Trang

Thứ Ba, 7 tháng 11, 2017

BÀN VỀ ĐÔI ĐIỀU VÔ LÍ CỦA MĨ THUẬT HIỆN ĐẠI

Nói đến Mỹ thuật, nhiều người trong chúng ta chỉ hình dung tới lĩnh vực hội họa hay điêu khắc. Nhưng trên thực tế, mỹ thuật là một khái niệm rất lớn, nó liên quan đến rất nhiều điều chúng ta tiếp xúc được hàng ngày. Nói ví dụ, mọi người trước khi ra khỏi nhà phải ăn vận trau chuốt, mua quần áo phải chọn cái đẹp, nhà cửa phải trang trí thật bắt mắt, sản phẩm thương mại bán ra cũng phải chú trọng ngoại hình, bao bì…, đó chính là phần có thể nhìn thấy của mỹ thuật ứng dụng trong đời sống.
Ngày nay, với sự xuất hiện của những thứ nghệ thuật hiện đại, nhiều điều đã thật sự vượt khỏi khả năng lý giải thông thường của con người về cái đẹp và trở thành những trường phái nghệ thuật kỳ quái, khó hiểu. Có những “tác phẩm” lợi dụng danh từ mỹ miều “Nghệ thuật sắp đặt” để đem rác thải lên sân khấu. Lại có cái gọi là “Nghệ thuật hành vi”, trong đó người ta ăn mặc quần áo quái dị lăn lộn trên sàn. Người bình thường về cơ bản đều cho rằng, chỉ có “nhân sỹ chuyên nghiệp” trong giới nghệ thuật mới thích những cái này, do đó người không làm nghệ thuật thì không tồn tại vấn đề yêu thích trường phái kỳ lạ đó.
Những bức tranh như thế này bây giờ còn mấy ai thưởng thức. Ảnh dẫn theo disanlangviet.com
Nhưng thực tế, mỹ thuật ứng dụng trong đời thường cũng đang âm thầm trở nên biến tướng. Đã có những điều bắt nguồn từ mỹ thuật biến dị đang lẳng lặng dần thay đổi khẩu vị thẩm mỹ của con người ngày nay.
Ví dụ như đối với các em học sinh, thời kỳ đi học là quan trọng bậc nhất, là lúc hình thành nên thế giới quan, nhân sinh quan, thầy cô lẫn các bậc phụ huynh đều gắng sức giáo dục người trẻ tuổi. Nhưng những dẫn hướng không đúng đắn của xã hội có lẽ có sức mạnh lớn hơn. Nếu chú ý những học sinh trên 10 tuổi sẽ phát hiện ra, rất nhiều em mặc áo có in hình đầu lâu. Những chiếc quần bò tuy là mới mua nhưng được mài cho màu sắc còn bẩn hơn giẻ lau, lỗ thủng to nhỏ, te tua khắp hai ống quần, thậm chí có cái còn không biết là mặc để làm gì vì nó rách nát quá mức có thể đối với một đồ dùng để che đậy cơ thể. Còn có những em cả kiểu tóc cũng chạy theo “cá tính” kỳ quái. Đồ dùng học tập như cặp sách, hộp bút, nắp bút toàn in hình xác ướp, đầu lâu hoặc ác quỷ… Khi hàng ngày hàng giờ các em được tiếp xúc với những thứ này, dần dần các em đều đã xem những cái quái dị thành bình thường, trẻ em không có khả năng phân biệt, từ nhỏ đã bị nhồi nhét thị hiếu thẩm mỹ biến dị thì cơ hội phát triển quan điểm thẩm mỹ lành mạnh, trong sáng, hướng Thiện sẽ ít đi.
Những thứ vui chơi giải trí sinh hoạt ngoài giờ học của các em lại càng có vấn đề hơn nữa. Những đồ chơi có tạo hình giống chất thải người, rắn rết, côn trùng trông như thật bán đắt như tôm tươi. Các trang bị cho các nhân vật game trong các trò chơi điện tử càng lên cấp thì ngoại hình càng hoang dã, biến dị… Ngay cả truyện tranh hoặc hoạt hình xem ra có vẻ được vẽ rất đẹp, kỹ xảo cầu kỳ, cũng là thủ pháp xử lý tạo hình được xây dựng từ quan niệm thẩm mỹ lệch lạc, không hiện thực. Ví dụ làm mũi người co nhỏ lại, làm mắt biến hình và phóng đại đến kích thước 1/3 đến ½ khuôn mặt, làm bộ mặt và cặp mắt giống người ngoài hành tinh, mọi người xem còn cảm thấy là đáng yêu. Những người từ khi vừa sinh ra đến khi lớn lên trong các tranh ảnh biến dị này có lẽ sẽ mất đi năng lực thẩm mỹ bình thường.
Những thứ vui chơi giải trí sinh hoạt ngoài giờ học của trẻ em cần được quan tâm đúng mức. (Ảnh minh họa)
Người sống ở thành phố khá hiện đại, ngày ngày đi trên đường sẽ không có cảm giác đặc biệt, nhưng giả sử có người sống một thời gian dài trong các kiến trúc cổ truyền thống đến thành phố hiện đại này, thì sẽ cảm thấy rất khó chấp nhận nổi. Vì thành phố về cơ bản là sự chồng chất các kiến trúc lai tạp, nửa Đông, nửa Tây, hoặc đơn giản chỉ là những khối hộp khô cứng, sần sùi… Nhưng một người từ khi mới ra đời đã sinh sống ở đó thì có lẽ sẽ hỏi: Thành phố chẳng phải đều là như thế sao?
Ở một số quảng trường tại nhiều quốc gia, có thể nhìn thấy rất nhiều các tượng điêu khắc hiện đại. Nhiều cái có hình dạng hình học biến dạng, hoặc thể hiện các đặc trưng hình thể trừu tượng kỳ quái. Nếu không giải thích bằng lý luận mỹ học đương đại khiên cưỡng phụ họa, về căn bản sẽ chẳng ai nhìn ra nổi tác phẩm đó là đang điêu khắc cái gì, cũng như tác giả muốn biểu đạt cái gì. Đặc điểm này cũng được thể hiện trên những bức tranh tường ngoài trời được vẽ khá tỉ mỉ. Thậm chí, tại nhiều nơi, tranh tường thành phố còn thể hiện các chữ, từ biến dạng đầy hơi thở đấu tranh, đề cao tính chiến đấu. Biểu hiện phản kháng tâm lý nghe thì là khẳng định tự do cá nhân nhưng lại với cách thức bất Thiện, hiện thực hóa tính ác của con người.
Đối với người từ nhỏ đã lớn lên trong môi trường này, họ sẽ cảm thấy tất cả là bình thường. Đặc biệt là ở nhiều quốc gia, trong sách giáo khoa ở trường học, rất nhiều các hình vẽ minh họa đủ loại trường phái hiện đại đã đi sâu vào trong các bộ não non trẻ vốn thuần khiết của trẻ em, làm cho các em hình thành quan niệm “Mỹ thuật phải như thế này”. Khả năng chế ngự của ý thức tập thể và uy tín đối với tư tưởng cá nhân là vô cùng lớn, đối với thanh thiếu niên và trẻ em đang ở tuổi học tập thì nó càng chinh phục triệt để. Khi những người có uy tín cùng thống nhất tôn sùng “nghệ thuật” trừu tượng méo mó, tâm lý bầy đàn mù quáng trở thành chủ đạo thẩm mỹ của đại chúng. Những người không hoạt động nghệ thuật nào có biết các nhà sưu tầm, nhà đấu giá, bình luận nghệ thuật đã phối hợp ăn ý như thế nào, đã dẫn dắt xu hướng dư luận xã hội, từ đó kiếm được lợi ích kinh tế từ đó ra sao.
Một bức tranh trừu tượng chỉ cần mấy phút là hoàn thành, giá thành rất thấp, nhưng trong nghề bán đấu giá thì rất nhiều bức được bán ra với mức giá có nhiều số 0 đằng sau tới không tưởng. Tác phẩm No. 5, Người đàn bà quý phái, sáng tác năm 1948 của Jackson Pollock (1912-1956) hơn chục năm trước được bán với giá 140 triệu USD. Người bình thường rất khó lý giải được thứ trông giống như tấm lụa bị em bé mấy tuổi quậy chơi này, dựa vào đâu mà lại bán được nhiều tiền như vậy. Hay bức tranh có tên Cam, Đỏ, Vàng của Mark Rothko sáng tác năm 1961 được bán với giá 90 triệu USD vốn chỉ là ba mảng màu theo thứ tự từ trên xuống là cam, đỏ, vàng. Chúng ta hẳn là không thể biết được nội dung cũng như giá trị nghệ thuật của nó nằm ở đâu nếu không được nghe những chuyên gia hội họa này giải thích.
Bức tranh Number 5 được họa sĩ Jackson Pollock (1912-1956)  vẽ vào năm 1948, trên một tấm vải khổ lớn bằng cách nhỏ từng giọt sơn xuống. David Martinez, một chuyên gia tài chính Mexico mua tác phẩm này với giá 140 triệu USD. Ảnh dẫn theo whudat.de
Thực ra trong lòng các nhà kinh tế học rất rõ nguyên lý kinh tế để đẩy giá những “tác phẩm” như vậy. Thực ra chỉ cần tập hợp các nhà kinh tế, nhà phê bình nghệ thuật, nhà sưu tập, người buôn tranh và hãng đấu giá cùng liên kết lại, trên sân khấu, dưới sân khấu, thông qua vận hành thị trường mà giành được con đường và hiệu quả kinh tế khổng lồ. Người tỉnh táo đều có thể nhìn ra, trong lý luận mỹ học hiện đại, có tỷ lệ rất lớn là xây dựng thuật lừa đảo phát triển trên cơ sở tư tưởng nổi danh kiếm tiền.
Do quan niệm nghệ thuật hiện đại đang ở vị trí thống trị trong giới mỹ thuật, rất nhiều học giả phản cảm với nghệ thuật hiện đại, do áp lực dư luận nên khi biểu đạt quan điểm đã không thể không cẩn thận dè dặt, không dám bước qua giới hạn vì sợ bị những đồng nghiệp đã bị mỹ thuật hiện đại hóa đồng loạt chỉ trích, sau này sẽ không thể ở trong giới nghệ thuật được nữa. Thực ra nghệ thuật hiện đại đường hoàng bước vào cung điện đại nhã, đã phát triển đến mức không thể lọt mắt được từ lâu rồi. Piero Manzoni (1933-1963) vào năm 1961 đã lấy thứ ông đại tiện ra bỏ vào 90 cái hộp nhỏ làm tác phẩm nghệ thuật để bán, đặt tên là “Phân nghệ sỹ” (Merda d’Artista). Năm 2015, một trong các hộp đó được bán ở Luân Đôn với giá 182.500 bảng Anh, tương đương với 203.000 Euro, gấp mấy trăm lần giá vàng với trọng lượng tương đương vào thời điểm đó. Năm 1963 người này đã bị bệnh tim phát tác nên mất sớm, nếu không thì không biết cái “vị” được gọi là “Nghệ sỹ” này còn chà đạp thẩm mỹ nhân loại như thế nào.
Thẩm mỹ biến dị của đại chúng và người làm mỹ thuật chuyên nghiệp có liên quan chặt chẽ đến tác dụng dẫn dắt ngành nghề. Những thứ nghệ thuật kỳ quái sở dĩ có chỗ đứng, thậm chí trở thành chủ lưu trên thế giới, là có rất nhiều nguyên nhân lịch sử, mà về biểu hiện thì có logic bịt tai trộm chuông, nhưng lại được đại đa số mọi người tiếp nhận: Tức là chỉ cần có hệ thống lý luận mỹ học có thể tự trả lời được lý thuyết của nó, chẳng sợ là thứ rác rưởi cũng trở thành nghệ thuật, vì phạm vi mà mỹ học liên quan đến bao gồm tất cả khái niệm đẹp và không đẹp.
Vấn đề mà logic này bỏ qua là: Bất kỳ người nào làm bất kỳ điều gì đều không phải vô duyên vô cớ, đằng sau đó đều có lý do, mở rộng ra thì hình thành một hệ thống lý luận. Nếu bất kỳ lý luận nào chỉ cần giải thích được chính nó đều được xã hội công nhận, thế thì trên thế giới chẳng tồn tại bất cứ việc gì mà không được công nhận. Ví dụ ngày nay, các sự kiện khủng bố không ngừng xảy ra ở các nước phương Tây, đằng sau những kẻ khủng bố đó đều có một hệ thống lý luận tôn giáo đã bị bóp méo, hiểu sai, hoàn chỉnh chỉ đạo chúng giết người đốt nhà đánh bom, nhưng không thể vì có lý luận mà cho phép làm, lý luận cũng phải phân biệt tốt xấu, thiện ác.
Thật khó mà có thể hiểu được đây là nghệ thuật gì nữa. Ảnh dẫn theo prezi.com
Tiếc thay nghệ thuật “kinh dị” như trên không phải là cá biệt. Một số cái gọi là “Nghệ thuật hiện đại” thực ra đã vượt quá giới hạn chịu đựng tâm lý của nhân loại từ lâu rồi, một số “nghệ thuật sắp đặt” cực đoan, khán giả xem xong đã phải lập tức đến khám bác sỹ tâm lý, nếu không sẽ bị tâm bệnh. Nhưng ngày nay, không ít trường đại học, học viên phương Tây lấy những thứ này làm môn học chính dạy cho sinh viên, học không đạt thì không được tốt nghiệp, đã rót vào người học vốn đã bị xã hội làm cho ô nhiễm thêm những tư tưởng càng biến dị, để họ sau khi tốt nghiệp, lại đem trở lại xã hội những tư tưởng biến dị này.
Nghệ sĩ Xuân Bắc đã từng bộc bạch rằng:
Nói về nghệ thuật sẽ khó có thể phân biệt được đúng và sai bởi đó là ở quan điểm của mỗi người. Tuy nhiên, tôi chỉ muốn nhấn mạnh đã là nghệ thuật phải mang giá trị phát triển, mang giá trị mỹ học hướng con người tới cái đẹp, bắt đầu từ cái đẹp trong suy nghĩ, đến cái đẹp trong hành động và làm cho cuộc sống của chúng ta đẹp hơn.
Dù là một tác phẩm nghệ thuật, một bài hát, một bộ phim, một bức ảnh, một tác phẩm sân khấu thì trước hết nó phải mang lại cho người nhìn, người thưởng thức một cảm giác tích cực trong tâm hồn. Ảnh dẫn theo qingshansi.org
Đó có lẽ là cách đơn giản và dễ hiểu nhất để “giới hạn” nhiệm vụ của nghệ thuật nói chung hay mỹ thuật nói riêng. Bỏ qua những lý lẽ cao siêu, vô hình khó hiểu về nghệ thuật, một lĩnh vực hay được người trong nghề đưa lên tới mức độ khó hiểu đối với người thưởng thức bình thường. Dù là một tác phẩm nghệ thuật, một bài hát, một bộ phim, một bức ảnh, một tác phẩm sân khấu, vở nhạc kịch hay một chiếc váy thời trang… thì trước hết nó phải mang lại cho người nhìn, người thưởng thức một cảm giác tích cực trong tâm hồn. Có thể chỉ là một cảm giác nhẹ nhàng, trong trẻo, yêu đời, hay một cảm nhận sâu sắc, một cảm hứng mới mẻ, gợi mở lạc quan, một hy vọng… dù là gì thì nó phải mang tới cho người ta những điều tích cực. Đó mới là nhiệm vụ của của nghệ thuật chân chính.
                                                                            Sơn Hà

Thứ Tư, 25 tháng 10, 2017

MỘT BÀI VIẾT TÂM ĐẮC XIN MỜI ĐỌC

“Căn Tính Dân Tộc” và sự “Ăn Mày Dĩ Vãng”
của các Thế Hệ Cầm Quyền đã và đang đưa Việt Nam vào Ngõ Cụt
 
Nguyễn Trọng Bình
 
1. Trông người mà ngẫm đến ta
Những ngày này, tràn ngập trên các phương tiện truyền thông là những thông tin và hình ảnh về Đại hội lần thứ 19 của ĐCS Trung Quốc. Tâm điểm của sự kiện này chủ yếu tập trung vào một nhân vật duy nhất là Tập Cận Bình với “giấc mộng Trung Hoa” mà ông ta đã công khai với thần dân mình cũng như toàn thế giới.
Báo Tuổi trẻ - tờ báo hàng đầu của nước Việt hiện nay - số ra ngày 19/10 đã kịp thời chuyển tải đến người dân cả nước sự kiện trên bằng một bài viết rất kỳ công và trang trọng: “Khoảnh khắc ấn tượng trong đại hội Đảng lần thứ 19 của Trung Quốc”.
Một tờ báo lớn khác là Thanh niên cũng chạy tít: “Trung Quốc xác lập tư tưởng Tập Cận Bình”.
Nhưng có lẽ nhanh nhảu và dày đặt nhất là báo điện tử Vnexpress với hàng loạt bài tường thuật và bình luận như: “5 thế hệ lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung quốc”;”5 điểm nhấn trong bài phát biểu mở ra kỷ nguyên mới của ông Tập”, “Trung Quốc với tham vọng trở thành cường quốc hàng đầu năm 2050”; “Trung Quốc sẵn sàng chia sẻ mô hình thành công với các nước”…
Trông người mà ngẫm đến ta. Nếu lấy thời điểm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc vào năm 1991 với phương châm “16 chữ vàng” ("Sơn thủy tương liên, Lý tưởng tương thông, Văn hóa tương đồng, Vận mệnh tương quan" ) có thể khẳng định, cho đến hôm nay, 4 chữ “vận mệnh tương quan” là hoàn toàn phi thực tế đối với Việt Nam. Vì lẽ, trong khi Trung Quốc của họ Tập đang trên đường trở thành bá chủ toàn cầu và cao giọng hứa hẹn “chia sẻ mô hình phát triển” của mình thì Việt Nam của “ông lão” Nguyễn Phú Trọng vẫn là một quốc gia “không chịu phát triển”. Và hiện tại, tuy vẫn đang quay cuồng với chuyện “đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục” nhưng miệng vẫn không thôi chém gió và hoang tưởng: hết “quốc gia khởi nghiệp” lại đến “cách mạng công nghiệp 4.0”…?
 
2. Hãy tự thức tỉnh
Có lẽ, có không ít người Việt đang cảm thấy rất “dị ứng” và khó chịu trước sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc trong thời điểm hiện tại. Tuy vậy, nếu chúng ta dũng cảm gạt bỏ cái tâm lý tự hào, tự tôn dân tộc quá đà; bình tâm suy ngẫm lại mọi thứ trên tinh thần “biết người biết ta”, tôi nghĩ dù muốn dù không cũng phải thừa nhận họ - dân tộc Trung Hoa đã và đang hơn chúng ta – dân tộc Việt Nam hôm nay một “cái đầu”. Sự thành công của họ hôm nay âu cũng là điều tất yếu, không quá khó để lý giải.
Nói cách khác, chúng ta có thể không ưa Tập Cận Bình vì “tư tưởng” cùng “giấc mộng Trung Hoa” mà ông ta đang thiết kế và theo đuổi. Nhưng trước khi tỏ thái độ ấy, có lẽ mỗi người Việt (nhất là các vị lãnh đạo trong hàng ngũ cấp cao của ĐCS VN hiện nay) hãy tự nhìn lại tầm vóc và tư duy của dân tộc mình; hãy biết xấu hổ về những hạn chế và yếu kém của dân tộc mình thay vì cứ suốt ngày véo von, réo rắt tự hào về vô số những truyền thống “tốt đẹp”, “hào hùng” gì đó trong quá khứ (nhất là cái truyền thống “đánh Pháp, đuổi Mỹ”).
Dù sao thì dân tộc họ cũng có “tư tưởng” và “giấc mơ” (ít ra là theo quan điểm và tinh thần của các lãnh đạo ĐCS và truyền thống của dân tộc họ) để nuôi dưỡng và đeo đuổi. Các lãnh đạo của họ, trong từng giai đoạn và bối cảnh cụ thể đều có sách lược, chiến lược phù hợp nhằm từng bước hiện thực hóa “giấc mơ” ấy.
Còn dân tộc chúng ta, tôi tự hỏi: lâu nay người Việt có “tư tưởng” gì không? Và hiện nay, chúng ta đang “ước mơ” gì?
Xin mạo muội và bạo gan trả lời luôn vậy. Nói cho cùng, dân tộc chúng ta cho đến hôm nay chẳng có một “tư tưởng” gì cả (hay nói chính xác hơn là cũng có nhưng là mớ lý thuyết pha trộn Ta - Tàu - Tây rất tù mù và rối rắm). Cũng như cả dân tộc hiện nay chẳng có một “giấc mơ” to tát nào; và dĩ nhiên các lãnh đạo cấp cao của ĐCS VN trong từng giai đoạn cũng chẳng có một sách lược, chiến lược gì hay ho để xây dựng và phát triển đất nước.
Nếu như thời cổ đại, người Trung Quốc có các “ông Tử”; sau đó cũng giống như ta, họ cũng “cung thỉnh” hai vị Mác-Lê về kết hợp với “tư tưởng” của Mao Trạch Đông. Nhưng tiếp theo Mao là Đặng Tiểu Bình, sau Đặng là Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và bây giờ là “tư tưởng” của Tập Cận Bình.
Trong khi đó, dân tộc chúng ta, trước đây thì “xài ké” các “ông Tử” của họ; sau đó và cho đến nay thì chỉ có mỗi “giấc mơ” (giải phóng dân tộc thống nhất đất nước để “đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”) và “tư tưởng” của Hồ Chí Minh trên nền tảng học thuyết của một ông ở Tây Âu (C. Mác) và một ông ở Đông Âu (Lênin). (Và nói cho đúng thì phải chăng chỉ có học thuyết triết học của Mác-Ănghen thôi chứ làm gì có “triết học” hay “Chủ nghĩa Mác-Lênin” như nhận thức của ĐCS VN hiện nay?)
Nói khác đi, nhìn lại vai trò dẫn dắt dân tộc và đất nước của các lãnh đạo ĐCS VN trong quá khứ lẫn hiện tại, kể từ sau Hồ Chí Minh, chúng ta chưa từng nghe nói đến “tư tưởng” hay “ước mơ” của bất kỳ một lãnh đạo ĐCS nào khác.
Con hơn cha là là có phúc. Trò hơn thầy là đại phước của quốc gia. Sau đại hội lần này, “tư tưởng và tầm nhìn mới” của Tập Cận Bình chắc chắn sẽ được đưa vào điều lệ của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Nghĩa là sẽ được “đặt” ngang hàng với “tư tưởng” của Mao Trạch Đông hay Đặng Tiểu Bình – những vị tiền bối của Tập trước đó.
Chúng ta – những người Việt hôm nay có thể đang coi thường, dè bĩu khinh khi sự độc tài của họ Tập. Thế nhưng, nhìn một cách tổng thể, ở giác độ văn hóa, dù sao dân tộc họ vẫn có bề dày và “kinh nghiệm” hơn dân tộc chúng ta. Và điều quan trọng hơn, một khi xác lập “tư tưởng Tập Cận Bình” ít nhiều đã cho thấy, tuy giống nhau về thể chế và ý thức hệ, nhưng về nhận thức có thể khẳng định các lãnh đạo ĐCS Trung Quốc “cởi mở”, “linh hoạt”, “uyển chuyển” và “đa nguyên” chứ không bảo thủ, giáo điều và nhất là chỉ biết “ăn mày quá khứ” các lãnh đạo của ĐCS Việt Nam.
Tương lai của một dân tộc, một quốc gia đúng ra phải được nhìn nhận và thiết kế từ tất cả những phương diện, những vấn đề nẩy sinh trong đời sống ở thời điểm hiện tại (cho dù hiện tại là một đống hoang tàn, đổ nát đi nữa nhưng nếu nhận thức đúng đắn về nó thì vẫn quan trọng và có ích hơn là tránh né hoặc tô hồng) chứ không phải từ ánh hào quang của thời quá khứ xa xôi, không bao giờ tìm lại được.
Ấy vậy mà, kể từ sau ngày 02/09/1969 đến nay,  nhìn vào “tầm vóc” lẫn thần thái của các lãnh đạo nước nhà thấy chẳng có gương mặt nào để cho dân chúng có thể hãnh diện trên trường quốc tế. Xã hội và thế giới vốn luôn vận động và biến đổi không ngừng, vậy mà các thế hệ cháu con chỉ dám rụt rè (hay giả vờ khiêm tốn) an phận “học trò xuất sắc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh” thì hỏi sao đất nước này muôn đời không bao giờ “sánh vai được với các cường quốc năm châu”?
         
4. Người tài giữ Đảng và xây dựng đất nước – thêm một điểm khác biệt
Một quốc gia, một dân tộc có phát triển và hưng thịnh hay không, điều quan trọng và trước hết phụ thuộc vào tầng lớp lãnh đạo chóp bu (là người như thế nào; có tài thao lược gì để dẫn dắt dân tộc?). Nói “hiền tài là nguyên khí của quốc gia” cũng là vì thế.
Có không ít ý kiến cho rằng “trong lòng” Trung Quốc hiện nay cũng đang đầy dẫy những bất ổn. Điều này là không sai nhưng suy cho cùng quốc gia nào mà không vướng phải những vấn đề nọ kia. Và có lẽ, không đợi tới người ngoài nói, Tập Cận Bình hẳn nhiên thừa biết trong lòng Trung Quốc cũng có những người chống ông và chống ĐCS Trung Quốc. Nhưng có hề gì, với đảng của mình đương nhiên ông ta phải củng cố và bảo vệ nhưng điều quan trọng hơn là việc Trung Quốc phát triển và trở thành bá chủ thế giới chính là câu trả lời quan trọng nhất của ông dành cho những người không ủng hộ mình.
Và thực tế đã cho thấy điều đó. Vị thế và tầm ảnh hưởng sâu rộng của Trung Quốc hiện nay trên trường quốc tế ở cả hai phương diện: “quyền lực cứng” (kinh tế, quân sự…) lẫn “quyền lực mềm” (chính trị, văn hóa,…) là không còn bàn cãi.  
Đây chính là cơ sở  quan trọng để họ Tập mạnh miệng tuyên bố trở thành “siêu cường quốc” vào năm 2050. Không những vậy, đó còn là một mô hình “chủ nghĩa xã hội đặc sắc” kiểu Trung Quốc!? Riêng về phương diện  chủ quyền quốc gia, ông Tập không ngần ngại gửi thông điệp ngầm đến tất cả các bên liên quan (đương nhiên là có Việt Nam chúng ta) theo luận điệu bá quyền thường thấy là: " sẽ không dung thứ cho bất cứ ai, bằng cách nào, vào thời điểm nào, muốn tách một tấc đất ra khỏi Trung Quốc".
Nói điều này để thấy rằng, hơn ai hết họ Tập cùng tập đoàn chính trị của ông ta, hiểu rất rõ những vấn đề thuộc về nội tình Trung Quốc trong bối cảnh chung của thế giới khi xây dựng “giấc mơ” của dân tộc mình trong tương lai.
Qua đây có thể thấy, các lãnh đạo ĐCS Trung Quốc ngoài việc lo giữ Đảng của mình thì vấn đề xây dựng và phát triển nhằm đưa đất nước Trung Quốc trở thành siêu cường thế giới là mục tiêu lớn nhất của họ. Vậy nên, việc chọn “người tài” để kế vị của họ bao giờ cũng chú trọng cùng lúc hai mục tiêu này. Phải chăng đây cũng chính là ưu điểm và là sự khác biệt lớn nhất so với các lãnh đạo ở Việt Nam (kể từ sau khi nước nhà thống nhất cho đến nay).
Hay nói khác đi, lâu nay, ĐCS VN chỉ lo tìm “người tài” để giữ Đảng thôi chứ người tài để xây dựng và phát triển đất nước thì chẳng màng quan tâm.
Bằng chứng là hiện tại, dẫn dắt đất nước, dẫn dắt dân tộc với bề dày mấy nghìn năm văn hiến là một ông lão già nua, tóc tai bạc trắng. Hơn hai nhiệm kỳ rồi nhưng quanh đi, quẩn lại cũng chỉ mấy câu nói cũ rích như: “đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức…”, “chống suy thoái”, “chống diễn biến”, “đánh chuột, vỡ bình”,“nhóm lò, đốt củi” gì gì đó nhưng chẳng đâu vào đâu! Đến nỗi dân chúng khắp nơi trong cả nước đã không ngần ngại đặt cho cái “biệt danh” không thể nào chua chát và xót xa (nếu nhìn sang người đồng cấp Tập Cận Bình) hơn: “Trọng lú”!
Và điều đáng nói là, cho đến giờ bản thân ông ta vẫn đang loay hoay tìm người kế vị nhưng mãi vẫn chưa ưng ý. Vì sao như vậy? Có lẽ trong hoàn cảnh hiện nay, nếu chỉ tìm người tài để xây dựng và phát triển đất nước thì chắc chắn sẽ không thiếu nhưng để tìm người có cái “lý lịch ba đời trong sáng như gương” để chủ yếu lo giữ Đảng, giữ chế độ thì chuyện phải cân nhắc, nâng lên hạ xuống âu cũng là lẽ thường tình. Nhưng điều này lại chính là bi kịch của dân tộc nếu nhìn về tương lai. Nói như lời của cố Tiến Sĩ Alan Phan năm nào là: “đã ngu, đã nghèo mà còn “kiên định lập trường” ấy nữa thì vô phương cứu chữa.
 
