gì đáng học.
Đây là tư duy rất ngắn hạn, khiến ta không hiểu vì sao bà Aung San Suu Kyi và Myanmar được quốc tế ngưỡng mộ đến thế.
Chính sự hình thành của dân chủ từ nền tảng kinh tế lạc hậu, chia rẽ sứ quân, xung đột sắc tộc như Myanmar mới đáng nói.
Khi các lý thuyết xã hội, các giá trị cơ bản bị thử thách mà vẫn thắng lợi, bài học dân chủ Myanmar có ý nghĩa hơn nhiều cho loài người, so với dân chủ ở các nơi ổn định, thịnh vượng lâu đời như Na Uy, Canada, Iceland...
Nó cũng bác bỏ thuyết rằng phải có dân trí thật cao hoặc thu nhập đến mức nào đó mới có thể bầu cử dân chủ.
Công dân Myanmar ở nước ngoài cũng có quyền bỏ phiếu trong khi một số nước khác thì không.
Chưa rõ cuộc bầu cử có tạo ra động lực mới cho ASEAN vốn thường tập trung bảo vệ 'status quo' sao cho chính giới yên thân mọi bề.
Nhưng tại Myanmar, những gương mặt tươi trẻ, đầy hy vọng đang toát ra độ tự tin của thế hệ 'tôi nghèo nhưng tôi là ông chủ' quyết định vận mệnh dân tộc.
Họ khiến những người dân Đông Nam Á khác thấy tự hào lây.

Thứ Hai, 9 tháng 11, 2015

MMỘT TIN VUI : THÀNH CÔNG NGOẠN MỤC CỦA ĐẶNG THÁI SƠNN

Trong bầu không khí rất nóng và bức xúc mấy ngày nay, xin gửi đến các Bạn một tin với hi vọng làm các Bạn được vui, xả được stress: 






             Giải Piano Quốc Tế : CHÂU Á THĂNG HOA



Giải piano quốc tế Chopin 2015 : Châu Á thăng hoa
Bốn thí sinh ở hàng ghế đầu đoạt giải dương cầm quốc tế Chopin    2015.

Giải dương cầm quốc tế Frédéric Chopin lần thứ 17 vừa khép lại tại thủ đô Vacxava hôm 23/10/2015. Giải nhất về tay thí sinh Hàn Quốc Seong Jin Cho. Giải 3, 4 và 5 đều là « của Đặng Thái Sơn » : Kate Liu, Eric Lu và Yike Tony Yang là học trò của nhạc sĩ người Việt này.

Một sự kiện hiếm có : một nửa các nhạc sĩ trẻ vào chung kết là người Châu Á. Thí sinh Hàn Quốc Seong Jin Cho đoạt giải nhất, và được khen tặng là người thể hiện những bản Polonaise xuất sắc nhất. Bốn trong số 6 giải thưởng giải Chopin lần thứ 17 về tay người Châu Á. Giải 3, 4 và 5 là học trò của nhạc sĩ người Việt, Đặng Thái Sơn. Cả ba đã dự thi dưới màu cờ của Mỹ và Canada. Cũng có thể nói năm nay Bắc Mỹ thắng lớn trong cuộc tranh tài tại Ba Lan : Hoa Kỳ và Canada đồng hạng, mỗi nước đoạt hai giải thưởng dương cầm quốc tế Frédéric Chopin.
Giải nhì của cuộc thi được trao tặng cho thí sinh người Canada, Charles Richard Hamelin -Giải nhì và cũng là nhạc sĩ diễn đạt bản sonate hay nhất. Giải thứ 6 của ban giám khảo năm 2015 về tay nghệ sĩ người Nga, Dmitry Shishkin.
Giải piano Chopin, một trong những cuộc tranh tài quốc tế lâu đời nhất, danh tiếng nhất, được tổ chức 5 năm một lần. Một số rất ít các nhạc sĩ dương cầm nổi tiếng thế giới có tên trong bảng vàng của ban giám khảo. Trong số đó phải kể đến những bậc thầy như Maurizio Pollini (1960), nữ nghệ sĩ người Achentina Martha Argerich (1965) ... Gần gũi với chúng ta nhất là nhạc sĩ Đặng Thái Sơn, người Á Châu đầu tiên đoạt giải nhất của cuộc thi Chopin lần thứ 10 năm 1980.
 
Nhạc sĩ Đặng Thái Sơn, giải Chopin 1980 và thành viên ban giám khảo 2015.http://chopincompetition2015.com

Trong 35 năm qua, nhạc sĩ Đặng Thái Sơn đã rất nhiều lần trở lại Nhà hát giao hưởng Quốc gia Philharmonia ở Vacxava, thường là để trình diễn và đôi khi là để chấm thi. Năm nay là lần thứ 3 ông được mời tham gia thành phần ban giám khảo.
Mùa thi 2015 đã dành cho nhạc sĩ Đặng Thái Sơn nhiều bất ngờ : ba học trò của ông đã vào được chung kết và cả 3 cùng ra về với những giải thưởng cao quý nhất của thế giới dương cầm. Kate Liu, một người Mỹ sinh ra tại Singapore đoạt giải 3 của ban giám khảo. Theo sát nút cô là Eric Lu, đại diện cho Hoa Kỳ, được chấm điểm hạng tư và sau cùng là Yike Tony Yang, 16 tuổi, thí sinh trẻ nhất trong lịch sử của các cuộc thi Chopin, đoạt giải thứ 5.
Trả lời ban Việt ngữ RFI, nhạc sĩ Đặng Thái Sơn không khỏi hãnh diện đã góp phần đào tạo một thế hệ các tài năng mới, tuổi trẻ, tài cao. Ông ghi nhận một khác biệt của thời đại là trước khi đến Ba Lan, tất cả đều đã đoạt nhiều giải thưởng quan trọng trong làng piano. Khác với kinh nghiệm bản thân 35 năm trước, như chính nhạc sĩ đã giải thích, khi đến Vacxava năm 1980, bề dầy thành tích của ông chỉ được ghi vỏn vẹn trong hai dòng : sinh năm 1958 tại Hà Nội và là sinh viên Học viện âm nhạc Matxcơva.

Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2015

VŨ CAO PHAN - BỨC XÚC VÀ TRĂN TRỞ

Việt Nam 'buông' Hoàng Sa cho TQ?

  • 5 tháng 11 2015

Cựu quan chức cao cấp của Hội Hữu nghị Việt - Trung nói 'dường như' Việt Nam trên thực tế đã từ bỏ chủ quyền đối với Hoàng Sa trước sức ép của Trung Quốc.
Tiến sỹ Vũ Cao Phan, nguyên Phó Chủ tịch và Tổng thư ký của hội nói ông đã khuyến cáo lãnh đạo Việt Nam yêu cầu ông Tập Cận Bình chấp nhận đàm phán về quần đảo Hoàng Sa, mà hiện Trung Quốc đang chiếm toàn bộ, trong chuyến đi này.
Tuy nhiên ông Phan nói với Nguyễn Hùng trong Bàn tròn thứ Năm hàng tuần của BBC rằng phía Việt Nam đã bỏ ngoài tai.
Tiến sỹ Phan, người cũng là Viện trưởng Viện Chính trị và Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế của Đại học Bình Dương, nói:
"Theo tôi có lẽ bức xúc cơ bản của người dân là chính quyền chưa nhìn thẳng vào sự thực...
"Tôi đề xuất cũng có gì lớn đâu. Điều kiện như thế này ta có thể nói được mà cũng không nói...
"Chúng ta cứ tuyên truyền ở trong nước về Hoàng Sa và Trường Sa và triển vọng thế này thế khác...
"Chúng ta nói thế giới nào có biết đâu. Rất nhiều bạn bè quốc tế nói với tôi rằng đối với Hoàng Sa hình như Việt Nam buông."
Trong khi đó Phó Giáo sư Nông Lập Phu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây, Trung Quốc nói ông đã được học Nam Sa (Trường Sa) và Tây Sa (Hoàng Sa) là của Trung Quốc.
Ông nói: "Tôi từ nhỏ cũng đọc địa lý Trung Quốc nói là Tây Sa, Nam Sa là đất nước của Trung Quốc."

'Nói mãi đá cũng phải mòn'

Tiến sỹ Vũ Cao Phan nói quan điểm "nhìn về đại cục" trong quan hệ Việt - Trung rất mơ hồ và Việt Nam còn có vẻ còn "sợ" khiến Trung Quốc dựa vào đó để lấn át.
Ông nói: "Rõ ràng trong quan hệ Việt Nam với Trung Quốc hình như là Việt Nam chịu sự dẫn dắt của Trung Quốc và Việt Nam thiếu chủ động.
Image caption Tiến sỹ Vũ Cao Phan nói ít nhất ngư dân Việt Nam phải được đánh cá tại những nơi họ từng hoạt động ở Hoàng Sa
"Chúng ta là nước nhỏ, chúng ta khiêm tốn, chúng ta tôn trọng Trung Quốc, chúng ta tôn trọng tình hữu nghị và chúng ta phấn đấu cho điều đó nhưng điều gì có thể thì chúng ta phải nói chứ, ưỡn ngực, thẳng lưng lên mà nói chứ...
"Người dân người ta đánh giá có thể vì một lợi ích nào chăng? Hay vì bản thân mình không tự đánh giá mình cao hay tự mình nhìn Trung Quốc quá cao, quá lớn chăng?"
Ông Phan nói quan hệ hai bên "phải hữu nghị, phải tốt đẹp nhưng phải bình đẳng" và rằng Việt Nam phải đòi Trung Quốc đặt Hoàng Sa lên bàn đàm phán và nêu giải pháp:
"Tôi đã nói có biện pháp nữa là ba tháng, sáu tháng một lần ta gửi công hàm qua đường ngoại giao yêu cầu đàm phán.
"Nói mãi đá cũng phải mòn chứ. Mà những chuyện này đàm phán cũng có lợi ích cho Trung Quốc chứ.
"Ít nhất hình ảnh của Trung Quốc đối với nhân dân Việt Nam và đối với dư luận thế giới sẽ khác đi...
"Mong muốn tối thiểu của tôi là ngư dân Việt Nam có quyền đánh cá hợp pháp trên ngư trường lịch sử và truyền thống của mình."

