Trần Chung Ngọc
Trước hết tôi cần
phải nói rõ rằng: “Phật Giáo là một chủ đề vĩ đại, vô cùng vĩ đại với
một rừng Kinh Sách, Giáo lý và Triết lý. Hiếm có người có thể tự nhận
là mình đã thông suốt toàn bộ Giáo lý của Đức Phật. Thứ đến, Khoa Học
cũng là một chủ đề rộng lớn, quá rộng lớn, và tôi tin rằng không một
người nào dám nói là mình đã biết hết về Khoa Học. Cho nên, tôi chỉ xin
cố gắng trình bày vài nét về đề tài “Phật Giáo & Khoa Học” theo sự hiểu
biết của tôi, nhưng tôi tin chắc chắn cũng còn nhiều thiếu sót.
Nói về Phật Giáo &
Khoa Học thì trước hết chúng ta cần biết rõ một sự kiện: Hiện nay, không
ai có thể phủ nhận là Phật Giáo đang phát triển mạnh trên toàn thế giới,
nhất là trong những xã hội Âu Mỹ, những xã hội được coi là tiến bộ nhất
về khoa học, kỹ thuật. Điều này phản ánh một sự kiện: trong những xã
hội này, con người đã quen với tính chất chính xác và hợp lý của khoa
học, và họ ngả theo Phật Giáo vì tinh thần Phật Giáo rất phù hợp với
tinh thần khoa học. Hơn nữa, trong lịch sử Phật Giáo, họ không tìm thấy
một dấu vết tỳ ố nào về vấn đề chống khoa học hay đàn áp khoa học gia
bằng bạo lực, chưa kể là Phật Giáo đã giúp họ giải quyết được một số vấn
đề trong thời đại khoa học tân tiến ngày nay. Và hay hơn cả là, trong
suốt giòng lịch sử truyền đạo hơn 2500 năm, Phật Giáo chưa hề làm đổ một
giọt máu của người vô tội và cũng chưa hề cưỡng bức ai phải theo Phật
Giáo. Chủ trương hòa bình của Phật Giáo là điều mà thế giới tranh chấp
hỗn loạn ngày nay cần hơn gì hết.
Thật vậy, Joseph L. Daleiden, một học giả Công
Giáo, trong cuốn Sự Mê Tín Cuối Cùng (The Final Superstition),
xuất bản năm 1994, sau khi phân tích và đánh giá cái di sản Do Thái - Ki
Tô đã viết về Phật giáo như sau:
Lời giới thiệu hay nhất về Phật Giáo
là, giống như Khổng giáo, hệ thống tín ngưỡng này đã hiện hữu trong 25
thế kỷ mà không hề có một cuộc Thánh Chiến, một Tòa Án Xử Dị Giáo, hay
một toan tính đế quốc nào nhằm xâm chiếm và phá hủy nền văn hóa của một
dân tộc khác.
Chúng ta đã biết, Thánh Chiến, Tòa Án Xử và Thiêu Sống Dị Giáo, Săn Lùng
Tra Tấn Và Thiêu Sống Phù Thủy, Toan tính Đế Quốc nhằm xâm chiếm và phá hủy nền văn hóa
của một dân tộc khác v…v… đều là những núi tội ác của Công giáo mà Giáo
hoàng John Paul II đã thú nhận cùng thế giới ngày 12 tháng 3, năm 2000.
Niềm tin
Phật Giáo là niềm tin về sự thực chứng, kết quả của sự tu tập, mang phúc
lợi tới mọi chúng sinh, chứ không phải là một niềm tin mù quáng vào vài
giáo thuyết hoang đường. Thật vậy, thực tế là một số Khoa học gia trong
vài thập niên gần đây đã phải dùng những tư tưởng trong Phật Giáo để
giải quyết những bế tắc trong việc diễn giải những hiện tượng khoa học
mà họ khám phá ra, thí dụ như quan niệm "vạn pháp qui nhất", quan niệm
"tương duyên, tương tức", quan niệm "dung thông" v..v.. của Phật Giáo.
Và cũng thực tế là, trong nhiều bộ môn khoa học, tư tưởng Phật Giáo đã
đi trước khoa học khá xa.
Vấn đề tinh thần
Phật Giáo không xa lạ với tinh thần Khoa Học đã rõ ràng. Để vấn đề được
rõ ràng hơn, chúng ta hãy điểm qua nhận định của một vài khoa học gia
nổi tiếng nhất trong Thế Kỷ 20:
Albert Einstein, cha
đẻ của thuyết tương đối, đã phát biểu như sau:
“Tôn giáo tương lai sẽ là một tôn giáo
toàn cầu, vượt trên mọi ý nghĩa về Thượng đế và tránh nói đến những giáo
lý và thần học. Tôn giáo ấy sẽ bao quát tất cả phương diện tự nhiên lẫn
siêu nhiên, đặt trên cơ sở đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể mà
không rời nhất thể. Phật giáo đáp ứng được những yêu cầu ấy. Nếu có một
tôn giáo nào có thể đương đầu được với những nhu cầu hiện đại của khoa
học thì đó là Phật Giáo”
Ngoài ra, Einstein
cũng cò đưa ra những nhận xét sau đây:
" PHẬT GIÁO KHÔNG CẦN XÉT LẠI QUAN ĐIỂM CỦA MÌNH
ĐỂ CẬP NHẬT HÓA VỚI NHỮNG KHÁM PHÁ MỚI CỦA KHOA HỌC. PHẬT GIÁO KHÔNG
CẦN TỪ BỎ NHỮNG QUAN ĐIỂM CỦA MÌNH ĐỂ CHẤP NHẬN KHOA HỌC, BỞI VÌ PHẬT
GIÁO BAO GỒM KHOA HỌC, ĐỒNG THỜI CŨNG VƯỢT QUA KHOA HỌC. Phật Giáo là
một chiếc cầu nối liền tôn giáo và những tư tưởng khoa học. Chiếc cầu
Phật Giáo đã kích thích con người khám phá ra những tiềm năng lớn lao
nằm sâu kín trong chính con người và trong môi trường sống chung quanh.
