Trang

Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

KÊNH ĐÀO ĐÔNG NAM Á VÀ CHÍNH TRƯỜNG VIỆT NAM

   Bài này có nhiều thông tin mới mẻ gây nhiều cảm xúc: thú vị, ngạc nhiên, phấn khích, hy vong...Bằng vào những sự kiện đã diễn ra ở VN trong thời gian qua, tôi thấy một số thông tin có vẻ như đã được kiểm chứng và nếu vậy thì thời gian tới sẽ có nhiều điều thú vị để chờ đón 
nguyen-tan-dung 
Kế hoạch của các tay cờ lớn
Ngày 23/5 báo điện tử http://www.vietnamnet.vn có bài viết “Âm mưu biển Đông của Trung Quốc- nguồn lợi ngoài dầu khí”. Nội dung bản tin nhắc lại một dự án đáng chú ý, đó là dự án kênh đào Kra. Bài báo được đăng lại trên trang nhà nguyentandung.org. (*)
Trong phạm vi bài viết này, tôi tạm gọi nó là kênh đào xuyên Đông Nam Á, để bạn đọc dễ hình dung tầm quan trọng của nó và tác động của nó vào tình hình chính trị của Thái Lan và nhất là Việt Nam hiện nay. Kênh đào này dĩ nhiên nó mang lại lợi ích cho toàn bộ Đông Nam Á nói riêng và giao thương hàng hải quốc tế nói chung, nhưng vì nó sẽ nối Vịnh Thái Lan vào Ấn Độ Dương nên trực tiếp ảnh hưởng tới Thái Lan, và sau đó, tới Việt Nam và Campuchia (không kể Singapore và Malaysia). Vì vị trí địa lý như vậy, nó là một trong những nguyên nhân chính đã và đang tác động chính trị mạnh nhất vào ba quốc gia chưa thật sự ổn định này. Từ đó xuất hiện sự bất ổn chính trị liên tục của Thái Lan trong mấy năm qua, và Việt Nam cũng đang bắt đầu, qua nước cờ giàn khoan HY-981 của Trung Quốc.
Ai cũng hiểu những ý nghĩa và hiệu quả kinh tế và địa chính trị to lớn mà kênh đào này mang lại. Mỹ và Trung Quốc hiểu hơn ai hết và đã tích cực hành động để đạt được điều đó. Nước nào đứng ra đào kênh là một vấn đề quan trọng, và vấn đề quan trọng hơn nữa, kiểm soát được kênh đào cũng sẽ nắm giữ được an ninh hàng hải của tuyến đường từ Ấn Độ Dương qua kênh đào vào Vịnh Thái Lan và ra Thái Bình Dương. Và do đó vị trí Việt Nam thân với Mỹ hay Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược to lớn. Nếu Mỹ có Việt Nam là đồng minh thì sẽ ngăn cản được bành trướng của Trung Quốc xuống phía Nam, và ngược lại, nếu Trung Quốc “thu phục” được Việt Nam, thì Trung Quốc kiểm soát gần trọn tuyến hải trình này và đe dọa cả tới hải lộ Philippin. Trong sự dằng co về chiến lược biển của hai cường quốc này qua kênh đào Kra, tự nhiên vai trò của Việt Nam trở thành quan trọng.
Nhìn sang Thái Lan ta thấy những bất ổn chính trị và biểu tình của dân chúng khắp nơi kể từ khi Thủ Tướng Thaksin Shiwanatra lên cầm quyền và lộ ra xu hướng thân Trung Quốc. Đỉnh điểm là khi Thaksin tỏ ý gật đầu với Trung Quốc về kênh đào ĐNA này, và sau đó Trung Quốc “ồn ào và tự mãn” công bố mình sẽ là quốc gia đào kênh. Trước diễn biến đó, người dân Thái Lan, vốn được thụ hưởng một nền dân chủ lâu dài nên không “hiền lành” như quần chúng Việt Nam, đã vùng lên để dẹp bỏ Thaksin lẫn đường lối ngả theo Trung Quốc. Trung Quốc lại hậu thuẫn cho em gái Thaksin là Yingluck lên cầm quyền. Chính giới và nhân dân Thái Lan lại khuấy động lần thứ hai, tác động để cuối cùng quân đội ra tay xóa bỏ chính phủ của bà Yingluck Shiwanatra. Họ đủ thông minh để hiểu lệ thuộc Trung Quốc sẽ có hậu quả như thế nào. Đấy là chưa kể bàn tay Anh-Mỹ chắc đã và đang không ngừng tác động.
Việt Nam thì như thế nào? Kênh đào Kra ảnh hưởng gì vào chính trị Việt Nam lúc này? Tại sao lại xuất hiện bài báo về kênh đảo Kra đúng vào lúc này? Vì sao tôi nhận định nó là một trong các nguyên nhân chủ yếu đưa đến việc Trung Quốc phải gạt bỏ “tình anh em giữa hai đảng cầm quyền” và đem giàn khoan cắm vào vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam?
Võ Văn Kiệt – chính khách của dân tộc
