Trang

Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

CHUYỆN NÓNG HỔI TRONG CUNG ĐÌNH

Ngày 5/1, Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam nhóm họp Hội nghị thứ 10, tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với 16 Ủy viên Bộ Chính trị và chốt lại nhân sự cấp cao cho bộ máy Nhà nước khóa tới.

Hội nghị này được kéo lùi so với thời điểm dự kiến ban đầu khoảng một tháng và cũng trong khoảng thời gian kéo lùi này, dư luận trên mạng xã hội “thưởng thức”những “bữa tiệc”được cho là mở màn một cuộc tranh chấp quyền lực khốc liệt chuẩn bị diễn ra ở Ba Đình, bởi những “tay súng” không chuyên.

Nổi bật nhất trong đó là blog có tên “chân dung quyền lực”, tập trung đánh vào một Phó Thủ tướng, Ủy viên Bộ Chính trị Việt Nam, người đang là ứng cử viên số một cho ghế Thủ tướng nhiệm kỳ tới bắt đầu từ năm 2016, ông Nguyễn Xuân Phúc, bằng một loạt bài với những tiêu đề rất giật gân, nhưng nội dung không có gì đặc biệt và cũng không có gì gây sốc, lại còn tỏ ra khá ngây ngô trong viêc lắp ráp các sự kiện, hình ảnh khiến cho chiến dịch “lột tả” chân dung quyền lực này, càng lúc càng giống như màn hài kịch, thua xa cả về đẳng cấp lẫn trí tuệ của trang “quan làm báo” từng xuất hiện vào tháng 5/2012, thời điểm Đảng cộng sản Việt Nam muốn huy động tổng lực để kỷ luật ông Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng.

Nhưng như thế cũng đủ cho giới truyền thông trong nước gần như nín lặng, với tâm lý lo sợ đó là cuộc chiến của các ông lớn giành ghế trước Đại hội 12,  dây vào không phải đầu cũng phải tai. Chính nghĩa là điều đươc họ xếp xuống ưu tiên sau cùng trong các nhiệm vụ cần thực hiện của báo chí nhà nước. Tổng biên tập của các tổng biên tập, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban tuyên giáo Trung ương, ông Đinh Thế Huynh, còn đang mải hân hoan với chức vụ cao hơn, và như theo thông lệ trong cung đình cộng sản, thân ai nấy lo.

Không khó để đoán ra người đứng sau blog “chân dung quyền lực” là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhóm lợi ích của ông, đối tượng trực tiếp bị đe dọa miếng ăn một khi ông Nguyễn Xuân Phúc nắm quyền. Bởi ông Dũng chưa từng ưa vị cấp phó là người kế nhiệm mình trong tương lai. Sự lành lặn và may mắn của ông Phúc khiến ông này luôn là cái gai trong mắt thượng cấp.

Song ông Nguyễn Tấn Dũng đã đi vào những ngày cuối cùng trong cuộc đời làm chính trị của mình và có lẽ cũng không còn nhiều tâm trí cho sát phạt. Với hai quy chế mới đề ra trong Đảng từ đầu nhiệm kỳ 11, là danh sách ứng cử viên Bộ Chính trị phải do chính Bộ Chính trị đề ra cho Trung ương bỏ phiếu chứ không có chuyện “nhẩy dù” vào giữa Đại hội và Trung ương Đảng khóa cũ sẽ bỏ phiếu cho nhân sự Trung ương Đảng khóa mới, thì ông Dũng không còn cơ hội nào.

Bởi hồi Hội nghị Trung ương 6, diễn ra vào tháng 10/2012, gần như 100% Bộ Chính trị đã thống nhất kỷ luật ông Dũng vì những cáo buộc “mắc sai lầm nghiêm trọng liên quan đến bản thân và gia đình”. Theo quy tắc của Đảng, đã bị kỷ luật, thì không còn trong diện quy hoạch.

Cùng với đó, sự kiện cựu Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, tay chém giết số một của Thủ tướng Dũng, dù đã an hưởng tuổi già, vẫn bị truy bức trả lại nhà và lăng nhục trên toàn hệ thống truyền thông nhà nước, là một tấm gương tày liếp cho những Ủy viên Trung ương đương nhiệm còn đang lưu luyến với ông Dũng.

Tất cả những điều đó cho thấy, mặc dù trong suốt thời gian qua, Thủ tướng Dũng nổ như súng liên thanh trên truyền hình Việt Nam và trong những lần tiếp khách quốc tế, ông ngồi dạng chân hết cỡ như để cố khoe một thứ rất to của mình, như khoe thứ quyền lực vô biên của ông bao trùm bộ máy công quyền từ trung ương đến địa phương, thì vẫn không giấu được ánh mắt đã bạc nhược và mái tóc chỉ một ngày không nhuộm cũng bạc trắng chân.

Trong hai nhiệm kỳ làm Thủ tướng, điều tốt đẹp duy nhất mà ông Dũng làm được cho dân là lệnh bắt buộc toàn dân phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy hồi 2007. Điều tốt đẹp cuối cùng lúc này mà ông đang cố làm, là vớt vát chút danh dự cuối cùng. Tất cả những chân rết phụng sự Thủ tưởng Dũng như Vũ Đức Đam, Phạm Bình Minh, Nguyễn Chí Vịnh…đều không có trong danh sách quy hoạch ủy viên Bộ Chính trị cho khóa tới.

Như vậy, có thể thấy rằng không có sự thật nào “đáng sợ” về một cuộc chiến đang diễn ra trong cung đình Việt Nam, bởi vì những kẻ cần ra đi chắc chắn đã phải ra đi. Tất cả đều đã an bài. Có một hay mười các blog như “chân dung quyền lực” thì cũng không làm nên một bất kỳ nhiễu loạn nào mà nhiều người đã vội hình dung sẽ giống như thời kỳ vỡ trận ở Đại hội 11.

Đó là thành công duy nhất mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm được trong nhiệm kỳ làm Tổng Bí thư của mình. Song với việc nhắm ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Hà Nội kế vị chỉ vì muốn lưu truyền yếu tố Bắc Kỳ, ông Trọng và sự trong sạch của ông, với tiếng lú mà ông không phủ nhận, sẽ bị người đàn em này sớm đổ xuống sông xuống biển.

Đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục đứng trước bờ vực suy thoái, ngay cả khi ĐH 12, không khó để dự báo, diễn ra suôn sẻ, thành công.

Sao Băng
29/12/2014

Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

MỘT BÀI TRẢ LỜI XUẤT SẮC

    Chắc nhiều người đã đọc bài trả lời phỏng vấn của thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trên Vietnam..Net số ra ngày hôm nay rồi nhưng vì tôi thấy bài trả lời này rất xuất sắc, thể hiện lập trường rõ ràng và tầm nhìn xa, rộng của tướng Vịnh và bài trả lời này cũng có thể cung cấp cho ta những thông tin, hiểu biết mới nên xin đưa về đây để cùng đọc. 