PHẬT GIÁO SIÊU VIỆT THỜI GIAN VÀ MÃI MÃI CÓ GIÁ TRỊ."
Trong nhận định của
Albert Einstein, có một điểm quan trọng nói lên những sắc thái đặc thù
của PG:
PG KHÔNG CẦN XÉT LẠI QUAN ĐIỂM CỦA MÌNH ĐỂ CẬP
NHẬT HÓA VỚI NHỮNG KHÁM PHÁ MỚI CỦA KHOA HỌC. PHẬT GIÁO KHÔNG CẦN TỪ BỎ
NHỮNG QUAN ĐIỂM CỦA MÌNH ĐỂ CHẤP NHẬN KHOA HỌC, BỞI VÌ PG BAO GỒM KHOA
HỌC, ĐỒNG THỜI CŨNG VƯỢT QUA KHOA HỌC.
Tại sao Einstein lại
nói như vậy? Chúng ta biết rằng Einstein đã được sinh ra và nuôi
dưỡng trong cái nôi của tôn giáo Tây phương thì không thể không biết đến các luận cứ mà các nhà Thần học bảo vệ tín lý của tôn giáo này
đã đưa ra để giải thích lại hay từ bỏ những lời mà trước đây họ
khẳng định đó là lời của Thượng Đế, không thể sai lầm, để đưa ra một lý
thuyết phù hợp với những tiến bộ của khoa học, nhưng thật ra chỉ nhằm mê
hoặc số tín đồ với những đầu óc "bảo sao tin vậy". Sau đây là vài thí
dụ:
a) Quan niệm trái đất là
trung tâm của vũ trụ, trái đất là thế giới duy nhất, mặt trời quay xung
quanh trái đất. Đây là những lời của Thượng Đế trong Thánh Kinh nên
không thể sai lầm. Cũng vì vậy mà trong thế kỷ 17 Giordano Bruno bị
thiêu sống chỉ vì đưa ra một nhận định khoa học rất chính xác là ngoài
thế giới chúng ta đang sống còn có nhiều thế giới khác nữa, và Galileo
Galilei, tuy là bạn của Giáo Hoàng Urban VIII, cũng bị biệt giam cho đến
chết vì dám khẳng định một sự kiện khoa học là trái đất quay xung quanh
mặt trời chứ không phải là mặt trời quay xung quanh trái đất như lời
Thượng Đế trong Thánh Kinh. Sau đó khi mà
giáo hội không còn quyền lực để đốt người hay giam người nữa thì các nhà
Thần học liền tuyên bố: “Kinh Thánh không có ý định dạy về thiên văn,
chỉ dạy về sự sáng tạo của Thượng Đế.”
b) Theo Thánh kinh thì
vũ trụ được tạo dựng ra trong 6 ngày, cách đây khoảng từ 6000 tới 10000
năm, tùy theo Thánh Kinh. Ngày nay, những khám phá của khoa học cho
biết tuổi của trái đất là vào khoảng 4.5 tỷ năm, và tuổi của vũ trụ là vào
khoảng 13.7 tỷ năm. Các nhà Thần học bảo vệ tín lý bèn diễn giải rằng
một ngày trong sự tạo dựng có thể là nhiều ngàn năm chứ không phải là
ngày 24 tiếng đồng hồ như chúng ta thường biết. Đây chỉ là luận điệu
ngụy biện vì Thánh Kinh viết rõ là mỗi ngày đều có sáng và
tối. Và sáng và tối trên trái đất là do chuyển động quay xung quanh
trục Nam Bắc của trái đất đối với mặt trời. Mặt khác, dựa trên chương
Sáng Thế Ký trong Thánh Kinh, các khoa học gia bèn hỏi lại: Cây cối
được tạo ra trong ngày thứ ba và mặt trời ngày thứ tư. Làm sao cây cối
có thể sống được nhiều ngàn năm mà không có ánh sáng mặt trời? Các
nhà Thần học bèn giải thích: Thượng đế là bậc toàn trí toàn năng,
quyền phép vô cùng làm gì chẳng được. Các khoa học gia chơi khăm
bèn hỏi lại: “Nếu Thượng Đế là bậc toàn năng thì tại sao lại phải
nghỉ xả hơi vào ngày thứ Bảy sau khi hoàn thành sự tạo dựng trong 6
ngày? Và bắt con người cũng phải nghỉ ngày thứ bảy như Thượng đế? Nhưng
con người ngày nay, một số người Việt chúng ta làm 2,3 “job” nghĩa là
“làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm thêm ngày chủ nhật”.”
Câu hỏi này chưa có ai trả lời. Còn nữa, trước khi tạo dựng ra vũ
trụ ngày nay thì trong dòng thời gian vô tận trước lúc tạo dựng Thượng
Đế làm gì và dùng cái gì, để tạo dựng ra vũ trụ? Các nhà Thần học bảo rằng trước khi tạo dựng cả thiên thu thì Thượng đế còn
bận sáng tạo ra hỏa ngục cho những kẻ nào dám hỏi những câu hỏi xúc phạm
đến quyền năng của Thượng đế như vậy. Nghe thật là nực cười !
Trong khi đó các khám phá mới của khoa học
không có ảnh hưởng trái ngược hay mâu thuẫn đối với tư tưởng Phật Giáo,
chưa kể là trong nhiều bộ môn các tư tưởng PG còn đi trước khoa học khá
xa.
