Chuyện nhiều con lãnh đạo của Việt nam được "bầu" làm lãnh đạo tại đại hội ĐCSVN các cấp gần đây đang được nhiều người quan tâm. Nó liên quan đến lẽ công bằng, tính dân chủ, hiệu quả của việc tìm người tài phục vụ sự nghiệp chấn hưng đất nước...Nhiều ý kiến khác nhau đã được phát biểu tuy nhiên chưa có kết luận cuối cùng. Nhà báo Huy Đức qua câu chuyện về hai con trai của ông Hun- Sen đã cho rằng Việt nam còn rất lâu mới có thể bằng được CPC
Huy Đức - Bao giờ bằng được Campuchia
Không biết có phải vì các "thái tử đảng" xuất hiện ồ ạt ở Việt Nam mà Phnom Pênh cũng đang có tin đồn, Hun Sen sắp đưa con trai mình lên thay thế. Hôm 19-10-2015, Hun Sen đã phải trấn an: "Campuchia (CPC) là một thể chế dân chủ. Thậm chí, Vua cũng được chọn bởi Hội đồng tôn vương. Ở CPC muốn trở thành lãnh đạo phải thông qua bầu cử ".
Hun
Sen hiện đang có hai người con theo chân bố: Hun Manet sinh 1977 và Hun
Many sinh 1982. Hun Manet tốt nghiệp West Point năm 1999, sau đó lấy
bằng tiến sỹ tại đại học Bristol (Anh), hiện đang là Phó tư lệnh Lục
quân CPC. Hun Many - từng du học ở Mỹ, Pháp, Úc - là thủ lĩnh thanh niên
CPP, đắc cử nghị sỹ trong cuộc bầu cử tháng 7-2013.
Hun Manet là người CPC đầu tiên học ở Học viện quân sự West Point và là
một trong bảy học viên nước ngoài tốt nghiệp cùng khóa. Tất nhiên, yếu
tố "con trai Hun Sen" đóng một vai trò quan trọng để Hun Manet trở thành
tướng ba sao (2013) [Quân đội CPC đang có 5400 tướng + khoảng hơn 500
tướng công an]. Nhưng, để trở thành Phó tư lệnh Lục quân, Hun Manet cũng
đã phải trải qua từng nấc thang: Phó tư lệnh cảnh vệ; Tư lệnh lực lượng
chống khủng bố... Và, phải lập công.
Trong cuộc đụng độ với quân đội Thái Lan trên biên giới, nổ ra từ năm
2008 đến 2011, Hun Manet đã được tăng cường vào thời điểm khó khăn nhất
và trở thành một trong những chỉ huy xuất sắc; rồi trở thành một trong
những người thương thảo chính với Thái Lan về vấn đề biên giới; là thành
viên quan trọng đại diện cho Campuchia tại tòa án quốc tế La Haye với
phán quyết cuối cùng về ngôi đền Preah Vihear nghiêng về phía Campuchia.
Ngày 16-10-2015, trả lời phỏng vấn đài truyền hình ABC của Australia về
việc liệu ông có thể trở thành Thủ tướng CPC trong tương lai, Hun Manet
nói: “CPC là một thể chế dân chủ đa đảng. Hiến pháp quy định cứ 5 năm
chúng tôi phải tiến hành bầu cử. Vì thế sự lựa chọn ai và khi nào trở
thành lãnh đạo tùy thuộc vào nhân dân CPC”.
Cũng hôm 19-10-2015, Son Chhay - một nghị sỹ đối lập, CNRP - đã phải
thừa nhận: "Hun Manet có khả năng và tất cả kỹ năng để cải thiện hình
ảnh quân đội. Khi CNRP lên nắm quyền, tướng Hun Manet có thể vẫn là một
tư lệnh tốt của lực lượng vụ trang Hoàng gia". Thế nhưng, người em của
Manet, Hun Many hiện lại đang được đánh giá cao hơn cả người anh.
Năm 2015, Hun Many là một trong 19 người nhận giải thưởng Gusi Peace
Prize - giải thưởng của tổ chức Gusi Prize Interrnational có trụ sở tại
Manila (Philippine) - dành cho lãnh đạo thanh niên và những nhà hoạt
động nhân đạo. Hun May cũng đã nhận giải thưởng quốc tế với tư cách là
một người “Bảo vệ các di sản văn hóa”. Năm 2013, Hun Many, chứ không
phải ông anh, ra tranh cử và trở thành nghị sỹ.
Chỉ đến khi Hun Sen rời khỏi vị trí quyền lực, chúng ta mới biết rõ thực
tài của Manet và Many nhưng cái cách mà họ đang "đi" rõ ràng rất khác
hai người con trai của Thủ tướng Việt Nam và con của các nhà lãnh đạo
địa phương mới xuất hiện sau kỳ đại hội.
Tại sao những người có bằng cấp và trẻ tuổi được "trao trọng trách" thay
vì là tín hiệu đáng mừng lại trở thành câu chuyện đám tiếu trong thiên
hạ.
Trong một nhà nước minh bạch, những người phục vụ trong bộ máy công
quyền được phân chia ra các ngạch chính như: chính trị gia (nắm quyền
thông qua bầu cử); các viên chức chính trị bổ nhiệm (được các nhà hành
pháp lựa chọn và được các cơ quan lập pháp phê chuẩn) và các viên chức
hành chánh...