3. Thay lời kết
Tóm lại, chúng ta có thể không ưa một Trung Quốc bá quyền, không ưa một  Tập Cận Bình vì cái luận điệu và tâm lý nước lớn của ông ta hôm nay nhưng nếu chỉ có thế và nhất là không tự nhìn lại những yếu kém của dân tộc mình để mà phấn đấu và từng bước thay đổi hiện trạng thì chỉ càng cho thấy rõ cái tâm lý ghen ghét, đố kỵ của chúng ta trước sự thành công của người khác mà thôi.
Một dân tộc sống không “tư tưởng” và ước mơ nhưng lúc nào cũng dè bĩu, coi thường tư tưởng và ước mơ của dân tộc khác chắc chắn không phải là một dân tộc lớn (trưởng thành) và đáng để người khác nể trọng.
Ngược lại, một dân tộc nếu chỉ biết ngồi nhìn và thán phục; chỉ biết tung hô và xem người khác như một “hình mẫu” hay “thần tượng” rồi rập khuôn, bắt chước và theo đuôi thì càng tệ hại hơn nữa. Đó không chỉ là đang tự thừa nhận sự yếu kém của bản thân mà trên hết là thái độ nhu nhược, hèn kém và vong bản.

Thứ Tư, 18 tháng 10, 2017

VỀ NGƯỜI KHỔNG LỒ TẬP CẬN BÌNH

Tập Cận Bình: Từ hang đá tới Trung Nam Hải

Không có nhiều lãnh đạo trong Thế kỷ 21 từng sống trong hang, từng làm nông dân rồi đi lên đỉnh cao quyền lực như ông Tập Cận Bình.
Năm thập niên trước, trong cuộc hỗn loạn của cuộc Cách mạng Văn hóa tại Bắc Kinh, cậu thiếu niên khi đó 15 tuổi đã tới bắt đầu cuộc sống nông thôn vất vả, giữa một vùng núi đồi của Trung Quốc.
Nơi ông Tập làm ruộng từng là một trại lính của những người Cộng sản trong thời nội chiến. Diên An tự coi mình là “vùng thánh địa của cuộc cách mạng Trung Quốc”.
Nay, việc Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục đảm nhiệm nhiệm kỳ hai trong vị trí nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ được xác nhận tại Đại hội Đảng Cộng sản. Ông đang dẫn dắt một siêu cường đang lên, đầy tự tin, nhưng cũng là một quốc gia có chính sách khắt khe trong việc nói về lãnh tụ của mình.
Ngôi làng nông thôn Trung Quốc nơi ông Tập lớn lên nay trở thành một địa điểm hành hương của những người tin yêu Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Năm 1968, Mao Trạch Đông quyết định rằng hàng triệu thanh niên trẻ trung cần phải được đưa từ các thành thị về vùng nông thôn để trải nghiệm cuộc sống vất vả của người nông dân.
Ông Tập nói rằng ông đã học, và rằng các ‎ý tưởng, các phẩm chất định hình ông ngày nay đã đến từ thời gian đầu đời, khi ông còn sống trong hang.
“Tôi mãi mãi là đứa con của vùng đất,” ông Tập thường thích nói vậy. “Tôi đã để trái tim mình ở Lương Gia Hà. Lương Gia Hà đã tạo ra con người tôi.”
“Khi tới đó ở tuổi 15, tôi hồi hộp, lo lắng. Khi rời đi, lúc đã 22 tuổi, các mục tiêu cuộc đời tôi đã rõ nét, và tôi đầy tự tin.”
df
Hồi đó, mọi người đều đọc Mao tuyển, cuốn sách nhỏ ghi chép các câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Mao. Nay, các ý tưởng của Chủ tịch Tập được đăng trên những tấm pano quảng cáo khổng lồ màu đỏ, và có một bảo tàng vinh danh ông nữa.
Nó ca tụng những điều tốt đẹp mà ông đã làm cho những người dân làng, nhưng mọi dấu vết về tính cách thực sự đã bị xóa bỏ đi, khiến cho câu chuyện trở nên thần thánh tới mức khó tìm ra ngọn nguồn sự thật.
Sau năm năm đầu nắm quyền, ông Tập Cận Bình đã xây dựng nên sự sùng bái cá nhân, với hình ảnh ông được khắc họa như con người vì nhân dân.
Ông từng đi thăm các ngôi nhà trong ngõ nhỏ, cúi người đi qua các dây phơi quần áo, từng nói với giới học sinh sinh viên rằng cuộc sống giống như chiếc áo sơ mi với những khuy cài mà ta cần phải cài những chiếc đầu tiên cho đúng, nếu không thì mọi thứ sau đó sẽ đều sai cả.
Ông từng xếp hàng ở một quầy hàng bán bánh bao để mua, tự trả tiền cho bữa ăn trưa.
Nhưng phần đời trong những năm tuổi trẻ, khi ông phải xa gia đình, phải sống ở trong một hang động mới chính là phần tạo nên sự huyền thoại về ông.
Chàng thanh niên Tập tính đến thời điểm chuyển đến ở trong hang đã sống hai cuộc đời. Thuở thiếu thời, cha của cậu bé Tập là một anh hùng trong cuộc cách mạng cộng sản và cậu được hưởng những ưu đãi của một “thái tử đỏ”.
Em bé Tập Cận Bình (trái) cùng em và bố
Em bé Tập Cận Bình (trái) cùng em và bố
Một tài liệu ngoại giao của Hoa Kỳ hồi năm 2009 mà Wikileaks công bố, được soạn dựa trên một bình luận ngắn của người bạn thân của ông Tập, nói rằng 10 năm đầu đời của ông Tập là những năm quan trọng nhất, là thời gian khiến ông nhận thức được vị thế ‘thái tử đỏ’ của mình, và là thời gian ông lớn lên trong khu nhà đặc biệt, riêng biệt ở Bắc Kinh.
Nhưng tất cả những thứ đó đã tan tành trong vòng xoáy, khi Chủ tịch Mao ngày càng trở nên hoang tưởng và ham báo thù giáng những đòn trừng phạt lên giới tinh hoa trong Đảng hồi thập niên 1960.
Cha của ông Tập bị thanh trừng đầu tiên, bị bỏ tù, và gia đình ông bị sỉ nhục.
Một trong những người chị của ông Tập qua đời, mà có lẽ là đã tự vẫn. Khi ông Tập 13 tuổi, việc học hành chính thức của ông kết thúc bởi các lớp học trên toàn Bắc Kinh bị gián đoạn để học sinh, sinh viên còn có thời gian đi lên án, đánh đập và thậm chí giết chết các thầy giáo của mình.
1966: Cách mạng Văn hóa
1966: Cách mạng Văn hóa
Không có cha mẹ, bạn bè nào bảo vệ mình khỏi đám Hồng vệ binh hung hãn trên các đường phố thời Cách mạng Văn hóa, cậu thiếu niên Tập Cận Bình đã sống cuộc đời thứ hai của mình tại Bắc Kinh, né tránh được những lời dọa giết hay bắt nhốt.
Sau này, ông kể lại với phóng viên về một lần đối đầu khi đó.
“Lúc ấy tôi 14 tuổi. Hồng vệ binh hỏi, ‘Mày tự nghĩ là tội ác của mày nghiêm trọng tới đâu?’
“Tôi nói, ‘Các anh tự đánh giá được. Có đủ để xử tử tôi không?’
“’Chúng tao có thể xử tử mày hàng trăm lần,’ họ đáp.
“Với tôi thì việc bị xử tử hàng trăm lần hay một lần cũng chả có gì khác nhau.”
Nhiều người trong thế hệ ông Tập đồng ‎ý rằng khi việc học bị gián đoạn và họ phải học cách để sinh tồn, thì cảm xúc của họ đã được phát triển tới mức cứng rắn, và họ trở nên độc lập trong suy nghĩ.
Ông Tập sau này nói ông có khả năng lắng nghe quan điểm của người khác mà không nhất thiết phải cúi mình trước họ.
“Tôi phải học cách đón nhận việc người khác chỉ ra sai lầm của mình, nhưng không bị ảnh hưởng gì nhiều về việc đó.”
Cuộc sống ở thôn quê thời thập niên 1960 rất khó khăn. Không có điện, không có máy móc cơ giới. Cậu thiếu niên Tập Cận Bình đã phải học cách đưa phân gia súc đi, học cách đắp đập, sửa đường sá.
Cậu đã ở chung trên cái giường xếp bằng gạch đầy rận trong hang với ba người khác.
Vào ban đêm, cậu phải đọc sách trong ánh đèn dầu. Cậu là người đọc ngấu nghiến mọi thứ và nghiện thuốc lá.
Hang nơi mà Tập Cận Bình từng ở
Hang nơi mà Tập Cận Bình từng ở
Cậu không có khiếu hài hước, theo lời một người sống cùng thời đó. Cậu không chơi bài, không giao du với đám thanh niên, cũng không tìm bạn gái.
Đến năm 18 tuổi, chàng thanh niên Tập Cận Bình đã sẵn sàng dấn bước vào sự nghiệp chính trị.
Anh gia nhập Đoàn Thanh niên Cộng sản, và ở tuổi 21, bất chấp nhiều lần bị gạt ra do lí lịch có cha ngồi tù, anh đã vào được Đảng Cộng sản.

