Trang

Thứ Năm, 1 tháng 10, 2015

NHÀ CAO NHÀ THẤP Ở WASHINGTON DC

Ở Thủ đô Hoa kì các tòa nhà không được cao hơn tòa nhà Quốc hội trên đồi Capitol là có ý nghĩa rằng pháp luật là tối thượng. Ngoài ra, chiều cao các tòa nhà còn bị hạn chế vì lí do an ninh. Xin tham khảo thêm cách nhìn vấn đề này của người Mĩ qua bài dưới đây.

Đôi điều về chiều cao các tòa nhà ở Washington DC

                                                        Hiệu Minh Blog

Một góc của DC chụp từ gác thượng của Kennedy Center. Ảnh: HM
Một góc của DC. Ảnh: HM
Kể từ năm 1790, thủ đô Washington District of Columbia (viết tắt là DC) được thành lâp, thành phố vuông 16kmx16km = 256km2 (nay đã bớt vuông vì bỏ phần Virginia) và chưa từng mở rộng sau 225 năm. Từ Virginia nhìn sang DC sẽ không thấy cao ốc nào vượt quá 12-13 tầng nên trông từ trên cao, DC như…mặt phẳng.

Thủ đô DC “phẳng” vì có Hiến pháp qui định
Qua hơn 200 năm DC vẫn “phẳng” vì chiều cao của các tòa nhà qui định trong Hiến pháp Hoa Kỳ, được sửa đổi vài lần do thực tế phát triển.
Năm 1894, chung cư Cairo trên phố CU (Q) cạnh quảng trường Dupont Circle, bỗng nhiên xây cao tới 50m, dân sống quanh phản đối rầm trời vì cao ốc phá vỡ kiến trúc thủ đô.
Rối như canh hẹ, Hội đồng thành phố DC đã qui định độ cao của chung cư tối đa 27 m, khu thương mại là 34m, hoặc độ cao của nhà chỉ bằng chiều rộng của mặt phố để, cái nào “ngắn” hơn thì chọn. Qui định này đề phòng khu nhà ở trước công viên lại lấy chiều rộng của công viên hay quảng trường làm độ cao của tòa nhà sẽ có tới hàng trăm tầng. Dân Mỹ lách luật hơi bị giỏi.
Sau mấy năm tranh cãi, Quốc hội Hoa Kỳ khóa 55 thông qua một điều luật gọi là Height of Buildings Act of 1899 – Chiều cao nhà cửa (1899 – năm thông qua) mà độ cao cho phép của các tòa nhà trong DC không cao quá 40m đối với khu buôn bán và khu dân cư không được vượt quá 27m, bỏ qui định lấy chiều rộng mặt phố làm chiều cao của nhà.
Năm 1910 Quốc hội Mỹ lại sửa đổi tiếp, cho phép building chỉ được cao bằng độ rộng mặt phố cộng với 6,1m. Ví dụ, mặt phố rộng 28m độ cao của tòa nhà tối đa là 34,1m (10-12 tầng). Nhưng khu dân cư không được vượt quá 27 m và khu thương mại cũng không quá 40m. VP các bộ các ngành quan trọng đều tuân thủ qui định nghiêm ngặt này. Có vài trường hợp trên đại lộ Pennsylvania được phép cao tới 49m do mục đích thương mại. Thêm 9m cho trường hợp đặc biệt mà Quốc hội cũng phải phê duyệt.
Đồi Capitol nơi có tòa nhà Quốc hội cao 88m và tượng đài Washington (tháp bút) ở giữa DC cao 169m. Với qui định trên thì không có bất kỳ tòa nhà nào trong DC lại vượt mặt nhà Quốc hội và tháp bút Washington. Dân DC mới đồn kiến trúc DC theo phong thủy chính trị “No one is above the law – không ai ngồi trên pháp luật”. Họ dùng luật trong độ cao của nhà cửa để giữ cho kiến trúc thành phố luôn nhất quán và theo đúng nghĩa thượng tôn pháp luật.
Súng bắn tỉa chính xác ở độ xa 2,7km. Ảnh: internet
Súng bắn tỉa chính xác ở độ xa 2,7km. Ảnh: internet
Có một lý do an ninh khá quan trọng. Năm 1963, TT Kennedy bị ám sát do kẻ bắn tỉa ngồi trên tòa nhà cao tầng nên một phát đã làm bay sọ của ông. Phải gọi đây là vụ xa…sát mới đúng. Nếu các tòa nhà gần Capitol Hill cao hơn nhà Quốc hội, an ninh khó được đảm bảo.
Thời nay súng trường bắn tỉa với kính ngắm phóng đại có thể tiêu diệt mục tiêu cách xa vài km là thường. Nếu chiếm được độ cao thì việc xa…sát ai coi như uống ly café hay chén cái bánh ngọt trong starbucks. Đang đứng bỗng ngã vật vì phát đạn vào đầu mà không hề nghe tiếng súng nổ vì súng giảm thanh ngày nay đã tới trình độ nổ không nghe thấy tiếng.