Muốn lý giải về việc tay cờ Ba Dũng vì sao hôm nay đưa ra công khai chủ trương “thoát Trung” và Trung Quốc vì sao cắm giàn khoan dầu lúc này thì phải lật lại quá khứ để nhìn thấu hết các nguyên nhân sâu xa của nó. Mỹ và Trung Quốc đều thấy được tầm mức và lợi ích to lớn của con kênh đào này mang lại ngay từ thập niên 90 của thế kỷ trước nên đã hoạch định những sách lược lâu dài. Nhà cầm quyền Trung Quốc, tận dụng kết quả của hội nghị Thành Đô, liên tục dựng lên các tay cờ đàn em trong nội bộ đảng cầm quyền Việt Nam, để đảm bảo chi phối Việt Nam, và dự tính chỉ phải đối phó với Mỹ tại Thái Lan trong dự án kênh đào ĐNA này.
Dư luận đã có nhiều ngạc nhiên khi ở những năm của nhiệm kỳ thứ hai làm thủ tướng, Võ Văn Kiệt đã trình làng một người trẻ, mới toanh và ít tiếng tăm là Nguyễn Tấn Dũng, lúc đó là bí thư tỉnh ủy Kiên Giang, dự bị cho vị trí thủ tướng tương lai. Hiển nhiên thôi, khi kênh đào xong, thì khu vực Phú Quốc-Hà Tiên, quê hương của Ba Dũng trở thành một tiền đồn yết hầu quan trọng, kiểm soát và phòng thủ kênh đào khi nhìn về phương Bắc, vậy còn lựa chọn nào tốt hơn cho Võ Văn Kiệt và Mỹ, để đầu tư chính trị vào một tay cờ gốc Kiên Giang trong tương lai sẽ dẫn dắt Việt Nam đối đầu với Trung Quốc và cùng chia lợi ích với Mỹ qua kênh đào ĐNA này.
Từ khi “thống nhất đất nước” vào năm 1975, học tập mô hình Mao Trạch Đông, đảng cộng sản Việt Nam đã liên tiếp phạm những sai lầm đã đưa đất nước vào đói nghèo lạc hậu và dân tộc ly tán. Trong tình hình đó, nhìn sang Trung Quốc thấy Đặng Tiểu Bình thực hiện những cải cách kinh tế, đảng đã quyết định cho tay cờ Võ Văn Kiệt tham chính, đi theo sau đàn anh Trung Quốc “cải cách kinh tế nhưng kiềm chặt chính trị”. Thế là Võ Văn Kiệt đi phương tây, đem về những chương trình tài trợ- đầu tư và Mỹ quyết định dỡ bỏ cấm vận. Ít ai biết là kèm theo những cái công khai đó cỏn có những thỏa thuận ngầm bên trong. Chắc là Mỹ đã quyết định trong tương lai Việt Nam sẽ là quốc gia dẫn dắt Asean đối đầu với Trung Quốc, và hợp tác chia lợi ích với Mỹ trong dự án kênh đào ĐNÁ. Tay cờ Võ Văn Kiệt sẽ triển khai nước đi chiến lược đó trong bàn cờ Việt Nam để phối hợp với Mỹ.
Nhóm lãnh đạo cao nhất của đảng cộng sản Việt Nam dĩ nhiên cũng hiểu kế hoạch này của Mỹ. Tuy nhiên trong một tình thế mà đàn anh Trung Quốc có chung lý tưởng nhưng không chung tiền xài thì việc phe bảo thủ thân Tàu nhượng bộ để Võ Văn Kiệt bang giao với Mỹ và phương tây, thực thi các cải cách của ông ta để có được viện trợ, là cần thiết. Với những sự hỗ trợ này, trước khi nhân dân có lợi thì đảng cũng hưởng lợi và đảng có thành tích để “tự hào” với nhân dân coi đó là “thành tựu của đảng”. Đảng cũng tự tin là đàn anh Trung Quốc có cải cách nhưng không sợ mất đảng, thì đàn em như mình học theo cũng không sao. Nhóm bảo thủ thân Tàu trong đảng lúc đó chưa đủ tầm để thấy ra một điều then chốt là Việt Nam không phải là Trung Quốc, một quốc gia lớn và có tiếng nói trong bang giao quốc tế, còn Việt Nam thì khác hơn, tư thế yếu kém hơn, nên cái gì mà đảng cộng sản Trung Quốc làm được thì chưa hẳn là đảng cộng sản Việt Nam làm được. Sự ổn định toàn trị của đảng cộng sản Việt Nam mong manh hơn đảng cộng sản Trung Quốc, trước những biến động dồn dập, trong 1 thế giới phẳng toàn cầu đa cực như hiện nay.
Tận dụng những kẽ hở đó của đảng, thế là những hoạt động đặt nền móng cho kế hoạch “thoát Trung” của Võ Văn Kiệt được xây dựng. Tay cờ Ba Dũng được Mỹ âm thầm ủng hộ và trưởng thành để bây giờ leo lên cầm nắm bàn cờ của Việt Nam trong sự ậm ừ của đảng. Từ kế hoạch kênh đào đến việc Việt Nam có một ông thủ tướng quê Kiên Giang bây giờ bắt đầu “thoát Trung” đã có một móc xích mà tác nhân sắp đặt là Võ Văn Kiệt. Ông Võ Văn Kiệt với tầm nhìn chiến lược và tấm lòng với dân tộc, hiểu rằng kế sách tối ưu cho đảng CS của ông và cho đất nước là đi với Mỹ trong dự án kênh đào và như một đồng minh lâu dài. Do đó ông đã bồi dưỡng tay cờ Ba Dũng từ rất sớm, khi còn là thủ tướng đã luân chuyển Ba Dũng qua nhiều lĩnh vực, bộ ngành quan trọng để Ba Dũng có hậu thuẫn và bộ khung làm việc trong tương lai. Ít ai chú ý Nguyễn Tấn Dũng đã từng làm thứ trưởng bộ quốc phòng, thứ trưởng bộ công an, thứ trưởng bộ tài chính, thống đốc ngân hàng nhà nước… những cơ quan có vị trí quan trọng trong việc cầm nắm quyền lực và duy trì ảnh hưởng lãnh đạo tại Việt Nam.
Như vậy, có thể lý giải vì sao bây giờ Việt Nam có một ông thủ tướng xuất thân Kiên Giang đang có chiến lược “thoát Trung”, cũng như hiểu vì sao Thái Lan có bất ổn chính trị liên tục. Cũng như hiểu vì sao hôm nay Trung Quốc quyết định đặt giàn khoan vào Biển Đông để qua nó gây bất ổn chính trị cho Việt Nam nhằm phá thế cờ “thoát Trung”, cầm lại quyền chi phối VN, kềm chân Mỹ trong chiến lược Asean. Để từ đó thắng nước cờ chiến thuật quan trọng là kiểm soát kênh đào ĐNA. Đứng trước lợi ích to lớn của kênh đào và biển Đông mang lại, tình anh em hai đảng chỉ còn là một thứ “tình hữu nghị mơ hồ, viễn vông” mà tay cờ Ba Dũng vừa công khai kết luận.
Bày binh bố trận cho kênh đào
Hiệu quả chiến thuật từ dự án kênh đào mang lại cho Việt Nam nếu đi với Mỹ, sự góp mặt và tham gia vào thực thi kế hoạch đó của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lộ rõ với các hành động gần đây của ông ta.
Giới quan sát chính trị Việt Nam cần chú ý đến tác động của dự án kênh đào ĐNA (Kra canal) mang lại cho sự cải cách chính trị của Việt Nam. Ít ai chú ý đến sự kiện diễn biến xung quanh nó. Tháng 3/2014, Ba Dũng đã thành công trong việc đưa con trai ông ta là Nguyễn Thanh Nghị về làm phó bí thư tỉnh ủy kiêm phó chủ tịch tỉnh Kiên Giang và đặc trách chỉ đạo đặc khu Phú Quốc-Hà Tiên. Liền ngay sau đó là tháng 4/2014, Singapore ký với Việt Nam thỏa thuận đầu tư vào Phú Quốc, chuẩn bị cho dòng tiền của Mỹ và Singapore đổ vào khu vực này. Nên nhớ các nhà tư bản ngoại quốc và cha con Lý Quang Diệu-Lý Hiển Long là những tay có tầm cỡ khôn ngoan trong hoạch định chính sách. Nếu họ không tin là Việt Nam có bước ngoặc xích lại Mỹ và Ba Dũng sẽ “thoát Trung”, sau này Việt Nam cùng Mỹ khai thác kênh đào thì làm sao mà họ đổ tiền vào khu vực này. Những tay tư bản và cha con nhà họ Lý không dại gì trao tiền vào nơi mà Trung Quốc cầm quyền kiểm soát cả. Những nhà quan sát và quan tâm đến chính trị Việt Nam cần thấy đây là một thắng lợi then chốt của Nguyễn Tấn Dũng và Mỹ trong việc khởi động kênh đào ĐNA. Dĩ nhiên là có đi phải có lại, kèm theo sự đầu tư của Mỹ và Singapore, Nguyễn Tấn Dũng phải cam kết với Mỹ và đồng minh là Phú Quốc sẽ có quy chế chính trị-kinh tế như một Hồng Kông thứ 2 trên thế giới. Kế hoạch đã lộ rõ và đến hồi thực hiện. Trung Quốc không thể nằm im cho kẻ địch thành công. Giàn khoan phải xuất hiện.
Song song với Kiên Giang, nơi quan trọng bậc nhất cho dự án kênh đào thì Sài Gòn cũng có vị trí quan trọng hàng đầu của nó trên bình diện cải cách chính trị sau này của đất nước. Trong một tương lai khi chiến lược “thoát Trung” thành công, Việt Nam sẽ phải cải cách chính trị để phù hợp với quốc tế. Sài Gòn với sự năng động vốn có, những nền tảng dân chủ mà chính thể Việt Nam Cộng Hòa còn dư âm lại, và trình độ dân trí hiện nay hoàn toàn thích hợp làm ngọn cờ đầu. Nguyễn Tấn Dũng hiểu rằng phải đặt ở đó một quân cờ chiến lược trung thành với ông ta và với đường lối “thoát Trung”, có xu hướng cải cách ổn định cũng như được quẩn chúng tin cậy. Trong một bối cảnh khó khăn chèn ép nhau từ phe thân Trung Quốc, Nguyễn Tấn Dũng đã vượt qua ngăn cản bước đầu, đưa về một “người kế vị”, cháu của Võ Văn Kiệt, người từ lâu nay lặng lẽ yểm trợ ngư dân Quãng Ngãi chống các âm mưu gây hấn của Trung Quốc, người được quần chúng Sài Gòn tin cậy, đó là Võ Văn Thưởng.