Thăng tiến

Khác với những người khác, ‘muốn bù đắp thời gian đã mất bằng những thú vui’, Tập cực kỳ tham vọng và quyết tâm. Sau Cách mạng Văn hóa, ông “chọn cách tồn tại bằng việc trở thành đỏ hơn cả đỏ”.
Khi Tập 25 tuổi, người cha được phục hồi sự nghiệp chính trị, được điều đi lãnh đạo Quảng Đông, một tỉnh rộng lớn ở ngay sát Hong Kong, nơi sau này trở thành ngôi nhà quyền lực của sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc.
Tập Cận Bình năm 1979
Tập Cận Bình năm 1979
Ông Tập Trọng Huân thúc đẩy sự nghiệp chính trị của con trai thông qua mạng lưới bảo trợ của mình, và Tập Cận Bình đã nhanh chóng học được cách xây dựng mạng lưới riêng.
Tập Cận Bình mang trong mình những vết thương về thời gian đầu đời và nỗi cô đơn khi sống trong hang. Bạn bè nói sự dè dặt kín đáo đã góp phần dẫn đến sự thất bại trong cuộc hôn nhân của ông với người vợ đầu, con gái một nhà ngoại giao cao cấp.
Nhưng chính tính cách này đã góp phần tạo nên sự thành công trong sự nghiệp chính trị của ông. Cho tới khi lên tới vị trí đỉnh cao, thành tích của ông là đã thăng tiến một cách kín đáo.
Lần duy nhất ông khiến người ta để ý tới là khi ông kết hôn với người vợ hiện nay, một ca sỹ có tiếng.
Trong nhiều năm, công chúng có câu chuyện tiếu lâm thế này: “Tập Cận Bình là ai? Ông ấy là chồng của Bành Lệ Viện.”
Vợ chồng Tập Cận Bình
Vợ chồng Tập Cận Bình
Một phóng viên làm việc cho truyền thông nhà nước Trung Quốc có nhiệm vụ đưa tin về Tập Cận Bình hồi ông còn là một lãnh đạo cấp tỉnh nói với tôi rằng ông Tập “lúc nào cũng buồn tẻ và dễ bị quên lãng. Ông ấy không muốn để lại bất kỳ tiếng xấu nào.”
Từng chứng kiến việc cha mình trở thành nạn nhân của Mao Trạch Đông do dám lớn tiếng chỉ trích, ông Tập đã rất thận trọng và tránh gây thù chuốc oán. Ngay cả khi đã ở độ tuổi 40, 50 và đã trở thành một lãnh đạo rất cao cấp trong Đảng, ông cũng luôn kín đáo, không bao giờ phô trương.
Tập Cận Bình thời trẻ ít nổi bật
Tập Cận Bình thời trẻ ít nổi bật
Khi ông trở thành lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi 2012, Tập Cận Bình là một lựa chọn có tính thỏa hiệp.
Không mấy ai ở trong và ngoài Trung Quốc đoán được là điều gì sẽ diễn ra – năm năm đầy những chấn động và hoang mang chính trị.
2012: Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo của Đảng Cộng sản

Chiếc lồng nhốt hổ

Vào ngày 11/6/2015, một người đàn ông tóc bạc đứng trước vành móng ngựa ở miền bắcTrung Quốc, bị tấn công bởi những người từng phải chấp hành mệnh lệnh của mình.
Trong nhiều năm, đó từng là người đàn ông bị nhiều người khiếp sợ nhất Trung Quốc, người nắm trong tay cảnh sát, các lực lượng bán vũ trang, nhà tù và các hoạt động tình báo.
Thế nhưng trong một năm rưỡi biến mất khỏi đời sống xã hội và tái xuất hiện trước tòa, người đàn ông 72 tuổi này đã mất đi mái tóc đen bóng bảy, trông rất suy sụp.
Nay ông trở thành mục tiêu của hệ thống an ninh mà bản thân ông ta đã xây dựng nên. Và ông biết chống cự chỉ vô ích.
“Tôi chấp nhận bản án. Tôi sẽ không kháng cáo. Tôi thừa nhận những tội lội mình đã phạm phải và về những tổn thất tôi gây ra cho Đảng.”
Khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, ông đã cam kết với nhân dân là sẽ tiến hành chiến dịch chống tham nhũng triệt để, đả hổ diệt ruồi.
Và đây là một trong những con hổ lớn nhất. Chu Vĩnh Khang là quan chức cao cấp nhất của Đảng từng phải ra hầu tòa về tội tham nhũng trong lịch sử tồn tại của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tiếp đến là một con hổ nữa, Bạc Hy Lai. Ông và ông Chu bị cáo buộc cùng âm mưu “phá hoại sự đoàn kết của Đảng”.
Phiên tòa xử ông Chu diễn ra trong thời điểm ông Tập ở giữa nhiệm kỳ đầu. Chiến dịch chống tham nhũng của ông gây sốc và đã diễn ra suôn sẻ với các phiên tòa xử quan chức cao cấp.
Để tăng thêm hình ảnh về một nền văn hóa chính trị có kỷ cương và liêm chính, ông Tập tránh các bữa tiệc xa hoa và đôi khi đi lại trên chiếc xe tải cùng các đồng nghiệp thay vì dùng tới những đoàn xe limousine.
Kể từ khi phe cộng sản chiến đấu giành được quyền lực, họ đã tự gọi mình là “quân tiên phong của nhân dân”, là giới tinh hoa lên nắm quyền nhằm “phục vụ nhân dân”.
Nếu như không có thứ này, Đảng Cộng sản không có cơ sở để có tính chính danh.
Trong thời gian năm năm qua, thông điệp rõ ràng của ông Tập là: “Đừng vào Đảng nếu như qu‎í vị muốn kiếm tiền.” Nhưng vấn đề của ông đã và đang nằm ở chỗ đó chính là lí do khiến một phần trong số gần 90 triệu đảng viên vào Đảng.
Phong bì chứa tiền chỗ này, một cái gật đầu chỗ kia, chuyện cần có người đỡ đầu là cách mà nền chính trị của Đảng Cộng sản thường hoạt động. Dọn dẹp điều này đồng nghĩa với việc xóa bỏ không chỉ các cá nhân mà còn cả toàn bộ các mạng lưới quan hệ, và cả một nền văn hóa.
“Ông cầm quyền như thể Sao Bắc Đẩu,” ông Tập nói, dẫn lời Khổng Tử. “Vì sao luôn giữ vị trí của mình, và được triệu triệu các ngôi sao khác thần phục.”
Ông ra chỉ thị về số lượng các món ăn bao nhiêu là vừa phải cho các bữa tiệc của giới quan chức, và thậm chí ra các chỉ thị cụ thể cho từng cấp quan chức trong bộ máy.
Ông Tập trở về cái hang ông ở khi xưa, để khoác vai những người nông dân bình dị và tạo ra sự tương phản giữa câu chuyện cuộc đời ông với đời sống của một nhân vật tham nhũng thuộc tầng lớp tinh hoa.
Chu Vĩnh Khang từng đầy quyền uy
Chu Vĩnh Khang từng đầy quyền uy
Nhưng ông Tập, nay ở tuổi 64, luôn thuộc về tầng lớp tinh hoa.
Trong những năm ông còn chưa nắm quyền, một số người thân của ông đã khét tiếng là giàu có, tuy không có bằng chứng nào cho thấy ông tìm cách thu lợi cho gia đình.
Theo lời kể của một người bạn ông, được ghi lại trong điện tín ngoại giao của Mỹ mà Wikileaks tiết lộ, thì, “ông Tập biết rõ Trung Quốc mắc tình trạng tham nhũng nặng đến đâu, và bị thất bại ra sao trong cuộc bủa vây toàn diện thương mại hóa xã hội Trung Quốc, với những ‘nô bộc’ của dân thì giàu có, quan chức thì tham nhũng, sự mất mát các giá trị, sự tử tế, tự trọng, và các ‘suy đồi đạo đức’ như tệ nạn ma túy, mại dâm.”
Chu Vĩnh Khang từng là một đảng viên Cộng sản trong suốt nửa thế kỷ. Khi ông Tập bắt đầu chập chững bước vào cuộc sống của giới tinh hoa đỏ tại Bắc Kinh, thì gia đình ông Chu đang sống cuộc sống nông dân vất vả, phải đi câu lươn để kiếm thêm thu nhập. Người con trai cả đã làm vẻ vang cả nhà khi đi học đại học và trở thành một kỹ sư dầu khí.
Ông Chu đã vươn lên dẫn dắt công ty dầu khí lớn nhất Trung Quốc, và sau đó dẫn dắt một tỉnh với 80 triệu dân. Ông thăng tiến trong sự nghiệp với việc có chân trong cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng Cộng sản và kiểm soát hệ thống an ninh. Những thứ đó tạo thành một mạng lưới bảo trợ vô cùng hùng mạnh.
Tính đến khi ông Chu xuất hiện trước tòa, ông Tập đã xé toang mạng lưới đó – các điều tra viên của ông thẩm vấn từng người một, từ nhân viên văn phòng cho tới các tài xế, các đầu bếp.
Chỉ vài tháng trước khi ông Chu ra tòa, một trong những ‘bạn nối khố’ của ông đã bị xử tử hình về tội điều hành hoạt động mafia chuyên dọa dẫm và giết người. Nhưng Đảng Cộng sản hiếm khi xử tử người của mình. Ông Chu bị án tù chung thân.
Tại làng quê Tây Tiền Đầu của ông, có nhiều người cùng mang họ Chu.
Vào hôm tôi tới đó thăm, một người đang câu cá móc mồi vào lưỡi câu trong ánh nắng chiều và nói: “Đây là nền chính trị được ăn cả ngã về không. Chu Vĩnh Khang đã rất nỗ lực để đi lên. Ông ấy đã có những đóng góp to lớn cho Đảng. Ông Tập Cận Bình chỉ kiếm cớ để trói các cáo buộc vào ông ấy.”
Được ăn cả, ngã về không là một trò chơi nguy hiểm. Ông Chu không phải chỉ có tham nhũng – ông thuộc về một phe phái cạnh tranh quyền lực với ông Tập. Nay thì ai cũng rõ rằng trong kỷ nguyên ông Tập, nếu ai thua là người đó sẽ trắng tay.
Khi tầng lớp tinh hoa bị rạn nứt thì đó chính là mối đe dọa đối với chế độ độc tài.
Trong thời kỳ tiền Cộng sản, các triều đại phong kiến Trung Quốc thường trừng phạt những kẻ thất bại trong cuộc tranh giành phe phái nơi triều đình
Bằng cách nhốt hàng trăm con hổ quyền lực nằm ở các vị trí cao cấp trong Đảng và quân đội, ông Tập đã xé nát cái quy tắc vốn đã duy trì được thứ hòa bình mong manh trong giới tinh hoa đỏ sau cái chết của Chủ tịch Mao. Bất cứ ai trong số họ cũng có thể là người được đặc quyền phát biểu trước Đại lễ đường nhân dân nhưng chỉ ngay phút sau đã bị lôi vào tù.
Không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc cảnh báo về những vụ mất tích đột ngột. Vào tháng 1/2017, một tỷ phú 45 tuổi có những mối quan hệ với các danh gia vọng tộc đã biến mất khỏi căn hộ sang trọng ở Hong Kong của mình, bị điệu đi bởi một số người đàn ông không rõ danh tính.
Không ai nhìn thấy Tiêu Kiến Hoa kể từ đó, nhưng người ta tin rằng ông này đang bị giam giữ trong Trung Hoa lục địa – một lời cảnh báo cho những người khác rằng tiền tài, quan hệ và tấm hộ chiếu Canada không đủ để bảo vệ mình khỏi cánh tay vươn rất dài của ông Tập.
 Tiêu Kiến Hoa biến mất khỏi khách sạn ở Hong Kong 
 Tiêu Kiến Hoa biến mất khỏi khách sạn ở Hong Kong 
Sáu tháng sau đó, đã xảy ra cuộc thanh trừng của một chính trị gia mà nhà tỷ phú này biết rất rõ, một người được nhiều người cho rằng sẽ trở thành nhà lãnh đạo hàng đầu trong cuộc thay đổi nhân sự sắp diễn ra trong kỳ Đại hội Đảng.
Hối lộ, lạm quyền, đổi tiền lấy tình, tiết lộ bí mật của Đảng – nội dung các cáo buộc được đưa ra đối với Tôn Chính Tài đã quen thuộc. Nhưng năm năm sau sự cầm quyền của ông Tập thì nó giúp củng cố ấn tượng rằng vấn nạn tham nhũng trong Đảng Cộng sản là mang tính hệ thống, kéo dài.
Ở phía bên kia của thế giới, một tỷ phú giàu có khác, người cũng có nhiều mối quan hệ cao cấp, cũng đã nói lên chính xác điều đó.
Tôn Chính Tài bị khai trừ khỏi đảng
Tôn Chính Tài bị khai trừ khỏi đảng
Trong những tháng gần đây, ngồi an toàn trong căn hộ sang trọng ở Manhattan, Quách Văn Quý đã thực hiện các chương trình phát sóng đều đặn trên YouTube, cáo buộc rằng người đứng đầu cuộc chiến chống tham nhũng Vương Kỳ Sơn – cánh tay phải của ông Tập – chính là một kẻ tham nhũng.
Người duy nhất mà ông Quách cẩn thận không công kích là ông Tập.
Sếp đứng đầu cuộc chiến chống tham nhũng Vương Kỳ Sơn
Sếp đứng đầu cuộc chiến chống tham nhũng Vương Kỳ Sơn
Bắc Kinh bác bỏ các cáo buộc trên, và bản thân ông Quách nay trở thành mục tiêu của nhiều vụ kiện. Tuy nhiên, nhiều người Trung Quốc cảm thấy tin tưởng vào câu chuyện của ông về mối liên hệ giữa chính trị và giới kinh doanh.
Một số cáo buộc của ông quá đà, nhưng bức tranh ông nêu ra là một trong những băng hoại đạo đức thường gặp.
Quách Văn Quý, chụp ở New York
Quách Văn Quý, chụp ở New York
Tất cả các điều tra các hành vi tham nhũng cấp cao trong năm năm qua đã được tiến hành bí mật. Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn là một tổ chức hoạt động không rõ ràng: tuy cam kết làm sạch những sai trái, nhưng ông Tập lại không cho phép toàn bộ sự thật được nêu công khai trước tòa hay bất kỳ nơi nào khác mà người dân có thể biết.
Một lần nữa, Đảng đã phát hiện ra rằng quyền lực đi kèm với tham nhũng, và quyền lực tuyệt đối thì càng tham nhũng tuyệt đối. Nhưng ông Tập quyết tâm rằng chỉ mình ông sẽ chỉ huy việc ra tay với các đồng chí, nhốt hổ vào lồng.