Tháng 11-2009, một lính Anh đã hạ sát hai lính Taliban tại tỉnh Helmand (Afghanistan) ở tầm xa 2,47km bằng khẩu súng Accuracy International L115A3. Một cụ già với khẩu súng ngắn S&W 9mm đã bắn trúng mục tiêu cách xa 914m (1000 yards).
Chưa kể việc theo dõi bằng các thiết bị hiện đại như IT, thiết bị định vị từ xa, nghe lén hay quay phim chụp ảnh cách vài km bình thường như cơm bữa mà chẳng cần vào trong khu nhà nhậy cảm đó dù có được bảo vệ tới đâu.
Vì thế, tại khu quan trọng như tòa nhà chính phủ, phủ tổng thống, nhà quốc hội thường được bảo vệ nghiêm ngặt, bán kính vài km không được xây tòa nhà cao hơn vì lý do an ninh là chính, kiến trúc quan trọng nhưng không thể vượt lên an ninh. Nếu nhà thấp hơn chỉ có thể ngắm sang nhà hàng xóm có cô đang tắm nude mà bắn súng…nước thôi :)
Đôi điều về cao ốc 8B Lê Trực
Tin từ Việt Nam cho hay, dư luận đang nóng về công trình cao ốc 60m trên phố Lê Trực cách lăng Hồ Chí Minh và Nhà Quốc hội chỉ khoảng 400m. Chiều cao của nhà Quốc hội là 39m và lăng cụ Hồ là 21m. Gần đó là Bộ Ngoại giao, phủ Chủ tịch, phủ Thủ tướng, VP Trung ương Đảng CS Việt Nam chỉ cao ba, bốn tầng.
Nhà 8B Lê Trực cạnh lăng HCM. Ảnh từ TPO.
Nhà 8B Lê Trực cạnh lăng HCM. Ảnh từ TPO.
Tòa nhà cao 60m nằm cách đó chưa đến nửa km, mọi hoạt động trong khu vực nhạy cảm này sẽ hoàn toàn trong tầm ngắm của cư dân sống trong cao ốc 8B phố Lê Trực. Chỉ cần cái ống nhòm vài chục đô la, bọn trẻ con có thể ngắm thỏa thích các nghị sỹ trong sân vườn nhà Quốc hội.
Không những cao ốc này sẽ phá vỡ cảnh quan khu Ba Đình mà còn dấy lên những câu hỏi về an ninh. Giá xây dựng của tòa nhà không thể sánh với việc hoạt động của đầu não quốc gia. Hãy nghĩ lại trước khi quá muộn.
HM. 29-9-2015
Bonus trên Wiki. “Phố Lê Trực mang tên đề đốc Hà Nội (1882) vì không giữ được thành nên rút chạy lên Sơn Tây và bị cách chức. Ngày 5-7-1885, kinh đô Huế bị Pháp chiếm, vua Hàm Nghi cùng Tôn Thất Thuyết chạy ra Hà Tĩnh, xuống chiếu Cần vương, kêu gọi sĩ phu và nhân dân đánh giặc Pháp, Lê Trực triệu tập nghĩa binh khởi nghĩa ở vùng Quảng Bình. Sau đó bị giặc đánh ráo riết, ông chạy ra Hà Tĩnh. Ở đây ông hợp sức với Tôn Thất Đàm (con cả Tôn Thất Thuyết) tiếp tục kháng chiến. Cho tới ngày vua Hàm Nghi bị bắt, thấy bất lực, ông giải tán nghĩa binh, về quê nhà, không rõ cuối đời ra sao.
Lời bình của Mao Tôn Cua. Ông chủ tịch Nguyễn Thế Thảo rất giỏi cưa cây mà lẽ ra phải để cây càng cao càng tốt. Nhưng ông không biết cưa nhiều cao ốc lừng lững giữa thủ đô như con voi trong phòng khách mà lẽ ra ông phải để chúng càng thấp càng đẹp. Giá như ông Thảo cưa cao ốc như cưa cây thì dân thủ đô dựng tượng vị kiến trúc sư tốt nghiệp từ Ba Lan. Tuy nhiên, không giữ được vẻ đẹp của Thăng Long, ông nên bị cách chức như cố nhân Lê Trực, về quê  đuổi gà cho vợ.

3 nhận xét:

  1. Bài này hay tôi xin Share cho có nhiều người được đọc bạn Trác nhé.

    Trả lờiXóa
  2. Em nghĩ mọi chuyện do cái đầu quá đặc, tư duy quá cạn và cái túi quá sâu...
    Không chie một chuyện toà nhà sj

    Trả lờiXóa
  3. Tốn bao nhiêu tiền của dân đi chơi, đi học Tư bản mà dốt vẫn hoàn dốt . Những KTS thực tài nói trái ý lãnh đạo là không sử dụng họ thì đào đây ra "Trí tuệ" ! Nhà nước Công Nông đầu tiên ở Đông Nam Á mà cứ lẹt đẹt thế này thì làm ngọn cờ cho ai vác đây ???

    Trả lờiXóa