Phải nhìn nhận đây là một bước đi khéo léo và tế nhị của tay cờ Ba Dũng. Đưa Thưởng về để chuẩn bị vào vị trí lãnh đạo một thành phố sẽ đi đầu trong cải cách thể chế, Ba Dũng đã làm phương tây và các cựu thần trong đảng ủng hộ đường lối Võ Văn Kiệt yên lòng. Bên cạnh đó, Ba Dũng cũng tỏ rõ một thiện chí cho quần chúng thấy là ông ta sẽ không đi theo con đường độc đoán gia đình trị. Sau khi ông ta thoái vị thì Võ Văn Thưởng sẽ bước ra chính trường và dẫn dắt Việt Nam, chứ không phải các con của ông ta, giảm thiểu sự nghi ngờ của quần chúng từ “độc tài đảng trị” chuyển sang “độc tài gia đình trị”. Đây cũng là cách hay nhất để tạo sự đồng thuận tương đối từ các phe này phái kia, điều mà Ba Dũng cần nhất lúc này. Mà biết đâu nhờ thế ông lại bước lên địa vị cao hơn bây giờ.
Bấy lâu nay truyền thông khắp nước đã bàn luận và các chuyên gia trí thức đã góp ý về một mô hình đô thị dân chủ và năng động. Phải chăng Võ Văn Thưởng sẽ nương theo những bàn luận và góp ý đó, và với sự ủng hộ của khối chuyên gia trí thức, đưa thành phố Sài Gòn đi theo mô hình chính quyền tự trị kiểu tiểu bang của Mỹ, đặt nền móng cho chuyển hóa chính trị tại Việt Nam, đưa Việt Nam xích lại gần với các thể chế phương tây?
Kênh đào ĐNÁ và Phong trào dân chủ Việt Nam
Các nước cờ, nguyên nhân sâu xa, nguyên nhân thứ yếu và các yếu tố “thoát Trung”, đang ngày càng lộ rõ. Tại sao lại có bài báo về kênh đào Kra vào lúc này? Những người vận động chính trị cho nền dân chủ cần thấy rằng những nước cờ chiến lược, kênh đào, đặc khu Phú Quốc và thành phố Sài Gòn, sẽ là tiền đồn cho nền dân chủ tại Việt Nam trong tương lai. Để từ đó có ngay những bước đi chiến thuật phù hợp. Những nước cờ này của Ba Dũng đang tạo ra nhiều cơ hội và ưu thế cho tiến trình dân chủ hóa. Những người dân chủ phải biết tận dụng khéo léo để phát huy nó. Vấn đề bây giờ cần thấy và đặt ra không phải là Việt Nam có “thoát Trung” hay không, mà là làm gì để phát huy hiệu quả từ những bước khởi đầu “đang thoát Trung” và những thành quả bước đầu mà nó đang mang lại. Lúc này cần thiết nhất là hãy chân thành vì lợi ích chung của đất nước, cùng ngồi lại với nhau, xác định rõ mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và chiến lược dài hạn (mục tiêu nguyên tắc) là gì.
Cũng cần nhận rõ rằng lúc này, tay cờ Ba Dũng tuy có ưu thế trên chiến lược nhưng vẫn còn thất thế ở các vị trí chiến thuật. Do đó, vấn đề đáng quan tâm là phối hợp vận động để góp phần vượt qua các trở ngại chiến thuật nhằm tổn thất ít nhất mà đạt hiệu quả cao nhất. Cái quan trọng thứ hai phải nhìn nhận là đảng cộng sản Việt Nam và chính phủ Việt Nam bây giờ trở đi đã dần dần không thể còn là một nữa. Người đấu tranh dân chủ hướng về Mỹ và phương tây kêu gọi họ ủng hộ cho phong trào dân chủ Việt Nam thì cũng đừng quên một châm ngôn của chính tư bản. Đó là: “không có bạn bè và kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có đồng minh giai đoạn và lợi ích vĩnh viễn là quan trọng”.
Dĩ nhiên để đạt được thắng lợi sau cùng của chiến lược thoát Trung, Ba Dũng đã và đang thực hiện những bước đi chiến thuật. Theo dõi sâu xát tình hình chúng ta có thể nhận ra được những bước đi chiến thuật này, mà nếu thuận tiện, tôi sẽ trình bày trong những bài kế tiếp.
© Nguyễn An Dân

Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

MỘT GÓP Ý VỀ PHÁT NGÔN THIẾU CHẶT CHẼ CỦA CÁN BỘ NGOẠI GIAO VN

          Một nhà nghiên cứu nghiệp dư về vấn đề lịch sử và tranh chấp biên giới Việt - Trung người Việt tại Pháp vừa gửi thư cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng NG Phạm Bình Minh . Vị này cho rằng phát biểu của cán bộ Bộ NG trong các cuộc họp báo về vấn đề chủ quyền của VN trên biển Đông là thiếu "dè dặt và sự chín chắn". Điều này gây bất lợi cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ta. Bản thân tôi thấy có đôi chút phân vân nên trích đăng lại ở đây phần nội dung góp ý của tác giả để mọi người xem xét.
    
....... Do hoàn cảnh lịch sử, nước Việt Nam bị phân chia thành hai vùng lãnh thổ tại vĩ tuyến 17, lần lượt mang tên : Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Việt Nam Cộng Hòa.
       Chiếu theo tinh thần Hiệp định Genève 1954 (được các nước Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô, TQ bảo trợ), các nước công nhận chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ VN. Vĩ tuyến 17 là đường ranh quân sự tạm thời, không phải là đường phân định biên giới về chính trị hay lãnh thổ .
Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, do ở phía nam vĩ tuyến 17, do đó thuộc quyền quản lý của VNCH.
Vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam được tái xác định theo Hiệp định Paris năm 1973 : « Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Genève 1954 về Việt Nam đã công nhận. »
Tinh thần hai hiệp định, cũng là một chân lý làm nên chất keo gắn bó nhân dân và đất nước VN : đất nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một…
Điều này thể hiện lên thực tế. Trong khoảng thời gian từ 1954 đến 1973, không có bất kỳ quốc gia nào trên thế giới nhìn nhận sự hiện hữu của hai quốc gia Việt Nam. Khối Tư bản nhìn nhận VNCH là đại diện của nước Việt Nam duy nhất. Khối XHCN công nhận VNDCCH là đại diện nước VN duy nhất. Nước này nhìn nhận phía này thì không nhìn nhận phía kia, hay ngược lại.
Thưa Thủ tướng, thưa bộ trưởng,
Trên tinh thần tôn trọng « độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam » của các hiệp ước quốc tế này (mà các nước Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp… đồng bảo trợ chúng), bất kỳ các tuyên bố, các hành vi đơn phương của một bên (VNCH hay VNDCCH), nếu có làm tổn hại, hay đe dọa đến việc toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, chúng đều không có giá trị.
Nhà cầm quyền Trung Quốc viện dẫn công hàm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết nhằm ủng hộ tuyên bố về lãnh thổ và hải phận của Trung Quốc tháng 9 năm 1958, cho rằng nhà nước VNDCCH đã nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa (và Trường Sa).
Điều này hiển nhiên không đúng
Công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng viết trong khoản thời gian 1954-1973, có liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đi ngược lại tinh thần hai Hiệp định 1954 và 1973, do đó không có giá trị pháp lý ràng buộc.
Dầu vậy, những ngày vừa qua, trong các cuộc họp báo, các viên chức của Việt Nam, thuộc Bộ Ngoại Giao vì muốn phản biện lại lý lẽ của Trung Quốc (khi vịn vào công hàm 1958 của TT Phạm Văn Đồng), đã có những tuyên bố bất lợi. Các tuyên bố này có thể làm tổn hại đến quyền lợi của dân tộc Việt Nam, đến sự vẹn toàn lãnh thổ của đất nước Việt Nam, đồng thời khép mọi khả năng đòi lại Hoàng Sa (và các đảo TS) đã lọt vào tay Trung Quốc của thế hệ tương lai.
Những người này, nhân các cuộc họp báo, có cho rằng « Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia độc lập, có chủ quyền… »… hoặc « bạn không thể cho ai thứ mà bạn không có chủ quyền… »
Lập luận cho rằng « Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia độc lập, có chủ quyền… », từ miệng một viên chức cao cấp thuộc bộ ngoại giao, có thể vô hiệu hóa yếu tố nền tảng của quốc gia Việt Nam được xác định do hai hiệp định 1954 và 1973 : « độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam ».
Lập luận cho rằng « bạn không thể cho ai thứ mà bạn không có chủ quyền… », từ miệng một viên chức cao cấp thuộc bộ ngoại giao, mặc nhiên nhìn nhận VNDCCH chưa bao giờ có chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Lập luận thứ nhất sẽ khép lại mọi khả năng đòi lại Hoàng Sa của các thế hệ Việt Nam trong tương lai bằng thủ tục pháp lý.
Lập luận thứ hai sẽ đóng lại mọi khả năng kiện tụng của VN hôm nay (là nhà nước tiếp nối nhà nước VNDCCH).
Vì các lẽ này, tôi trân trọng yêu cầu :
Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng,
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng bộ Ngoại Giao Phạm Bình Minh,
Nhanh chóng có biện pháp đính chánh, hay sửa chữa lại các phát ngôn thiếu dè dặt và sự chín chắn của các viên chức bộ Ngoại giao trong buổi họp báo vừa qua.
Tôi trân trọng cám ơn.
Pháp quốc, Ngày 26 tháng 5 năm 2014
© Trương Nhân Tuấn ( truongnhantuan@yahoo.fr )
Nhà nghiên cứu nghiệp dư về lịch sử và tranh chấp biên giới Việt-Trung
  