Học Giả Egerton C. Baptist
(1915-1983), viết trong cuốn “Siêu Khoa Học của Đức Phật”
(Supreme Science of the Buddha) như sau:
Phật Giáo bắt đầu ở chỗ khoa học chấm
dứt. Khoa học không cho chúng ta sự bảo đảm gì ở nơi đây. Nhưng Phật
Giáo có thể đáp ứng sự thách thức của thuyết nguyên tử, vì kiến thức ở
trên mức bình thường của Phật Giáo bắt đầu ở nơi mà khoa học chấm dứt.
Và điều này khá rõ ràng cho bất cứ ai đã nghiên cứu về Phật Giáo. Bởi
vì, qua thiền định, những cấu tử cỡ nguyên tử tạo thành vật chất đã được
thấy và cảm nhận, và những sự khổ, với sự sinh và diệt của chúng, đã tự
tạo ra trong cái mà chúng ta gọi là linh hồn hay ngã - ảo tưởng của chấp
ngã, như giáo lý của Đức Phật dạy.
J Robert Oppenheimer ( 1904-1967),Nhà Vật Lý Mỹ, nói rằng:
“Thí dụ, nếu chúng ta hỏi, phải chăng vị trí
(electron) không thay đổi? chúng ta phải trả lời “không”; phải chăng vị
trí của điện tử thay đổi với thời gian? chúng ta phải trả lời “không”;
phải chăng điện tử đứng yên? chúng ta phải trả lời “không”; phải chăng
điện tử đang di chuyển? chúng ta phải trả lời “không”. Đức Phật đã
trả lời như vậy khi được hỏi về tình trạng của cái ngã của con người sau
khi chết; nhưng những câu trả lời này không quen thuộc trong truyền
thống của khoa học trong thế kỷ 17 và 18.”
Edwin Arnold, người nổi tiếng về cuốn thơ Ánh Sáng Á Châu (The Light of Asia), khẳng định rằng:
"Tôi thường nói, và tôi sẽ còn nói nữa, là giữa Phật-Giáo và Khoa- học
tân tiến có một mối quan hệ trí thức gần gũi."
Bertrand Russell, nhà triết-học và toán-học nổi tiếng thế giới
trong cuốn Lịch sử triết học Tây Phương (History of Western
Philosophy) đã viết:
"..Phật-Giáo
là một tổ hợp của triết lý suy cứu và triết lý khoa học. Phật Giáo ủng
hộ phương pháp khoa học và theo phương pháp này để tới một cứu cánh có
thể gọi là thuần lý. Phật Giáo còn đi xa hơn khoa học vì khoa học bị
giới hạn bởi những dụng cụ vật lý."
Tiến sĩ Radhakrishnan:
"Nếu Phật Giáo hấp dẫn đối với trí óc tân tiến đó là vì Phật Giáo có
tinh thần khoa học, thực nghiệm, chứ không phải là dựa trên bất cứ giáo
điều nào"
Tiến sĩ Graham Howe, nhà Phân Tâm Học nổi tiếng người Anh đã nói
như sau:
"Đọc một chút về Phật Giáo ta cũng có thể nhận thức được rằng, từ 2500
năm trước, Phật Giáo đã biết về những vấn đề mới về tâm lý nhiều hơn là
chúng ta thường biết tới. Họ nghiên cứu những vấn đề này từ lâu và cũng
đã tìm ra phương thức giải quyết chúng. Ngày nay chúng ta chỉ khám phá
lại trí tuệ thông thái cổ xưa của Đông phương."
Và Paul Carus, tác giả cuốn sách nổi tiếng "The Gospel of Buddha"
, một cuốn sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng như Nhật, Trung Hoa,
Đức, Pháp, Tây Ba Nha v...v...và là người đã bảo trợ cho Daisetz Suzuki
sang Mỹ để truyền bá đạo Phật mà ông gọi là "Tôn Giáo của Khoa Học"
tuy ông không phải là một Phật tử thì cho rằng Đức Phật là: "Người
đầu tiên thực chứng; người đầu tiên phát triển chủ nghĩa nhân đạo; người
đầu tiên có tư tưởng tự do cấp tiến; người đầu tiên đả phá Thần tượng;
và là nhà tiên tri đầu tiên về tôn giáo của khoa học."
Vì sao những nhân vật nổi danh trên, và nhiều nhân vật khác nữa lại đưa ra những nhận định như vậy.
Nói về Phật Giáo [PG]
và Khoa Học [KH] thì trước hết chúng ta cần biết những định nghĩa của PG
và của KH. Có cái khó ở đây là KH thì có thể định nghĩa được chứ
PG thì khó mà có thể có một định nghĩa xác đáng. Vì vậy trước hết
chúng ta hãy xét đến định nghĩa của KH và rồi xem xem trong cái định
nghĩa này nó có những tương quan gì với Phật Giáo.
ĐỊNH NGHĨA CỦA KHOA HỌC.
Mở cuốn tự điển Merriam
Webster ra chúng ta thấy có 5 định nghĩa về KH:
1. Kiến thức thu thập
được bằng khảo sát và thực hành (Knowledge obtained by study and
practice)
2. Bộ kiến thức được hệ
thống hóa (Department of systematized knowledge)
3. Nghệ thuật hay sự
khéo léo (Art and Skill)
4. Một ngành học liên
hệ đến sự quan sát và hệ thống hóa các sự kiện, nhất là có liên quan với sự
thiết lập những định luật tổng quát có thể kiểm chứng được, chủ yếu bằng
quy nạp và giả thiết
5. Kiến thức chuyên
biệt tích tụ được hệ thống hóa và công thức hóa dựa vào sự khám phá ra
những chân lý tổng quát hay sự vận hành của các định luật tổng quát.
Những kiến thức liên hệ
tới thế giới vật chất : Khoa học tự nhiên (Natural Science)
TINH THẦN KHOA HỌC:
- Dùng đầu óc, luận lý
và thực nghiệm để ra khỏi sự ngu tối. (Phật Giáo dùng trí tuệ và thực
chứng để phá bỏ vô minh: Người ta thường bảo rằng Phật giáo có một
lưỡi gươm duy nhất để diệt một kẻ thù duy nhất: lưỡi gươm này là lưỡi
gươm trí tuệ, và kẻ thù này là vô minh.)
- Tinh thần rộng rãi.
Gửi học trò đi học các Thầy giỏi. (Khi xưa, các bậc cao Tăng trong Phật
Giáo thường gửi đệ tử của mình đi học thêm từ các bậc cao Tăng khác ở
Tông phái khác)
- Tinh thần khách quan,
tôn trọng sự thật, không để cho thiên kiến chi phối. (Như thực tri
kiến)
- Thảo luận hòa hoãn để
đi tới chân lý, không khích bác nhau (Khẩu Hoà vô tranh)
- Dung hòa ý kiến, tham
khảo để cùng đưa ra một kết luận (Ý hòa đồng duyệt)
- Chia sẻ những kiến
thức để đi tới chân lý (Kiến hòa đồng giải)
Nhưng lẽ dĩ nhiên trong giới khoa học gia không
có những chủ trương như sau của Phật Giáo:
- Thân Hòa Đồng Trú
- Giới Hòa Đồng Tu
- Lợi Hòa Đồng Quân
VÀI THÍ DỤ VỀ TƯ TƯỞNG
PG ĐÃ ĐI TRƯỚC KHOA HỌC:
Ở trên tôi đã trích
dẫn nhận định của Tiến sĩ Graham Howe, nhà Phân Tâm Học nổi tiếng của
Anh Quốc. như sau:
"Đọc một chút về
Phật Giáo ta cũng có thể nhận thức được rằng, từ 2500 năm trước, Phật
Giáo đã biết về những vấn đề về tâm lý nhiều hơn là về những vấn đề hiện
đại về tâm lý học chúng ta thường biết tới. Họ nghiên cứu những vấn đề
này từ lâu và cũng đã tìm ra phương thức giải quyết chúng. Ngày nay
chúng ta chỉ khám phá lại trí tuệ thông thái cổ xưa của Đông phương."
Không phải vô căn cứ
mà Tiến sĩ Graham Howe viết như vậy. Nếu chúng ta biết về Duy-Thức Học
trong Phật Giáo thì chúng ta thấy rằng các nhà khoa học chỉ dùng có 16
phần trăm [16%] của số 100 Pháp được phân loại thành 8 Tâm Pháp, 51
Tâm-Sở-Hữu Pháp, 11 Sắc Pháp, 24 Tâm-Bất-Tương-Ưng Hành Pháp, và 6 Vô-Vi
Pháp (Xin đọc Đại-Thừa Bách Pháp Minh Môn Luận), nghĩa là các
khoa-học-gia chỉ xử dụng tới 11 Sắc Pháp trong đó có 5 căn là nhãn căn,
nhĩ căn, tỉ căn, thiệt căn, và thân căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, và thân
thể); và 6 trần là sắc trần, thinh trần, hương trần, vị trần, xúc trần,
và Pháp trần (hình tướng, âm thanh, mùi, vị, cảm giác do tiếp xúc, và
bóng dáng của 5 trần trên còn lưu lại trong ý thức khi các căn không còn
tiếp xúc trực tiếp với trần nữa), cộng với 5 tâm pháp trong số 21
tâm-bất-tương-ưng hành pháp là thời gian, phương hướng, vận tốc di
chuyển, số lượng, và thứ tự (thời, phương, thế tốc, số, và thứ đệ). Ở
đây tôi không đi sâu vào thiên luận 100 Pháp đại thừa mà chỉ
muốn nói lên điểm cốt yếu như sau: khi mà khoa học không thể tiến hơn
được nữa vì những giới hạn tự tại của 5 căn 6 trần và của những dụng cụ
đo lường thì Phật Giáo vẫn tiếp tục đi xa hơn, bởi lẽ Phật Pháp, ngoài
sự khảo sát những đối tượng vật chất còn chú trọng nhiều đến những vấn
đề tâm linh, cho nên đã vượt qua, đi ra ngoài những giới hạn vật lý của
khoa-học. Do đó chúng ta có thể nói Phật Giáo là một Siêu-Khoa-Học như học giả Ergeton Baptist đã nhận định, được thành lập
trên căn bản trí tuệ Bát Nhã (trí tuệ nhận thức được thực tướng của vạn
Pháp). Trong Phật Giáo, Duy-Thức Học cho chúng ta một hệ thống triết
lý, phân tâm học rất đầy đủ và tiến bộ hơn bất cứ hệ thống nào trong
khoa học hiện đại.
Sau đây, tôi xin nêu
thêm vài thí dụ về cái biết của Phật Giáo như được viết trong Kinh Điển
Phật Giáo:
2. Về Thế
Giới Vô Cùng Lớn: Quan niệm của Phật Giáo về vũ trụ như sau:
thế giới chúng ta đang sống không phải là duy nhất và cũng không phải là
trung tâm vũ trụ. Ngoài thế giới chúng ta đang sống còn có rất nhiều
thế giới khác, và Phật giáo phân loại các thế giới thành 3 loại: Tiểu
Thiên Thế Giới, Trung Thiên Thế Giới, và Đại Thiên Thế Giới. Danh từ
thế giới trong Phật -giáo chỉ một thiên thể (thí dụ như trái đất) hoặc
một tập hợp các thiên thể được coi như thuộc một nhóm (thí dụ như
thái-duơng-hệ mà trái đất là một hành tinh trong đó). Vậy, một ngàn thế
giới họp thành một Tiểu Thiên Thế Giới, một ngàn Tiểu Thiên Thế Giới họp
thành một Trung Thiên Thế Giới, và một ngàn Trung Thiên Thế Giới họp
thành một Đại Thiên Thế Giới. Vậy, lấy đơn vị là một hệ thống tương tự
như hệ thống Thái Dương Hệ và gọi là thế giới thì Tiểu Thiên Thế Giới
gồm có khoảng một ngàn thế giới, Trung Thiên Thế Giới gồm khoảng một
triệu thế giới , Đại Thiên Thế Giới gồm khoảng một tỷ thế giới v..v.. Đó
là quan niệm về vũ trụ của Phật Giáo từ hơn 2500 năm về trước. Nhưng
sau đó 22 thế kỷ, vào thế kỷ thế 17, Tây phương vẫn còn chưa thoát khỏi
quan niệm sai lầm về trời tròn đất vuông, trái đất được coi là trung
tâm vũ trụ, và rằng mặt trời quay xung quanh trái đất như đã viết trong
Thánh Kinh.
Trở lại quan niệm về
vũ trụ của Phật Giáo, chúng ta thấy rằng quan niệm này hầu như tương hợp
hoàn toàn với những kiến thức ngày nay của thiên văn
học hay vật lý học về thiên thể,và đã đi trước khoa-học nhiều thế kỷ. Một Tiểu Thiên Thế Giới có thể so
sánh với quan niệm hiện đại về một thiên hà gồm có cả triệu
ngôi sao và những hành tinh có thể có sinh vật trên đó. Thí dụ như giải
ngân hà hay M31, hay chòm sao Andromeda.
Một Trung Thiên Thế Giới có thể so sánh với một chùm thiên hà như chùm Coma Berenices, và một Đại Thiên Thế Giới có
thể so sánh với cái mà Hannes Alfven gọi là siêu thiên hà
ở trong Đại Vũng (Big Dipper) của Tiểu Ursa (Minor Ursa) trong đó có
ít ra là cả triệu thiên hà. Cho tới nay, do những giới hạn của
những dụng cụ quan sát cho nên các khoa học gia chưa thể đi xa hơn trong
việc khảo sát vũ trụ. Nhưng không phải vì những giới hạn kỹ thuật này
mà vũ trụ cũng bị giới hạn theo, và nay chúng ta đã hiểu tại sao Đức
Phật lại "bỏ ngỏ" quan niệm về vũ trụ hữu hạn hay vô hạn. Điều này
chứng tỏ Đức Phật đã thấy rõ khả năng vô tận của con người, và rằng Phật
Pháp không phải là những giáo điều cứng ngắc không bao giờ thay đổi. Và
đây cũng chính là tinh thần khoa học hiện đại, không có gì có thể coi
như là vĩnh cửu, bất biến.
Bức hình trên do NASA ghép một số các mảnh thiên hà trong vũ trụ. Từ bên trái hàng trên đên bên mặt hàng dưới: M61, NGC 4449, NGC 4725, NGC 5068, NGC 5247, and NGC 5775/5774.
Đa số hình xoắn ốc gần giống như giải ngân hà Milky Way của chúng ta.
Nói đến quan niệm về
vũ trụ của Phật Giáo thì chúng ta không thể bỏ qua Kinh Hoa-Nghiêm, phẩm
Thế Giới Thành Tựu. Trong phẩm này, Bồ Tát Phổ Hiền tuyên thuyết về 10
đặc tính của các thế giới: nhân duyên khởi, chỗ trụ nương, hình trạng,
thể tánh, trang nghiêm tánh, thanh tịnh tánh, Phật xuất hiện, kiếp trụ,
kiếp chuyển biến sai biệt, và môn vô sai biệt. Để cho vấn đề tương hợp
với khoa học được rõ ràng, sau đây tôi xin luận về hai điểm : hình
trạng và kiếp trụ các thế giới. Chúng ta hãy xét đoạn kinh văn sau đây:
Lúc đó Phổ Hiền Bồ
Tát lại bảo đại chúng rằng: "Chư Phật tử! Thế giới hải có nhiều hình
tướng sai khác, hoặc tròn....hoặc hình như nước xoáy....hoặc hình như
hoa ... có vi trần số hình sai khác như vậy."
Rồi trong phẩm tiếp
theo, phẩm Hoa Tạng Thế Giới, Phổ Hiền Bồ Tát lại tuyên thuyết: "Chư
Phật tử! Tất cả thế giới chủng đó hình
trạng đều khác nhau: hoặc hình núi Tu Di, hoặc hình sông, hoặc hình xoay
chuyển, hoặc hình nước xoáy, hoặc hình trục xe...hoặc hình hoa sen...có
vi trần số hình trạng như vậy." ("Kinh Hoa-Nghiêm", Thích
Trí Tịnh, Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản)
So sánh với những hình trạng của các chòm
sao, giải thiên hà, ngân hà khám phá bởi khoa học ngày nay chúng ta thấy
Phật giáo đã mô tả hình trạng của chúng một cách vô cùng chính xác. Thí
dụ như các hình như bánh xe, nước xoáy chúng ta có thể quan sát được
trong các chòm sao như Cetus, Pegasus và Hercules, hình sông là giải
ngân hà (Milky Way) và nhiều thiên hà khác, hình dạng như hoa là những
khối tinh vân trong khoảng không gian liên-thiên-hà (intergalactic
clouds of gas) có chứa hàng tỷ ngôi sao v...v... Thật tôi không thể
tưởng tượng được ở một thời chưa hề có kính thiên văn, dù thô sơ nhất,
mà Đức Phật và các Đại Bồ Tát đã có những hiểu biết chính xác về vũ trụ
như trên. Có cách giải thích nào khác là chúng ta phải tin rằng, do
Thiền Định và vì đã giác ngộ hoàn toàn, cho nên các Ngài đã nắm vững
được cơ cấu huyền bí của vũ trụ, nếu không thì làm sao có thể biết được
những điều như trên. Và chúng ta cũng nên nhớ là những điều đức Phật và
các Bồ Tát chọn để tuyên thuyết cho người đời chẳng qua cũng chỉ là một
nắm lá trong tay so với số lá cây trong rừng.
Sau đây, tôi xin đưa ra vài hình ảnh mà các
khoa học gia đã chụp được trong vũ trụ, và quý vị sẽ thấy những mô tả về
hình trạng thế giới trong Kinh Hoa Nghiêm chính xác như thế nào.
Hình xoay chuyển của Thiên Hà NGC 523 Sculptor
Hình bánh xe của Thiên Hà Andromeda
Hình nước xoáy của Thiên Hà [The Spiral Galaxy NGC
2997]
Hình hoa nở của Thiên Hà Trifid
Hình
vòng nhẫn của khối tinh vân 250px-M57_The Ring Nebula
Hình núi Tu Di của Thiên Hà M104: The Sombrero Galaxy
Tiếp theo, về kiếp trụ
của các thế giới, Kinh văn viết rằng:
"Lúc đó Phổ Hiền
Bồ-Tát lại bảo đại chúng rằng: "Chư Phật tử! Nên biết thế giới hải có
thế giới hải vi trần số kiếp trụ, hoặc có a-tăng-kỳ kiếp trụ, hoặc có
vô-lượng kiếp trụ, hoặc có vô biên kiếp trụ, hoặc có vô đẳng kiếp trụ,
hoặc có bất-khả-sổ kiếp trụ, hoặc có bất khả xưng kiếp trụ, hoặc có bất
khả tư kiếp trụ, hoặc có bất khả lượng kiếp trụ, hoặc có bất khả thuyết
kiếp trụ, ..có vi trần số kiếp trụ như vậy."
Rồi trong bài kệ để
tuyên lại nghĩa này Bồ Tát Phổ Hiền có giải thích bằng một câu: "Hoặc
chỉ một kiếp hoặc vô số, Bởi những tâm nguyện đều chẳng đồng." Chỉ
một câu "bởi những tâm nguyện đều chẳng đồng" cũng đã giải quyết
vấn đề "thiên sai vạn biệt" trong vũ trụ. Thật là đầy đủ, thật
là rốt ráo, thật là chính xác. Nếu chúng ta đi sâu vào một chút trong
đoạn kinh văn trên, chúng ta sẽ thấy Phật Giáo đã đi trước khoa học như
thế nào.
Phật giáo phân biệt:
Tiểu Kiếp có 16 triệu 8 trăm ngàn năm, Trung Kiếp có 336 triệu năm, và
Đại Kiếp có 1 tỷ 344 triệu năm. Theo khoa học hiện nay thì một ngôi sao
(coi như là một thế giới) mà chất lượng (mass) càng nặng thì đời sống
của ngôi sao càng ngắn. Do đó có những ngôi sao chỉ "sống" được từ 1
tới vài tỷ năm và người ta đã tính được rằng một ngôi sao có chất lượng
nhẹ hơn những ngôi sao trên khoảng 90 phần trăm thì ngôi sao này có thể
sống tới hàng ngàn tỷ năm. Điều này rất phù hợp với câu kệ trên của Phổ
Hiền Bồ Tát, có thế giới chỉ tồn tại một kiếp, có thế giới tồn tại vô số
kiếp v...v....
Thứ đến, những danh
từ như a-tăng-kỳ, vô lượng, vô biên,...bất khả thuyết có vẻ như mơ hồ và
không rõ ràng như những con số trong thời đại khoa học. Thật ra không
phải vậy, vì trong phẩm A-Tăng-Kỳ, Kinh Hoa Nghiêm ta đọc được như sau,
tôi xin đánh số cho nó rõ ràng hơn:
Phật nói: Này thiện
nam tử!
1. Một trăm Lạc Xoa
làm một Câu Chi.
2. Câu Chi lần Câu
Chi làm một A-Giu-Đa
3. A-giu-Đa lần
A-Giu-Đa làm một Na-Do-Tha
4. Na-Do-Tha lần
Na-Do-Tha làm một Tần-Bà-La
và tiếp tục như vậy
tất cả là 123 lần, trong đó số 104 là A-Tăng-Kỳ, số 106 là Vô Lượng, số
108 là Vô Biên, số 110 là Vô Đẳng, số 112 là Bất-Khả-Sổ, số 114 là
Bất-Khả-Xưng, số 116 là Bất-Khả-Tư, số 118 là Bất-Khả-Lượng, và số 120
là Bất-Khả-Thuyết.
Chúng ta biết rằng
khoa học ngày nay dùng ký hiệu lũy thừa để viết những con số lớn. Thí
dụ như 1 triệu là con số 1 với 6 con số 0 đằng sau, 1 000 000, theo ký
hiệu điện toán được viết như sau: 10^6 và đọc là 10 lũy thừa 6; 1 tỷ gồm
có 9 số 0 và được viết là 10^9 (billion), lớn hơn nữa là 10^12 (1 ngàn
tỷ hay trillion), 10^15 (1 triệu tỷ hay zillion) và khoa học chưa có
những danh từ riêng để chỉ những con số lớn hơn. Tiếng Việt thì chỉ tới
số tỷ là cao nhất.
Theo Kinh Phật thì 1
Lạc Xoa là 100 ngàn, nghĩa là 10^5. Như vậy 1 Câu Chi là 10 triệu,
nghĩa là 10^7; 1 A-Giu-Đa là 100 ngàn tỷ, nghĩa là 10^14; 1 Na-Do-Tha là
10 tỷ tỷ tỷ, nghĩa là 10^28. Tiếp tục tính ra ta sẽ thấy 1 A-Tăng-Kỳ là
khoảng, 10^(7.09… x 10^31), nghĩa là con số 1 tiếp theo bởi hơn 7000 tỷ
tỷ tỷ con số 0 ở đằng sau, một con số vô cùng lớn nhưng vẫn có một tên
riêng. Chúng ta có thể suy ra:
Vô Lượng = 10^(2.83… x
10^32), Vô Biên = 10^(1.13… x 10^33),...
và Bất-Khả-Thuyết =
10^(4.65… x 10^36) nghĩa là con số 1 tiếp theo bởi khoảng hơn 4 tỷ tỷ tỷ
tỷ con số 0 đứng đằng sau.