Tướng Vịnh: Muốn yên biển Đông, nội bộ phải ổn

- “Chúng ta đang có những tranh chấp trên biển Đông, và chúng ta kiên trì giải quyết tranh chấp bằng phương pháp hoà bình. Muốn giải quyết được những vấn đề đó thì nội bộ đất nước phải ổn định, Nhân dân phải tin vào Đảng, Chính phủ”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chia sẻ với VietNamNet.Hướng đến hoà bình, nhưng không phải hoà bình suông
Thưa Thượng tướng, để bắt đầu câu chuyện này, đầu tiên, tôi muốn được cùng ông hồi tưởng về những thế hệ đầu tiên của QĐND Việt Nam: đó là 34 người lính đã tuyên thệ trong khu rừng Trần Hưng Đạo, thành lập nên đội VNTTGPQ cách đây 70 năm, với xuất phát điểm là 3 tổ vũ trang, khí tài quân sự gần như là con số 0, thế hệ đó đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Sau 70 năm khi đất nước đã hoà bình, định hướng của QĐND Việt Nam có gì thay đổi?
Nguyễn Chí Vịnh, quốc phòng, quân đội, chủ quyền, biển Đông, 22/12
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Ảnh: Đức Anh
Người VN ai cũng nhớ đến lời dạy của Bác: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Từ ngày đầu thành lập đến nay, QĐND Việt Nam luôn có nhiệm vụ xuyên suốt là bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân. Ta đã trải qua những cuộc chiến tranh kéo dài qua nhiều thập kỷ, phải trả bằng máu để đạt được mục tiêu tối thượng: Độc lập, tự do.
Hôm nay, dù trong thời bình, nhưng sứ mệnh, nhiệm vụ của QĐND Việt Nam về cơ bản không đổi. Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và sự nghiệp Quốc phòng – An ninh còn có những khía cạnh nặng nề hơn: vừa phải bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, ngăn chặn sự xâm hại đến lợi ích quốc gia dân tộc, nhưng cũng phải bảo vệ cho được nền hoà bình, để nhân dân không phải đổ máu, đất nước có thời gian và có cơ hội để phát triển.
Trong thời bình, nếu không quan tâm đến quốc phòng, nếu lơ là nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, thì sẽ đến lúc đất nước bị xâm hại. Nếu không chăm lo bảo vệ hoà bình, thì sẽ đến lúc nền hoà bình của đất nước bị uy hiếp.
Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn này được mở rộng hơn, đó là bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ sự ổn định chính trị - an ninh xã hội và con đường đi lên CNXH, bảo vệ hoà bình, bảo vệ môi trường thuận lợi để phát triển đất nước và bảo vệ nhân dân. Nhiệm vụ đó không nằm ngoài những lời dạy của Bác Hồ 70 năm trước. Nhưng nó được cụ thể hoá trong giai đoạn thời bình.
Khi chúng ta có một nền quốc phòng mạnh, điều đó sẽ khiến mọi kẻ có ý định xâm phạm lãnh thổ buộc phải tính toán trong từng hành động. Ta phải chứng minh được là ta sẵn sàng và có khả năng đánh thắng nếu bị xâm lược.
Trong xây dựng quân đội hiện nay, chúng ta luôn nói chính sách quốc phòng của Việt Nam là hoà bình và tự vệ. Nghĩa là hướng đến hoà bình, nhưng không phải hoà bình suông. Nếu lợi ích bị xâm hại, chúng ta có quyền tự vệ và phải tự vệ, và chúng ta sẽ dồn hết sức mình để giành thắng lợi, bảo vệ hoà bình.
Suốt 70 năm qua, Quân đội VN luôn phải đối mặt với rất nhiều thế lực xâm lược, thù địch, khiến ta không một phút nào lơ là tinh thần cảnh giác. Trong hoàn cảnh đất nước hoà bình như hiện nay, có nên lo lắng về bản lĩnh của quân đội? Và các ông – những người lính, sẽ làm gì để luôn tự hoàn thiện mình, khi mà không còn những nguy cơ trực diện như trong quá khứ thường trực bên cạnh?
Ta đã từng phải đối mặt với những cường quốc lớn nhất thế giới trong lịch sử. Việc đối mặt với những kẻ thù quá mạnh như thế trong quá khứ đã khiến chúng ta phải tự vượt qua chính mình, tự vươn lên, phải nỗ lực bằng mấy trăm phần trăm sức lực.
Trong thời bình, có thể không có những kẻ thù trực diện như thế nữa, nhưng thách thức và nguy cơ thì luôn tồn tại, có thể là những nguy cơ tiềm ẩn trong một giai đoạn dài và cả những nguy cơ đã bùng phát. Quan trọng là chúng ta phải ngăn chặn sự bùng phát ấy.
Chúng ta cần nhận thức cho đúng, cho đủ những thách thức, nguy cơ đang hoặc sẽ uy hiếp đến nền Quốc phòng – An ninh hay là sự bền vững của đất nước. Chẳng hạn, thách thức về chủ quyền lãnh thổ, thách thức gặp phải trên con đường phát triển đất nước, hay những thách thức phi truyền thống, khi xã hội ngày càng phát triển, hội nhập.
Tuy nhiên, với chức năng của quân đội, thì bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là nhiệm vụ đầu tiên, và là nhiệm vụ quan trọng nhất. Người lính, dù sống trong thời bình, vẫn luôn phải cảnh giác, để hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng đó, vì nếu không có chủ quyền, không có lãnh thổ thì sẽ không có gì khác mà bảo vệ.
Chủ quyền lãnh thổ không những là chủ quyền bờ cõi quốc gia mà còn phải hiểu rộng ra thêm là chủ quyền về sự độc lập và tự chủ của đất nước. Việc giữ được chủ quyền, có được sự độc lập, tự chủ và khả năng tự lựa chọn và quyết định con đường đi của mình luôn là nhiệm vụ tối cao!
Muốn được tôn trọng, trước hết ta phải mạnh
Trong hoàn cảnh hiện tại, khi mà có những quốc gia láng giềng, trở nên lớn mạnh nhanh chóng, đang tìm cách áp đặt luật chơi với Việt Nam theo ý họ, quân đội Việt Nam sẽ phải ứng phó thế nào để thực hiện được chính sách hoà bình và tự vệ mà chúng ta đã lựa chọn?
Việt Nam luôn ủng hộ sự lớn mạnh của các quốc gia, kể cả sự lớn mạnh về kinh tế, chính trị, quốc phòng hay bất cứ lĩnh vực nào. Nhưng chúng ta có hai điều kiện:
Thứ nhất, sự lớn mạnh đó không uy hiếp, không đe doạ an ninh, hoà bình, ổn định của nước khác.
Thứ hai, sự lớn mạnh đó không ảnh hưởng đến hoà bình, ổn định của khu vực và trên thế giới. Cụ thể là, bất cứ quốc gia nào lớn mạnh đến đâu, cũng phải tôn trọng luật pháp quốc tế. Luật pháp quốc tế đặt ra là để ngăn chặn cách hành xử phi lý, dùng sức mạnh uy hiếp các nước khác.
Đồng thời họ phải tôn trọng, bình đẳng trong quan hệ với nước ta. Anh là nước lớn, tôi là nước nhỏ, nhưng anh phải tôn trọng tôi. Tôi với anh bình đẳng trên tư cách quốc gia. Cũng như ta vẫn thực hiện nguyên tắc tôn trọng, bình đẳng với các quốc gia nhỏ hơn mình. Chỉ khi giải quyết các lợi ích quốc gia của mỗi bên trên cơ sở luật pháp quốc tế và tôn trọng lẫn nhau, các quốc gia mới có một mối quan hệ thực chất, tốt đẹp.