Kiểm soát

Sóng gió nổ ra khi truyền thông xã hội phát hiện sự giống nhau trong bức hình chụp ông Tập Cận Bình đi bên cạnh Tổng thống Mỹ Barack Obama với hình ảnh gấu Winnie và hổ Tigger trong câu chuyện thiếu nhi kinh điển.
Từ đó, hoạt động kiểm soát internet tại Trung Quốc đã có cuộc chiến về gấu.
Với ông Tập cũng như với Đảng Cộng sản, thì việc bị chế nhạo là điều gây cảm giác nguy hiểm.
Hồi tháng 4 năm nay, một người đàn ông đã bị tù hai năm về tội “cãi lộn và gây chuyện” liên quan tới một nội dung trên mạng nhắc tới Bánh bao hấp Tập, một tên gọi ví von nhằm chỉ nhà lãnh đạo Trung Quốc sau khi ông có buổi ăn trưa nổi tiếng tại cửa hàng bán bánh bao.
Điện thoại nay cũng là công cụ kiểm duyệt.
Trung Quốc có hơn 750 triệu người dùng internet, nhiều hơn con số gộp lại ở cả Hoa Kỳ và châu Âu. Ông Tập muốn Trung Quốc trở thành một siêu cường trên không gian mạng trong lĩnh vực sáng chế và thương mại, nhưng không phải bằng cách chấp nhận hy sinh bớt kỷ cương chính trị.
Ông Tập đã ra hai cuộc chiến, một để kiểm soát các đồng chí của mình trong Đảng, và một để nhằm kiểm soát internet.
Trong bài diễn văn gần đây, ông cảnh báo rằng internet chớ trở thành “con dao hai lưỡi”, cho phép “năng lượng tiêu cực ẩn kín” gây tổn hại tới việc quản trị tốt nhà nước và sự bình ổn xã hội.
Ông đã củng cố mạnh mẽ cái được gọi là Vạn lý Tường lửa của Trung Quốc, sự kết hợp của luật pháp với công nghệ và được hỗ trợ bởi các chuyên gia và tình nguyện viên kiểm duyệt, khiến Đảng kiểm soát được không gian mạng ở Trung Quốc.
An ninh mạng nay nằm trong tâm điểm các nội dung ông Tập định nghĩa về an ninh quốc gia. Các nhà cung cấp dịch vụ Internet và các trang truyền thông xã hội buộc phải kiểm duyệt người dùng, trong khi người dùng được khuyến khích kiểm duyệt lẫn nhau. Mọi người không được phép ẩn danh khi lên mạng và những người dám vượt qua lằn ranh đỏ thì bị bỏ tù.
Nó gợi nhớ thời Mao, khi Đảng muốn công dân dò la lẫn nhau, và lưu giữ các hồ sơ chi tiết để khống chế, gây tâm lý sợ hãi.
Nhưng mạng lưới giám sát của ông Tập có lẽ đã mạnh hơn. Trung Quốc không thực sự bảo vệ quyền riêng tư, và mỗi điện thoại di động bây giờ đều có thể có khả năng là một thiết bị nghe lén và kiểm duyệt.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn ưu tiên kiểm soát thông tin nhạy cảm. Cho đến thời ông Tập thì l‎ý thuyết căn bản mà nhiều người cộng sản nêu ra trong thời kỳ cải tổ là một nền kinh tế hiện đại phức tạp và năng động sẽ cần được phân quyền nhiều hơn trong vấn đề ra quyết định, và điều này cuối cùng có nghĩa là có tự do hơn về Internet.
Ông Tập thì có tầm nhìn khác – tầm nhìn về một Trung Quốc thịnh vượng, đoàn kết và hùng mạnh dưới sự dẫn dắt của một đảng đầy tính kỷ luật. Bất kỳ khi nào có những ‎ý tưởng được đưa ra thì ông lại nỗ lực chiếm lại quyền kiểm soát.
Khi ông đi thăm trụ sở của đài truyền hình quốc gia tại Bắc Kinh, một màn hình khổng lồ đằng sau ông đã bật lên thông điệp “tuyệt đối trung thành” và “tên họ của chúng tôi là Đảng”.
Tại các khu học xá, vai trò lãnh đạo của Đảng đang được “tăng cường” và các sách giáo khoa thì tìm cách tẩy bỏ ảnh hưởng của phương Tây. Các công ty tư nhân háo hức thông báo về các chi bộ Đảng Cộng sản trong công ty, thậm chí khu vui chơi Disney Thượng Hải nhiệt thành khoe rằng “một số ý tưởng thực sự xuất sắc đến từ Đảng bộ”.
Tình trạng trấn áp trên không gian mạng thậm chí còn khốc liệt hơn.
Ông Tập nhậm chức vào năm 2012, một năm sau khi internet đóng vai trò then chốt trong việc nổ ra làn sóng mùa xuân Ả-rập.
Ông Tập quyết không để xảy ra tình trạng biểu tình rộng khắp ở Trung Quốc, bởi lo sợ lịch sử sẽ lặp lại sự kiện đàn áp Thiên An Môn hồi 1989, khi Đảng đưa quân đội vào nghiền nát phong trào đòi dân chủ của giới học sinh,sinh viên.
Ngay cả khi đi du lịch ra nước ngoài, nhiều công dân Trung Quốc vẫn đứng sau Vạn l‎ý Tường lửa, vì họ dùng dịch vụ của các nhà cung cấp tuân thủ trách nhiệm kiểm duyệt cho Đảng.
Cho đến nay, tường lửa đã có những vết nứt nhỏ, với những người quyết tâm truy cập vào các nguồn thông tin thay thế có thể làm vậy thông qua việc sử dụng dịch vụ mạng riêng ảo (VPN) để né tránh sự kiểm soát của Trung Quốc.
Trên truyền thông xã hội phương Tây, họ có thể đọc được cái nhìn rất khác về Trung Quốc.
Trong nhiệm kỳ hai, ông Tập muốn khống chế hoàn toàn các VPN có khả năng cho phép “năng lượng xấu” tấn công các hoạt động kiểm soát của ông.
Dựa vào dữ liệu điện thoại di động và công nghệ nhận dạng khuôn mặt, tất cả đều được tăng cường bởi sự đầu tư lớn vào trí thông minh nhân tạo và quản lý dữ liệu quy mô lớn, ông Tập hy vọng sẽ chỉ huy một hệ thống an ninh nội bộ mà những vị tiền bối của ông trong thời cách mạng cũng như trong thời phong kiến không thể tưởng tượng ra nổi.
Cuộc đấu tranh để kiểm soát không dừng lại ở phạm vi biên giới nước mình.
Chỉ hai tuần hai lần trước Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 19 diễn ra tại Bắc Kinh, một tổ chức nghiên cứu ở phía bên kia địa cầu đã trở thành mục tiêu tấn công trên mạng, có vẻ như bắt nguồn từ Thượng Hải. Vài tuần trước, một công ty luật bị cuộc tấn công tương tự.
Tỉ phú Quách Văn Quý trên YouTube
Tỉ phú Quách Văn Quý trên YouTube
Mối liên hệ giữa hai vụ này chính là Quách Văn Quý, nhà tài phiệt nổi tiếng đứng đằng sau những buổi phát sóng trên YouTube chống lại điều mà ông nói là sự tham lam, mưu mô và tàn bạo của một số người bạn cũ của ông.
Công ty luật bị tấn công, Clark Hill, đã nộp đơn xin tị nạn của ông Quách lên giới chức ở Mỹ. Và tổ chức nghiên cứu bị tấn công, Viện Hudson, là nơi đã tổ chức buổi nói chuyện trước công chúng đầu tiên của ông Quách ở Hoa Kỳ. Sự kiện đã bị hủy bỏ, và Viện này thừa nhận rằng họ đã phải đối mặt với áp lực từ Đại sứ quán Trung Quốc. Tuy nhiên, họ nói lí do khiến phải hủy buổi nói chuyện là do vấn đề hậu cần chứ không phải chính trị.
“Việc cho rằng chúng tôi bị chính phủ Trung Quốc hăm dọa là điều sai lầm.”
Tập Cận Bình và cựu Thủ tướng Úc Tony Abbott
Tập Cận Bình và cựu Thủ tướng Úc Tony Abbott
Tuy nhiên, nhiều người bị hăm dọa. Năm 2014, Thủ tướng Úc Tony Abbott nói với ông Tập Cận Bình rằng “có bạn từ nơi xa đến chính là một tin vui”. Nhưng chỉ một ngày trước đó, ông đã nói riêng với Thủ tướng Đức Angela Merkel rằng chính sách đối với Trung Quốc của Úc được đưa ra do “sự sợ hãi và lòng tham”.
Cả sự sợ hãi lẫn lòng tham đều là những động lực mạnh mẽ trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy, và ông Tập đã mạnh dạn khai thác chúng, toàn cầu hóa một chiến lược kiểm soát bằng cây gậy và củ cà rốt vốn đã tỏ ra rất hiệu quả ở trong nước.
2015: Ông Tập Cận Bình ở Seattle cùng các lãnh đạo ngành công nghệ của Mỹ và Trung Quốc
Để kiểm soát toàn bộ không gian mạng ở Trung Quốc, ông Tập đã có hành động chống lại cả thế giới.