Những con số khoa
học hiện đại dùng tới có lẽ chỉ vào khoảng 10^40 nghĩa là chỉ có 40 con
số 0 đứng sau. Chúng ta thấy ngay rằng, ngay cả về phương diện toán số,
Phật giáo đã đi trước khoa học khá xa về sự biểu thị chính xác những con
số và đã có quan niệm về những con số vô cùng lớn, lớn ngoài mức tưởng
tượng của các khoa học gia hiện đại.
Quan
niệm nhìn vũ trụ một cách toàn ký (The holographic view of the
universe) là một quan niệm mới trong khoa học hiện đại, bắt nguồn từ sự
khám phá ra kỹ thuật chụp hình toàn ký vài thập niên trước đây. Kỹ
thuật chụp hình toàn ký này đã giúp cho một số khoa học gia giải quyết
được một số khúc mắc trong những công cuộc khảo cứu của họ về ký ức của
con người cũng như trong ngành vật lý các hạt nhỏ (particle physics).
Các khoa học gia này, từ những kết quả khảo cứu mới nhất, đã đưa ra
những bằng chứng và cho rằng thế giới của chúng ta ngày nay và mọi
thứ trong đó chẳng qua chỉ là những hình ảnh không thực, là những dự
phóng của một thực thể vượt ra ngoài thực thể của con người và vượt ra
ngoài không gian và thời gian.
Nghiên
cứu kỹ vấn đề, chúng ta có thể nói ngay rằng khuôn mẫu toàn ký chẳng qua
chỉ là sự lí giải khoa học của một phần nhỏ những quan niệm đặc thù
trong Phật Giáo đã có từ nhiều thế kỷ trước như tương duyên, tương tức,
tương nhập, tương liên, một là tất cả v...v... Nói
một cách vắn tắt thì quan niệm về vũ trụ của Bohm như sau: thực tại mà
chúng ta thấy hàng ngày thực ra chỉ là một loại ảo tưởng, giống như một
hình ảnh toàn ký. Đằng sau cái thực tại này là một sự xếp đặt sâu sắc
hơn của sự hiện hữu mà ta có thể coi như là bản chất rộng lớn của một
thực tại từ đó sinh ra mọi sự vật tạo thành thế giới vật chất của chúng
ta, giống như một mảnh phim toàn ký tạo ra một toàn-ký-đồ. Bohm gọi cái
thực tại sâu sắc này là cấp ẩn (implicate order) hay sự xếp đặt ẩn và
những thứ chúng ta thấy thường ngày thuộc cấp hiện (explicate order) hay
sự xếp đặt hiện của mọi vật. Nói một cách tóm tắt dễ hiểu thì mọi vật
đều sinh ra từ một căn bản chung, và căn bản chung này khi nhập vào giác
quan của con người thì sinh ra mọi sai biệt mà chúng ta thường thấy ở
ngoài đời.
Nhưng có ai ngờ rằng, những quan niệm về vũ trụ dựa trên khuôn mẫu toàn
ký trên đã là những quan niệm đặc thù của Phật Giáo từ bao thế kỷ trước
đây. Thật vậy, quan niệm về Chân Không Diệu Hữu, và quan niệm về Tâm
Chân Như và Tâm Sai Biệt của Bồ Tát Mã Minh trong Đại Thừa Khởi Tín Luận
không khác gì quan niệm toàn ký, nếu không muốn nói là
còn sâu sắc hơn và đầy đủ hơn. Để làm sáng tỏ vấn đề này, chúng ta hãy đọc qua chút ít về
Kinh Hoa Nghiêm.
Trước
hết, chúng ta hãy đọc vài lời tựa của Hòa Thượng Thích Đức Niệm ở đầu
mỗi cuốn trong bộ kinh Hoa Nghiêm do Thích Trí Tịnh dịch:
"Kinh Hoa Nghiêm là bộ Kinh Đại Thừa, là vua trong các Kinh, với nội
dung siêu việt tuyệt luân hùng vĩ, tráng lệ nguy nga, thể hiện Pháp
thân, tư tưởng và tâm nguyện của Phật.
...Tư
tưởng Hoa Nghiêm trình bày vạn pháp do tâm sanh. Tâm là thực thể của
vạn pháp. Tâm vọng thì vạn pháp hoạt hiện sai biệt, hình hình sắc sắc,
trùng trùng duyên khởi, cái này có cái kia có và ngược lại, như lưới đế
châu. Tâm chơn thì pháp giới tánh với tâm là một, vạn vật đồng nhất
thể....Kinh Hoa Nghiêm, đức Phật chỉ cho chúng sanh thấu rõ cội nguồn
của xum la vạn tượng do mê thức vọng tưởng nghiệp duyên hình thành, các
pháp hiện hành trong vũ trụ là huyễn hóa, như hoa trong gương, như trăng
dưới nước. Tất cả vạn pháp trong pháp giới đều từ tâm sanh. Tâm trùm
khắp cả pháp giới. Tất cả vạn hữu vũ trụ có thể nằm gọn trong hạt cải.
Hạt cải có thể thâu nhiếp tất cả vũ trụ vạn pháp. Thể tánh của tâm
nhiếp thâu tất cả. Tất cả là một, một là tất cả."