Nước ta vẫn thực hiện nguyên tắc tôn trọng, bình đẳng với các quốc gia nhỏ hơn mình- Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.
 Hiện nay, có những động thái của một số quốc gia trong khu vực khiến chúng ta e ngại. Nhận thức được một cách kịp thời những nguy cơ đó và sớm giải quyết nó, bằng những biện pháp hoà bình, là chủ trương nhất quán của Việt Nam. Chúng ta đấu tranh về ngoại giao, đấu tranh về kinh tế, đấu tranh trên cơ sở luật pháp quốc tế và cả đấu tranh bằng các mối quan hệ quốc phòng, đi đến giảm thiểu và ngăn chặn khả năng xảy ra xung đột.
Nhưng với những quốc gia không tôn trọng luật pháp quốc tế, cũng như không thể hiện sự tôn trọng trong mối quan hệ giữa quốc gia với quốc gia, thì chiến lược hoà bình, tự vệ của chúng ta liệu có phải điều chỉnh?
Chúng ta không thể yêu cầu một quốc gia khác “Anh phải tôn trọng tôi đi”! Khi anh muốn người khác tôn trọng anh, anh phải mạnh trước đã.
Mà mạnh trước hết chính là sự ổn định chính trị - kinh tế - xã hội. Một đất nước phải ổn định kinh tế, chính trị, xã hội; một đất nước mà không có những vấn đề nghiêm trọng bên trong nó; một đất nước mà người dân được hưởng cuộc sống tốt đẹp và ngày càng giàu có thì đó sẽ là một đất nước mạnh. Đó cũng là yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo sức mạnh quốc phòng – an ninh.
Chúng ta đang có những tranh chấp trên biển Đông, và chúng ta kiên trì giải quyết tranh chấp này bằng phương pháp hoà bình. Muốn giải quyết được những vấn đề đó thì nội bộ đất nước phải ổn định, Nhân dân phải tin vào Đảng, vào Chính phủ. Đó là cơ sở, là điều kiện cần. Còn giải quyết thế nào lại là chuyện khác và là một câu chuyện dài, cần nhiều thời gian và công sức.
Con người còn quan trọng hơn vũ khí
Vậy nếu chỉ nói về sự ổn định trong nội bộ đất nước, theo nhìn nhận của ông, tình hình nội bộ của đất nước ta có đạt được đến sự ổn định mà ông nói tới, để đảm bảo “điều kiện cần” cho sức mạnh của đất nước trong những tranh chấp lãnh thổ?
Phải thẳng thắn với nhau rằng, đất nước ta còn nhiều vấn đề đáng lo ngại như Nghị quyết TW4 đã nêu. Ngoài ra còn rất nhiều vấn đề khác, mà chúng ta sẽ phải cùng nhau giải quyết, tháo gỡ. Nhưng không một quốc gia nào không có những vấn đề trong nội bộ của nó.
Chúng ta cần nhìn những vấn đề này với sự khoan dung, bình tĩnh, tỉnh táo và từng bước giải quyết. Đừng chỉ nhìn thấy một vài hiện tượng mà đã vội vàng mất lòng tin. Tôi đã nghe nhiều ý kiến lo lắng, bức xúc về cuộc đấu tranh của chúng ta trên biển Đông. Với vấn đề biển Đông, không chỉ riêng bạn, riêng tôi, mà tất cả người VN đều lo lắng, sốt ruột. Đó là nỗi lo chính đáng của người yêu nước.
Có thể có những người còn chưa hiểu, còn băn khoăn với cách hành xử của Đảng, Chính phủ trong vấn đề biển Đông. Nhưng ở đây, tôi muốn nói đến tính mục đích và kết quả của cuộc đấu tranh này.
Mục đích tối thượng của chúng ta là giữ gìn, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ bằng biện pháp hoà bình, không để xảy ra xung đột và duy trì quan hệ ổn định với nước láng giềng Trung Quốc. Vậy chúng ta có giữ được thềm lục địa 200 hải lý hay không? Có! Chúng ta có kiểm soát được nó hay không? Có! Chúng ta có giữ được những điểm đảo mà hiện chúng ta đóng quân ở Trường Sa hay không? Có! Và chúng ta có từ bỏ tuyên bố chủ quyền về Trường Sa – Hoàng Sa hay không? Tuyệt đối không!
Thậm chí chúng ta đang kiểm soát tốt hơn vùng thềm lục địa VN. Khu vực Đông Nam Á này đầy cướp biển. Nhưng vùng thềm lục địa Việt Nam lại không có cướp biển. Thậm chí chúng ta còn bắt những nhóm cướp biển từ vùng biển nước ngoài xâm hại vào để giao trả lại cho nước bạn.
Ngư dân của chúng ta vẫn bám ngư trường, các giàn khoan dầu khí đang hoạt động hết sức bình thường, các hoạt động thăm dò, nghiên cứu trên biển vẫn tiếp diễn. Chúng ta được các diễn đàn quốc tế ủng hộ một cách tự nhiên.
Ngoài biển như vậy, còn trong bờ thì sao? Những xung đột trên biển không kéo lùi sự phát triển của đất nước. Vậy sao lại nói chúng ta không kiểm soát được tình hình, khi mà chúng ta vừa giữ được quan hệ ổn định với Trung Quốc mà không hề lùi bước về mặt chủ quyền. Nhưng vẫn phải nói thêm rằng, nếu xảy ra xung đột, chúng ta cũng phải chứng minh được với cả thế giới và cả người láng giềng rằng những xung đột đó không phải do lỗi của chúng ta.
Nếu nhìn vào những kết quả chúng ta đạt được trong vấn đề biển Đông, ta thấy kế sách bảo vệ tổ quốc, phương pháp giải quyết vấn đề của Đảng và Nhà nước ta hoàn toàn hợp lý. Chính sự hợp lý đó tạo cho chúng ta niềm tin là chúng ta sẽ giải quyết được lần lượt từng vấn đề của mình.
Thưa Thượng tướng, trong văn kiện Đại hội XI, lần đầu tiên chúng ta đã nhắc đến chiến lược đối ngoại quốc phòng. Trong bối cảnh địa chính trị mới như thế này, khi thế giới đang có sự phân chia quyền lực quân sự một cách rất phức tạp, Việt Nam sẽ tham gia thế nào vào quá trình phân chia này và làm thế nào để định vị mình trên bản đồ quân sự thế giới?
Những phát triển, biến động của quốc phòng trong khu vực và trên thế giới những năm qua rất đáng chú ý, thậm chí đáng ngại. Điều khiến tôi cảm thấy đáng ngại nhất là cách hành xử của một số nước đang quay về kiểu “ngoại giao pháo hạm”, là “chính trị cường quyền” của mấy chục năm về trước. Bên cạnh đó là dấu hiệu của một cuộc chạy đua vũ trang mới, khi mà có một số nước đang phát triển quốc phòng một cách bất thường. Đây là một xu thế mới xuất hiện và cần được ngăn chặn.
Những nước muốn áp đặt đang mở rộng quan hệ để can dự mạnh hơn vào các khu vực trên thế giới. Những nước còn lại, trong đó có chúng ta thì lại muốn xây dựng những luật chơi, những định chế trong can dự quân sự để đảm bảo công bằng, không xảy ra xung đột và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Vì thế hoạt động đối ngoại quốc phòng song phương và đa phương của các quốc gia đang diễn ra hết sức nhộn nhịp. Nhiều nước quan điểm rằng muốn xây dựng đối tác chiến lược, đối tác toàn diện mà không có hợp tác quốc phòng – không có lòng tin thì không bao giờ có thể trở thành đối tác chiến lược, đối tác toàn diện.
Với các vấn đề đối ngoại quốc phòng của thế giới và khu vực như vậy, chúng ta phải lựa chọn – hoặc là đứng ngoài cuộc, hoặc là phải cùng tham gia để giành lấy quyền lợi, vị thế chính đáng của chúng ta phải có trong khu vực. Nhưng tham gia như thế nào cũng là một vấn đề quan trọng không kém! Và chúng ta đã lựa chọn một cách đi mà tôi cho là rất đúng đắn. Khi tham gia cuộc chơi này, chúng ta luôn xác định cái gì có lợi cho đất nước thì chúng ta làm. Và cái lợi này cũng phải đóng góp cho hoà bình ổn định của khu vực và thế giới.
Làm thế nào một nước nhỏ như VN có thể đạt được hai mục tiêu đó: quan trọng nhất là anh phải giữ cho bằng được độc lập tự chủ trong quan hệ quốc tế nói chung và quan hệ quốc tế về quốc phòng nói riêng. Độc lập tự chủ ấy quyết định việc quan hệ ấy có đem lại lợi ích cho đất nước hay không, có phương hại đến nước khác hay không.
Trong những năm qua, dù những can dự quốc phòng trong khu vực, đặc biệt là các nước lớn rất mạnh mẽ, nhưng chúng ta không hề bị cuốn vào cuộc chơi đó. Chúng ta đứng bên cạnh, tự giữ lấy lợi ích quốc gia dân tộc, đóng góp những gì có thể vào hoà bình trong khu vực và thế giới.

"Đừng chỉ nhìn thấy một vài hiện tượng mà đã vội vàng mất lòng tin"- Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. 
Có ý kiến lo ngại rằng, việc Việt Nam không liên minh quân sự với bất cứ quốc gia nào - như đường lối đối ngoại quốc phòng của ta từ trước đến nay - sẽ khiến ta trở nên yếu thế và không có đồng minh nếu đất nước rơi vào hoàn cảnh có những xung đột vũ trang với quốc gia khác?
Chúng ta cần phải hiểu nội hàm của liên minh quân sự thực chất là gì? Liên minh quân sự là liên minh mà bao giờ cũng có đối tượng rất cụ thể, liên minh đó nhất định phải đối phó, phải ngăn chặn hoặc chống lại một ai đấy? Chúng ta không liên minh với bất cứ nước nào để chống lại một nước thứ ba hoặc nhóm nước thứ ba, bất luận là ai.
Chúng ta tin vào hợp tác quốc tế, tin vào việc những nỗ lực đóng góp cho sự ổn định khu vực sẽ giúp chúng ta tranh thủ được sự ủng hộ của dư luận thế giới.
Nhìn vào sự ủng hộ mà chúng ta nhận được từ hai cuộc kháng chiến, rồi ngay cả trong vấn đề biển Đông gần đây, rõ ràng niềm tin đó là hoàn toàn có cơ sở, dù trong thời đại hiện nay, lợi ích quốc gia dân tộc của mỗi nước được đưa lên rất cao. Nếu anh chấp nhận cách hành xử sai trái, phi lý, anh chịu khuất phục trước sức mạnh và gây sức ép đối với một quốc gia nào đó, thì hôm nay là tôi, còn ngày mai có thể sẽ đến lượt anh. Thiện chí của chúng ta sẽ được bạn bè thế giới đồng tình ủng hộ.
Trước áp lực của việc khu vực và thế giới dường như đang bước vào một cuộc chạy đua vũ trang mới, Việt Nam sẽ đưa ra giải pháp nào để phát triển quân đội lớn mạnh, hoàn thành nhiệm vụ Quốc phòng – An ninh trong bối cảnh kinh tế đất nước đang khó khăn như hiện nay?
Một số người khi thấy chúng ta mua tàu ngầm và trang bị thêm những vũ khí hiện đại đã hỏi tôi quân đội ta đã hiện đại hay chưa? Tôi đã trả lời, so với chính chúng ta trước đây thì đó là bước tiến lớn, nhưng so với mặt bằng chung thế giới cũng như so với nhu cầu chung của chúng ta thì còn rất khiêm tốn.
Nhưng chúng ta không dựa vào vũ khí làm yếu tố căn bản để bảo vệ Tổ quốc. Yếu tố mà chúng ta đề cao nhất là con người. Chúng ta tập trung vào sức mạnh toàn dân, với nội hàm là lòng yêu nước và ý thức bảo vệ tổ quốc. Không có yếu tố đó, sẽ không có quân đội nào đánh thắng.
Chúng ta dựa vào việc xây dựng tư tưởng chính trị của CBCS trong toàn quân, bởi một người lính mà không có lý tưởng chính trị sẽ là một người lính tồi. Việc giáo dục CBCS là điều mà Bộ Quốc phòng đặc biệt quan tâm, cần để những CBCS trẻ hiểu đúng, hiểu đủ về tinh thần yêu nước, bảo vệ tổ quốc và tính tất yếu trong sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội.
Chúng ta cũng không thể quên việc đào tạo CBCS trong thời đại bùng nổ khoa học, CNTT, để họ có trình độ ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ, ngang tầm với sự phát triển của xã hội và thế giới; để nhận thức đầy đủ các vấn đề của xã hội xung quanh nhiệm vụ quốc phòng; để sử dụng nhuần nhuyễn các thành quả kỹ thuật của khoa học quân sự khi vũ khí được trang bị mỗi ngày một hiện đại.
Nhiều người vẫn cứ nghĩ rằng quân đội hiện đại là quân đội có vũ khí trang bị hiện đại. Nhưng tôi lại nghĩ con người hiện đại mới quyết định chất lượng của quân đội đó. Khi có chiến tranh, chúng ta có thể mua vũ khí, nhưng nếu lúc đó không có những con người có thể sử dụng được nó thì đó sẽ là vấn đề.
Có bao giờ ông hình dung quân đội sẽ đóng góp thế nào cho việc xây dựng nguồn lực con người cho đất nước, kể cả cho môi trường dân sự trong giai đoạn này?
Đó luôn là chủ trương của QĐND Việt Nam trong suốt quá trình trưởng thành và phát triển.
Trước hết có thể khẳng định rằng, các CBCS trong quân đội vốn đã được đào tạo bồi dưỡng để trở thành người tốt. Họ được dạy về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, để khi rời quân ngũ, họ trở thành những công dân tốt và có đủ khả năng tiếp thu kiến thức mới trong đoạn đời tiếp theo của mình. Họ cũng là những người có ý thức kỷ luật rất tốt khi đã rời khỏi quân đội.
Thế nên vừa rồi khi Quốc hội thông qua Luật Sĩ quan quân đội nhân dân sửa đổi và Luật Nghĩa vụ quân sự, chúng ta cũng cân nhắc rất kỹ về thời gian tại ngũ trong quân đội từ 18 tăng lên 24 tháng, để đảm bảo được những phẩm chất của môi trường quân đội sẽ vẫn được duy trì khi họ rời khỏi quân ngũ.
Chúng ta cũng có một lực lượng dự bị động viên rất lớn, được tổ chức bồi dưỡng về kiến thức chính trị, quân sự, quốc phòng theo định kỳ. Chúng ta còn có lực lượng dân quân tự vệ, những người là nòng cốt để giữ gìn ổn định an ninh của từng địa phương, đảm bảo nền tảng của sự phát triển.
Cái vấn đề của chúng ta là chủ trương thì có, nhưng việc đầu tư vào phát triển nguồn lực thì mỗi nơi một khác. Nếu chúng ta quan tâm đúng mức, đồng bộ… thì sẽ đóng góp rất nhiều. Đó cũng là điều mà tôi trăn trở nhiều năm nay.