Lương tâm

“Tự do, công lý và tình yêu, đây là những giá trị cốt lõi dẫn dắt chúng ta hành động.”
Bị cáo trong phiên xử này không phải là một con hổ tàn bạo của Đảng Cộng sản mà là một luật sư ôn hòa.
Những lời kết tội ông nghe có vẻ gần với các giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi đã được Tập Cận Bình hậu thuẫn, nhưng ông chuẩn bị phải vào tù vì đã dũng cảm thực thi các giá trị đó khi không có sự chấp thuậncủa Đảng.
Hứa Chí Vĩnh, 40 tuổi, bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là một nhà nghiên cứu nhưng lại quay sang đại diện cho những người thua cuộc trong phép màu kinh tế của Trung Quốc, bao gồm công nhân di cư và người vô gia cư.
Ngay khi ông Tập lên nắm quyền, vị luật sư này đã giúp thành lập Phong trào Tân Dân nhằm mục đích đoàn kết mọi người “thông qua bản sắc công dân chung”.
Ông bị cáo buộc đã tụ tập đám đông gây rối loạn trật tự công cộng.
Trong lời nói cuối cùng trước tòa, ông chỉ ra rằng Hiến pháp Trung Quốc hứa trao cho các công dân quyền tự do ngôn luận.
“Bằng cách cố gắng đàn áp Phong trào Tân Dân, qu‎í vị đang cản trở Trung Quốc trên con đường trở thành một nền dân chủ hợp hiến thông qua quá trình thay đổi ôn hòa.”
Vị thẩm phán cắt ngang lời ông, nói tuyên bố của ông là “không liên quan đến vụ án”. Mặc dù đấu tranh vì các nguyên nhân gần nhất với trái tim của ông Tập Cận Bình – đấu tranh vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho người nghèo – nhưng Hứa Chí Vĩnh đã phải ngồi tù trong thời gian ông Tập có nhiệm kỳ đầu tiên.
Bản án của ông được tuyên vào ngày 26/1/2014.
Thi hài Mao Trạch Đông đặt trong lăng
Thi hài Mao Trạch Đông đặt trong lăng
Chỉ vài tuần trước đó, nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã thực hiện chuyến đi ngắn từ khu liên hiệp cao tầng có tường cao ở trung tâm Bắc Kinh tới lăng Chủ tịch Mao ở Quảng trường Thiên An Môn.
Ở đó ông đã cùng tham gia các nhân vật cấp cao của Đảng cúi chào ba lần trước quan tài thủy tinh đặt thi hài Mao Trạch Đông, tỏ ý tôn trọng trong dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Mao.
Có vẻ như việc các chính sách của Mao gây ra đến nạn đói và cái chết của hơn 30 triệu người Trung Quốc, hoặc chuyện gia đình ông Tập từng bị bức hại trong cả chục năm mất mát của Cách mạng Văn hoá không phải là chuyện đáng bận tâm.
Dưới thời ông Tập Cận Bình thì những thực tế lịch sử khó nghe, hay việc sỉ nhục các anh hùng cách mạng và những người tử vì đạo nay trở thành thứ tội danh có thể cần phải trừng phạt, được gọi là “chủ nghĩa hư vô lịch sử”.
Lăng của Mao ở Quảng trường Thiên An Môn đối diện với cánh cổng ngoài của Tử Cấm Thành, nơi là Mao từng ăn mừng chiến thắng của cuộc cách mạng Cộng sản hồi 1949 với tuyên bố: “Người Trung Quốc đã đứng lên.” Chân dung của ông vẫn nhìn xuống quảng trường.
Là con trai của một trong những đồng chí cách mạng của Mao, ông Tập đặt mình vào đường dây kế vị trực tiếp.
Ông đã hứa với công chúng rằng Trung Quốc sẽ trở nên thịnh vượng, hùng mạnh. Ông tin rằng sự thống nhất và kỷ luật dưới sự lãnh đạo của một đảng là rất quan trọng để đạt được điều đó.
Việc sớm được giáo dục về vị thế tinh hoa của mình rồi tiếp đến là những nỗi kinh hoàng trong thời Cách mạng Văn hoá đã dạy cho ông Tập nỗi sợ công dân bị chính trị hóa.
Một điều quan trọng khác nữa đối với ông Tập là sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản trong khối Xô viết. Theo đánh giá của ông thì Moscow đã mất đi ý thức về mục đích cần theo đuổi khi từ bỏ lịch sử cách mạng.
Trong một bài phát biểu trước các đồng chí của mình trong Đảng Cộng sản Trung Quốc ngay sau khi nhậm chức, ông Tập cảnh báo: “Trước đây Đảng Cộng sản Liên Xô có nhiều thành viên hơn chúng ta, nhưng không ai đủ mạnh mẽ để đứng lên chống lại.”
Sự phản kháng của ông Tập đối với sức mạnh quyến rũ của các giá trị tự do trở nên quyết liệt.
Ông Tập dẫn lời Tô Đông Pha, một nhà thơ nổi danh, nói: “Tình hình nguy hiểm nhất đối với một quốc gia là dường như tất cả mọi thứ có vẻ tốt, nhưng thật ra đang có nguy hiểm tàng ẩn. Nếu chỉ ngồi xem, tình hình sẽ tồi tệ đến mức không thể vãn hồi trở lại. ”
“Nếu nhân dân không thể duy trì các giá trị đạo đức đã được hình thành và phát triển trên đất của chúng ta, mà thay vào đó chỉ như những con vẹt ngoan ngoãn và mù quáng về các giá trị đạo đức phương Tây, thì cần phải đặt câu hỏi một cách thành thật rằng liệu có phải chúng ta đang đánh mất đi phẩm giá độc lập của một quốc gia và con người hay không,” ông Tập nói.
Tô Đông Pha, là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc thời Tống
Tô Đông Pha, là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc thời Tống
Một quốc gia với những công dân tích cực, với ông Tập lại chính là cơn ác mộng. Người Ki-tô hữu, người Hồi giáo, các nhà hoạt động, các blogger, phóng viên, các nhà hoạt động nữ quyền và các luật sư đã bị bỏ tù.
Trong một số trường hợp, họ còn bị cho xuất hiện trên trong các cuộc thú tội trên truyền hình, công khai từ bỏ niềm tin của họ và lặp lại đường lối của Đảng rằng họ đã tự biến mình thành những quân cờ của các thế lực kẻ thù của Trung Quốc ở phương Tây. Coi một số dạng bày tỏ quan điểm là một hình thức đe dọa tới an ninh quốc gia – đó chính là nội dung trọng tâm trong cuộc chơi chính trị của ông Tập.
Cũng giống như Hứa Chí Vĩnh, luật sư đấu tranh cho nhân quyền luôn trong trạng thái sắp bị bắt, Đảng đã lưu hành một văn kiện nội bộ, được gọi là “bảy điều không được nói”, theo đó cấm việc thảo luận về các giá trị phổ quát, tự do báo chí, quyền công dân và việc có tòa án độc lập.
“Giày không nhất thiết phải giống hệt nhau mà chỉ cần hợp với người mặc,” ông Tập nói trước các cử tọa.
“Gene văn hoá truyền thống Trung Quốc được ăn sâu bắt rễ trong tâm lý của người Trung Quốc hiện đại.”
Ông muốn các công dân xác định gắn bó với “quê hương, quốc gia / dân tộc Trung Quốc, văn hoá Trung Quốc, và con đường xã hội chủ nghĩa Trung Quốc”. Ông gọi đây là “bốn đặc tính ” và đã gói ghém chúng trong hai khẩu hiệu quan trọng – sự hưng thịnh phục hồi của quốc gia Trung Quốc và giấc mơ Trung Quốc.
Từ biểu ngữ treo trên các con đường, các nhà ga, đến các tài liệu truyền hình, hình động trực tuyến và ứng dụng trên thiết bị di động, các khẩu hiệu này xuất hiện khắp mọi nơi.
Trong nhiều thế kỷ, các hoàng đế Trung Hoa đã nỗ lực cân bằng các nguyên tắc quyền lực cứng và mềm – họ gọi đó là sức mạnh và đức hạnh – thực thi quyền lực tuyệt đối, đồng thời có bổn phận phải chăm sóc các chủ thể mà họ cai quản.
Để ăn mừng lịch sử cộng sản Trung Quốc, ông Tập đã cẩn thận cân bằng giữa việc tỏ lòng kính trọng Chủ tịch Mao với sự tôn trọng dành cho nhà cải cách kinh tế Đặng Tiểu Bình.
Ông Tập nói về chủ nghĩa Marx và nói về các thị trường. Nhưng bản chất của khẩu hiệu “Giấc mơ Trung Quốc” của ông là rõ ràng – “giấc mơ của một quốc gia hùng mạnh”.
Đại hội Đảng Trung Quốc diễn ra năm 2017
Đại hội Đảng Trung Quốc diễn ra năm 2017
Những giấc mơ khác nhau – như cách nhìn của luật sư Hứa Chí Vĩnh – là rất nguy hiểm.
Nhà hoạt động xã hội này đã được thả ra vào tháng 7 sau khi hoàn thành bản án 4 năm. Kể từ đó, không ai có thể liên lạc được với ông Hứa.

Thử thách

“Không thể giả đò coi đây chỉ là một nước lớn. Đây chính là nước lớn nhất trong lịch sử thế giới.”
Cố lãnh đạo Singapore, ông Lý Quang Diệu đã nói như vậy về sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Trở thành nhà lãnh đạo vào năm 2012, ông Tập để mắt tới những gì Trung Quốc sẽ nhận được.
Vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản – 2021 – Trung Quốc sẽ trở nên “thịnh vượng vừa phải”. Vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản lên nắm quyền – năm 2049, đó sẽ là một quốc gia “phát triển đầy đủ, giàu có và hùng mạnh”.
Nền kinh tế Trung Quốc có thể sớm lớn hơn kinh tế Mỹ 40% nếu tính dựa trên “sức mua tương đương”. Đến năm 2049, nó có thể lớn gấp ba lần.
Trung Quốc đang trên đường trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới
Trung Quốc đang trên đường trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới
Bốn thập niên qua đã là một cuộc hành trình phi thường không chỉ dành cho Trung Quốc mà còn cho người dẫn dắt đất nước.
Ông Tập mới chỉ là một thiếu niên đọc sách trong hang bằng ánh sáng hắt lên từ chiếc đèn dầu khi một vị tổng thống Hoa Kỳ gặp Chủ tịch Mao năm 1972.
Khi cánh cửa đi về phương Tây mở ra một thập niên sau đó, một số thái tử đỏ cùng thế hệ với ông Tập đã chớp cơ hội để ra đi.
Mao gặp Richard Nixon năm 1972
Mao gặp Richard Nixon năm 1972
Nhưng ông Tập đã đặt ra một hướng đi khác, và theo nội dung một điện tín do Wikileaks tiết lộ thì ông biết ông sẽ “chẳng phải là gì đặc biệt” nếu đi ra bên ngoài.
Ông Tập tự tin trong những lần gặp gỡ với người nước ngoài. Ông từng nhận xét về những người giảng giải cho Trung Quốc vấn đề nhân quyền: “Có những người nước ngoài tẻ nhạt, ăn no rồi chả biết làm gì ngoài việc chỉ trích chúng tôi.”
“Thứ nhất, Trung Quốc không xuất khẩu cách mạng; thứ hai, Trung Quốc không xuất khẩu đói nghèo; thứ ba, Trung Quốc không đến và gây đau đầu cho ai. Còn gì nữa để nói?”
Trung Quốc mà ông Tập được thừa hưởng đã sẵn sàng tỏ thái độ quyết đoán hơn, và ông đã làm điều đó.
Từ việc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông có tranh chấp cho tới việc thiết lập các ngân hàng đa phương mới và lên kế hoạch xây dựng Vành đai và Con đường, ông đã bỏ qua câu châm ngôn cổ rằng Trung Quốc nên ‘ngọa hổ tàng long’ chờ thời.
Ông Tập cũng khai thác tối đa việc Tổng thống Donald Trump rút khỏi một hiệp định thương mại lớn và thỏa thuận về chống thay đổi khí hậu ở Paris để tự thể hiện mình là một chính khách của thời đại và tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới.
“Một cơn lốc hấp dẫn” – đó là cách mà series phim tài liệu truyền hình gần đây dùng để mô tả chính sách đối ngoại, đánh dấu năm năm đầu tiên nắm quyền, và được đưa song song với loạt chương trình về chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập.
Nhưng nếu ông Tập muốn đạt được các mục tiêu dài hạn của mình, thách thức thực sự vẫn còn phía trước.
Sức mạnh bề mặt đang giúp che giấu những vấn đề kinh tế trầm trọng.
Mức tăng trưởng chung của Trung Quốc đang chững lại trong lúc nợ nần thì đang tăng.
Nhiều nhà kinh tế cảnh báo rằng thời gian đang cạn dần cho việc tiến hành những cải cách nhằm xử lý các vấn đề của Trung Quốc mà không tạo ra một cuộc khủng hoảng. Và phía sau mặt tiền của bức tường lửa về sự thống nhất ý thức hệ là những ý tưởng khác nhau, đa chiều về tương lai của Trung Quốc.
Nhưng Đảng Cộng sản đã vượt qua được nhiều cuộc khủng hoảng trong cuộc đời ông Tập, từ nạn đói khủng khiếp trong thời Mao Trạch Đông cho tới Cách mạng Văn hoá, hay cuộc đàn áp đẫm máu phong trào dân chủ năm 1989.
Nước Trung Quốc của ông Tập cho đến nay luôn gắn sự thịnh vượng với tình trạng đàn áp. Nếu ông tiếp tục nhốt hổ vào lồng, thanh lọc các đồng chí và đàn áp những tiếng nói đối lập, thì những câu hỏi mang tính sống còn có lẽ sẽ dành cho những người khác.
Kể từ thời Chủ tịch Mao, đến nay, một lần nữa Giấc mơ Trung Hoa lại được đặt nặng nề lên vai một con người.
BBC