Trang

Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2017

PHÁC HỌA THỰC VỀ KẺ THÙ

Ông Ngô Đình Nhu





Ông Ngô Đình Nhu và phu nhân

 
Cho đến giờ, thông tin được phổ cập về nhân vật này không phải từ báo chí của cách mạng, mà từ báo chí Sài Gòn sau cuộc đảo chính lật đổ chính quyền ông Ngô Đình Diệm năm 1963, trong đó dòng “chủ đạo” là báo chí do Giáo hội Phật giáo Việt nam thống nhất chi phối hoặc báo chí hậu thuẫn cho những người tham gia đảo chính. Theo đó thì Ngô Đình Nhu là “kiến trúc sư” của chế độ độc tài gia đình trị, đàn áp Phật giáo và phản dân chủ.


Tuy nhiên, nhứng tin tức tình báo mà sau này tôi được tiếp cận trong quá trình viết những ký sự về Phạm Xuân Ẩn, Phạm Ngọc Thảo, Đặng Trần Đức (Ba Quốc) và những nhà tình báo khác, đã cho thấy một Ngô Đình Nhu không giống như Ngô Đình Nhu mà báo chí Sài Gòn trước đây miêu tả.
Chuyện thứ nhất : Vào năm 1955, sau khi ông Ngô Đình Diệm mới lên làm Thủ tướng chính phủ quốc gia (lúc đó chưa gọi là Việt Nam cộng hòa), một hôm ông đi đi lại lại trong phòng làm việc, thể hiện tâm trạng rất lo lắng. Ngô Đình Nhu đẩy cửa bước vào, hỏi : “Anh đang lo lắng gì vậy?”. Ngô Đình Diệm nói: “Lần đầu tiên Việt Nam cử đoàn đại biểu dự một hội nghị quốc tế lớn, tôi đang lo không biết ta sẽ nói những gì”. Ngô Đình Nhu cười nhạt: “Đối với đám cóc nhái đó anh nói gì chả được!”. Đó chính là Hội nghị quy mô lớn đầu tiên của các nước châu Á và Châu Phi diễn ra tại Bangdung, Indonesia, vào tháng 4-1955, thường gọi là Hội nghị Bangdung, cũng là Hội nghị đầu tiên của Phong trào các nước không liên kết.
Chuyện này tôi nghe ông Trần Bạch Đằng kể lại, ông ấy biết là từ nguồn tin tình báo. (Thực tế thì Ngô Đình Diệm không đi dự hội nghị này, mà chỉ cử một Bộ trưởng làm Trưởng đoàn, không hiểu vì lý do gì, nhưng không phải vì vậy mà ông không lo lắng về tiếng nói của đoàn đại biểu chính phủ ông).
Chuyện thứ hai: Khi trọng dụng Phạm Ngọc Thảo làm sĩ quan thân cận bên cạnh mình, Ngô Đình Nhu không thể không biết ông Thảo từng là đảng viên cộng sản và Trung đoàn trưởng quân đội Việt Minh. Nên nhớ là ông Thảo không hề “chiêu hồi”, dù là “chiêu hồi” giả, ông đã từ hàng ngũ của Việt Minh đường đường chính chính đến làm việc với Ngô Đình Nhu, vẫn công khai ca ngợi Việt Minh là những người yêu nước, vẫn công khai thể hiện niềm tự hào mình là chiến sĩ của Việt Minh. Có lần ông Nhu hỏi ông Thảo : “Tôi thấy nhiều người về với quốc gia đã báo cho chính quyền bắt những cán bộ Việt Minh nằm vùng, sao không thấy anh Thảo báo để quốc gia bắt ai cả vậy?”. Ông Thảo trả lời: “Tôi theo Việt Minh vì Việt Minh yêu nước, tôi làm việc cho Tổng thống và anh Nhu vì tôi nghĩ Tổng thống và anh Nhu cũng là những người yêu nước và là những người quân tử. Nếu tôi báo để chính quyền bắt đồng đội của tôi thì tôi là một tên tiểu nhân. Liệu những người quân tử như Tổng thống và anh Nhu có thể trọng dụng một kẻ tiểu nhân như vậy được không?”. Câu trả lời khiến Ngô Đình Nhu rất hài lòng và không bao giờ hỏi những chuyện như vậy nữa.