"Con người hiện đại mới quyết định chất lượng của quân đội". 
Quân đội không thể trở thành gánh nặng cho ngân sách
Dù nói rằng con người là yếu tố quyết định, nhưng không thể phủ nhận vũ khí, khí tài là một phần sức mạnh không thể thiếu của Quốc phòng. Dù muốn dù không, chúng ta không thể không dành những khoản chi tiêu lớn cho nó. Chỉ riêng việc mua 6 tàu ngầm kilo của Nga trong mấy năm qua đã tiêu tốn 2,1 tỷ USD, chưa kể chi phí bảo trì hàng năm và chi phí xây dựng nơi trú ẩn cho đội tàu ngầm này. Việc đầu tư cho quốc phòng liệu có trở thành gánh nặng cho ngân sách quốc gia? Bên cạnh việc mua những thứ tối thiểu cần, thì việc phát triển công nghiệp quốc phòng trong nước có phải là mục tiêu lâu dài của quân đội trong giai đoạn phát triển sắp tới không thưa Thượng tướng?
Hiện đại hoá quân đội là mục tiêu lâu dài và tất yếu, bắt buộc để đáp ứng tình hình mới.
Và như tôi đã nói từ lúc đầu, hiện đại hoá quân đội là hiện đại hoá cả con người, cả trang bị, khoa học, cả nghệ thuật quân sự. Cái mà quân đội Việt Nam đang hướng tới là một lực lượng quân đội tinh gọn, nhưng chất lượng nhân lực cao, đủ sức bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội phải mạnh nhưng không để trở thành gánh nặng cho ngân sách đất nước. Những gì chúng ta mua là những thứ tối thiểu cần để xây dựng quân đội, đảm bảo khả năng tự vệ cần thiết.
Từ khá lâu rồi, người Mỹ đã tiến hành tư nhân hoá quốc phòng trong lĩnh vực sản xuất vũ khí, khí tài quân sự. Nó góp phần tăng đáng kể nguồn thu cho công nghiệp nội địa Mỹ nói chung và công nghiệp quốc phòng nói riêng, cũng là một cách giảm bớt gánh nặng ngân sách cho quốc phòng. Liệu chúng ta tính đến hướng đi đó?
Công nghiệp quốc phòng Việt Nam còn rất hạn chế, vì chúng ta là một nước còn nghèo, KHCN chưa phát triển. Nhưng mặt khác, mô hình ở các nước tư bản lại không phù hợp để áp dụng ở VN vì chúng ta không đi buôn vũ khí. Nếu có sản xuất, vũ khí đó cũng chỉ đảm bảo đáp ứng cho mình ta thôi. Nên việc phát triển công nghiệp quốc phòng, tư nhân hoá lĩnh vực này là việc trong tương lai gần chưa khả thi ở Việt Nam.
Nhưng QĐVN cũng có một điểm rất đặc sắc là những bộ phận kinh tế quốc phòng tham gia vào những lĩnh vực lưỡng dụng trong đời sống xã hội. Chúng ta có 23 đoàn kinh tế QP đóng ở những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Quân đội cũng có những tập đoàn kinh tế rất mạnh vừa có nhiệm vụ đóng góp vào phát triển kinh tế quốc dân, đồng thời thực hiện nhiệm vụ quốc phòng như Tập đoàn Viettel, Tân Cảng Tp.HCM…
Họ thực hiện nghiêm các quy định của luật pháp nhà nước, chịu chung những rủi ro của kinh tế thị trường, không có bất cứ đặc ân hay ngoại lệ nào. Tôi cho rằng tính kỷ luật của quân đội đã giúp họ làm nên thành công. Tất cả những bộ phận kinh tế quốc phòng này khi thời bình họ làm kinh tế, đóng góp cho ngân sách, nhưng vẫn không quên nhiệm vụ của một người lính, sẵn sàng bất cứ lúc nào cho nhiệm vụ thời chiến.
Mọi quốc gia đều hiểu mối liên hệ mật thiết giữa an ninh – quốc phòng với sự ổn định của kinh tế đất nước. Với điều kiện cụ thể của Việt Nam, quốc phòng đã đủ sức trở thành “bảo hiểm” cho sự ổn định, hay chưa?
Nói đúng ra, thì quân đội là đảm bảo sự bền vững của đất nước về mặt vĩ mô, bền vững về chủ quyền, bền vững về hoà bình. Chính sự bền vững ấy giúp đất nước có cơ hội đặt ra những kế hoạch về kinh tế - xã hội phù hợp với sự phát triển của đất nước, không bị động bởi những tác động từ bên ngoài.
Việc bảo vệ môi trường ổn định cho sự phát triển là nhiệm vụ của quân đội. Và nếu không làm được việc đó, nghĩa là quân đội chưa hoàn thành nhiệm vụ. Đến giờ tất cả mọi người đều nói quân đội ta hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Khi xưa, chúng ta huy động toàn dân đánh giặc, toàn quốc kháng chiến. Giả định nếu bây giờ đất nước có biến cố, mà xấu nhất là tình huống chiến tranh, ông hình dung chúng ta sẽ huy động nguồn lực trong điều kiện kinh tế thị trường như thế nào?
Chắc chắn khi mà đất nước bị uy hiếp, toàn dân sẽ đóng góp cho quân đội trong khả năng của mình. Không chỉ trong thời chiến, ngay cả trong thời bình, đến bây giờ nhân dân vẫn rất chăm lo xây dựng quân đội lớn mạnh, càng ngày càng tiến lên hiện đại. Đơn cử là hầu như không có nước nào trên thế giới mà được dân ủng hộ như ở Việt Nam trong việc mua sắm vũ khí, khí tài. Người dân nước khác muốn Chính phủ mình dùng tiền đó để lo cho an sinh xã hội. Nhưng người Việt Nam thì ngược lại. Dù họ biết, tiền đó là tiền ngân sách, và nếu không dùng vào việc mua sắm vũ khí, nó sẽ dùng để chăm lo cho đời sống của chính họ.
Đã có thời, chúng ta có được lòng tin tuyệt đối của nhân dân. Những câu chuyện về tình quân dân như cá với nước là những câu chuyện đã được kể mãi cho đến giờ. Còn hiện nay, có người nói lòng tin đó đang dần bị mai một khi mà cơ chế của chúng ta đang ngày càng lộ ra nhiều bất cập. Vậy nếu đối mặt với những nguy cơ trong tương lai, người lính phải làm gì để duy trì, giữ gìn được thứ lòng tin kỳ diệu ấy của nhân dân với mình?
Tôi có niềm tin rằng lòng tin của dân với Đảng, với quân đội vẫn giữ nguyên vẹn như những ngày đầu. Nhưng nó thể hiện ở những dạng thức khác nhau, do bối cảnh lịch sử khác nhau.
Những lúc khó khăn nhất, sự gắn kết sẽ thể hiện một cách rõ rệt nhất, sâu sắc nhất. Và lúc đó, phẩm chất của con người nó phát triển mạnh mẽ nhất. Không phải vô cớ mà ta nói thời đại chống Mỹ, thời đại Hồ Chí Minh là đỉnh cao của lịch sử Việt Nam.
Nhưng nói vậy không có nghĩa là không còn khó khăn thì không còn tình nghĩa. Giờ không còn là thời mà chiến sĩ và nhân dân cùng ăn, cùng ở, cùng đánh giặc, sự hiểu biết của người dân với quân đội không còn như xưa, nhưng mỗi người cán bộ chiến sĩ khi được giáo dục rồi đưa vào môi trường công tác và chiến đấu đều đảm bảo rằng tình cảm của người chiến sĩ với nhân dân vẫn không hề thay đổi. Chưa cần nói đến chiến tranh, chỉ khi khó khăn thôi, phẩm chất đó đã được thể hiện rất rõ.
Ngày hôm qua, trong vụ sập hầm thuỷ điện ở Lâm Đồng, những người đào hầm, chui vào giải cứu được công nhân là bộ đội công binh. Năm 2009, Hà Tĩnh gặp bão lũ lớn. Nước từ thượng nguồn ồ ạt đổ về, kéo theo hàng nghìn m3 gỗ khiến công trình Thuỷ điện Hố Hô gặp sự cố không thể mở được cống thoát lũ do bị tắc cống, nguy cơ vỡ đập cận kề, có thể khiến mấy huyện phía dưới sẽ bị xoá trắng. Trước nguy cơ vỡ đập, một đại đội công binh đã lao xuống đập để vớt gỗ, vớt rác, mở được cửa đập, cứu cho hàng vạn người dân không bị mất nhà mất cửa, đe doạ tính mạng.
Tôi đã được chứng kiến những người lính công binh âm thầm làm nhiệm vụ của mình, không quản ngại nguy hiểm đến tính mạng. Những điều đó và còn rất nhiều ví dụ khác nữa khiến tôi tin rằng mối quan hệ quân dân trong thời bình có thể không có nhiều cơ hội để thể hiện một cách rõ ràng. Rồi ngay cả việc tuyên truyền của chúng ta cũng chưa thực đầy đủ để tăng mối gắn kết ấy, nhưng chắc chắn rằng, khi dân cần quân đội, quân đội chưa bao giờ từ chối bất cứ một nhiệm vụ nào, dù khó khăn đến mấy. Kể cả hi sinh.
Giữ gìn lòng tin của nhân dân dành cho quân đội như trong quá khứ, như những gì mà chúng ta đã luôn nói về thế hệ Bộ đội cụ Hồ có phải là mục tiêu của tất cả những người lính QĐND Việt Nam?
Chúng ta có lòng tin mạnh mẽ về phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, nhưng chúng ta không được chủ quan, vì không bao giờ được phép nghĩ rằng dân đã tin thì sẽ tin mãi. Nếu không nhận thức được sự thay đổi của xã hội, yêu cầu mới của thời đại, không luôn luôn tự rèn luyện mình thì việc mất niềm tin sẽ rất dễ xảy ra. Không thoả mãn với mình là điều mà những người lính chúng tôi sẽ phải luôn tự nhắc nhở.
Nhưng tôi tin rằng tuyệt đại đa số quân nhân, ý chí chung của quân đội là bảo vệ tổ quốc, phục vụ nhân dân, giữ gìn niềm tin và tình yêu của người dân với bộ đội cụ Hồ.
Xin cảm ơn Thượng tướng.
  • Lan Hương (thực hiện)

Thứ Tư, 17 tháng 12, 2014

HẦU CHUYỆN VỚI ANH TRƯƠNG TẤN SANG

   
Nguyễn Khắc Mai
 
 
Tôi hân hạnh được hầu chuyện với Anh, chung quanh 
đề tài “Niềm Cay Đắng”.  Khi tiếp xúc cử tri tại TP HCM, 
Anh nói ”Chúng tôi sẵn sàng nghe những ý kiến cay 
đắng”.  Anh có nhớ chính Hồ Chí Minh đã nói rất sâu sắc 
vấn đề này trong Nhật ký trong tù: Trên đời ngàn vạn điều cay đắng. Cay đắng chi bằng mất tự do.  Hồ Chí Minh còn có một câu khác cũng rất hay, nếu độc lập, thông nhất rồi mà dân không hưởng được hạnh phúc tự do, thì cũng chẳng nghĩa lý gì.  Câu này chính là học được từ ý của hai cụ Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh, khi hai cụ bàn với nhau, tranh được độc lập rồi mà không có dân quyền thì cũng vô nghĩa.
Hồ Chí Minh còn có một câu nói hay nữa là, làm sao cho dân ta dùng được quyền dân chủ, hưởng được quyền  dân chủ,  dám nói, dám làm.  Câu  đó được nói vào năm 1967.  Như thế là đã gần một nữa thế kỹ. Những quyền dân chủ ở Việt Nam vẫn là chắp vá, những thứ mà nhân loại tiến bộ sáng tạo ra nhân dân nhiều nước đã dùng được, hưởng được, thì Việt Nam ta lại tìm các ngăn cấm.  Thật là cay đắng. Cho nên cụ Hồ trước khi mất đã phải di chúc, ”cần một cuộc chiến tranh để chống lại những hư hỏng cũ kỹ.” Sau cụ thấy dùng chữ "chiến tranh" có thể bị hiểu lầm, không lợi, nên cụ xóa chữ tranh và thay bằng chữ đấu. (Ai muốn biết thấu đáo cứ giở Di chúc do NXB ST in)
 Điều cay đắng là, khi nhân dân ta đứng lên làm cuộc khởi nghĩa Tháng Tám với ước vọng Độc lập Tự do, Hạnh phúc với bản Hiến Pháp 1946, thì lần hồi sau đó, từng bước đảng CSViệt Nam đã đỏi thay, bội ước, bỏ con đường Dân tộc, Dân chủ, Dân quyền để đi theo con đường tiến nhanh tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội (rồi khi thất bại đã đánh tráo khái niệm mà đỗ tội cho cái gọi là chủ nghĩa bao cấp. Thật ra bao cấp là một phương thức mà nhân loại hiện nay vẫn sử dụng trong những nhà nước phúc lợi.  Các nước phương Tây bao cấp rất hay gấp cả vạn lần Việt Nam ta.) Từ 1959, khi xóa bỏ Hiến Pháp 1946 để đi theo con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội theo mô hình xô viết lạc hậu (nay đã phá sản chính trên quê hương của nó), thì Việt Nam ta có cùng một trình độ phát triển, có mặt còn nhỉnh hơn nhiều nước trong khu vực.  Nay hơn nửa thế kỷ trôi qua, khi Dân tộc ta trao vào tay lãnh đạo của đảng cộng sản, thì Việt Nam ngày càng trì trệ, lạc hậu. (Xin xem công trình của một nhóm chuyên gia của Harvard, Việt Nam Phát triển theo hướng rồng bay). Có nhũng nghiên cứu trong nước khẳng định rằng để bước vào giai đoạn hiện đại, Hàn Quốc chỉ đi trong vòng 40 năm, và chỉ chi phí bằng già nửa tiêu phí của Việt Nam..  Có nghĩa là chỉ bằng một nữa đầu tư như chúng ta, mà họ thì mọi mặt bằng của một đất nước hiện đại đã hoàn chỉnh.  Giao thông vận tải, trên bộ. trên biển, trên không tiên tiến, hiện đại.  Các ngành sản xuất hiện đại với công nghệ cao, sản phẩm có hàm lượng tri thức cao, làm nền cho một nền kinh tế tri thức hình thành.  Khoa học và giáo dục (dẫu còn những tiêu cực) vẫn là một nền khoa học và giáo dục tiên tiến hiện đại, chẳng kém gì quốc tế.  Vốn xã hội, mặt bằng pháp lý, nhân cách con người phát triển, văn minh (cứ xem cách ứng xử xã hội sau vụ chìm phà Sewoon thì rõ).  Có người bảo, Hàn Quôc họ lợi dụng được kỹ thuật và tài chính Mỹ.  Thế thì tại sao Việt Nam không biết đàng lợi dụng.  Có nhiều người nói với tôi một cách hài hước rằng, vì Hàn quốc không có được đảng cộng sản lãnh đạo!
Còn chúng ta, cũng chừng ấy thời gian, lại đầu tư gấp đôi người ta, mà chưa có bất cứ lĩnh vực nào hình thành được mặt bằng của một quốc gia phát triển.  Cả giao thông, cả nhũng ngành kinh tế mũi nhọn, cả khoa học và giáo dục, cả vốn xã hội, chất lượng con người, cả luật pháp, thể chế (đến nỗi 40, 50 năm vẫn ỳ ạch trong quốc nạn tham nhũng, gần như vô kế khả thi!).  Một nước nông nghiệp, vốn là chủ nhân của nền văn minh lúa nước, cũng chỉ bán nông sản thô, nông dân vẫn sống nghèo nàn, không thể vươn lên làm chủ xây dựng được một nền nông nghiêp hiện đại.  Mọi lĩnh vực đều nham nhỡ, không hình thành cho được những mặt bằng cho sự phát triển tương xứng của dân tộc trong thời đại mới.
Trong các cuộc họp vừa rồi, các cử tri đã nói với anh vấn nạn tham nhũng.  Nhưng thử hỏi có ba công cụ lớn để chống tham nhũng, là tư pháp, cảnh sát, và báo chí, thì cả ba đều yếu ớt lại cũng tham nhũng thì dẫu cái ủy ban phòng chống tham nhũng có ba đầu sáu tay nữa, cũng đành bó tay mà thôi.  Cái cay đắng là người ta chỉ quan tâm đến giải pháp quan liêu hành chính, lập ban nọ ban kia, mà không biết coi trọng xây dựng cho bằng được công cụ văn minh, hữu hiệu.
Một quốc gia phát triển được trong thời hiện đại, có bốn yếu tố.  Một là tài nguyên thiên nhiên.  Tài nguyên của chúng ta tuy không giàu, nhưng nhiều ưu thế.  Chỉ tính riêng vị trí địa lý thôi, thì đây quả là một thế mạnh của Việt Nam.  Hai là truyền thống văn hóa.  Rất nhiều điều là vốn xã hội cho phát triển.  Ba là tố chất của con người.  Tố chất con người Việt có những ưu trội rất phù hợp cho tiến trình hiện đại.  Bước vào thời văn minh tin học, chính một kỹ sư Việt là người sáng chế chiếc máy tính điện tử vào 1953, trước đó là máy tính cơ học.  Nhiều trí thức, chuyên gia, nghệ sỹ ở tầm quốc tế.  Nhiều người thợ Việt có bàn tay vàng. Thứ tư là những quan hệ xã hội hiện hữu.  Phải thừa nhận rằng mọi quan hệ xã hội hiện hữu của chúng ta từ chính trị, chính sách, luật lệ, thể chế, tư duy đều tiêu cực, không thích ứng cho một xã hội phát triển.  Chúng ta bị cầm tù trong một thể chế vừa lỗi vừa lầm, khiến cho mọi ưu thế của đất nước không phát huy được.  Cả ba điều ưu trội của xã hội Việt đều không thể phát triển trong thể chế và thiết chế chính trị xã hội hiên nay.
Chỉ tính 40 năm qua, kể từ khi thống nhất đất nước đến nay, dưới sự lãnh đạo của các đời Bộ Chính Trị, đất nước ta vẫn như con gà mắc tóc, loanh quanh luẫn quẫn, không vùng thoát ra được một tình thế hiểm nguy.  Nguy cơ mất đất, mất biển trời, mất chủ quyền vào tay Trung Hoa bá quyền Đại Hán, ngày càng hiểm nguy hơn.  Thế mà đường lối đối ngoại vẫn là nhất biên đảo, vẫn tiếp tục lệ thuộc Trung Quốc.  Chúng tôi từng cảnh báo  "Giàn khoan 981 là chuyện nhỏ, Gạc Ma mới là chuyện lớn. Quả nhiên họ đã lấp đỗ đất đá biến Gạc Ma, Bãi Chữ Thập thành quân cảng, thành sân bay quân sự, đặt gươm kề cổ chúng ta.  Thế mà Chủ tịch nước, Quốc Hội, Chính phủ đều không có động thái đủ sự cần thiết, lui tới cũng chỉ là mấy câu tuyên bố của người phát ngôn của Bộ ngoại giao, việc trước nghiêm trọng, việc sau nghiêm trọng hơn, cũng chỉ mấy luận điệu nhàm chán quen thuộc khiến “Tàu” chỉ cười khẩy mà thôi.  Phải tính lại đường lối đối ngoại căn cơ hơn, đúng đắn, hợp lý hơn.
