Trang

Thứ Năm, 28 tháng 9, 2017

HÃY NGHĨ VỀ CÁI CHẾT 5 PHÚT MỖI NGÀY !

‘Anh phải nghĩ về cái chết hơn năm phút mỗi ngày’- bí quyết của quốc gia hạnh phúc nhất thế giới

Đáng ngạc nhiên thay, những công dân ở một trong những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới lại rất thản nhiên suy nghĩ về một điều mà đa số chúng ta đều trốn tránh. Liệu đó có phải là chìa khóa tìm đến hạnh phúc?
Trong chuyến du lịch đến Thimphu, thủ đô của Bhutan, khi ngồi đối diện và chuyện trò với một người tên Karma Ura, tôi đã trút hết nỗi niềm của mình với người đàn ông lạ mặt ấy. Không biết có phải vì tên anh ấy là Karma (Nghiệp), hay là vì bầu không khí loãng, hoặc do chuyến du lịch xa nhà đã làm tôi mất đi tâm lý đề phòng và quyết định giãi bày một chuyện rất riêng tư. Không lâu trước đó, tôi đã có những triệu chứng đáng lo ngại: khó thở, chóng mặt, tê liệt ở hai bàn tay và chân. Lúc đầu, tôi sợ là tôi đang lên cơn đau tim, hay là động kinh, hoặc có thể là cả hai. Vì thế tôi đi khám bác sĩ, tiến hành một loạt các xét nghiệm và chẩn đoán là…
“Không có bị sao cả,” Ura nói. Thậm chí trước khi tôi hoàn thành câu nói của mình, anh ấy đã biết rằng những nỗi sợ của tôi là vô căn cứ. Không phải là tôi sắp chết, hay ít nhất là không nhanh như tôi nghĩ. Lúc đó tôi chỉ là đang hoảng loạn tột độ mà thôi.
Điều mà tôi muốn biết là: Tại sao lại là bây giờ – cuộc sống của tôi lúc này rất tốt – và tôi có thể làm gì?
“Anh phải nghĩ về cái chết hơn năm phút mỗi ngày” Ura trả lời. “Việc này sẽ chữa lành cho anh.”
Tại sao nghĩ về cái chết lại tốt hơn??? . Ảnh wikipedia.org
“Như thế nào cơ?” tôi hỏi một cách kinh ngạc.
Chính là thứ này, nỗi sợ hãi cái chết, sợ phải chết trước lúc ta đạt được những thứ chúng ta muốn hay được nhìn thấy con cháu lớn lên. Đây là thứ đang làm anh phiền muộn.
“Nhưng tại sao tôi lại nên nghĩ về một điều buồn rầu như vậy?” – tôi hỏi lại Ura.
“Những người giàu có ở Tây Phương, họ sợ phải tiếp xúc với xác chết, những vết thương rỉ máu, hay những thứ thối rữa. Đó là vấn đề. Vì cái chết cũng là một trạng thái hoàn toàn tự nhiên của con người. Chúng ta đều phải chuẩn bị cho giây phút chúng ta không còn tồn tại nữa.” – Ura nói.
Khi chúng ta có thể mở lòng mình với những điều mới lạ và không suy xét chúng bằng những định kiến cố hữu của mình, thì mỗi vùng đất hay mỗi con người đều có thể làm chúng ta ngạc nhiên. Vương quốc trên ngọn núi Himalaya này nổi tiếng với chính sách tiên tiến Tổng Hạnh Phúc Quốc Gia, và nơi đây là vùng đất mà sự mãn nguyện ngự trị và nỗi muộn phiền bị “cấm cửa.” Bhutan quả là một quốc gia đặc thù (và Ura, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Bhutan, cũng là một người rất đặc biệt), nhưng sự đặc thù của Bhutan thành thực mà nói thì lại không tươi sáng như một Shangri-la thơ mộng mà chúng ta tưởng tượng.
Thực ra, khi anh Ura khuyên tôi về việc nghĩ đến cái chết mỗi ngày một lần, anh ấy đã nói giảm nói tránh lắm rồi. Trong văn hóa Bhutan, một người đáng lẽ là phải nghĩ về cái chết đến năm lần một ngày. Điều đó vốn là quá đỗi phi thường đối với bất kỳ quốc gia nào, huống chi là với một đất nước được xem là tượng trưng của sự hạnh phúc như Bhutan. Chẳng lẽ nơi đây lại là một vùng đất của sự tối tăm và tuyệt vọng đến mức con người phải thường xuyên nghĩ tới cái chết như vậy?
Không phải vậy. Một số nghiên cứu gần đây phát hiện rằng, bằng cách nghĩ về cái chết nhiều lần, những người dân Bhutan có thể là đang đi đúng đường. Trong một nghiên cứu năm 2007, hai nhà tâm lý học Nathan DeWall và Roy Baumesiter thuộc trường Đại Học Kentucky ở Mỹ đã chia vài chục học sinh thành hai nhóm. Một nhóm được hướng dẫn là phải nghĩ về một lần nhổ răng đau đớn ở nha sĩ, còn nhóm kia thì phải suy ngẫm về cái chết của mình. Cả hai nhóm sau đó được yêu cầu phải hoàn thiện một vài từ (từ những từ cho sẵn), như “jo_”. Nhóm thứ hai – nhóm được bảo phải suy ngẫm về cái chết – đã hoàn thiện từ gốc thành những từ mang hàm nghĩa tích cực hơn so với những từ của nhóm thứ nhất, như “joy” (sự vui mừng). Việc này đã giúp các nhà nghiên cứu kết luận rằng “cái chết là một thực tế đe dọa con người về mặt tâm lý, nhưng khi họ suy ngẫm nhiều về nó, thì bản năng của họ tự động tìm kiếm những suy nghĩ tích cực.”
Người dân Bhutan họ đã biết rằng cái chết là một phần của cuộc sống, dù chúng ta có thích nó hay không. Ảnh people.com
Tôi chắc rằng những nghiên cứu này sẽ không làm ông Ura hay bất kỳ người Bhutan nào ngạc nhiên cả. Họ đã biết rằng cái chết là một phần của cuộc sống, dù chúng ta có thích nó hay không, và phớt lờ một thực tế cơ bản như vậy sẽ đem lại những hậu quả tâm lý khó lường.
Linda Leaming, tác giả một cuốn sách tuyệt vời tên A Field Guide to Happiness: What I Learned in Bhutan About Living, Loving and Waking Up, (Cẩm nang tìm đến hạnh phúc: Điều tôi học được ở Bhutan về cuộc sống, tình yêu thương, và sự giác ngộ) cũng biết được điều này. “Tôi nhận ra rằng việc nghĩ về cái chết không làm tôi buồn. Nó thôi thúc tôi nắm lấy từng khoảnh khắc và chứng kiến được những cảnh tượng tôi bình thường không nhìn thấy,” cô ấy viết. “Lời khuyên tốt nhất của tôi là: hãy đến nơi ấy. Nghĩ về điều không tưởng, điều mà làm bạn sợ hãi khi suy nghĩ về nó nhiều hơn một lần mỗi ngày.”
Không giống như đại đa số người phương Tây, những người Bhutan không né tránh cái chết. Cái chết – và những phác họa về nó – có mặt ở tất cả mọi nơi, đặc biệt ở những biểu tượng của Đạo Phật. Ở đây bạn sẽ thấy những hình minh họa đầy màu sắc nhưng cũng rất ghê rợn về cái chết, địa ngục, các nẻo luân hồi. Không một ai, kể cả trẻ em, có thể né tránh những hình ảnh hay các điệu múa dân tộc tái diễn lại cái chết.
Tập tục truyền thống thường cung cấp cho con người một khoảng lặng để họ vượt qua những nỗi đau buồn và mất mát, và ở Bhutan thì khoảng lặng ấy mang tính cộng đồng và bao phủ mọi nơi. Sau khi một cá nhân qua đời, một nghi thức tang lễ 49 ngày được tiến hành một cách trang trọng. “Cách thức này hiệu quả hơn hết thảy các liều thuốc an thần,” Tshewang Dendup, một diễn viên người Bhutan, nói với tôi. Trong khoảng thời gian này, bề ngoài thì trông như những người Bhutan này mang một vẻ rất tách biệt và có phần cô lập. Nhưng sự thật là không phải vậy. Họ đang vượt qua nỗi đau mất mát người thân qua nghi lễ.
Tuy nhiên, tại sao họ lại có một cái nhìn khác biệt đến vậy về cái chết? Người dân quốc gia này mang đức tin đối với Đạo Phật, đặc biệt là với khái niệm luân hồi chuyển kiếp. Nếu bạn biết là bạn sẽ có một cơ hội sống lần nữa, bạn sẽ không sợ kết thúc kiếp sống này. Như những Phật tử hay nói:
Bạn không nên sợ cái chết, nó cũng không khác gì so với việc bạn cởi bỏ bộ quần áo cũ của mình.
Cái chết, nó chỉ là việc bạn cởi bỏ bộ quần áo cũ của mình và đi sang thế giới bên kia mà thôi. Ảnh ĐKN
Hiển nhiên là tôi không có ý nói rằng người dân Bhutan không cảm thấy sợ hãi, hay buồn phiền. Đương nhiên là họ có. Nhưng Leaming nói với tôi rằng họ không trốn tránh những cảm xúc này. “Chúng ta bên Tây Phương muốn giải quyết vấn đề nếu chúng ta có phiền muộn,” cô ấy nói.
Chúng ta sợ hãi nỗi buồn. Nó như là một thứ chúng ta cần phải vượt qua, chữa lành. Ở Bhutan thì họ chấp nhận nó. Sự buồn phiền là một phần của cuộc sống.
Đến bây giờ thì tôi vẫn nghe theo lời khuyên của ông Ura. Tôi bắt mình phải nghĩ về cái chết một lần mỗi ngày. Trừ khi tôi thấy mình đặc biệt căng thẳng, hay bị nhúng sâu vào những việc không đâu, thì tôi phải nghĩ về cái chết hai lần một ngày.
Đó là câu chuyện của Eric Weiner, một người lữ hành kiêm triết gia, ông cũng đang hồi phục từ những sự bất mãn trong cuộc sống.
Cách đây mới hơn một năm, CEO tài ba của Apple, Steve Jobs cũng đã làm cả thế giới phải suy ngẫm lại một cách nghiêm túc về cái chết khi ông phải đối diện với án tử hình của căn bệnh ung thư nhưng vẫn lạc quan và để lại những lời cuối cùng gây chấn động, trong đó có câu: “Luôn nghĩ rằng mình sẽ sớm chết là công cụ quan trọng nhất giúp tôi tạo ra những quyết định lớn trong đời. Vì gần như mọi thứ, từ hy vọng, niềm tự hào, nỗi sợ hãi, tủi hộ hay thất bại, sẽ biến mất khi bạn phải đối mặt với cái chết, chỉ còn lại điều thực sự quan trọng với bạn. Nghĩ rằng mình sắp chết là cách tốt nhất tôi tránh rơi vào cái bẫy rằng tôi sẽ mất đi thứ gì đó. Khi không còn gì nữa, chẳng có lý gì bạn không nghe theo lời mách bảo của con tim.”
Mai Chi biên dịch