Chủ Nhật, 25 tháng 5, 2014

VỊ TỔNG THỐNG NGHÈO NHẤT THẾ GIỚI

José Mujica Vị tổng thống nghèo

              nhất Thế Giới

 
   Những ngày này mọi người đang bận tâm đến việc ngang nhiên TQ đặt giàn khoan trong vùng biển chủ quyền của VN, đe dọa nền ĐL và CQ của nước ta lại thêm tệ nạn tham nhũng, giặc nội xâm ngày càng trầm trong tiếp tay cho kẻ xâm lược ...Mối bận tâm đã đến mức căng thẳng. Trong tình hình đó xin mời mọi người đọc bài này ngõ hầu thư dãn đầu óc được ít nhiều và nhen nhóm một tia hi vọng dù nhỏ nhoi vào những điều tốt đẹp đang tồn tại đâu đó trên thế gian này.


Pepemujica2.jpg
Chức vụ
Nhiệm kỳ 1 tháng 3 năm 2010[1] – 
Tiền nhiệm Tabaré Vázquez
Thông tin chung
Đảng Broad Front
Sinh 20 tháng 5, 1935 (79 tuổi)
Montevideo, Uruguay
Vợ hoặc chồng Lucía Topolansky
Binh nghiệp
José Alberto Mujica Cordano (phát âm tiếng Tây Ban Nha[xoˈse alˈβeɾto muˈxika koɾˈðano ], cũng biết tới với tên El Pepe, (sinh ngày 20 tháng 5 năm 1935) là một chính khách Uruguay, một cựu du kích, thành viên của Broad Front hiện là tổng thống mới được bầu của quốc gia này. Trước đó ông đã là Bộ trưởng nông nghiệp, gia súc và ngư ngiệp từ năm 2005-2008, hiện đang là thượng nghị sỹ. Ông đã được bầu làm tổng thống trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2009 và nhậm chức ngày 1 tháng 3 năm 2010. Năm 2005, Mujica kết hôn với Lucía Topolansky sau nhiều năm chung sống với nhau, bà hiện đang là một thượng nghị sỹ. Họ không có con.

Cuộc sống

Tổng thống Mujica đã từ chối ngôi nhà sang trọng mà nhà nước Uruguay cấp cho các nhà lãnh đạo của mình và chọn sống ở trong ngôi nhà nông trang của vợ ông, nằm trên con đường đất bẩn bên ngoài thủ đô Montevideo.
Tổng thống và vợ còn tự tay làm ruộng, trồng hoa.
Cuộc sống khắc khổ này và việc Tổng thống Mujica cống hiến khoảng 90% tiền lương hàng tháng của mình, tương đương 12.000USD cho từ thiện, đã khiến ông được mệnh danh là tổng thống nghèo nhất thế giới. “Tôi có thể là một ông già kỳ cục… Nhưng đây là lựa chọn của riêng tôi”.
“Tôi đã sống như thế này hầu hết cuộc đời mình”, ông cho biết khi ngồi trên chiếc ghế cũ trong vườn, dùng chiếc gối đệm được chú chó Manuela ưa thích. “Tôi có thể sống tốt với những gì tôi có”.
Trừ các khoản từ thiện đã đóng góp, nhằm làm lợi cho người nghèo và các doanh nghiệp nhỏ, lương tháng của ông giờ chỉ xấp xỉ ngang bằng với thu nhập trung bình của người Uruguay, 775USD/tháng.
Năm 2010, kê khai tài sản cá nhân hàng năm của ông, một yêu cầu bắt buộc đối với giới chức ở Uruguay, là 1.800USD – giá trị của chiếc Volkswagen Beetle cũ kỹ đời 1987 của ông.
Năm nay, ông đã kê thêm một nửa tài sản của vợ, gồm đất, máy cày và một ngôi nhà, nên tổng tài sản lên tới 215.000USD. Song con số này vẫn chỉ bằng khoảng 2/3 tài sản kê khai của Phó tổng thống Danilo Astori và bằng 1/3 con số của người tiền nhiệm, Tổng thống Tabare Vasquez.
Được đắc cử tổng thống vào năm 2009, trong những năm 1960, 1970, ông Mujica từng là thành viên của lực lượng du kích Uruguay Tupamaros, nhóm vũ trang cánh tả đi theo đường lối cách mạng Cuba.
Ông đã bị bắn 6 lần và bị tù giam 14 năm. Hầu hết những năm tháng ngồi tù, ông sống trong điều kiện khắc khổ và bị cách ly. Cho đến năm 1985, khi Uruguay quay trở lại nền dân chủ, ông mới được tự do.
Theo Tổng thống Mujica, chính những năm tháng ở trong tù đã giúp ông định hình cách nhìn về cuộc sống. “Tôi được gọi là tổng thống nghèo nhất, nhưng tôi không cảm thấy nghèo. Người nghèo là những người chỉ làm việc để cố duy trì một cuộc sống giàu có và luôn muốn nữa, muốn nữa”, ông nói.
“Đây là vấn đề tự do. Nếu bạn không có nhiều tài sản thì bạn không cần phải làm việc suốt cả cuộc đời như một kẻ nô lệ để duy trì chúng và vì vậy bạn có nhiều thời gian cho chính bạn hơn”, ông nói.
Tổng thống Uruquay đã đưa ra quan điểm tương tự khi ông phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Rio+20 hồi tháng sáu 2012 “Chúng ta đã nói suốt cả chiều về phát triển bền vững. Để đưa dân chúng thoát khỏi đói nghèo.”
“Nhưng chúng ta đang nghĩ gì vậy? Chúng ta có muốn mô hình phát triển và tiêu thụ của các nước giàu? Giờ tôi hỏi các bạn: Điều gì sẽ xảy ra đối với hành tinh này nếu người Ấn Độ sẽ có số lượng xe hơi/hộ gia đình nhiều hơn người Đức? Chúng ta sẽ còn lại bao nhiêu oxy?”
“Liệu hành tinh này có đủ nguyên liệu để 7 hay 8 tỷ người có thể có cùng mức tiêu thụ và chất thải như ở các xã hội giàu có hiện nay? Chính mức tiêu thụ hoang phí này đang gây hại cho hành tinh của chúng ta”.
Tuy nhiên dù có khác biệt lớn giữa Tổng thống ăn kiêng Mujica và các nhà lãnh đạo khác, ông vẫn không “miễn dịch” được với sự thăng trầm của đời sống chính trị.
“Nhiều người thông cảm với Tổng thống Mujica trước cách sống của ông. Nhưng điều đó không khiến ông không khỏi bị chỉ trích vì cách làm của chính phủ hiện nay”, Ignacio Zuasnabar, một nhà thăm dò ý kiến Uruguay cho hay.
Phe đối lập Uruguay cho rằng sự thịnh vượng kinh tế gần đây của Uruguay đã không mang lại các dịch vụ công cộng trong giáo dục, y tế tốt hơn. Và lần đầu tiên kể từ khi ông Mujica đắc cử vào năm 2009, tỉ lệ ủng hộ ông giảm xuống dưới 50%.
Năm nay Tổng thống Mujica cũng bị chỉ trích vì hai động thái gây tranh cãi. Thứ nhất, quốc hội Uruguay gần đây đã thông qua dự luật cho phép nạo phá thai khi thai nhi ở trong vòng tới 12 tuần tuổi. Không giống người tiền nhiệm, ông Mujica không phủ quyết nó.
Thứ hai, ông cũng đang ủng hộ cho tranh luận về việc hợp pháp hóa tiêu thụ cây dầu gai, trong một dự luật sẽ cho phép nhà nước độc quyền buôn bán cây này.
“Tiêu thụ cây dầu gai không phải là vấn đề đáng lo ngại nhất, đối phó với ma túy mới là vấn đề thực sự”, ông cho hay.
Tuy nhiên, Tổng thống Mujica không phải lo lắng nhiều về tỉ lệ ủng hộ dành cho mình. Theo luật Uruguay, ông không được phép tái tranh cử vào năm 2014. Và ở tuổi 77, ông chắc chắn sẽ từ giã chính trường.
Và khi thời điểm đó đến, ông sẽ nhận được trợ cấp của nhà nước. Nhưng không giống như các cựu tổng thống khác, ông sẽ không thấy thu nhập bị thụt giảm nhiều, vì vậy mà không phải chật vật để làm quen với nó


Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2014

VÀI CẢM NHẬN TRONG CHUYẾN NGAO DU SÁNG NAY 11 THÁNG 5



  VÀI CẢM NHẬN TRONG CHUYẾN NGAO DU                             HÀ NỘI  SÁNG NAY  11 THÁNG 5



     Sáng nay 11 tháng 5, theo lời kêu gọi tổ chức biểu tình phản đối hành động xâm lược của TQ trên biển Đông, mình làm một chuyến ngao du tới một số địa điểm có biểu tình để hòa mình vào không khí chung và đồng thời quan sát xem cách hành xử của chính quyền có gì khác với các cuộc biểu tình phản đối TQ những năm trước hay không. Về sự kiện hôm nay báo chí, truyền thông đã đưa tin khá rầm rộ, mình chỉ bổ sung đôi điều mắt thấy tai nghe.

    Sáng nay mình thức dậy sớm. Không khí chung quanh vẫn như thường lệ. Khu thể thao dành cho cán bộ cao cấp QĐ vẫn náo nhiệt như mọi ngày. Tiếng tenit bình bịch và những tiếng hò hét vẫn đầy phấn khích. Không biết các chiến sĩ hải quân ở biển Đông đang căng thẳng đến mức nào chứ ở đây, đại bản doanh QĐ thì chẳng có gì khác trước cả.

