Tôi đã đọc khá nhiều bài viết về ngày 30 - 4, cảm thấy hoang mang vì tính chất phức tạp của chủ đề làm mình khó xác định điều gì là sự thật, điều gì là dối trá; điều gì là đúng, điều gì là sai. Tôi không muốn nhìn vấn đề một cách đơn giản vì mình thuộc bên thắng cuộc. Dân tộc VN đã đi qua một chặng đường vô cùng phức tạp, nhiều mất mát đau thương và tôi muốn biết vì sao lại như vậy và phải làm sao để dân tộc VN thoát ra khỏi những hoàn cảnh trớ trêu, cùng nhau xây dựng một đất nước giàu mạnh bù đắp cho những mất mát đau thương từng gánh chịu. Trong tâm cảm như vậy xin giới thiệu bài viết mà tôi cho là rất đáng đọc dưới đây:
NGÀY SUY NGẪM CỦA
DÂN TỘC
- Thay vì “Ngày toàn thắng”, “Ngày thống nhất”,
“Ngày quốc hận”... ngày 30 tháng 4 năm 1975 từ nay nên được coi là
“Ngày suy ngẫm” của dân tộc.
Chris Tran.
Hà Nội, Chủ nhật, 26 tháng 4 năm 2015.
Ký ức về cuộc chiến
Tôi sinh ra trong một gia đình cha mẹ là những đảng
viên cộng sản tập kết ra miền Bắc vào năm 1954. Những người như cha
mẹ tôi là thiểu số trong đại gia đình hai bên. Đa số họ ở lại miền
Nam. Và rồi Tổng tuyển cử không diễn ra như dự kiến do Hiệp định
Geneva bị phá vỡ. Đất nước bị chia cắt thành hai miền, Bắc và Nam.
Cơ hội thống nhất trong hòa bình đã bị bỏ lỡ.
Tuổi thơ của tôi trải qua toàn bộ thời kỳ chiến
tranh mà đối với miền Bắc Việt Nam là hai giai đoạn Mỹ ném bom, lần
thứ nhất là từ 1964 đến 1968, và lần thứ 2 là từ tháng 4 năm 1972
đến tháng 12 năm 1972, đánh dấu bằng thất bại của chiến dịch rải
thảm B52 của Mỹ, với tuyên bố của Tổng thống Mỹ Nixon “đưa Việt Nam
trở về thời kỳ đồ đá”.
Với những cuộc ném bom hủy diệt miền Bắc và đưa một
nửa triệu quân đổ vào miền Nam, Mỹ đương nhiên được coi là xâm
lược Việt Nam, và bị cộng đồng quốc tế kịch liệt phản đối, với
phong trào chống can thiệp của Mỹ vào Việt Nam diễn ra trên khắp thế
giới.
Cha mẹ tôi không kể nhiều cho các con của mình về
những người thân ở miền Nam, ngoại trừ một người cậu của tôi, một
Việt Cộng ở Quảng Nam bị mù hai mắt vì trúng bom Mỹ, được đưa ra
miền Bắc và có thời gian an dưỡng ở Trung Quốc. Sau năm 1975 tôi
được biết rằng, tất cả những người khác trong gia đình hai bên cha
mẹ tôi đều là những người phục vụ chính quyền Sài Gòn, dân sự hay
quân sự.
Thế rồi ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến...
“Đất nước hoàn toàn thống nhất, sạch bóng quân thù,
non sông từ nay liền một dải...” - Đó là những gì mọi người luôn
được nghe những ngày sau đó trên tất cả các phương tiện thông tin
đại chúng. Sau ngày đầu tiên cùng nhà trường đi diễu hành mừng “miền
Nam giải phóng” hô khẩu hiệu đến khản giọng, tôi trở lại cuộc sống
bình thường với tâm trạng háo hức, tò mò của một thiếu niên về
chuyến vào Nam gặp người thân họ hàng mà tôi chưa từng biết.
Thống nhất đất nước và hai phía của gia đình
Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đánh dấu thời kỳ “Đất nước
thống nhất”.
Thông tin tuyên truyền từ miền Bắc làm cho người ta
phân biệt “nhân dân miền Nam” - những người được xem là sống dưới
ách kìm kẹp của chế độ Sài Gòn, với “ngụy quân và ngụy quyền” -
những người phục vụ trong bộ máy nhà nước và quân đội của chính
quyền Sài Gòn, “tay sai” của đế quốc Mỹ.
Thông tin tuyên truyền từ miền Nam làm cho người ta
khiếp sợ về một cuộc trả thù “tắm máu” của cộng sản, về chế độ “cộng
vợ, cộng chồng”... nếu miền Bắc chiến thắng.
Bất chấp tuyên truyền từ hai phía làm cho người ta
dễ dàng có những dự cảm tiêu cực về người thân trong một gia đình từ
hai miền Nam và Bắc, các cuộc đoàn tụ với người thân cả hai bên nội
ngoại của gia đình tôi đều chan chứa tình cảm ruột thịt.
Khi đó, tôi không thấy sự thấp kém của những người
thân được coi là “ngụy quân, ngụy quyền” như tuyên truyền, và tôi
tin những người thân của gia đình tôi cũng không coi chúng tôi,
những người từ miền Bắc vào là “cộng sản man rợ”. Tình yêu thương
gia đình trong dòng họ tràn ngập trong chúng tôi. Không những thế,
tôi còn chứng kiến sự ngưỡng mộ của những người thân từ miền Nam đối
với cha mẹ tôi là những người thành đạt và có địa vị xã hội nhất
định trong chính quyền miền Bắc Việt Nam, cũng như thấy cha mẹ tôi
ngưỡng mộ những người thân thành đạt trong chính quyền miền Nam Việt
Nam, từ sĩ quan quân đội đến nghị sĩ quốc hội.
Và tôi cũng thấy điều hoàn toàn tương tự ở những gia
đình có người thân từ cả hai miền Bắc, Nam. Tuy nhiên, không ai biểu
thị tình cảm đó một cách công khai, mà chỉ trong gia đình, với người
thân mà thôi.
Sau này trưởng thành, xây dựng gia đình, tôi lại
được chứng kiến mạnh mẽ một lần nữa bức tranh đó ở gia đình của vợ
tôi, một gia đình có nhiều người thành đạt và có địa vị xã hội ở cả
hai chính quyền miền Bắc và miền Nam.
Cải tạo, phân biệt đối xử
Đó là trong gia đình, còn ở bình diện xã hội, mọi
điều diễn ra rất khác. Có rất nhiều người thân của gia đình tôi
thuộc “ngụy quân, ngụy quyền” phải trải qua những năm cải tạo khắc
nghiệt, từ vài năm đến hàng chục năm.
Sau những cuộc cải tạo đó, không một ai cải tạo cả.
Cậu tôi, một trung tá tâm lý chiến của quân đội Sài
Gòn khi chiến tranh chấm dứt, có nói với tôi sau khi đi trại cải tạo
về: “Cải tạo gì? Chính họ được cậu cải tạo họ vì họ có biết gì đâu”.
Nếu biết nội dung của những cuộc cải tạo đó là gì, chắc ngày nay
người ta đều đồng ý với cậu tôi.
Rất nhiều người, sau những cuộc cải tạo đó đã lựa
chọn định cư ở Mỹ.
Một người anh họ của tôi, chỉ là một giáo viên dạy
tiếng Anh giỏi, cũng bị sa thải, phải kiếm sống bằng nghề xe đạp ôm
và không bao giờ trở lại sự nghiệp của mình nữa.
Con cái của những người thuộc chế độ Sài Gòn còn
không được học hành như các bạn cùng trang lứa, như không thể vào
trường đại học, không được du học... Khi tương lai mờ mịt, họ phải
tìm đường di cư ra nước ngoài.
Trong hàng triệu người bỏ nước sau 1975, cho đến
những năm 1990 có những người thân của tôi. Có người phải “vượt
biên” tới bảy lần, vô cùng tốn kém và nguy hiểm, mới có thể định cư
ở nước ngoài. Có trường hợp nhiều gia đình người thân của tôi tổ
chức cùng vượt biên, và may mắn thành công. Sau này tôi mới được
nghe về thảm họa “thuyền nhân” với hàng chục ngàn người Việt Nam mất
mạng dưới biển hay vào tay cướp biển.
May mắn thay, thế giới đã dang tay đón nhận họ khi
họ bị từ chối ở chính quê hương mình. Chỉ mới năm 2013, tôi mới được
biết đất nước Israel nhỏ bé cũng từng đón nhận hàng trăm thuyền nhân
từ Việt Nam, điều mà nhiều người Việt Nam không hay biết.
Tôi vẫn còn thắc mắc, vì sao một thảm họa nhân đạo
quy mô toàn cầu như vậy lại không được ghi lại ở bất kỳ đâu trên thế
giới, như những khu tưởng niệm về diệt chủng người Do thái của chủ
nghĩa phát-xít tại nhiều nơi trên thế giới, để không bao giờ nó được
lặp lại?
Ngày chiến thắng, ngày quốc hận và chia rẽ
Những ngôn từ cao sang nhất đã được giành cho chiến
thắng vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, với đỉnh cao là “Chiến thắng vĩ
đại nhất trong lịch sử dân tộc” mà số người Việt Nam đồng ý hay
không đồng ý có lẽ đều là hàng triệu.
Ở phía khác... Mãi đến năm 2000, kỷ niệm 25 năm ngày
chiến tranh kết thúc, tôi mới được biết và chứng kiến lễ kỷ niệm
“Ngày quốc hận” tại Washington DC. Và số người Việt Nam đồng ý hay
không đồng ý về tên gọi của ngày này có lẽ cũng là hàng triệu. Tôi
cảm thấy có lỗi khi biết về ngày này quá muộn để có thể chia sẻ về
đau thương và mất mát của hàng triệu người Việt xa xứ, trong đó có
những người thân của tôi, và hàng triệu người đã phải trải qua cơn
ác mộng về cải tạo, về phân biệt đối xử, và trên tất cả, về thảm họa
thuyền nhân.
Trong ngày lễ kỷ niệm đó, đi dọc theo Washington
Mall, trong vô số biểu ngữ, tôi thấy có “Ở đâu có cộng sản, ở đó có
chia rẽ”. Tôi dịch cho anh bạn Mỹ đi cùng, người đã từng phục vụ
trong thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam. Anh ta nói: “Người Việt Nam
các anh, ở đâu cũng chia rẽ”. Với hiểu biết của mình ở phía khác,
miền Bắc, tôi không có gì khác hơn là đồng ý với anh bạn Mỹ đó.
Và tôi lại nhớ đến câu nói của người cậu trung tá
tâm lý chiến: “Không có một dân tộc nào nói về đoàn kết nhiều, mà
lại chia rẽ như dân tộc Việt Nam”.
Ông cũng là người nói với tôi sau khi đi cải tạo về,
những năm 1980: “Đừng tưởng thắng nhau là vinh quang. Việt Nam chỉ
là con bài trong ván bài của các nước lớn, là Mỹ, là Liên Xô, là
Trung Quốc”.
Đó là điều chua xót, đáng suy ngẫm của người Việt
Nam về sự chia rẽ bị lợi dụng của mình.
Bắc hay Nam, bên này hay bên kia
Người ta có thể phân chia người Việt Nam một cách
đơn giản là người Bắc và người Nam, cộng sản hay không cộng sản,
thắng cuộc hay thua cuộc. Sự phân chia phiến diện từ tiềm thức này
là cơ sở của sự chia rẽ người Việt Nam.
Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, yêu quý thành phố
tươi đẹp này, nhất là những năm tháng của tuổi thơ khi nó còn là đẹp
nhất - Tôi là một “người Bắc”. Quê nội ngoại của tôi ở Quảng Nam, dù
chỉ về thăm vài lần trong đời, nhưng cảm thấy thân thương, ruột thịt
- Tôi là một “người Nam”. Cha mẹ tôi là đảng viên cộng sản. Mẹ tôi
là một đảng viên mẫu mực với nhiều thành tích đóng góp cho xã hội,
cha tôi là một đảng viên, mà theo lời ông, “chạy sang phía Việt
Minh, vào đảng cộng sản vì sợ bị thủ tiêu” (cha tôi từng là một đảng
viên của Quốc dân đảng) - Gia đình tôi là cộng sản. Tôi từng có
nhiều năm phấn đấu, nhưng rồi từ bỏ và không bao giờ là đảng viên
cộng sản - Tôi vừa là cộng sản, vừa không phải là cộng sản. Tôi
thuộc “bên thắng cuộc”, vào Nam với tâm trạng vui mừng khấp khởi và
tò mò xem “bên thua cuộc” ra sao, rồi cảm thấy mình chính là “bên
thua cuộc” khi chua xót thấy những người anh em họ hàng mình mất mát
to lớn như thế nào khi thuộc về “bên thua cuộc”.
Tôi cảm thấy mình ở khắp nơi, Bắc, Nam, cộng sản,
không cộng sản, bên thắng cuộc, bên thua cuộc, được hưởng những điều
tốt đẹp mà nhà nước ban cho, nhưng cũng bị tước những quyền cơ bản
hiến định.
Có hàng triệu người Việt như tôi, cảm nhận thấy mình
thuộc cả hai bên của ranh giới hiềm khích và hận thù?
Và, hơn tất cả sự phân biệt “bên này, bên kia” đó,
trong khi hàng triệu người bị cuốn vào xung đột “ý thức hệ” - cộng
sản hay không cộng sản, thì cái cộng sản từng luôn cuốn hàng triệu
người, trong đó có những công dân ưu tú, với lý tưởng độc lập
tự do cao đẹp, không biết từ lúc nào đã trở thành công cụ đắc lực
cho những kẻ xấu ngày càng đông đảo lợi dụng, trở thành quyền lực vô
biên, đang hối hả củng cố vị thế ngự trị của mình với số đông đang
sống trong sợ hãi, dốt nát và đói nghèo.
Lời kết, về hòa giải và hòa hợp dân tộc
Có lẽ tôi phải viết hàng trăm trang mới nói hết được
những ý nghĩ của mình về nước Việt Nam và người Việt Nam vào giai
đoạn lịch sử phức tạp này của dân tộc.
Qua câu chuyện cuộc đời của rất nhiều người mà tôi
có dịp được biết đến về cuộc chiến, trước và sau đó, tôi thấy rằng
có thể nhiều triệu trang cần phải được viết về giai đoạn lịch
sử này đã chưa được viết, hoặc bởi bị cấm đoán, hoặc bởi người ta đã
lãng quên trong lo toan của cuộc sống đời thường...
Với Internet, người ta tiếp nhận được nhiều thông
tin hơn, có cơ sở để có nhận thức và phán quyết của riêng mình về
lịch sử. Đối với tôi, những nhận thức và phán quyết cá nhân đó có
những chuyển biến theo thời gian mà dường như ngày càng gần với thực
tại khách quan hơn, làm chính tôi phải ngỡ ngàng.
Ông Võ Văn Kiệt, một lãnh đạo cao cấp của nhà nước
thống nhất đã có một phát biểu nổi tiếng về ngày 30 tháng 4,
tuy không được phổ biến rộng rãi: “Ngày có hàng triệu người vui
nhưng cũng có hàng triệu người buồn”. Đó luôn là nhận thức của ông,
từ 30 tháng 4 năm 1975, hay phải chăng chính ông sau này đã nhận
được đủ thông tin hơn để thay đổi nhận thức và phán quyết của mình
về lịch sử?
Tôi nghĩ, trên thực tế tâm trạng của những người
Việt Nam khắp nơi trên thế giới vào ngày này là phức tạp, là sâu sắc
hơn là nỗi buồn hay niềm vui.
Phía những người vui... Nếu chỉ là vui, phải chăng
đó là những người không có nhiều mất mát trong cuộc chiến để mà suy
ngẫm? Có lẽ còn hơn cả niềm vui, họ còn kiêu hãnh về chiến thắng
mà mình đóng góp.
Với niềm tin là mình đóng góp xương máu cho nền độc
lập, cho thống nhất đất nước, giải phóng dân tộc... làm sao mà người
ta không kiêu hãnh?
Phía những người buồn... Nếu chỉ là buồn, phải chăng
đó là những người không có nhiều mất mát trong cuộc chiến để mà suy
ngẫm? Có lẽ còn hơn cả nỗi buồn, họ còn có mối hận thù vì bị đối xử
tàn tệ, bị cướp đi cơ hội có một cuộc sống bình thường.
Bị đầy đọa, bị mất người thân yêu, người ta khó có
thể vượt qua được hận thù?
Ở phía được coi là hận thù, tôi còn thấy sự tiếc
nuối về thất bại của một lý tưởng độc lập, tự do khác, bị vùi dập và
quên lãng...
Đất nước Việt Nam đã thống nhất 40 năm, nhưng dân
tộc vẫn còn chia rẽ trong những con sóng ngầm. Hòa giải và hòa hợp
dân tộc dường như còn xa vời, bất chấp tuyên bố của ai về điều ngược
lại.
Hòa giải và hòa hợp dân tộc, tiếc thay, chưa bao giờ
được đặt ra như một chương trình dài hạn của quốc gia, trong khi nó
không thể được phát động từ cộng đồng dân sự trong hoàn cảnh chính
trị - xã hội hiện nay của Việt Nam.
Trong khi đó, hòa giải chưa được đưa ra bởi cộng
đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Các sáng kiến hòa giải từ bên
ngoài Việt Nam ở bất kỳ một quốc gia nào, trớ trêu thay, dường
như cũng luôn được coi là hành động thù địch, làm phương hại đến
quan hệ của Việt Nam với quốc gia đó.
Ngày 30 tháng 4 đối với tôi ngày càng trở thành một
ngày đem đến cảm xúc phức tạp. Cảm xúc về sự yếu thế của một dân tộc
tự chia sẽ, tự chấp nhận sống trong lừa dối, tự chấp nhận sống trong
vô thức của ngạo mạn hay hận thù, với chính đồng tộc của mình.
Các thế hệ sẽ dần qua đi, để không còn có ai đáng
cho ai ngạo nghễ về chiến thắng, không còn có ai đáng cho ai hận thù
vì tội ác đã gây ra.
Nước Mỹ đã hòa giải với Việt Nam sau nhiều tội ác
điên rồ. Hình ảnh cựu chiến binh Mỹ ôm hôn cựu chiến binh Bắc Việt
Nam đã trở thành biểu tượng của sự hòa giải. Họ đang tích cực tham
gia khắc phục hậu quả chiến tranh từ rà phá bom mìn, cứu giúp nạn
nhân chiến tranh, xây dựng trường học, bệnh viện... Hai quốc gia Mỹ
và Việt Nam đã trở thành những đối tác thân thiết về thương mại, đầu
tư, văn hóa, giáo dục.
Nhưng chúng ta còn chưa thấy được hình ảnh cựu chiến
binh miền Nam và miền Bắc ôm hôn nhau, dù đã có nhiều cựu chiến binh
Nam Việt Nam định cư ở nước ngoài, theo tôi được biết, đã về nước
tham gia làm từ thiện, tham gia xây dựng quê hương, trong lặng lẽ.
Điều khác biệt của họ so với các cựu chiến binh Mỹ là, họ hành động
với lòng yêu quê hương, đồng bào, chứ không phải từ mặc cảm tội lỗi
trong chiến tranh.
Tôi ước mong ngày này trở thành “Ngày suy ngẫm” của
dân tộc. Suy ngẫm về chiến thắng, về hận thù, về hòa giải, về khoan
dung với đồng tộc của mình, vượt lên trên vô thức và định kiến vốn
đã đầy ắp trong mỗi con người, vượt lên trên bất đồng chính kiến.
Suy ngẫm để cùng đối mặt với những sự thật phũ
phàng, dù ở bất kỳ “bên” nào, để có được nhận thức và phán quyết
tường minh về lịch sử cho mình và cho các thế hệ tương lai.
Suy ngẫm để cùng đưa ra được một chương trình
nghị sự, từ ý chí của cộng đồng, chính trị và phi chính trị, về hòa
giải và hòa hợp của người Việt Nam trên toàn Thế giới, như một dân
tộc thống nhất, vĩ đại.
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 28-4-15