Vài
lời trên đã tóm tắt phần nào những tinh túy của Kinh Hoa Nghiêm. Thật
vậy, chúng ta hãy đọc đoạn sau đây trong Phẩm Nhập Pháp Giới, lời của nữ
nhân Thích Ca Cù Ba giảng một pháp môn giải thoát cho Thiện Tài đồng tử:
"Này Thiện Nam Tử!.. Ta quán thân của Bồ Tát, nơi mỗi lỗ chân lông, mỗi
niệm thấy vô lượng vô biên thế giới rộng lớn, những sự an trụ, trang
nghiêm, hình trạng, những núi, đất, mây, danh hiệu, Phật xuất thế, những
đạo tràng, chúng hội, diễn thuyết những khế kinh, những sự quán đảnh,
các thừa, những phương tiện, những thanh tịnh.
Lại
mỗi niệm nơi mỗi lỗ chân lông của Bồ Tát thường thấy vô biên phật hải,
những sự ngồi đạo tràng, những thần biến, thuyết pháp, thuyết kinh hằng
không gián đoạn.
Lại
nơi mỗi lỗ chân lông của Bồ Tát thấy vô biên chúng sanh hải: những trụ
xứ, hình mạo, tác nghiệp, căn tánh...."
Với
lời tựa của Hòa Thượng Thích Đức Niệm và lời trích dẫn trong kinh Hoa
Nghiêm chúng ta thấy rằng quan niệm toàn ký của các khoa học gia đã dựa
vào các tư tưởng của Phật Giáo rất nhiều. Nhưng xét cho kỹ thì quan
niệm toàn ký trong khoa học chỉ có tác dụng giải thích một số khúc mắc
trong khoa học một cách đại cương trong khi quan niệm về tương thông,
tương tức, hay dung thông vô ngại bao trùm mọi pháp giới. Nếu chúng ta
đọc đoạn cuối của Kinh Hoa Nghiêm , khi Thiện Tài đồng tử vào trong lâu
các Tỳ Lô Giá Na và rồi sau đó gặp Phổ Hiền Bồ Tát thì chúng ta sẽ thấy
quan niệm về một vi trần chứa đủ thiên sai vạn biệt trong vũ trụ đã được
trình bày với đầy đủ chi tiết và kèm vào đó những công hạnh của Bồ Tát.
Và đây chính là điểm vi diệu của Kinh Phật vì ngoài việc dùng để giải
thích những sự việc ngoài đời như khoa học, điểm chính yếu là cái dụng
của Kinh Phật như sẽ được tóm tắt sau đây.
Chúng
ta biết rằng kinh căn bản trong Hoa Nghiêm Tông là Kinh Hoa Nghiêm.
Kinh Hoa Nghiêm bao gồm toàn bộ giáo lý Phật Giáo một cách hòa hợp, đa
dạng; đó là một kinh được coi là cao nhất trong mọi kinh Phật ở Á Châu.
Kinh trình bày một môn siêu hình học vô cùng tiến bộ và là một tập hợp
phát triển tư tưởng một cách kỹ lưỡng, tinh tế để dẫn con người tới toàn
giác.
Nhưng
muốn nhận định đúng giá trị của Kinh Hoa Nghiêm chúng ta phải xét đến
cái mặt dụng của Kinh này. Vì chúng ta đã biết, trong Phật Giáo, Kinh
Phật thật là vô ích nếu chúng ta chỉ để ý tới phần lý thuyết mà không áp
dụng chúng vào đời sống thường ngày. Các thiền sư thường ví những người
tìm hiểu kinh mà không thực hành như là những người "đọc thực đơn mà
không ăn" hay là "đếm tiền của thiên hạ trong ngân hàng".
Nói
một cách ngắn gọn, Kinh Hoa Nghiêm cho chúng ta một tập hợp những phương
thức tu tập - một lối nhìn sự vật trên mọi góc cạnh, từ đó khám phá
ra sự hòa hợp và bổ túc lẫn nhau tiềm ẩn sau những khác biệt và mâu
thuẫn biểu kiến của mọi sự vật ở trên đời. Giá trị của sự tu tập
này là sự phát triển một quan điểm tròn đầy, lành mạnh, giúp ta khám
phá ra sự thống nhất của mọi Pháp nhưng không phủ nhận sự khác biệt của
các Pháp. Từ quan điểm này, con người vượt qua được những ngăn ngại
tâm linh do sự chấp vào các sai biệt của vạn vật mà sinh ra. Quan niệm
về Chân Đế và Tục Đế của Bồ Tát Long Thọ trong Đại Trí Độ Luận sẽ giúp
chúng ta tu tập trong Chân Đế nhưng không quên Tục Đế. Từ đó, với sự
phát triển bồ đề tâm, cái quan điểm viên dung này vận hành bất tuyệt
trên cách hành xử của các bồ tát trong công cuộc tự giác, giác tha. Một
khi hội nhập được vào ý tưởng dung thông vô ngại của Kinh Hoa Nghiêm,
với căn bản là bồ đề tâm, hành giả sẽ không còn bị ngăn ngại bởi bất cứ
cái gì về cách hành xử trong Bồ Tát Đạo. Hành giả sẽ tự do hành xử để
giúp chúng sinh ra khỏi chỗ mê mờ của những giáo lý những điều mê tín
không còn thích hợp với sự tiến bộ tri thức của con người ngày nay.
Bài
trên đây chỉ có mục đích chứng tỏ rằng các tư tưởng trong Phật Giáo đã
đi trước và sâu sắc hơn các quan niệm của khoa học hiện đại nhiều và bạn đọc nào muốn hiểu thêm về bồ đề tâm
hay những quan niệm như tương duyên, tương tức, dung thông vô ngại trong
Phật Giáo xin hãy chăm đi lễ Chùa và thụ huấn quý Thày. Tôi bảo đảm là
các bạn sẽ không cảm thấy lãng phí thì giờ trong việc tìm hiểu kinh Phật
vì Kinh Phật là một kho tàng vô giá và vô tận để phát triển trí tuệ con
người thay vì giam hãm đầu óc con người trong những ngục tù tâm linh¨