Không phải tuổi tác hay bằng cấp mà là lá phiếu của cử tri quyết định số
phận của các chính trị gia. Các chính trị gia đứng đầu các cơ quan hành
pháp vẫn thường bổ nhiệm một số thành viên trẻ tuổi, có bằng cấp, để
"làm đẹp nội các" nhưng không chính trị gia nào lại đi chọn những người
vô danh. Vì, ngoài việc phải đối diện với nghị viện khi phê chuẩn họ còn
phải đối diện với cử tri. Nếu chọn những kẻ vô tích sự thì không sớm
thì muộn, họ sẽ bị cử tri lật đổ.
Các chính trị gia, các nhà hoạch định chính sách mới cần có những năng
lực hơn người. Còn viên chức hành chánh là những vị trí thừa hành, thủ
tục thế nào thì cứ thế mà làm, không được cật vấn, không sáng kiến. Một
nền hành chính chuyên nghiệp không ai lãng phí nguồn nhân lực bằng cách
chọn "người tài" làm công việc của những người chỉ cần có trình độ trung
bình.
Nếu không tách bạch như vậy, nếu cứ đẩy các chuyên viên hành chánh leo
từng bậc, nhảy từ ngạch này sang ngạch kia. Thì nếu không phải con ông
cháu cha, cũng chỉ chọn được những kẻ quen thừa hành và giỏi ăn chia lên
làm lãnh đạo.
Nếu xét về bằng cấp chuyên môn, Nguyễn Thanh Nghị chỉ là một kỹ sư
chuyên về kết cấu. Đâu phải cứ học về xi măng sắt thép là có thể đứng
đầu ngành xây dựng. Sẽ là hợp lý nếu cho Nghị phụ trách kỹ thuật của một
công trình hay trực tiếp đào tạo các kỹ sư. Đưa Nghị lên thứ trưởng là
đánh đổi một nhà chuyên môn được học bài bản lấy một amateur về chính
sách.
Những người như Nghị cũng có thể từ bỏ chuyên môn để làm chính trị và
không nên hỏi tuổi một người làm chính trị. Nhưng không thể không hỏi
Nghị đã làm được những gì để ở tuổi ấy và chỉ trong một nhiệm kỳ lại có
thể "ghế trên ngồi tót sỗ sàng" như thế.
Một người được học hành đàng hoàng ở những nền giáo dục tiến bộ trở
thành lãnh đạo dù sao cũng vẫn tốt hơn những người đi từ trong rừng ra
với văn hóa lớp ba. Nhưng, không thể không hỏi vì sao những người cùng
thời, tự tìm kiếm học bổng (chứ không phải đi học bằng tiền ngân sách)
có nhiều thành tích cá nhân lại không thể leo lên như những người có bố
làm thủ tướng hay bí thư tỉnh ủy.
Hổ phụ có thể sinh hổ tử.
Một nhà lãnh đạo tử tế chắc chắn sẽ để lại những di sản chính trị tốt
đẹp cho con cái. Những di sản đó sẽ thêm giàu có nếu con cái họ "nhận
thừa kế" thông qua lá phiếu của dân (như Benigno Aquino III, Park
Geun-Hye hay Justin Trudeau...). Và, những di sản đó cũng sẽ ngay lập
tức trở thành vết nhơ lịch sử nếu những đứa con vội vã nhận trực tiếp
"từ tay bố" dưới hình thức những chiếc ghế.
Ngay cả các "thái tử đảng" của Trung Quốc cũng phải tự lặn ngụp trong
chính trường và phần lớn đều thăng tiến sau khi cha mẹ họ không còn sống
hoặc không còn chức tước.
Năm 1982, từ văn phòng Quân ủy Tập Cận Bình được "luân chuyển" xuống cơ
sở, làm bí thư huyện ủy. Phải mất 18 năm, leo từng bậc thang, Tập mới
lên được chức tỉnh trưởng Phúc Kiến (2000). Bạc Hy Lai cũng mất một thời
gian tương tự (1984-2001) để đi từ phó bí thư huyện ủy lên tới chủ tịch
tỉnh Liêu Ninh, dù cha - Bạc Nhất Ba - lúc đó là một người rất có ảnh
hưởng tới Giang Trạch Dân.
Ở CPC, Hun Sen thực sự thâu tóm phần lớn quyền bính và đang điều hành
đất nước này như một nhà độc tài. Nhưng, ngay cả Hun Sen cũng không dám
trơ trẽn cho con cái nắm quá nhiều quyền lực.
Hun Sen làm như thế vì vừa là một người khôn ngoan. Một tiểu thương
trước khi để lại tiệm phở cho con cũng phải thử thách người thừa kế bằng
những việc như rửa chén, bưng bê. Chỉ có những nhà lãnh đạo thiển cận
mới trao quyền lực cho những "cậu ấm", ngoài việc đèn sách, chưa bao giờ
tự mình làm một việc gì cho tới đầu tới đũa.
Nhưng Hun Sen phải làm như thế còn vì nền chính trị CPC, dẫu chưa thực
sự dân chủ, cũng đã có đối lập và có khá nhiều quyền tự do ngôn luận.
Campuchia không phải là một hình mẫu cho Việt Nam. Nhưng còn rất lâu,
Việt Nam mới có thể bằng CPC, kể cả dân trí và quan trí.
Chỉ trong một nền chính trị không có vai trò của dân, những nhà lãnh đạo thiếu liêm sỉ mới có thể thu vén cá nhân vô độ.
Huy Đức