Chuyện thứ ba: Khi Phạm Ngọc Thảo được cử làm Tỉnh trưởng Bến Tre, ông đã tự ý thả 2000 tù chính trị sau khi cho ăn uống tử tế và phổ biến “chính sách thân dân của Ngô Tổng thống”. Cơ quan an ninh và cảnh sát đã báo lên Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu, khẳng định Phạm Ngọc Thảo là Việt Cộng và đề nghị “xử lý” ông Thảo. Tuy nhiên, cả ông Diệm và ông Nhu đều không những không bắt tội Phạm Ngọc Thảo mà còn khen ngợi ông hết lời, đồng thời yêu cầu : “Tất cả các tỉnh khác phải học tập và làm theo Phạm Ngọc Thảo”.
Chuyện này do tướng tình báo Nguyễn Đức Trí cung cấp cho tôi. Tôi cũng có nhắc tới trong loạt ký sự về Phạm Ngọc Thảo. Làm tình báo, Phạm Ngọc Thảo không thể là người cẩu thả tự đưa mình vào chỗ chết. Sau này ông Trần Quốc Hương, nguyên Bí thư Trung ương Đảng CSVN, người chỉ huy nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo, có nói với tôi, rằng anh em ông Ngô Đình Diệm Ngô Đình Nhu cũng là “những người yêu nước theo cách của họ”. Nếu không thừa nhận ông Diệm ông Nhu là những người yêu nước thì Phạm Ngọc Thảo đã không dám đi một nước cờ cao như vậy. Và cũng cần biết thêm chi tiết thú vị này nữa, Phạm Ngọc Thảo được phân công làm tình báo nhưng không phải là làm tình báo theo cái nghĩa thông thường của nhiệm vụ này, nhiệm vụ của ông là tham gia vào chính quyền Sài Gòn để thúc đẩy quá trình thống nhất đất nước.
Trong những nhà tình báo mà tôi viết, có 2 người tôi gặp khi các ông còn sống, đó là ông Ẩn và ông Ba Quốc. Ông Ẩn không hề giấu diếm mối quan hệ thân tình với Ngô Đình Nhu, còn ông Ba Quốc thì nhiều lần tiếp xúc với Ngô Đình Nhu. Cả hai vị tướng này đều là những nhà tình báo không bao giờ báo cáo theo “khẩu vị của cấp trên”. Trong những lần trao đổi với tôi về những chuyện liên quan đến Ngô Đình Nhu, cả hai ông đều không nói một lời nào xấu về ông Nhu và tôi tin trong những báo cáo gửi cấp trên cũng không có những lời như vậy.
Còn nhiều chuyện thú vị khác về Ngô Đình Nhu tôi sẽ đề cập trong một dịp khác.
Thời kỳ đất nước chia đôi là thời kỳ bi thương của dân tộc. Non sông về một mối đã 42 năm, chúng ta cũng đã nói hòa hợp dân tộc 42 năm nay, nhưng lòng người vẫn còn ly tán. Muốn hòa hợp dân tộc thực sự, cần hiểu đúng về lịch sử. Muốn hiểu đúng về lịch sử thì phải hiểu đúng từng con người trong dòng chảy của lịch sử. Cái gì không biết thì thôi, cái gì đã biết thì nên ghi nhận. Trừ giặc ngoại xâm ra, dân tộc ta làm gì có “bên này” hay “bên kia”!
Nguồn: Hoàng Hải Vân/ FB Hoàng Hải Vân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét