Cái chết là một điều khủng khiếp. Không ai không nguyền rủa cái
chết. Nhưng lần này tôi phải tạ ơn cái chết. Vì một lẽ, nhờ cái chết
mà tôi và rất nhiều người khác trong nước, qua các báo chí: Nhân
dân, Văn nghệ, Giáo dục và Thời đại… được biết rằng đất nước
chúng ta đã từng sinh ra một triết gia tầm cỡ quốc tế… Vì đây là
“một con người siêu việt của Việt Nam đã đành, mà còn đáng cho nền
văn hoá Pháp tự hào. Con người đó cũng có phần cấu thành của chung
nhân loại” (Lời giáo sư đại học Nguyễn Đình Chú trong một bài viết
của ông).
Chúng tôi được biết nhiều tác phẩm triết học của triết gia đã được
xuất bản ở Pháp, ở Anh, ở Mỹ, ở Tây Ban Nha, ở Nhật, ở Đức, ở
Hung-ga-ri… Một số nước ở châu Âu đề nghị được mời triết gia sang để
trao đổi vấn đề con người, về Hêghen.
Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công,
trong một cuộc họp báo tại Paris, một phóng viên hỏi triết gia: “Nếu
quân đội viễn chinh Pháp đổ bộ lên đất nước ông, thì nhân dân ông sẽ
đón tiếp như thế nào?”. Triết gia trả lời: “Nổ súng!”. Và vào năm
1949 – 1950, trên đất Pháp, triết gia đã cầm vũ khí triết học chia lửa
cùng quê hương trong cuộc kháng chiến trường kỳ. Cảm thấy như vậy
vẫn chưa đủ, năm 1952, triết gia đã từ bỏ tất cả vinh quang, tiền
bạc, tiện nghi và phương tiện nghiên cứu học thuật, trở về Tổ quốc
theo con đường Paris – Luân Đôn – Praha – Matxcơva - Bắc Kinh - Việt
Bắc để được cùng ăn rau tàu bay chấm muối với chiến sĩ và cùng run
những cơn sốt rét rừng… Và triết gia đã nhận công tác tại văn phòng
Tổng bí thư rồi uỷ viên Ban Văn Sử Địa – nay là Viện Khoa học Xã hội
Việt Nam, phó giám đốc Trường Đại học Sư phạm Văn khoa, chủ nhiệm
khoa Sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, chuyên viên cao cấp Nhà xuất
bản Chính trị Quốc gia.
Năm đã ngoài bảy mươi tuổi, triết gia đã bay sang Pháp để hoàn thành
tác phẩm triết học Mácxit quan trọng của đời mình: “Vấn đề con người
và chủ nghĩa lý luận không có con người”. Triết gia đã trút hơi thở
cuối cùng nơi đất khách quê người, khi tác phẩm còn viết dở dang…
Triết gia có tên là Trần Đức Thảo.
Lần này triết gia trở về Tổ quốc trong khoang hành lý máy bay, chiếm
một chỗ hết sức khiêm nhường. Triết gia đã hoá thân thành tro nằm
trong cái bình bằng kim loại sơn màu xanh thẫm hơi giống một chiếc
cúp bóng đá và cũng to bằng cỡ đó.
Về đến Hà Nội, vì không gia đình vợ con và không có cơ quan nào và
trường đại học nào trước đây triết gia đã từng công tác và giảng dạy
nhận về để thờ hoặc quản, nên triết gia phải tạm trú dưới cái gầm
cầu thang của nhà tang lễ thành phố 125 phố Phùng Hưng, Hà Nội.
Được biết tin này tôi tìm đến thắp hương và lễ triết gia với lòng
ngưỡng mộ sâu xa đối với một nhân tài của đất nước.
Gầm cầu thang nhà tang lễ thành phố từa tựa cái hang và được ngăn
thành ba hốc, mỗi cái hốc là một phòng dành cho cả các bình tro hài
cốt tạm trú trước khi có người đến nhận. Ba phòng trú phần thiết kế
và trang trí nội thất đều giống nhau. Mỗi phòng rộng chừng bảy, tám
thước vuông. Trần phòng thấp, đổ dốc về phía trong theo độ dốc của
cầu thang. Một cái bệ xi măng quét vôi vàng và giữa trần là một
quầng đen ám khói hương. Bên trên trần là những bậc cầu thang lên
tầng hai của ngôi nhà. Tiếng giày, tiếng guốc lên xuống, lên xuống
rậm rịch…
Triết gia tạm trú ở phòng số ba, kể từ ngoài cửa vào. Tuy các phòng
không đề số phòng, nhưng không có cửa nên cũng dễ tìm. Bình tro đặt
trong cái hộp các-tông xung quanh phết giấy điều. Trước bình tro là
bát hương, sau bình tro, trên tường dán tấm giấy điều với mấy chữ
nho nguệch ngoạc. Lúc tôi đến thì hai phòng một, hai đều bỏ trống,
và hình như đã lâu không có ai thuê, vì cả hai bát hương đều gày
guộc chân hương.
Nhìn cái bệ xi măng, bát hương, hộp các tông đựng bình tro, tấm giấy
điều dán trên tường với mấy chữ nho nguệch ngoạc, nghe tiếng giày
guốc rậm rịch, sát ngay trên đỉnh đầu, tôi bỗng chợt nhớ câu thơ của
Oantơ Uýtman trong tập “Lá cỏ” thiên tài của ông: Nếu chết, tôi
xin phó thân cho bùn đất để tái sinh làm ngọn cỏ tôi yêu, hãy tìm
dưới đế giày của các bạn.