'Hải quân đáng gờm'

Trong lúc đó bà Phương Nguyễn, chuyên gia Đông Nam Á của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế gọi tắt là CSIS ở Washington cho rằng cần đặt Hoàng Sa và Trường Sa vào bối cảnh rộng hơn.
Bà nói với Bàn tròn thứ Năm:
"Tôi nghĩ về các vấn đề trên biển chúng ta không nên chỉ nhìn vào những tiến triển giữa Trung Quốc và Việt Nam mà chúng ta phải đặt nó vào bối cảnh Trung Quốc muốn gì trong vùng biển này.
"Trung Quốc muốn dùng Trường Sa và Hoàng Sa để làm bàn đạp để thiết lập Trung Quốc là lực lượng hải quân đáng gờm ở tây Thái Bình Dương.
"Về lâu dài, nếu việc này tiếp tục, mục tiêu của Trung Quốc là đẩy Hải Quân Hoa Kỳ khỏi vùng biển tây Thái Bình Dương...
"Trung Quốc có nói gì với Việt Nam, có ký kết gì với Việt Nam, có hứa gì với Việt Nam cũng chỉ là lời nói.
"Hành động trên biển của Trung Quốc sẽ không phụ thuộc gì vào những gì hai bên đàm phán hoặc là đồng ý với nhau mà phụ thuộc nhiều hơn vào tham vọng của Trung Quốc ở phía tây Thái Bình Dương."
Bà Phương Nguyễn cũng nói Bắc Kinh hiện đang ở vào thế khó xử theo sau việc Hoa Kỳ cho tàu chiến áp sát đảo đá do Trung Quốc đang chiếm tại quần đảo Trường Sa mà Việt Nam cùng các nước khác cũng tuyên bố chủ quyền.
Nếu ngăn cản tàu Hoa Kỳ, bà Phương Nguyễn nói, Trung Quốc sẽ vi phạm luật quốc tế vì hai đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trên đá ngầm Subi và Vành Khăn (Trung Quốc gọi là Chử Bích và Mỹ Tế), không được hưởng 12 dặm hải lý xung quanh mà vẫn phải để tàu quốc tế qua lại.

Phản đối Tập Cận Bình

Nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Như Quỳnh từ Nha Trang nói khoảng 150 người đã xuống đường phản đối chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh hôm 5/11 khiến công an bắt giữ hàng chục người.
Cũng có những hình ảnh cho thấy người biểu tình bị đánh đổ máu.
Bà Như Quỳnh cho rằng chính quyền cần tôn trọng quyền 'tiếp đón' ông Tập của người dân theo cách của riêng họ.
Nhà hoạt động từng được giải thưởng nhân quyền quốc tế cũng nói thêm về chuyện chính quyền cũng phải bảo vệ các ngư dân trên Biển Đông khi họ muốn có quan hệ tốt với Trung Quốc: "Nhà nước nào cũng tồn tại trên nguyện vọng và lợi ích của người dân bởi vậy một bộ phận dù nhỏ của người dân cũng phải được đảm bảo về đời sống, lợi ích và sự an toàn trong việc mưu sinh của họ, phải được đảm bảo và nhà nước phải xem đó là một phần cốt lõi tạo nên giá trị bền vững của nhà nước để đặt lên bàn ngoại giao."
Trong lúc đó nhà nghiên cứu Đông Nam Á của Trung Quốc ở Quảng Tây, ông Nông Lập Phu, phản đối các cuộc biểu tình chống ông Tập ở Việt Nam và cho rằng nó không có lợi cho việc cải thiện quan hệ hai bên.
Ông nói thêm: "Những vấn đề trên biển hai nước lãnh đạo hai Đảng hai nước đã có cơ chế để giải quyết vấn đề này rồi.
"Vừa rồi tôi xem TV theo Tiến sỹ Vũ Cao Phan giới thiệu, Đảng, Chính phủ Việt Nam đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình rất long trọng, trọng thị.
"Trong điều kiện này có một số người lên đường bày tỏ phản đối là không có lợi cho việc phát triển quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc và Việt Nam."
Phó Giáo sư Nông Lập Phu cũng nói thêm chính Việt Nam cũng bắt tàu thuyền đánh cá của Trung Quốc chứ không chỉ có Trung Quốc đơn phương làm như vậy với ngư dân Việt Nam.
Ông nói người dân Việt Nam không hiểu hết tình hình quan hệ hai bên và đã có những hành động mà ông cho là không hợp lý.