Thứ Hai, 25 tháng 9, 2017

CHUẨN BỊ CHUỒN CHĂNG ?

‘Thứ phi’ của Nông Đức Mạnh thoái sạch vốn để làm gì?

Phạm Chí Dũng
Người Việt 24/9/2017
 
Một nhà đầu tư nhỏ lẻ vừa thoái vốn?
Câu chuyện sẽ chẳng có gì đáng chú ý, nếu nhà đầu tư đó đúng là nhỏ lẻ, không mang tên Đỗ Thị Huyền Tâm – cựu đại biểu quốc hội và biến thành vợ sau của Nông Đức Mạnh sau khi ông Mạnh trở thành cựu tổng bí thư.
Mẩu tin nhỏ nhưng lại gây tính thời sự và nghi ngờ lớn là với tư cách chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Công Ty Cổ Phần Tập Đoàn Minh Tâm (Minh Tâm Group), bà Đỗ Thị Huyền Tâm vừa thoái hết vốn khỏi doanh nghiệp này.
Tỉ lệ sở hữu của bà Huyền Tâm đã biến sạch từ 81% thành 0%.
Câu chuyện vợ chồng “Lão Răng Chắc”
Minh Tâm Group có tiền thân là công ty TNHH Minh Tâm được thành lập năm 2001, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi. “Dưới sự lãnh đạo của bà Đỗ Thị Huyền Tâm,” Minh Tâm Group được mô tả đã trở thành một nhóm các doanh nghiệp hàng đầu tỉnh Bắc Ninh, hoạt động đa ngành trong các lĩnh vực bất động sản, giáo dục, kinh doanh khách sạn, sản xuất phân bón, bao bì, thức ăn chăn nuôi…
Tuy nhiên, trước khi trở thành “thứ phi” của ông Nông Đức Mạnh, bà Đỗ Thị Huyền Tâm đã có lúc lao đao về những món nợ khổng lồ với ngân hàng, theo đó có tin cho biết suýt chút nữa thì bà Tâm đã phải “tra tay vào còng.” Nhưng sau khi trở thành vợ sau của cựu tổng bí thư Mạnh, vị thế của bà Huyền Tâm đột nhiên “mạnh” hẳn lên. Không những chẳng bị hề hấn gì với vòng tố tụng hay lao lý, công ty của bà Huyền Tâm còn thầu được những công trình BOT đáng giá, từ đó trả hết nợ cho ngân hàng và lại còn dôi ra một khoản tích lũy lớn.
Trong khi đó, từ thời làm tổng bí thư, Nông Đức Mạnh đã rước lấy nhiều tai tiếng với biệt hiệu “Lão Răng Chắc” – được người đời diễn giải theo tư cách “ăn cú nào chắc cú nấy,” cùng thói che đỡ cho nạn tham nhũng trở nên bất diệt. Sau khi đã “về vườn,” một trong những tai tiếng nổi bật ghê gớm như thế là khung cảnh phòng khách nhà ông Mạnh không khác gì cung điện thời vua chúa, để rất nhiều người tham gia mạng xã hội thấy không gì thích hợp với sự lên án phẫn uất hơn là lấy luôn hình ảnh cung điện ấy để đối chiếu với cảnh những túp lều rách nát của dân và trẻ nhỏ bần cùng xin ăn, đu dây qua suối dữ ở Việt Nam.
Còn giờ đây, cái gia đình “cung điện” trên lại một lần nữa bị “soi”: vợ sau của cựu tổng bí thư thoái sạch vốn để làm gì?
“Chuyển đi đâu?”
Trường hợp thoái vốn của bà Đỗ Thị Huyền Tâm lại khiến nhiều người nhớ lại vụ nữ đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường có quốc tịch ở… cộng hòa Malta.
Vụ việc trên xảy ra vào Tháng Bảy, 2016, ngay trước thời điểm thông qua lần cuối tư cách của gần 500 đại biểu Quốc Hội. Malta là một quốc gia chỉ rộng có 300 cây số vuông, nằm ở một xó của Châu Âu, tạo ấn tượng nổi bật nhất nhờ vào hai việc: trở thành rổ đựng bóng trong các trận cầu quốc tế, và dễ tránh thuế đánh vào tài sản cá nhân.
Nhưng vấn đề có lẽ không chỉ nằm ở chỗ tư cách đại biểu quốc hội xen kẽ tư cách “công dân Malta” của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, mà từ vụ việc của bà Hường, người dân đã có hẳn một bằng chứng xác thực về chuyện đến cả đại biểu Quốc Hội Việt Nam cũng chuẩn bị “ra đi tìm đường cứu nước” như thế nào, thay vì trước đây chỉ nghe đồn đoán về “một bộ phận không nhỏ” đã chuẩn bị nhảy lên máy bay chuồn ra nước ngoài nếu tổ quốc “có biến.”
Thật thế, trong những năm gần đây, một số đại gia và quan chức khi gặp nhau trên bàn nhậu thường nháy mắt đầy ngụ ý “Đặt vé chưa?”
Trước đó là một câu hỏi khác “Có thẻ xanh chưa?”
Cũng đã từ lâu, trong giới đại gia và quan chức, đặc biệt ở khu vực Hà Nội, đã phổ cập kinh nghiệm cần một khoản chi phí $500,000 để được nhập tịch Canada. Ngay trước Đại Hội XII của đảng cầm quyền vào năm 2016, một đơn thư gửi đến Bộ Chính Trị đã tố cáo bà Nguyễn Thị Thanh Phượng, con gái thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng, có quốc tịch Mỹ…
Dù chẳng ai dám nói trắng ra, nhưng nhiều quan chức và thương gia đều ngầm hiểu với nhau là việc có thêm một quốc tịch nước ngoài mà do đó vi phạm luật Việt Nam là “chẳng có gì xấu trong tình hình hiện nay.” Mà tình hình hiện nay lại là một núi lửa đang chực chờ phun trào, bao gồm những biến động chính trị nội bộ không thể lường trước, làn sóng phản kháng xã hội của các tầng lớp nhân dân ngày càng dữ dội, trong đó phải kể đến tâm lý “hồi tố tài sản tham nhũng” và sự trả thù của người dân một khi chế độ không còn nằm trong tay lớp quan lại nhũng nhiễu.
Có người kể lại một câu chuyện mới đây. Trong một buổi sinh hoạt chi bộ, có ba nhân vật – một cựu ủy viên trung ương đảng, một cựu quan chức công an, một cựu quan chức quân đội. Cả ba người này chẳng đoái hoài gì đến nghị quyết đảng được đọc bởi bí thư chi bộ, mà chỉ sôi nổi hỏi thăm nhau về chuyện “đã chuyển chưa” và còn tận tình hướng dẫn nhau “chuyển đi đâu”: bây giờ chuyển ngoại tệ vào nhà băng Thụy Sĩ không còn an toàn nữa vì Thụy Sĩ vừa thông báo sẽ bạch hóa danh sách khách hàng gửi tiền theo một thỏa thuận mà nước này ký với Mỹ; mà gửi đi Mỹ cũng chẳng còn an toàn vì chính sách của Trump thay đổi khó lường; do vậy chỉ còn cách gửi ngoại tệ tại những nước còn an toàn như Canada, Úc, New Zealand…
Trong buổi sinh hoạt chi bộ trên, một quan chức đương nhiệm còn khoe rằng vừa “tống” được hai chục mẫu đất ở khu vục sân bay Long Thành, Đồng Nai, cũng vừa thu xếp cho vợ và ba con cư trú ổn thỏa ở Anh, còn ông này thì chỉ chờ ngày “lên đường.”
Nghe thế mới biết sự đời đảo điên đến đến thế nào. Chẳng khác gì việc các quan tham Trung Quốc chuyển tài sản cho các thành viên trong gia đình mang ra nước ngoài và họ không giữ gì trong tay. sau khi gia đình định cư an toàn ở nước ngoài những quan tham này mới lên kế hoạch thoát thân.
Trước đây, những điểm đến hàng đầu cho các dòng tiền Trung Quốc chảy ra nước ngoài phi pháp là Mỹ, châu Âu, Australia, Canada… Tại Mỹ, Los Angeles là điểm đến ưa thích nhất của các quan tham Trung Quốc. Còn vào lúc này thì lại là những cái tên quốc gia mới hơn và lạ hơn…
“Anh ả ra đi tìm đường cứu nước”
Mặc dù từ lâu đã có nhiều dư luận về hiện tượng các quan chức Việt âm thầm tẩu tán tài sản ra nước ngoài, nhưng chỉ đến năm 2016 lần đầu tiên mới bật ra thông tin theo một cách “chẳng giống ai”: sự rò rỉ bất ngờ và sau đó là tiết lộ của vụ Hồ sơ Panama đã lôi ra ánh sáng việc Việt Nam có tới 189 cá nhân và tổ chức với 19 công ty vỏ bọc được thành lập ở nước ngoài, chủ yếu là tại các “thiên đường trốn thuế.” Tổng cộng có đến $92 tỷ được chuyển phi pháp từ Việt Nam ra nước ngoài trong những năm qua.
Sau khi đã có “vé,” đến một thời điểm nào đó lớp quan chức “ăn của dân không chừa thứ gì” sẽ nhảy lên máy bay để “chuồn,” bỏ lại một đất Việt cạn kiệt tài nguyên, khủng hoảng chính trị và xã hội tan hoang.
Còn về trường hợp “cặp đôi hoàn hảo,” dư luận xã hội đang rất nghi ngờ về động tác thoái sạch vốn của bà Đỗ Thị Huyền Tâm – “thứ phi” của cựu Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh – liệu có phải là một bước chuẩn bị để “anh ả ra đi tìm đường cứu nước” trong tương lai gần, bỏ lại đất nước “con cháu Bác Hồ” tan hoang và khánh kiệt.
                                                              

Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2017

VƯỢT QUÁ SỨC TƯỞNG TƯỢNG

Bài dưới đây cho thấy trong 100 năm qua loài người đã tiến nhanh hơn những dự đoán. Những sự phát triển cho đến lúc bấy giờ chưa có nhiều hậu quả  nên những dự đoán chỉ toàn là mặt tích cực. Họ chưa thấy các mặt tiêu cực của sự phat triển,

Hơn 100 năm trước, người xưa tưởng tượng thế giới hiện tại của chúng ta trong sáng và bay bổng như thế nào?