Tôi được biết, triết gia là người chiếm kỷ lục thời gian tạm trú ở
đây. Năm mươi ngày đêm. Và mỗi ngày đêm tiền thuê phòng là 5 ngàn
đồng. Tôi nói vui với một cán bộ của công ty: “Thế này thì giá tiền
phòng đắt bằng khách sạn ba sao rồi còn gì…”. Anh ta cãi: “Đắt sao
bằng! Tiền phòng khách sạn ba sao mỗi ngày đêm ít nhất là một trăm
năm chục ngàn. Nếu khách quốc tế thuê, trả bằng đô thì giá còn cao
hơn…”. Tôi nói: “Nhưng diện tích phòng của các anh là diện tích
tranh thủ, chưa đầy mét vuông, không gian chỉ hơn nửa thước khối.
Khách thuê phòng không phải dùng đến giường đệm, chăn màn, ti vi, tủ
lạnh, điện thoại riêng, máy điều hoà nhiệt độ, toa lét, nhân viên
phục vụ… tính chi li, theo tôi còn đắt hơn cả khách sạn 5 sao!”.
Triết gia phải tạm trú lâu như vậy là để chờ quyết định trên, có
được đưa vào Mai Dịch hay phải về Văn Điển. Tôi tính rằng nếu tro
trong bình kia biết nói thì tro sẽ nói: “Người cách mạng không nên
đòi hỏi hưởng thụ quá những tiêu chuẩn mà cách mạng đã quy định. Tôi
mới đủ tiêu chuẩn Văn Điển sao lại cứ đòi hưởng vượt tiêu chuẩn Mai
Dịch? Thói đặc quyền đặc lợi đã làm hư hỏng biết bao nhiêu con người
tốt! Nên đưa tôi đi sớm ngày nào hay ngày ấy để đỡ tốn kém tiền của
nhân dân!”.
Sau năm mươi ngày chờ đợi, tốn mất hai trăm năm chục ngàn tiền
phòng, triết gia đã được trên quyết định đưa về mai táng tại khu A
Văn Điển, khu vĩnh viễn, hưởng thụ đúng tiêu chuẩn quy định.
Sáng ngày 20-6-1993, tôi may mắn được cùng với bà con thân thích,
mấy người học trò xưa, người vợ cũ từng tốt nghiệp đại học Sorbonne
của triết gia, và một số cán bộ lãnh đạo của Nhà xuất bản Chính trị
Quốc gia, đưa tiễn triết gia đoạn hành trình cuối cùng của đời ông.
Khu A nghĩa trang Văn Điển có hàng nghìn ngôi mộ xếp thành hàng
thẳng tăm tắp, được xây giống nhau, giống hệt những căn hộ khép kín
của các khu nhà lắp ghép.
Các hàng mộ cũ đều đã kín chỗ, nên mộ của triết gia “được đánh giá
là một trong những nhà triết học hàng đầu của thế kỷ” (tuần báo Văn
nghệ tháng 5 – 1993), tác giả của Phương pháp hiện tượng học của
Husserl, Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng, Nguồn gốc
ngôn ngữ và Ý thức, Triết học đã đi đến đâu… là ngôi mộ mở đầu
cho một hàng mới.
Nhìn ngôi mộ đơn độc đang xây trát dở dang, tôi thầm nghĩ: “Triết
gia nằm ngay ở đầu hàng lại hoá hay, giống như ở tầng trệt của khu
nhà tập thể cao tầng. Ông sẽ tránh được cái nạn vào nhầm mộ người
khác, như ngày còn ở khu tập thể Kim Liên, ông ở tầng ba nên ông
thường xuyên vào nhầm phòng ở các tầng dưới”.
Mộ của ông khá đặc biệt. Bình tro được đặt trong tiểu sành, tiểu
sành được đặt dưới khuôn huyệt bên trên có nắp bê tông đậy kín. Như
vậy là ông được mai táng theo cách các nhà giàu có xưa: trong quan
ngoài quách. Đây có lẽ là sự xa xỉ độc nhất trong cuộc đời triết gia
quá ư thanh bạch của ông, mà nếu biết được, tôi tin chắc ông sẽ kịch
liệt phản đối.
Lúc bình tro hạ huyệt, tôi châm nén hương lễ ông, và khấn thầm: “Anh
Thảo ơi, xin anh đừng quá nghiệt ngã với bản thân đến thế… Với tất
cả công tích, tài năng, trí tuệ trác việt và những tác phẩm triết
học mà anh đã trọn đời dâng hiến cho Tổ quốc, cho nhân loại, cho sự
toàn vẹn vô song của chủ nghĩa Mác, thì anh cũng có quyền được hưởng
một chút xíu xa xỉ như vậy…”.
Phùng Quán
Rồi lịch sử sẽ phán xét những kẻ đã đầy đọa bao trí thức tài ba ,yêu nước .Nếu không dùng ngườikhông cùng chính kiến tại sao không cho người ta trở lại đất Pháp ngay từ những năm đầu ,cố tình giam hãm đầy đọa cho đến lúc sức cùng lực kiệt mới buông tha .Nhân chuyện này ta càng thấy rõ bộ mặt thật của cái gọi là .........
Trả lờiXóa