Thời đại này, nhân loại, tất yếu không loại trừ Việt Nam, có ba hiểm họa toàn cầu.  Một là hiểm họa biến đổi khí hậu,và dịch bệnh nguy hiểm đều do con người đã làm đảo lộn sinh thái gây ra.  Hai là những bùng nổ xã hội do phân hóa giàu nghèo, do tích tụ hậu quả của những chính sách chính trị, kinh tế, văn hóa phi nhân tính gây ra.  Và ba là hiểm họa của chủ nghĩa khủng bố và khuynh hướng đế quốc bá đạo tiêu biểu là cái gọi là nhà nước Hồi giáo cực đoan IS, và Trung Hoa đang hưng phát và quyết tâm đi theo vết xe đỗ của chủ nghĩa đế quốc.  Cho nên đường lối biến mình thành chú ngựa lẽo đẽo chạy theo cổ xe của chủ là không thể chấp nhận.Trung Hoa chẳng mong gì hơn là tình hình cứ nhẹ nhàng, nước chảy bèo trôi như chúng ta đang làm.
Về đối nội, điều cay đắng là:
a. Cho đến nay,trãi qua 11 Đại hội,thời gian là 84 năm,nhung đảng không biến mình thành một đảng văn minh, đạo đức.  Học thuyết đầy mâu thuẫn, ngụy luận và đánh tráo khái niệm.  Đường lối sai lầm (chính các kỳ đại hội cũng phải thừa nhận) đã dẫn đến khủng hoảng chính trị xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục…lạc hậu kéo dài.  Tổ chức và phương thức hoạt động của đảng tồn tại nhiều nghịch lý.  Rõ ràng mọi thiết ché xã hội đều tồn tại và hoạt động với hai điều: Hiến định và Luật định.  Duy chỉ đảng là đang hoạt động không có luật định để điều tiết.  Xã hội và Nhà nước không thể kiểm soát, giám sát được.  Đảng đang trở thành tổ chức chính trị hoạt động ngoài luật pháp.  Để cho tình hình Việt Nam suy thoái và trì trệ suốt trong mấy chục năm qua không thể bỏ ra ngoài trách nhiệm và năng lực của các đời ban lãnh đạo của Nhà nước và của Đảng.  Đặc biệt là Nhà nước khi đã được Dân ủy nhiệm, trước hết nó phải làm tròn nghĩa vụ với Dân, nó phải kiểm soạt và điều tiết được hoạt động của đảng cầm quyền.  Điều cay đắng là chúng ta không làm được sự cần thiết, văn minh như vậy.
b. Một hệ thống công chức xây dựng từ 1946, ngày càng phình to, hiệu  quả kém, tham nhũng nặng nề, quan liêu, hành dân.  Về nguyên tắc và đạo lý, đội ngũ này phải là lực lượng cầm trịch cho  công cuộc kiến tạo một quốc gia dân tộc phục hưng, phát triển.  Họ không đóng được vai trò đó, trở thành vừa là tội đồ, vừa là nạn nhân.
c. Một nền kinh tế lạc hậu kéo dài, gia công, lệ thuộc, tiêu phí nhiều thời gian, đầu tư cao mà hiệu quả thấp. không có một ngành mũi nhọn nào làm được nhiệm vụ đầu tàu cho sự phát triển.
d. Khoa học, giáo dục, văn hóa trì trệ, lạc hậu, không tạo ra được chất lượng con người để có khả năng đổi mới mình và đổi mới xã hội. Có hai ví dụ cay đắng.  Một là, như anh Vũ Ngọc Hoàng, Ủy Viên Trung Ương, Phó Ban Tuyên Giáo Trung Ương, đã ngậm ngùi nói, người ta sang mình làm ăn thì đều là ông chủ, nhà quản lý, còn dân mình đi sang họ thì chỉ là ô sin, đầy tớ.  Thứ hai là một ông nông dân giỏi cơ khí, phát minh sáng tạo không có đất dụng võ trong nước, lại được nước láng giềng sử dụng rất trọng vọng.  Ở các nước văn minh tiên tiến hiện nay, họ đã có một phương thức sử dụng trí thức rất hay.  Đó là mọi việc, mọi lĩnh vực của Đất nước, thì giới trí thức phải là người đầu tiên “bàn cho nát nước” (phải đến độ nước mà cũng phải nát).  Rồi nhà chính trị, nhà doanh nghiệp, nhà quản lý mới tiếp thu để ứng dụng vào chủ trương, chính sách của minh.  Chúng ta đang làm ngược lại.  Vì thế trì trệ, lạc hậu kéo dài không đáng có.  Trong một khóa trước, tôi từng thưa với Bộ Chính trị, với ban khoa giáo do GS Nguyễn Đình Tứ làm trưởng rằng "Chính sách trí thức hàng đầu phải là “Bái trí vi sư”, nghĩa là phải biết tôn trí thức làm thầy".  Anh Tứ nói với tôi, anh nói đúng nhưng họ không làm được.
e. Một nền chính trị dân tộc, thân dân, dân chủ, văn minh tiên tiến, tất yếu phải phát triển Xã Hội Dân Sự. Xã hội dân sự chính là môi trường, là chỗ tựa nương của mọi người, mọi thiết chế xã hội. Kể cả chính đảng cũng phải tựa nương vào xã hôi dân sự mà đàng hoàng, tử tế, văn minh đạo đức lên.  Xã hội dân sự chính lai môi sinh nuôi dưởng mọi cá thể và cộng đồng của xã hội.  Chúng ta xưng là đảng tiên phong, nhà nước văn minh,  nhưng không tô bồi vun xới cho xã hôi dân sự hình thành và phát triển, lại còn mắng nhiếc nó như một số bài đăng trên báo Nhân Dân, báo Quân Đội Nhân Dân.  Một trăm năm trước Đông Kinh Nghĩa Thục từng dạy: Chính phủ chẳng qua chỉ là người dân nắm chính quyền.  Mọi người cầm quyền, đều không phải thánh nhân, nếu không có xã hội dân sự điều tiết, giám sát và giáo dục chắc chắn họ sẽ tự biến mình thành vua chúa phong kiến, như Anh Nguyễn Văn An từng cay đắng thừa nhận Bộ Chính Trị là vua tập thể! Trong khi Các Mác khẳng định “Nhà nước chính trị có cơ sở tự nhiên là gia đình, cơ sở nhân tạo là xã hội dân sự” (cũng thuật ngữ ấy, chúng ta dịch là xã hội công dân).  Còn chúng ta hiện nay thì trên báo Nhân Dân lại có bài coi xã hội dân sự như thù như địch! Nghe nói BBT còn chỉ thị không được nói, không được bàn về xã hôi dân sự! Chính Các Mác còn khẳng định: ”Dân chủ nghĩa là Chính Phủ được đặt dưới sự kiểm soát hoàn toàn của xã hội.”
Điều cay đắng là những tư tưởng hợp lý tiến bộ của Mác thì chúng ta không nghiên cứu, không áp dụng, lại đi áp dụng những tư tưởng lỗi thời và sai lầm mà chính Mác đã phủ định.
Tôi xin nêu một ví dụ cay đắng nữa là cuối đời, khi Mác trò chuyện với Bakounin,ông nói: ”Một khi giai cấp công nhân giành được chình quyền, họ sẽ thực hiện một chế độ ủy trị, dể cho mọt số người tự ứng cử và bầu cử nhằm cai trị họ.  Sau một hồi hưng phấn cách mạng trong một Nhà nước kiểu mới, họ sẽ lập tức tỉnh ngộ, thấy mình là con rối, là nô lệ, là con mồi cho những tham vọng mới”.  Dự báo này là một quả đắng  vì nó là hiện thực trong tất cả các nước theo Lê nin, theo Mao Trạch Đông, lập kiểu nhà nước xô viết tiến lên chủ nghĩa xã hội! Ngày nay giai cấp công nhân ở nước ta là giai cấp cùng khổ nghèo hèn, thất học vô quyền.
Gần đây, anh em tuyên huấn gay gắt phê phán những người có tư tưởng muốn đa đảng. Nhưng chính Mác và Ăng nghen trong Tuyên ngôn Cộng sản lại tuyên bố khẳng định “các đảng cộng sản của các dân tộc phải phấn đấu để đoàn kết và hợp tác với các đảng dân tộc, dân chủ”.  Mác nói phải phấn đấu để đoàn kết và hợp tác, chúng ta đã phấn đấu ngược lại! Thành ra, chính chúng ta chống lại Mác, chống lại cương lĩnh gốc của mình!
Tôi xin chia sẻ với Anh vài suy tư của mình.  Rõ ràng khác với những kẻ khác, Anh sẵn sàng lắng nghe ý kiến cay đắng.  Dân mình có câu thuốc đắng đã tật. Nhiều triết gia hiện đại cũng khẳng định tiếp nhận ý kiến khác mình thì nhân đôi được kiến thức. Hồ Chí Minh từng nói “ tự do tư tưởng hóa ra là tự do phục tùng chân lý.  Như thế phản đề của cụ là tự do tư tưởng là tự do không phục tùng ngụy lý! Còn Mác thì nói “tự do báo chí" (tôi thêm tự do tư tưởng) là sự sám hối của nhân dân trước bản thân mình, mà lời sám hối thật tâm thì có cơ cứu rỗi.”
Liệu chúng ta có thật tâm sám hối đặng cứu rỗi đất nước thoát khỏi tình thế hiểm nguy trước một Trung Hoa đế quốc, bá quyền nước lớn (mà Tập Cận Bình vùa tuyên bố), liệu có nhanh chóng thoát ra sự suy đồi, trì trệ, bảo thủ, lạc hậu hiện nay hay không. Mác từng nói khi lịch sử đã đặt ra vấn nạn của nó, nhất định sẽ có câu trả lời. 
Kính chúc Anh thân tâm an tịnh.
 

