Trang

Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

MỘT GÓP Ý VỀ PHÁT NGÔN THIẾU CHẶT CHẼ CỦA CÁN BỘ NGOẠI GIAO VN

          Một nhà nghiên cứu nghiệp dư về vấn đề lịch sử và tranh chấp biên giới Việt - Trung người Việt tại Pháp vừa gửi thư cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng NG Phạm Bình Minh . Vị này cho rằng phát biểu của cán bộ Bộ NG trong các cuộc họp báo về vấn đề chủ quyền của VN trên biển Đông là thiếu "dè dặt và sự chín chắn". Điều này gây bất lợi cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ta. Bản thân tôi thấy có đôi chút phân vân nên trích đăng lại ở đây phần nội dung góp ý của tác giả để mọi người xem xét.
    
....... Do hoàn cảnh lịch sử, nước Việt Nam bị phân chia thành hai vùng lãnh thổ tại vĩ tuyến 17, lần lượt mang tên : Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Việt Nam Cộng Hòa.
       Chiếu theo tinh thần Hiệp định Genève 1954 (được các nước Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô, TQ bảo trợ), các nước công nhận chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ VN. Vĩ tuyến 17 là đường ranh quân sự tạm thời, không phải là đường phân định biên giới về chính trị hay lãnh thổ .
Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, do ở phía nam vĩ tuyến 17, do đó thuộc quyền quản lý của VNCH.
Vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam được tái xác định theo Hiệp định Paris năm 1973 : « Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Genève 1954 về Việt Nam đã công nhận. »
Tinh thần hai hiệp định, cũng là một chân lý làm nên chất keo gắn bó nhân dân và đất nước VN : đất nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một…
Điều này thể hiện lên thực tế. Trong khoảng thời gian từ 1954 đến 1973, không có bất kỳ quốc gia nào trên thế giới nhìn nhận sự hiện hữu của hai quốc gia Việt Nam. Khối Tư bản nhìn nhận VNCH là đại diện của nước Việt Nam duy nhất. Khối XHCN công nhận VNDCCH là đại diện nước VN duy nhất. Nước này nhìn nhận phía này thì không nhìn nhận phía kia, hay ngược lại.
Thưa Thủ tướng, thưa bộ trưởng,
Trên tinh thần tôn trọng « độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam » của các hiệp ước quốc tế này (mà các nước Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp… đồng bảo trợ chúng), bất kỳ các tuyên bố, các hành vi đơn phương của một bên (VNCH hay VNDCCH), nếu có làm tổn hại, hay đe dọa đến việc toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, chúng đều không có giá trị.
Nhà cầm quyền Trung Quốc viện dẫn công hàm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết nhằm ủng hộ tuyên bố về lãnh thổ và hải phận của Trung Quốc tháng 9 năm 1958, cho rằng nhà nước VNDCCH đã nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa (và Trường Sa).
Điều này hiển nhiên không đúng
Công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng viết trong khoản thời gian 1954-1973, có liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đi ngược lại tinh thần hai Hiệp định 1954 và 1973, do đó không có giá trị pháp lý ràng buộc.
Dầu vậy, những ngày vừa qua, trong các cuộc họp báo, các viên chức của Việt Nam, thuộc Bộ Ngoại Giao vì muốn phản biện lại lý lẽ của Trung Quốc (khi vịn vào công hàm 1958 của TT Phạm Văn Đồng), đã có những tuyên bố bất lợi. Các tuyên bố này có thể làm tổn hại đến quyền lợi của dân tộc Việt Nam, đến sự vẹn toàn lãnh thổ của đất nước Việt Nam, đồng thời khép mọi khả năng đòi lại Hoàng Sa (và các đảo TS) đã lọt vào tay Trung Quốc của thế hệ tương lai.
Những người này, nhân các cuộc họp báo, có cho rằng « Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia độc lập, có chủ quyền… »… hoặc « bạn không thể cho ai thứ mà bạn không có chủ quyền… »
Lập luận cho rằng « Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia độc lập, có chủ quyền… », từ miệng một viên chức cao cấp thuộc bộ ngoại giao, có thể vô hiệu hóa yếu tố nền tảng của quốc gia Việt Nam được xác định do hai hiệp định 1954 và 1973 : « độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam ».
Lập luận cho rằng « bạn không thể cho ai thứ mà bạn không có chủ quyền… », từ miệng một viên chức cao cấp thuộc bộ ngoại giao, mặc nhiên nhìn nhận VNDCCH chưa bao giờ có chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Lập luận thứ nhất sẽ khép lại mọi khả năng đòi lại Hoàng Sa của các thế hệ Việt Nam trong tương lai bằng thủ tục pháp lý.
Lập luận thứ hai sẽ đóng lại mọi khả năng kiện tụng của VN hôm nay (là nhà nước tiếp nối nhà nước VNDCCH).
Vì các lẽ này, tôi trân trọng yêu cầu :
Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng,
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng bộ Ngoại Giao Phạm Bình Minh,
Nhanh chóng có biện pháp đính chánh, hay sửa chữa lại các phát ngôn thiếu dè dặt và sự chín chắn của các viên chức bộ Ngoại giao trong buổi họp báo vừa qua.
Tôi trân trọng cám ơn.
Pháp quốc, Ngày 26 tháng 5 năm 2014
© Trương Nhân Tuấn ( truongnhantuan@yahoo.fr )
Nhà nghiên cứu nghiệp dư về lịch sử và tranh chấp biên giới Việt-Trung
  


4 nhận xét:

  1. Nếu đúng như vậy thì bộ ngoại giao bị hố rồi ,để xem chúng có tiếp thu không hay lại cãi bây .

    Trả lờiXóa
  2. Ngoài những ý nghĩa khác, cuộc đấu dàn khoan Trung -Việt lần này còn có ý nghĩa pháp lý rất rõ rệt.Trong mọi tuyên bố biện minh cho hành động hạ đặt dàn khoan, TQ đều dựa vào một luận điểm chủ yếu sau : Hoàng Sa là của TQ; trong đó có đảo chìm Tri Tôn. Từ HS , cụ thể là từ Tri Tôn, đo ra 200 hải lý, vậy thì tọa độ của dàn khoan nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của TQ !
    Chính vì vậy, chúng ta phải tập trung phản bác lại lý sự cùn ấy của bọn Tâu, bằng mọi lẽ chứng minh HS là của VN. Khi chứng minh được HS là của VN thì mặc nhiên thế giới thấy rõ dàn khoan đã xâm pham lãnh hài VN, nếu không họ còn phân vân, thậm chí xuyên tạc như anh chàng nhà báo Nga đu rắc nọ !
    . Để làm điều này, đã có lúc bên Ngoại giao lập luận như bài viết nêu lên. Theo dõi kỹ sẽ thấy có hai luận điểm : thứ nhất : HS, TS vào thời 1958 không thuộc chủ quyền Bắc VN, nên mọi thỏa hiệp với TQ của chính quyền MB có liên quan đến nó đều không có giá trị pháp lý.Thứ hai: Ông PVĐ cũng chỉ thừa nhận 12 hải lý thôi !
    Giờ đây chúng ta đã tỉnh ra vì bị TQ cho ăn quả lừa đắng ngắt, nhưng dù sao bức thư ấy cũng không thể được coi là VN đã thừa nhận chủ quyền của TQ.đối với HS.. Góp ý của tác giả rất đáng hoan nghênh . Để chặt chẽ hơn, có lẽ các quan ngoại giao nên nói rõ : " ...vào thời điểm đó, HS. TS hoàn toàn nằm trong lãnh thổ của VNCH chứ không phải của MB, do đó bức thư của ông PVĐ chỉ mang ý nghĩa chính trị nhất thời, tuyệt đối không có ý nghĩa pháp lý ; nhưng sau năm 1975, khi VN thống nhất thì hai quần đáo ấy đã trở thành lãnh thổ của nước VN như lịch sử đã chứng minh. v.v.

    Trả lờiXóa
  3. Cám ơn ý kiến của bạn. Tôi đã đọc kĩ ý kiến này.

    Trả lờiXóa
  4. Hoan hô sự góp ý của ô Trương Nhân Tuấn. Không biết TT NTD và BT NG PBM nhìn nhận ý kiến này như thế nào. Đúng là nhưng người có trách nhiệm phát biểu trên TV, báo chí và các diễn đàn lớn cần cân nhắc từng câu chữ hết sức cẩn thận. Ở đây còn là nhận thức và sự hiểu biết nữa. Cần thường xuyên trau dồi kiến thức chứ không nên chủ quan. Cảm ơn bạn Trác đã post bài này.

    Trả lờiXóa