Ước mơ bay tự do với đôi cánh...ước mơ làm chủ bầu trời...vẫn là điều day dứt trong nhiều thế kỷ của nhân loại...
Vào đầu thế kỷ 20, tương lai sẽ như thế nào là chủ đề sôi nổi của nhiều cuộc bàn luận ở khắp nơi trên thế giới tại năm 1900…Người ta thả sức chắp cánh cho trí tưởng tượng của mình…
Trong khi cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ hai vừa kết thúc, đánh dấu bởi bước nhảy công nghệ và sự chuyển đổi đang diễn ra trong cuộc sống hàng ngày của họ vào những năm 1900. Đấy là thời của những rạp chiếu phim đầu tiên, của máy bay và thợ lặn.
Khi đó, những tác phẩm của Jules Verne, người đã đưa nhân loại vào trong lòng đất, lên Mặt trăng và xuống đáy đại dương trên boong những con tàu kỳ quái, cũng đủ hấp dẫn người đọc.
Trong cuộc triển lãm Toàn cầu được tổ chức tại Paris, một số nghệ sĩ như Jean-Marc Côté đã họp mặt để tưởng tượng “Thế giới của năm 2000” và những bức vẽ của họ đã được in trên bưu thiếp, bao thuốc lá hoặc hộp xì gà.
Chao ôi, hoặc may mắn thay, con người vẫn chưa cưỡi lên những sinh vật biển, cũng chưa chơi bóng dưới đáy đại dương. Có lẽ là vào năm 2100? Nhưng qua những bức ảnh này, chúng ta thấy ước mơ bay, ước mơ làm chủ bầu trời bằng đôi cánh vẫn mãi mãi ám ảnh nhân loại suốt nhiều thế kỷ…
1. Những cỗ xe chiến tranh
Người ta luôn đau đầu vì chiến tranh, nhưng dù sao sự tưởng tượng của năm 1900 vẫn thô sơ quá. So với tình hình căng thẳng của Mỹ hay Bắc Triều Tiên hiện nay, tưởng tượng này vẫn còn là một sự dịu dàng…

2. Phim có tiếng nói
Dù sao thì cũng không có cách nào để ở năm 1900, người ta tưởng tượng ra quần jean và áo sơ mi hiện nay….

3. Điện báo bằng lời?
Vẫn không thể nào tưởng tượng ra Iphone 8X…

4. Chiến tranh trong không gian
Máy bay vẫn là máy bay thời kỳ đầu….

5. Taxi trên không
Một tưởng tượng thú vị, hiện giờ chúng ta vẫn chưa thực hiện được dịch vụ giao thông dễ thương này…
Thật vui khi nghĩ rằng taxi có thể tới đón mình ở …balcon tầng 5 của ngôi nhà…

6. Cảnh sát không gian
Dù sao đây cũng chưa phải cảnh tượng trong phim KingKong khi cảnh sát bắn Kingkong trên tòa nhà Empire State, tuy cũng gần giống vậy…

7. Đưa thư trên không
Vẫn là những lá thư tay lãng mạn, được người đưa thư giao qua balcon tầng 10….

8. Lính cứu hỏa trên không 
Đây là điều cấp thiết cần áp dụng nhất…

9. Khi người ta đẳng cấp, người ta vẫn có thể uống cà phê trên không trung
Rốt cuộc thì làm chủ bầu trời vẫn là mơ ước lớn nhất và dai dẳng nhất của con người…

10. Tại tiệm làm tóc
Các máy móc tưởng tượng hồi đó khá giống hiện thực của các loại máy là, máy ép, máy uốn hiện giờ…

11. A, sung sướng với thức ăn công nghiệp
Thời đó con người tưởng tượng thức ăn công nghiệp là một niềm sung sướng, tuy nhiên họ chưa tưởng tượng được sự đông đúc của các cửa hàng Mc Donald…

12. Câu chim mòng biển
Ý tưởng độc đáo

13. Máy thúc gà con lớn nhanh hơn
Cái này thì không, tuy nhiên các chất bổ sung trong thức ăn công nghiệp hiện nay…còn quá như vậy 100 lần…

14. Opera của tương lai
Về cơ bản không khác thế kỷ 19 nhiều, thật may mắn là chúng ta giữ được truyền thống

15. Cách để không cảm thấy nhàm chán ở nông thôn
Hiện nay đã có các cửa hàng game mọc lên san sát như nấm ở nông thôn…dù sao thì thời đó con người lành mạnh và trong sáng, họ không thể tưởng tượng được những game thủ hiện nay như thế nào…

16. Một đề xuất cải cách giáo dục
Cách này Bộ giáo dục có thể xem xét áp dụng? Dù sao thì sự “nhồi nhét” theo cách khác cũng lên báo chí nhiều rồi…

17. Cưỡi những con cá ngựa khổng lồ
Không hiểu sao người xưa lại tưởng tượng ra điều này?

18. Một trận bóng dưới nước
Con người thời đó lắm ước mơ, có lẽ nhờ nhà văn Jules Vernes truyền cảm hứng…

19. Sự trở lại của người bay
Lúc nào cũng là ước mơ bay dai dẳng


20. Phụ nữ trang điểm
Quá cơ khí hóa, điều này không hợp với thị hiếu của các chị em…

21. Xe buýt cá voi
Lại một trí tưởng tượng giàu có nhờ vào nguồn cảm hứng từ những tác phẩm của Jules Vernes

Dù ngây ngô, dù trong sáng, nhưng những ước mơ này của người xưa khiến chúng ta hiện nay suy ngẫm: Giờ đây con người hiện đại chúng ta đã thực sự làm được gì, để trân quý nâng niu Trái đất này và nâng niu tâm hồn, nâng niu những ước mơ của mình? 
Xuân Hà – Hà Phương

Thứ Hai, 18 tháng 9, 2017

TẬP CẬN BÌNH": TRÊN ĐẦU BA THƯỚC CÓ THẦN MINH "

  Đó cũng có thể là lí do

Vì sao người Mỹ sẽ không bỏ phiếu cho một tổng thống vô thần?