Chủ Nhật, 7 tháng 12, 2014

THỦ ĐÔ NƯỚC MÔNG CỔ NGÀY NAY

    Thủ đô Mông cổ trước đây ta vẫn quen gọi là Ulanbator nay là Ulanbator. Diện mạo của nó nay đã hoàn toàn khác những gì ta từng thấy trước đây. Xin giới thiệu một số hình ảnh của thành phố này để mọi người thưởng ngoạn .

Quảng trường Sükhbaatar
Mấy ngày ở đây (26-28, 11, 2014), tôi ở  trong khách sạn Blue Sky cao 105m, cao nhất Mông Cổ, toàn kính nhôm. Trước mặt là quảng trường Sükhbaatar, mang tên một vị lãnh đạo cách mạng Mông Cổ năm 1921, Damdin Sükhbaatar, tương tự như Lê Nin của Liên Xô, Mao Trạch Đông của Trung Quốc, hay Hồ Chí Minh của Việt Nam. Khi các vị chết hay được tôn vinh, xây lăng và đặt tên những nơi trang trọng.
Thủ đô Mông Cổ cũng trải qua nhiều tên khác nhau như Urga, Kuren, Da Kuren, Kulun, Khuree. Ulaanbaatar trong tiếng Mông Cổ là “Anh hùng đỏ”, được chính quyền cách mạng đặt tên năm 1924 để tỏ lòng kính trọng đối với Sükhbaatar, vì đã cùng với Hồng quân Liên xô chống lại xâm lược Trung Quốc và Đức. Do ảnh hưởng nặng nề của Liên Xô và tiếng Nga, Ulaanbaatar được đổi thành Ulan Bator cho dễ đọc.
Quảng trường. Ảnh: HM
Quảng trường Sukhabaatar.  Ảnh: HM

Tượng của Damdi Sükhbaatar trên lưng ngựa vẫn đứng giữa quảng trường mang tên ông. Trước đó, trong khu vực này còn có lăng của ông và một vị lãnh đạo khác tên là Khorloogiin Choibalsan, một bản sao giống hệt lăng Lê Nin ở Moscow. Nơi đây diễn ra các sự kiện quan trọng như mít tinh, biểu tình ủng hộ cách mạng, duyệt binh những ngày lễ lớn trong đó có dịp cách mạng tháng 10.
Những năm đầu 1990 cũng chứng kiến những cuộc cách mạng dân chủ nổi dậy và lật đổ chính thể cộng sản cầm quyền. Khu lăng của hai vị lãnh đạo cộng sản đã bị phá đi, thay vào đó là khu nhà tưởng niệm Thành Cát Tư Hãn, hai bên có tượng của Ögedei Khan (con trai), and Kublai Khan (cháu) thuộc gia đình ông, được xây vào năm 2006, nhân dịp 800 năm ngày Thành Cát Tư Hãn lên ngôi.
Trong khu nhà có rất nhiều kỷ vật liên quan đến Thành Cát Tư Hãn, du mục Gobi, kể cả Mông Cổ sau này. Những hình ảnh XHCN vẫn được một chỗ đứng trang trọng trong khu tưởng niệm rất đẹp và hiện đại. Cho dù thời thế đã thay đổi, và nhiều chuyện về thời cộng sản đã được khơi ra, tượng Lê Nin đã bị hạ xuống, nhưng tượng  Sükhbaatar vẫn còn đứng giữa Quảng trường, khách thăm của vẫn dành cho ông sự kính trọng nhất định.
Thời tiết Ulaanbaatar rất lạnh nên tôi chỉ đi quanh khu phố trung tâm, khoảng 1 tiếng lại phải về khách sạn để uống nước và sưởi ấm. Chim bồ câu béo quay vẫn sống thản nhiên trong nhiệt độ âm 20 đến 30oC. Chó thả rông toàn chạy trên đường vì lạnh, mùa đông họ phải giết vì chó rét quá, không có gì ăn, quay sang cắn người. Thỉnh thoảng gặp một kiosk bán hàng vặt như thời Liên Xô. Trolleybus (xe khách điện) vẫn chạy trên phố. Xe hơi quá nhiều nên giao thông có chiều hướng tắc nghẽn. Phố khá sạch, dân không xả rác ra đường, trai gái ăn mặc mốt hơn.
Ulaanbaatar đang thay đổi từng ngày.  Các khu nhà được thiết kế tổng thế hợp với kiến trúc thành phố, hè rộng, có cây xanh dù trồng cây ở đây đắt gấp chục lần nơi khác do thời tiết.  Một thủ tướng trẻ 48 tuổi vừa được bầu và nội các của ông toàn người năng động. Tất cả nói lên sự chuyển mình của quốc gia từng thống trị thế giới.
Các bạn trẻ Mông Cổ đều có một nhận xét, nếu không có Lê Nin và Liên Xô, có lẽ tiếng vang của quốc gia cũng đã ngang tiếng ngựa hý thời Thành Cát Tư Hãn vượt từ Á sang Âu. Nay họ đang hướng về dân chủ kiểu phương Tây, chính phủ thay đổi liên tục, nhưng đó là sự thay đổi cho tốt hơn là sự ổn định giả tạo, kéo lùi đất nước.
Thế hệ trẻ Mongolia. Ảnh: HM
Thế hệ trẻ Mongolia. Ảnh: HM

Viết những dòng này, tôi nhớ thầy Nghị dạy sử trường cấp 3 Lương Văn Tụy (Ninh Bình) khóa 1968-1970. Thầy thuộc lòng lịch sử thế giới, và thường nhắc đến Thành Cát Tư Hãn với một sự ngưỡng mộ. Lũ học trò quê mùa mắt sáng lên và mong ngày nào đó được đến tận nước này để chiêm ngưỡng. Thế mà giấc mơ thành sự thật.
Rời Ulaanbaatar, nơi tôi dừng chân vài lần ở bến ga tầu khi du học Đông Âu cách đây hơn 40 năm, và mấy năm trước qua công tác ngắn hạn, nay trở lại, không hiểu sao dự cảm lại tốt đẹp về Mongolia toàn sa mạc và lạnh cóng này.