    8 giờ mình đạp xe đến khu vực ĐSQ Trung Quốc, không quên đội mũ bảo hiểm đề phòng có vật cứng giáng xuống đầu. Ra đến đường ĐBP, nơi có nhiều CA và dân phòng thường ngồi trực khi có biểu tình trước đây, hôm nay hoàn toàn yên tĩnh những tốp CA, dân phòng và các lực lượng không tên lảng vảng với nét mặt căng thẳng. Cũng không thấy nhưng chiếc xe của lực lượng cơ động của CA đậu bên đường. Phía cuối vường hoa Canh nông có tượng Lê nin ( Canh nông là tên cũ từ thời Pháp, tôi không biết tên chính thức hiện nay là gì ! ) đối diện với tòa ĐSQ TQ có đông người tụ tập. Nhiều xe máy xếp trật tự trên vỉa hè vườn hoa. Theo đường ĐBP tôi đi về phía ngã tư đầu đường Hoàng Diệu. Gần đến ngã tư thì nghe thấy tiếng loa phát thanh đang lên án hành động của TQ đặt giàn khoan ở biển Đông từ một chiếc xe có gắn 2 loa đậu cạnh đồn CA phường Điện Biên. Khi đến ngã tư Hoàng Diệu – ĐBP tôi đang đợi đèn hiệu GT cho sang đường thì một bạn trẻ mặc quần áo màu xanh da trời, trên tay áo có dòng chữ TN TĐHN ( thanh niên thành đoàn Hà nội ) dăt qua đường tới chỗ có đông người biểu tình, bất chấp đèn tín hiệu GT chưa cho sang. Trong góc vườn hoa đối diện ĐSQTQ có khoảng hơn một trăm thanh niên nam nữ tay dơ cao, ngực đeo và hô lớn các khẩu hiệu phản đối TQ, cổ vũ tinh thần yêu nước....Các bạn trẻ hát Quốc ca VN, hát “ như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.... hát và hô khẩu hiệu rất to, to đến khản cả tiếng, thể hiện một sự phấn khích cao độ. Tinh thần các bạn rất hăng nhưng vóc dáng của các bạn gầy guộc, nhỏ thó làm tôi thấy chạnh lòng. Chắc phần đông các bạn là sinh viên, công nhân điều kiện kinh tế khó khăn , ăn không đủ chất nên mới gầy nhỏ như vậy. Không phải chỉ giờ phút này mà ở mọi nơi, khi nhìn thanh niên mình nhỏ bé gầy guộc đi bên cạnh người nước ngoài tôi đều cảm thấy chạnh lòng chua xót như lúc này đây. Số người có tuổi có thể nói là rất rất ít, con số chỉ vài ba. Tôi chợt nhận ra chính lớp người trẻ tuổi này mới là lực lượng làm thay đổi đất nước; đất nước ta rồi đây sẽ hùng cường sánh vai cùng các dân tộc khác hay bị chìm sâu vào vòng lạc hậu thua kém, bị bắt nạt không dám ngóc đầu lên nhìn thiên hạ đều phụ thuộc và thế hệ trẻ này. Tôi có cảm nhận trong những người ở đây có rất ít công nhân viên chức nhà nước mà gương mặt thể hiện một đời sống no đủ hơn. Phải chăng những người nghèo thì hăng hái trong việc chung hơn như đã từng trước đây?



      Áp sát hàng rào vườn hoa ngăn cách với ĐSQTA là một hàng dài những người làm nhiệm vụ trật tự. Phần lớn là đàn ông tuổi trên dưới 50 trong bộ quân phục không phù hiệu không biết của lực lượng nào, cũng có một số bà nữa. Tôi nghĩ chính những người này đã thẳng tay ngăn cản những người biểu tình phản đối TQ những lần trước và cũng chính tại địa bàn này. Tôi nói điều ấy với một người trong số họ. Ông ta chỉ nhếch mép cười và nói “ chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ giữ trật tự thôi”.



     Gần 9 giờ tôi đạp xe lên Bờ Hồ Hoàn Kiếm. Tại vườn hoa Lí Thái tổ không có tụ tập gì cả. Tôi đạp xe tới khu tượng đài đối diện đền Ngọc Sơn, vẫn là sự vắng vẻ.



Tôi chợt nhìn thấy một người mặc quần áo bộ đội không có quân hàm quân hiệu. Biết đồng chí này là trật tự viên tôi dừng xe lại hỏi :



-        Ở đây sáng giờ có nhiều người biểu tình không ông ?



-        Có chứ



-        Tôi có thấy ai đâu, thế ông ra đây làm gì đấy?



-        Dẹp bọn phản động chứ còn làm gì nữa !



-        Thế ông cho những người biểu tình phản đối TQ đặt giàn khoan ở vùng biển nước mình là phản động ư ?



-        Chúng nó bị lợi dụng.



Tôi ngao ngán quá không nói thêm một lời nào nữa và đạp xe đi về phía ĐSQTQ xem có gì mới. Trên đường từ cửa Nam đến ĐSQ các lực lượng TN của TĐHN đã tích cực dẹp đường ưu tiên cho những người đi về phía ĐSQ giống như đối với đoàn khách của Nhà nước, bất kể đèn tín hiệu GT là màu gì.