Tượng điêu khắc các tổng thống George Washington, Thomas Jefferson, Theodore Roosevelt và Abraham Lincoln, biểu trưng cho lịch sử 130 năm đầu tiên của Hoa Kỳ. (Ảnh: Tetra Images/ Getty Images)
Nghiên cứu mới đây cho thấy trong con mắt cử tri Mỹ, người vô thần xếp sau cả người Hồi giáo và người đồng tính.
Vào cuối năm ngoái, nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg cùng các thành viên gia đình đăng lời chúc “Giáng sinh Vui vẻ và Hanukkah Hạnh phúc” trên mạng xã hội. Đây là hoạt động thông thường của các CEO, nhưng có một cư dân mạng đặt câu hỏi rằng Mark Zuckerberg có phải là người vô thần không?
Câu trả lời của Mark là: “Không. Trước đây tôi được nuôi dạy trong Do Thái giáo. Sau đó tôi qua một giai đoạn mà tôi đặt lại các vấn đề. Nhưng bây giờ tôi nghĩ tôn giáo là một chuyện rất quan trọng”.
Nhiều người cho rằng, Mark Zuckerberg có mục tiêu tranh cử tổng thống Mỹ trong tương lai. Điều này hoàn toàn có thể, vì có một nguyên tắc vàng trong chính trị Hoa Kỳ: người Mỹ không bỏ phiếu cho một tổng thống vô thần.
Nguyên tắc này được củng cố thêm bởi một nghiên cứu mới đây, cho thấy người dân trên khắp thế giới nghĩ rằng những người vô thần có thể làm những điều tồi tệ nhất. Họ tin rằng những người không có Đức tin thường dễ có hành vi phi đạo đức hơn những người có Đức tin.
Will Gervais, từ Đại học Kentucky, nói với báo The Times rằng ông tiến hành một nghiên cứu và kết quả cho thấy người Mỹ không muốn bỏ phiếu cho những người vô thần nhất. Thậm chí trong con mắt cử tri Mỹ, người vô thần còn xếp sau cả người Hồi giáo và người đồng tính.
Nghiên cứu này không chỉ thực hiện ở Mỹ mà đã khảo sát hơn 3.000 người từ 13 quốc gia. Ông Will Gervais nói: “Mọi người dường như cho rằng tôn giáo là yếu tố tất yếu của đạo đức. Và không có tôn giáo, mọi người sẽ hành xử hoang dã vì không có ai yêu cầu họ phải trung thực. Tại sao họ không nên nói dối, ăn cắp và hãm hiếp?”, theo The Times.
Trong tiểu thuyết “Anh em nhà Karamazov”, nhà văn Dostoevsky có viết, vì không có đức tin nên những người vô thần coi “mọi điều đều hợp pháp”. Vì vậy những người vô thần có thể làm bất cứ điều gì mà không sợ hãi, kể cả tội ác.
Trong chính trị Mỹ, chưa từng có ứng viên tổng thống của các đảng lớn là người vô thần. Tổng thống Trump từng nhắc lại nhiều lần: “Người Mỹ không tôn kính chính phủ, mà họ tôn kính Chúa”.
Tổng thống Trump đặt tay lên cuốn Kinh Thánh để tuyên thệ nhậm chức. (Ảnh: Getty)
Trên thực tế, hầu hết người Mỹ đều có một đức tin mạnh mẽ, sâu sắc vào Sáng Thế Chủ. Ngay trên đồng tiền của quốc gia mình, họ in hàng chữ: “In God We Trust” (Chúng ta tin ở Chúa).
Washington và Lincoln là hai vị tổng thống vĩ đại trong lịch sử nước Mỹ. Và trong diễn văn nhậm chức của tổng thống Washington, ông phát biểu: “Sáng Thế Chủ thiêng liêng đã soi sáng tương lai của chúng ta. Người đã ban cho chúng ta sự phán đoán đầy trí tuệ. Đây chính là chỗ dựa trong sự thành công của chính phủ này”.
                                                                                                                         Dương Minh

Chủ Nhật, 17 tháng 9, 2017

ĐIỀM BÁO ĐÁNG SỢ CỦA CHỮ HÁN GIẢN THỂ

Những điềm báo của chữ Hán giản thể đã trở thành sự thực, chuẩn xác một cách đáng sợ!

Có người cho rằng, những chữ Hán giản thể giống như là một điềm báo chẳng lành. Vì sao lại nói như vậy? Mời bạn xem tiếp sẽ rõ.
Văn hóa Á Đông không hề đơn giản như bề mặt mà mọi người nhìn thấy. Từng nét lễ nghi, từng bộ trang phục, từng nét chữ đều ẩn chứa những nội hàm vô cùng sâu sắc, và liên hệ mật thiết với từng hơi thở trong cuộc sống của chúng ta.
Có một nét văn hóa mà không thể không nhắc đến, chính là nội hàm thâm sâu của loại chữ viết tượng hình – Chữ Hán. Tuy nhiên, sau khi chữ Hán bị giản lược, thì những nội hàm ấy cũng bị mất đi, thay vào đó là sự lệch lạc, thậm chí biến dị.
Có một cư dân mạng đã liệt kê ra hàng loạt các chữ Hán giản thể. Tác giả đối chiếu những chữ Hán giản thể này với các hiện tượng tai nghe mắt thấy trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Và điều nhìn thấy được khiến người ta không khỏi phải giật mình kinh ngạc!
1. Chữ “Thân” chính thể 親 (người thân)
Chữ “Thân” giản thể 亲, mất chữ “Kiến”  
Thân bất kiến: Người thân không gặp được nhau. Một năm chẳng biết cha mẹ, con cái, người thân được đoàn tụ bao nhiêu lần? Nơi nào cũng thấy lưu lại những cuộc tình chớp nhoáng. Các quý ông, quý bà khinh thường đạo lý, lang chạ khắp nơi. Điều này khiến những người cùng huyết thống cũng chẳng được vui vầy bên nhau.
Khi chữ Thân giản thể. ảnh dẫn theo dulichanhsaomoi.com
2. Chữ “Sản” chính thể 產 (sinh sản)
Chữ “Sản” giản thể 产, mất chữ “Sinh” 生
Sản bất Sinh: Đậu thai mà không sinh. Ngày nay các phòng khám tư, phẫu thuật phá thai nơi nào cũng thấy. Ruộng màu thì bị bỏ hoang, mọi người đổ dồn về các khu công nghiệp và thành phố lớn, không cần ngũ cốc chỉ lo kiếm tiền.
3. Chữ “Hương” chính thể 鄉 (Quê hương)
Chữ “Hương” giản thể 乡, mất chữ “Lang” 郎 – những người trẻ
Hương vô Lang: Quê nhà không có người trẻ. Ai nấy đều đổ về thành phố lập nghiệp mưu sinh. Trong thôn làng khó có thể bắt gặp những khuôn mặt trẻ trung. Khắp cả ngôi làng chỉ thấy những người già yếu, trẻ con và người tàn tật. Đây cũng chính là một cảnh tượng thường thấy nhất tại Trung Quốc ngày nay.
4. Chữ “Ái” chính thể 愛 (Yêu)
Chữ “Ái” giản thể 爱, mất chữ “Tâm” 心 – trái tim
Ái vô tâm: Yêu không xuất phát từ trái tim. Ngày nay thử hỏi có mấy người còn giữ tấm chân tình son sắt, hay là chỉ quen chạy theo thời thế xô bồ. Đại gia cặp với chân dài. Kẻ ham tiền, người háo sắc, hễ có lợi là trao thân. Tình một đêm, tình sét đánh, tình chớp nhoáng khiến nhà nghỉ mọc lên nhan nhản khắp nơi. Quả là tình yêu không còn sự kết nối thiêng liêng và trách nhiệm suốt cuộc đời như văn hóa Thần truyền xưa kia.
5. Chữ “Miến” chính thể 緬 (Mỳ)
Chữ “Miến” giản thể 面, mất “bộ Mạch”麥 Lúa mỳ
Miến không Mạch: Bột mỳ không làm từ lúa mạch, thì làm từ thứ gì, bạn thử đoán xem? Bột mỳ không có mùi lúa mạch, kỳ thực đã trộn lẫn phoóc môn. Đây cũng là tình trạng làm giả thực phẩm, gạo giả… phổ biến trong xã hội ngày nay
Bột mì giả. Ảnh dẫn theo phapluatplus.vn
6. Chữ “Tiến” chính thể 進 (Tiến tới)
Chữ “Tiến” giản thể 进, mất chữ “Giai” 佳 – Tốt
Tiến bất giai: Bước tiếp sẽ không may mắn, mà thành con ếch ngồi trong đáy giếng (Chữ Tỉnh 井: cái giếng). Sự nghiệp cả đời truy cầu chỉ như mò trăng đáy nước, tiền tài cũng như hái hoa trong gương.
7. Chữ “Ứng” chính thể 應 (Hồi ứng)
Chữ “Ứng” giản thể 应, mất chữ “Tâm” 心
Ứng vô tâm. Lời nói gió bay, dẫu hứa hẹn cũng khó thành hiện thật, nói lời lật lọng mà không biết ngượng ngùng. Bởi vậy, trong xã hội ngày nay ‘thành tín’ ngày càng mai một, dường như đã trở thành một thứ gì đó xa xỉ không với tới. Đây cũng là tình trạng xuống dốc, đạo đức suy đồi trong xã hội ngày nay.
Người xưa rất xem trọng chữ Tín, coi lời thề hẹn nặng tựa núi Thái Sơn, lời nói ra là đã được Trời Đất làm chứng, ắt phải thực hiện. Tuy nhiên, nhiều người ngày nay vốn ảnh hưởng bởi học thuyết vô Thần, lừa gạt lật lọng, chỉ hòng đạt được lợi ích cho mình. Thật chẳng đáng buồn lắm sao!
8. Chữ “Thính” chính thể 聽 (Nghe)
Chữ “Thính” giản thể 听, mất chữ “Nhĩ” – tai
Chữ “Thính聽” (lắng nghe) ở dạng chính thể gồm bộ “Nhĩ耳” (tai), bộ “Vương 王” (vua), chữ “Thập 十” (mười), chữ “Mục目” (mắt), chữ “Nhất一” và chữ “Tâm 心”.  Nếu ghép các bộ này vào nhau chúng ta sẽ hiểu được hàm ý mà ông cha ta muốn gửi gắm. Khi lắng nghe một ai đó, chúng ta phải khiến người ấy cảm thấy mình quan trọng như một vị vua (chữ Vương), và lắng nghe bằng đôi tai của mình (bộ Nhĩ). Đồng thời chúng ta còn phải dồn mọi ánh nhìn và sự chú ý tới họ (chữ Thập, chữ Mục). Nhưng như vậy vẫn chưa đủ, điều quan trọng nhất là phải dành trọn trái tim để cảm nhận những điều họ nói (chữ Nhất, Tâm). Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể lắng nghe trọn vẹn những thông điệp mà họ muốn truyền tải, mới biết cách thấu hiểu và trân trọng người khác.
Chữ “Thính” 听 giản thể là Thính thiếu Nhĩ: Nghe mà thiếu mất tai. Nó chỉ gồm bộ “Khẩu口” (cái miệng) và bộ “Cân斤” (cái rìu). Đại ý là không phải dùng tai, dùng mắt, hay dùng tâm để lắng nghe như văn hóa truyền thống, mà là nghe bằng miệng, bằng những lời búa rìu sắc nhọn.
Khi chữ “Thính” giản thể. Ảnh dẫn theo twitter.com
9. Chữ “Ưu” chính thể 優 (Ưu tú)
Chữ “Ưu” giản thể 优, mất chữ “Ưu” 憂 – ưu lo
Ưu cần phải Ưu lo: Muốn thành người ưu tú, xuất chúng cần phải biết lo lắng cho đại cục, cho người khác. Bậc hiền tài như vậy trong thiên hạ là khó cầu nhất. Người tài thời nay nghĩ đến vinh hoa, phú quý cho riêng mình hay lợi ích cho muôn dân? Những người nhiều tài lắm tật, e rằng lợi ít hại nhiều. Kiểu người này chỉ khiến con người càng thêm lo sầu.
10. Chữ “Thái” chính thể 採 (Hái)
Chữ Thái giản thể 采, thiếu bộ Thủ 手 – Cái Tay
Thái vô Thủ: Muốn hưởng mà không muốn động tay ra hái. Ngồi mát ăn bát vàng người người muốn, đục nước béo cò kẻ kẻ cầu. Đây cũng có thể nói là một thực trạng dễ thấy trong xã hội ngày nay. Những cậu ấm cô chiêu, những thế hệ trẻ chỉ biết ‘cúi đầu’ chờ đợi từ sự sắp đặt của cha mẹ mình, chỉ mong cầu hưởng thụ cuộc sống giàu sang mà không biết ra tay làm việc.
11. Chữ “Địch” chính thể 敵 (Kẻ địch)
Chữ “Địch” giản thể 敌, thêm bộ “thiệt” 舌-  Cái lưỡi
Tấc lưỡi là kẻ thù rất đáng sợ. Vậy nên mọi người khi nói năng, diễn thuyết phải chú ý. Bách gia tranh minh là cái bẫy. Theo ta thì sống, chống ta thì chết, muốn sống phải nói cùng khẩu khí với ta. Điều này có thể dễ dàng nhìn thấy trong thời Đại cách mạng Văn hóa tại Trung Quốc. Chính phủ trưng cầu ý kiến của giới trí thức, để họ tự do biểu đạt lý tưởng của mình. Sau đó dùng chính những lý luận đó khép họ vào tội phản quốc. Có người thậm chí vì vậy mà mất mạng.
12. Chữ “Bút” chính thể 筆
Chữ “Bút” giản thể 笔
Ngày nay bút không còn thẳng. Con người thường dùng bút cong mà viết sử nên gọi là bẻ cong sử sách. Bút ngay sử thẳng xưa đã có, tới nay sóng gió đã cuốn trôi.
Khi chữ bút giản thể. Ảnh dẫn theo twitter.com
13. Chữ “Tân” chính thể 賓 (Quan khách)
Chữ “Tân” giản thể 宾, thiếu chữ Bối 貝 –  Bảo bối, thêm chữ “Binh” 兵 – Binh lính
Xưa kia khách quý đến nhà mang theo quà quý (貝- Bảo bối). Chủ nhà bày biện yến tiệc, khoản đãi với tấm lòng thành. Ngày nay binh lính tới nhà (Bộ “Miên”  chỉ mái nhà), không chỉ thiếu quà quý, mà còn có binh đao. Từ xưa đã gọi chuyện này là loạn cõi thế gian.
14. Chữ “Miếu” chính thể 廟 (Chùa chiền)
Chữ “Miếu” giản thể 庙, thiếu chữ “Triều” 庙 – nghi thức bái lạy
Miếu bất Triều: Trong miếu mà không thấy thật tâm tiến hành những nghi lễ bái lạy Thần Phật. Ngày xưa chùa chiền là nơi con người ăn năn sám hối, bởi con người kính cẩn bái lạy Thần Phật, mong tìm được sự thanh thản trong tâm.
Ngày nay, chùa chiền như chiếc áo khoác của những kẻ vô Thần, trở thành thắng cảnh du lịch, thành nơi kiếm chác, trao đổi của kẻ phàm tục. Người mà quỷ thần cũng không sợ, ắt sẽ to gan dám làm càn.
15. Chữ “Võng” chính thể 網 (Lưới)
Chữ “Võng” giản thể 网, mất bộ Mịch sợi cước
Lưới không có cước, lưới vô dụng, cá lọt lưới trước mắt như thể trêu ngươi. Pháp luật cũng như một chiếc lưới. Ngày xưa Thiên tử cũng phải chịu tội như thứ dân. Ngày nay quyền thế thay pháp luật một cách vô nguyên tắc, thậm chí có thể lợi dụng quyền thế trong tay mà một tay che cả bầu trời.
16. Chữ “Hậu” chính thể 後 (Đời sau)
Chữ “Hậu” giản thể 后, thêm chữ nhất 一, bộ khẩu 口
Đời sau chỉ được sinh một con, về già cha mẹ ốm đau bệnh tật khó lòng nhờ vả. ‘Kế hoạch hóa gia đình là quốc sách, sinh quá một con gia đình nghiêng ngả’ – Đây là chính sách một con thường thấy ở xã hội Trung Quốc. Bao nhiêu hệ lụy của xã hội, quả thực cũng khiến lòng người âu lo.
Khi chữ Hậu giản thể. Ảnh dẫn theo wintechvietnam.com
***
Ở trên chỉ là một số ít ỏi được đưa ra, nhưng cũng đủ để biết rằng cải cách chữ Hán, chữ Hán sau khi bị giản lược thì những nội hàm tinh túy của văn hóa truyền thống cũng bị mất đi, thay vào đó là sự sai lệch, biến dị. Mà điều đáng tiếc hơn cả là, sự suy đồi và trượt dốc trong xã hội, dường như cũng đã và đang diễn ra đúng theo từng sự lệch lạc trong từng chữ Hán giản thể đó.
Vậy nên, có người cho rằng, những chữ Hán giản thể này giống như là một điềm báo chẳng lành vậy!
Quả đúng là:
“Học giả chân chính đứng một bên,
Cải cách chữ Hán mù văn hóa.
Thiên thu vạn đại trò hề diễn,
Duy chỉ điềm báo chẳng hề sai”.

                                               Theo soundofhope.org
                                                 
Hiểu Mai biên dịch

Thứ Tư, 6 tháng 9, 2017

ĐÔI MẮT ĐẸP NHẤT VIỆT NAM ( ? )

Vẻ đẹp đằm thắm khác biệt của cô gái ‘có đôi mắt đẹp nhất Việt Nam’ nổi bật trên báo Mỹ

Rehahn Croquevielle, nhiếp ảnh gia người Pháp, tác giả của bộ ảnh Hidden Smile nổi tiếng, trong quá trình du lịch tại Việt Nam đã phải thốt lên rằng, “tôi đã tìm ra cô gái có đôi mắt đẹp nhất Việt Nam” khi gặp Thạch Thi Sa Pa, một cô gái người Chăm tại Ninh Thuận. 
Thạch Thi Sa Pa, cô gái 14 tuổi đang sống cùng cha mẹ và anh chị em tại làng gốm Bàu Trúc, xã Phú Quý, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Em là con gái thứ 6 trong gia đình 7 người con, gồm 3 con trai và 4 con gái. Trong số các anh chị em của Sa Pa cũng có những đôi mắt đặc biệt, anh trai và em gái của cô có đôi mắt màu xanh dương giống cha. Mẹ của em có đôi mắt đen truyền thống của người dân vùng này.
Đôi mắt Sa Pa có lẽ đặc biệt nhất trong nhà, bởi em có một bên mắt mang màu xanh giống mắt cha, bên mắt còn lại mang màu đen của giống mẹ.
Rehahn đã vui mừng chia sẻ khám phá thú vị của anh trên mạng xã hội.

Khuôn mặt đằm thắm, khuôn miệng cười hiền dịu và đôi mắt biết nói hai màu của Sa Pa đã nhanh chóng trở thành nguồn cảm hứng cho các nhiếp ảnh gia. Những hình có chiều sâu nhưng vẫn trọn vẹn nét trong sáng của hai chị em Sa Pa đã được kênh thông tin của Mỹ NTD chia sẻ.
Hãy cùng nhìn ngắm những hình ảnh của hai chị em Sa Pa do nhiếp ảnh gia Nguyễn Vũ Phước ghi lại.
Những bức ảnh chụp hai chị em Sa Pa, đặc biệt là những bức ảnh chụp em với đôi mắt hai màu đều thật giản dị. Chỉ một chiếc khăn gấm tím, mái tóc để xõa tự nhiên đã khiến cho người xem càng bị hút vào đôi mắt khác biệt của em.
Những bức ảnh như cho ta một cảm giác thật bí ẩn, nhưng vẫn đậm nét bình yên. Những cô bé hiện lên thật chân chất trong những tấm ảnh nghệ thuật. Không son phấn, không trang điểm, chỉ một đôi mắt biết nói, một nụ cười giản dị mà chân thành. Hay đơn giản hơn nữa là để mọi thứ tự nhiên, ánh sáng của thiên nhiên và sức sống tự nhiên trong các em cũng đủ để bức ảnh trở nên có hồn.

Bình thường, những người có đôi mắt xanh như những người trong gia đình Sa Pa là rất hiếm. Sự khác biệt ấy đôi khi trong cuộc sống sẽ mang nhiều rắc rối đến cho chủ nhân của chúng. Những gièm pha hay dị nghị của người đời là điều không thể tránh khỏi. Nhưng trong những tấm hình này, chúng ta đều thấy được người chụp trân trọng nét khác biệt của các em như thế nào. Họ không nhìn đôi mắt xanh hay đôi mắt hai màu ấy như một điều kì dị, một thứ “lỗi” của tạo hóa. Mà đơn giản, họ nhìn sự khác biệt ấy dưới con mắt tôn trọng sự đa dạng. Đó là lý do giúp chúng ta được nhìn ngắm những bức hình chân thực và đáng yêu này.

Đôi mắt khác biệt, nhưng thật may mắn, cuộc sống của gia đình Sa Pa vẫn rất hạnh phúc tại làng gốm Bàu Trúc nổi tiếng. Vùng đất mang đậm văn hóa Chăm ấy như thấm đượm vẻ đẹp của nó trong hai cô gái nhỏ. Màu da của các em cũng giống với màu đất tạo nên những sản phẩm gốm có một không hai ở đây, một màu nâu đầy nắng gió, rắn rỏi, cương nghị nhưng chân thật và mộc mạc.

Khi con người và thiên nhiên khi hòa hợp cùng nhau, khi con người không kiêu ngạo mà tách mình ra khỏi thiên nhiên, biết nương theo những gì được ban tặng, nét đẹp và sức mạnh của trời đất ấy sẽ tự nhiên được rót đầy trong mỗi phần của con người. Sức mạnh được ban tặng này khiến chúng ta không phải gồng mình cố gắng, không phải giả vờ hay bắt chước một hình mẫu nào đó để trở nên đẹp đẽ và mạnh mẽ.
Trong cái tĩnh lặng của một nội tâm không tranh đấu, trong cái rộng lớn của một trái tim biết mình được Đấng Tạo Hóa sinh thành, cây cỏ thâu nạp tất cả những gì đất trời ban cho. Chúng hấp thụ cái cứng cỏi của đất, cái mát lành, mềm mỏng của nước rồi lặng lẽ đơm hoa, kết trái. Chúng không cần cố gắng, không cần làm gì nhiều nhưng cuối cùng lại tạo nên được những hoa thơm và trái chín mọng, ngọt ngào. Và các em là hai trong số những bông hoa đẹp nhất của vùng quê dung dị.
“Hữu xạ, tự nhiên hương” phải chăng cũng là xuất phát từ đạo lý sống thuận theo tự nhiên này.
Hãy cùng nhìn ngắm những bức ảnh này một lần nữa để cảm nhận vẻ đẹp của những đôi mắt khác biệt và hơn hết là để đắm mình trong nét thuần thiện, dung dị, đầy bình yên của những cô gái bé nhỏ vùng Ninh Thuận đầy nắng gió.
Nguồn ảnh: Nhiếp ảnh gia Nguyễn Vũ Phước
Hy Văn

Chủ Nhật, 3 tháng 9, 2017

VỤ TXT - TỔNG HỢP MỚI NHẤT

Vụ Trịnh Xuân Thanh: Hành trình `` máu`` đến tòa Đại sứ Việt Nam ở Berlin

02.09.2017 20:57 18718
Chiếc xe màu nhũ bạc đã trở về với chính chủ Bùi Quang Hiếu, nhưng điều bất ngờ khi trong khoang đầy vết máu với mùi tanh khó tả, nhiều vết rách trên ghế do giằng co vật lộn của nhóm người đã sử dụng chiếc xe này. 
Vụ Trịnh Xuân Thanh: Hành trình `` máu`` đến tòa Đại sứ Việt Nam ở Berlin
Tòa Đại sứ Việt Nam ở Berlin trong những ngày sóng gió này
Theo thông tin viện công tố Liên bang Đức đưa ra hôm 10.8 chiếc xe này đã được sử dụng để bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh và một nữ cán bộ Bộ Công thương ngay tại trung tâm thủ đô Berlin, chỉ ít phút sau đó, hành trình định vị GPS đã chỉ rõ chiếc xe chạy thẳng vào tòa Đại sứ Việt Nam ở Berlin và dừng khá lâu ở đây trước khi rời đi.
Những người bị bắt cóc có lẽ đã có cuộc vật lộn rất dữ dội với nhóm mật vụ Việt Nam điều khiển chiếc xe này, một cán bộ sứ quán đã bấm nút mở cổng để chiếc xe nhanh chóng lao vào khuôn viên khuất phía sau toàn nhà, hậu quả là ông Nguyễn Đức Thoa đại diện tổng cục tình báo Việt Nam tại Đức liền sau đó đã nhận được lệnh trục xuất khỏi Đức.
Các vật chứng bị bỏ lại trên xe chứng tỏ nhóm bắt cóc đã hành động rất gấp, khi bắt được ông Trịnh Xuân Thanh thì vội vã bỏ đi mà không cần quan tâm đến xóa dấu vết những mảng máu đọng lại trên chiếc xe này.
Theo một nguồn tin riêng, hiện ông Trịnh Xuân Thanh đang chịu sự giam cầm của Tổng cục 2 tình báo quân đội, trong khi đáng lẽ chức năng này phải được trao cho Tổng cục 5 Bộ Công an, điều này giải thích phát ngôn của Bộ trưởng Công an Tô Lâm hôm 30.7 là `` chưa có thông tin gì về việc Trịnh Xuân Thanh về nước`` cũng có phần đúng. Hiện đang có đề xuất từ phía Bộ Công an đề nghị được quyền tiếp cận và lấy cung trực tiếp từ ông Trịnh Xuân Thanh.
Một diễn biến khác từ phía Bộ Ngoại giao Việt Nam, cách đây ít ngày Thứ trưởng thứ nhất Bùi Thanh Sơn đã dẫn đoàn công tác bay sang Berlin để đàm phán với Chính phủ Đức nhằm giảm thiểu thiệt hại cho Việt Nam, có lẽ vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh đã diễn ra trong lúc Bộ Ngoại giao Việt Nam hoàn toàn bị động vì không hề được biết kế hoạch này.
Tuy nhiên kết quả đàm phán đã không được như ý muốn của phía Việt Nam và ngay sau khi đoàn về nước, Tổng công tố LB Đức đã ra lệnh bắt giữ và dẫn độ ngay ông Nguyễn Hải Long, một công dân Việt Nam từ CH Séc về Đức để phục vụ công tác thẩm vấn.
Qua những thông tin được tiết lộ cho đến nay, nhiều chỉ dấu cho thấy vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh đã được Tổng cục 2 tình báo quân đội trinh sát và thực hiện, Tổng cục 5 tình báo Bộ Công an chỉ là đơn vị hỗ trợ, cũng thời điểm này ông TBT Nguyễn Phú Trọng đang nắm vị trí Bí thư Quân ủy Trung ương có lẽ là đối tương được phía Đức đặt vào diện nghi ngờ khi trước đó ông luôn hô hào ``bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh``.
Sự việc đã gây ra mối lo ngại lớn tại Đức khi Việt Nam từ một `` đối tác chiến lược `` đã trở thành một tổ chức `` cướp người `` dưới góc nhìn của nhiều Chính trị gia Đức.  phía Đức bắt đầu áp dụng biện pháp khẩn cấp với Việt Nam khi hủy bỏ lễ khai trương `` Ngôi nhà Đức `` tại TP. HCM vào hôm 1.9.
Trước đó ông Reiner Haselof (CDU) thủ hiến  bang Sachsen-Anhalts cũng lập tức hủy cuộc gặp hôm 16.8 với Đại sứ VN Đoàn Xuân Hưng và cho biết `` chưa định được lịch gặp khác ``.
Diễn biến không vui của vụ việc bắt đầu lan sang cộng đồng người Việt tại Đức khi sự căng thẳng của những người được ĐSQ mời đến dự Quốc khánh lần thứ 72 của Việt Nam hôm 31.8 đã hiện rõ trên nét mặt họ. Việc `` triệu tập `` gấp để lên hình cho ngày Quốc khánh đã biến họ thành những cá thể bị động, đem đến cho người xem nhiều khuôn mặt vô hồn tương tự như hình ảnh ông Trịnh Xuân Thanh lên truyền hình `` về đầu thú ``.
Điều kỳ lạ là ngày lễ Quốc khánh của Việt Nam tại Đức đã không có bất kỳ cơ quan ngoại giao hoặc đại diện nước chủ nhà đến dự như thông lệ mọi năm, bên cạnh đó các hội đoàn và doanh nghiệp của người Việt tại đây cũng không hề nhận được giấy mời.
Cơ quan Cảnh sát liên bang (BKA) và Cục tình báo Đức (BND) đang điều tra vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, địa điểm tòa ĐSQ VN ở Đức vẫn được coi là hiện trường vụ án với chiếc xe nhiều vết máu. 
Vết máu khô đọng lại trên ghế xe nghi vấn dùng để bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh hôm 23.7 tại Berlin
Vết máu khô đọng trên ghế xe
Vệt máu nơi ghế ngồi 
Vết máu vung vãi 
Hôm 1.9 Chủ cho thuê xe, ông Bùi Quang Hiếu vừa nhận lại chiếc xe 7 chỗ nghi vấn dùng để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh
m tất cả