HM. Ulaanbaatar 11-2014.
Tham khảo: Truyền thuyết về cái chết của Thành Cát Tư Hãn

Những bức ảnh được chụp qua kính máy bay, xe hơi, khách sạn, hoặc trong giá lạnh từ -15oC đến -25oC (Cảm giác).
Ulaanbaatar nhìn từ trên cao. Ảnh: HM
Ulaanbaatar nhìn từ trên cao. Ảnh: HM
Xây dựng hối hả. Ảnh: HM
Xây dựng hối hả. Ảnh: HM
Cao tốc nối sân bay và thủ đô. Ảnh: HM
Cao tốc nối sân bay và thủ đô. Ảnh: HM
Nhiệt điện là nguồn chính cho tp. Ảnh: HM
Nhiệt điện là nguồn chính cho tp. Ảnh: HM
Nhìn từ Blue Sky. Ảnh; HM
Nhìn từ VP WB – trước mặt là phủ Tổng thống. Ảnh; HM
Đang xây dựng cao tầng. Ảnh: HM
Đang xây dựng cao tầng. Ảnh: HM
Lăng của Sukhbaatar truớc kia. Ảnh: Wiki
Lăng của Sukhbaatar truớc kia. Ảnh: Wiki
Quảng trường. Ảnh: HM
Nay thành quảng trường tưởng niệm Thành Cát Tư Hãn. Ảnh: HM
Đội danh dự. Ảnh: HM
Đội danh dự. Ảnh: HM
Chiến binh Mông Cổ. Ảnh: HM
Chiến binh Mông Cổ – Lính gác nhắm mắt. Ảnh: HM
Tượng . Ảnh: HM
Tượng Damdi Sukhbaatar  . Ảnh: HM
Vó ngựa chiến binh xưa. Ảnh: HM
Vó ngựa chiến binh xưa. Ảnh: HM
Thế hệ tương lai. Ảnh; HM
Thế hệ tương lai. Ảnh; HM
Góc phố. Ảnh: HM
Góc phố. Ảnh: HM
Sắc mầu sa mạc. Ảnh: HM
Sắc mầu sa mạc. Ảnh: HM
Ulaanbaatar by night. Ảnh: HM
Ulaanbaatar by night. Ảnh: HM
                                                                   Trích từ blog Hiệu Minh.

Thứ Năm, 4 tháng 12, 2014

LIÊN BANG XÔ VIẾT TRƯỚC GIỜ SỤP ĐỔ

Tôi đã sống ở Liên xô trong những năm tháng cuối cùng của nhà nước này. Tôi tới LX vào cuối tháng 8 năm 1987. Năm đó mùa hè nhiều mưa và lạnh. Đến hôm trước, hôm sau tôi ra cửa hàng bán đồ cũ trên đại lộ Comxomolskaya mua mộ chiếc áo khoác mặc cho đỡ lạnh. Trên đường về tôi ghé vào một cửa hàng bán thức ăn mua sũa, trứng và bánh mì cho bữa ăn trưa được nấu ngay trong phòng  ngủ. Ấn tượng ngày đầu tiên tới LX hôm ấy là rất thoải mái. Các nhu yếu phẩm hàng ngày trong các cửa hàng ( ở Moscow ) này vẫn khá đầy đủ. So với ở VN đói khổ thiếu thốn mọi thứ thì ở đây vẫn là thiên đường. Chỉ một ngày sau một cô bạn của anh bạn cùng sang Moscow với tôi, người cùng học ở học viện báo chí ở VN với anh bạn này đi xuất khẩu lao động đã bay từ Krasnodar lên để kịp thời'ăn hàng' từ VN sang : quần bò, áo phông cá sấu của Thái, pin điện tử, đồng hồ Seiko của Nhật...Tôi nhớ khoảng 12 giờ đêm anh bạn và tôi đưa cô này về nhà một anh vụ phó học ở trường Đảng để cất món hàng vừa mua. Đây là nơi tá túc của cô những lần lên 'Mat' mua hàng. Khoảng 1 giờ đêm tôi và anh bạn ra về lòng phơi phới về một thế giới no đủ, an toàn, hoàn toàn khác với Hà nội nơi  mình vừa ra đi vài ngày trước....
   Nhưng chỉ vài tháng sau Moscow đã hoàn toàn khác. Một đêm tôi sang chơi nhà anh bạn công tác bên khối SEV gửi anh mang về nhà một ít hàng cứu tế. Tôi ra về lúc 12 giờ đêm lòng không bợn một chút lo ngại nào về sự an toàn. Nhưng , Moscow đã không an toàn như vài thang trước, khi về tới ga metro Park Cultury tôi đã bị một nhóm 3 tên hooligan vây chặn. Chúng đòi tiền, tôi không cho, rồi một thằng kẹp lấy cố tôi nhấc bổng lên, hai thằng còn lại giật túi xách của tôi rồi đi thẳng. Nghĩ lại tôi thấy vẫn còn may. Trong túi xáh chẳng có gì, sự không chống trả bọn hooligan đã cứu mạng tôi. Nếu sự việc trên xảy xa muộn hơn vài tháng nữa có thể tôi đã bị chúng xỉa vài nhát dao vào bụng. Thế giới hooligan phát triển như măng mọc rau mưa rào và độ tàn bạo của chúng cũng tăng nhanh khủng khiếp. 
    Những chiếc mắc ào trong cửa hàng quần áo cũ trên phố Comxomolskaya bây giờ chẳng còn áo mà treo. Các cửa hàng khác, nhất là các cửa hàng thức phẩm chỉ còn lèo tèo vài món hàng và chúng nhanh chóng hết nhẵn sau vài giờ mở cửa. Tất cả những điều tôi vừa kể được thể hiện qua thiên phóng sự ảnh dưới đây của  prophotos-ru :
Phóng sự buồn về ngày tận thế của Liên bang Xô Viết. 1990-1991. Photo của George Steinmentz, Peter Turnley.


Peter Turnley
Nạn đầu cơ sinh sôi: có những kho thực phẩm đầy ắp hàng.

 Corbis-AABT001845
trong khi các cửa hàng thực phẩm trống rỗng.

 Corbis-TL019934

 Corbis-TL019967
và những dòng người xếp hàng dài dằng dặc
 Corbis-TL019966

 Corbis-TL019964
Chỉ còn vài mẩu bánh mì mà người xếp hàng thì vẫn còn nhiều.

Corbis-42-24352842

 Corbis-TL019949

 Corbis-TL020016

 Corbis-TL019944
Thịt đã hết, chỉ còn rặt xương. Gương mặt gầy guộc và đau khổ của bà cụ cho ta thấy nhiều điều.

 Corbis-TL005248
Cửa hàng chẳng còn gì để bán.

Và người ta bắt đầu rời bỏ đất nước ra đi. Những đám đông chen chúc trước cổng ĐSQ nước ngoài xin thị thực nhập cảnh. 

 Corbis-TL005146

Những cửa hiệu phương Tây xuất hiện. Nơi đây người ta chen chúc xô đẩy nhau, bát nháo như như trong bảo tàng Luvre xung quanh bức tranh"Jhoconda".

 Corbis-TL019817

 Bắt đầu xuất hiện những hợp tác xã đầu tiên.

 Corbis-GJ004210

Khắp nơi trên đường phố, trong các chợ người ta bắt đầu bán hàng trao tay mặc dù việc bán hàng như vậy bị đặt ngoài vòng pháp luật. Đó là những thứ người ta xoáy được từ đâu đó. Những chi tiết máy được tháo gỡ từ những cỗ máy trong nhà máy, từ những thứ xoáy được của những tên móc túi, từ những món đồ kỉ niệm của gia đình.... Tôi đã mua được một chiếc đồng hồ để bàn cũ của một bà cụ trong một chợ ở Ođetxa đén nay vẫn chạy tốt..Chỉ thị "Về buôn bán tự do" xuất hiện vào năm 1992.

 Corbis-AABT001838

 Corbis-TL005243

Lĩnh vực dịch vụ mới xuất hiện- dịch vụ sex. 


катя


 Corbis-TL019793


 Corbis-TL019940

 Corbis-0000230854-015

Các cô gái Nga chạy sang phương Tây, châu Á, và châu Phi.

Corbis-TL035509

 Perestroika đã ở lại phía sau.

Corbis-JW001113

Xuất hiện những nhà lãnh đạo mới, những trào lưu mới.
 
Corbis-TL020191

 Những mặt nạ bị vất bỏ, những chiếc túi bị vất bỏ. Người phụ nữ trong ảnh đeo khẩu hiệu " Chúng tôi tin tưởng vào nghị viện của nước Nga. Đó là niềm hi vọng của chúng tôi"


Corbis-TL019680

Và không ai biết điều gì đang chờ họ ở phía trước.

Corbis-TL019284