Từ trước đến nay, khi nói đến vị ân nhân đã thả Chủ tịch Hồ chí Minh tại phiên tòa của Anh tại Hồng Kông năm 1931 và sau đó đã tổ chức cho Chủ tịch rời khỏi đây, ta chỉ biết đó là luật sư Loseby. Năm 1960 Chủ tịch đã mời gia đình Loseby tới Hà nội để cám ơn. Tuy nhiên, có một nhân vật quan trọng hơn trong sự việc này là Sir Stafford Cripps mà ta/tôi chưa từng được nghe nói tới. Sự thể là như thế nào được thuật qua bài dưới đây xin đăng lại để cùng đọc.
Bộ trưởng Anh từng thả Hồ Chí Minh
NGUYỄN GIANG
Tuần
này, trong các cuộc tranh luận về bầu cử Anh dự kiến diễn ra vào ngày
7/5/2015, tôi thấy có một cái tên được nhắc đến là Sir Stafford
Cripps.
Ông là người trước cuộc bầu cử năm 1950 nêu ra vấn đề làm sao để chính phủ không bị tỏ ra là ‘mua chuộc cử tri’.
Nhưng ở Việt Nam có lẽ không có nhiều
người biết đây là vị luật sư cao cấp nhất của Anh, thành viên Viện Cơ
Mật, hàm bộ trưởng, đã quyết định thả Nguyễn Ái Quốc khỏi nhà tù ở
Hong Kong.
Các tài liệu ở Việt Nam chủ yếu nhắc
đến luật sư Anh Francis Loseby (1883-1967), người giúp Nguyễn Ái Quốc
thoát khỏi thuộc địa Anh khi đó mà không rơi vào tay Pháp.
Vợ và con gái ông Loseby năm 1960 có sang Hà Nội thăm Hồ Chí Minh.
Trong các tài liệu đã đăng ở Việt Nam,
gồm bài của Lady Borton, người ta còn nhắc đến có một trạng sư Anh nữa,
Francis Jenkin (1883 – 1936), đại diện cho bị cáo trong vụ Tống Văn Sơ
(Sung Man Cho Vs. The Superintendent of Prisons) trước tòa Hong Kong.
Theo luật Anh, ông Loseby là ‘solicitor’
tức luật sư đại diện cho thân chủ, còn ông Jenkins là ‘barrister’,
trạng sư đại diện cho vụ việc trước tòa.
Nhưng người quan trọng nhất chính là Sir
Stafford Cripps, quan chức Anh đã quyết định thả người bắt ở Hong Kong
năm 1931 khi mang tấm hộ chiếu cấp tại Singapore ghi tên Tống Văn Sơ,
quốc tịch Trung Hoa.
Hai ông luật sư Anh lập luận rằng các
hoạt động của Tống Văn Sơ tại Hong Kong không có gì phương hại cho
quyền lợi của Anh Quốc, và đề nghị toà bác bỏ đề nghị của Pháp muốn Anh
trao nộp đối tượng ‘hoạt động lật đổ’ cho họ.
Bản thân bị cáo cũng gây ấn tượng tốt
trước các quan tòa Anh vì nói tiếng Anh lưu loát và nhấn mạnh ông là
một nhà hoạt động dân tộc và vì thế mà bị đã bị chính quyền Pháp kết
án ở An Nam.
Năm 1929, tòa án ở Vinh đã kết án tử hình
vắng mặt Nguyễn Ái Quốc và nếu bị giao cho Pháp, khả năng ông bị án
chém là gần như chắc chắn.
Điều cần hỏi ngày nay là vì sao, khi vụ
việc được chuyển lên đến Viện Cơ Mật tại Anh, Sir Richard Stafford
Cripps (1889 –1952) ở cương vị quan chức pháp lý cao nhất của Đế quốc
Anh khi đó đã có quyết định thuận lợi cho Tống Văn Sơ?
Tư tưởng thiên tả
Ở đây, tôi phải nói thêm về sự đa dạng và
phức tạp của sinh hoạt chính trị, xã hội và tôn giáo của giới trí thức
quý phái Anh Quốc để các bạn thấy động cơ của Sir Stafford Cripps
trong quyết định cho thả Nguyễn Ái Quốc.
Sinh ra trong gia đình giàu có, ông
Stafford Cripps học trường UCL (nay có khá nhiều sinh viên Việt Nam),
ra làm trạng sư năm 1912 và tham gia bảo vệ nhiều vụ kiện cho Hội
Hồng thập tự hồi Thế chiến 1, chủ yếu đại diện cho các bệnh nhân.
Nhưng ông cũng là luật sư được trả tiền cao nhất London và là một nhân vật sùng đạo.
Vừa tin theo các ý tưởng cải tạo xã hội
kiểu Marxist, vừa vận động cho liên minh quốc tế các giáo hội Phúc Âm
và Tin Lành nhằm cải tạo thế giới, ông cũng vào đảng Lao Động và là
thành viên Hội Fabian, một nhóm cánh tả có ảnh hưởng trong giới trí
thức Anh.
Khi được chính phủ phong vào chức
‘Solicitor-General’ tương đương với Trưởng Công tố Quốc gia ở các nước
có thể chế cộng hòa như Hoa Kỳ, Pháp, ông cũng nhận tước hiệp sỹ và
trở thành thành viên Viện Cơ Mật (Privy Council).
Đây là cơ quan tư vấn cho Hoàng gia mà
ngày nay vẫn tồn tại, lo các việc liên quan đến hiến pháp như thay mặt
Nữ Hoàng Anh phê chuẩn bản Hiến chương về đài BBC sau mỗi lần thông qua
10 năm một.
Nhưng vào thời còn Đế Chế Anh, Viện Cơ Mật còn là cấp tư pháp cao nhất xử các vụ phúc thẩm từ thuộc địa.
Ở cương vị đó, Sir Stafford Cripps đã
nhận hồ sơ vụ Tống Văn Sơ từ Hong Kong và ra quyết định thả người này,
hẳn vì các cảm tình với hoạt động của phe chống thuộc địa bên châu Á.
Hiện ta chưa rõ việc tiền bạc trả cho
luật sư trong vụ Tống Văn Sơ ra sao nhưng theo tác giả Sophie
Quinn-Judge, Cứu Tế Đỏ (International Red Aid) một tổ chức thiên tả đã
bố trí để luật sư Anh, Frank Loseby đại diện cho thân chủ này.
Sau khi Viện Cơ Mật Anh đồng ý thả tự
do cho Tống Văn Sơ, vấn đề của phe thiên tả quốc tế và luật sư Anh ở
Hong Kong là làm sao cho thân chủ thoát hiểm khỏi Hong Kong.
Họ không muốn ông chịu số phận của Hồ
Tùng Mậu và một số nhân vật cách mạng Việt Nam trước đó, bị trục
xuất khỏi Hong Kong đến Thượng Hải và bị người Pháp cũng có tô giới nên
bắt lại và tống về nhà tù ở Đông Dương.
Chiến lược bào chữa của họ là dùng một
luật Anh, Deportation Ordinance, để lập luận tìm giải pháp cho Tống
Văn Sơ được tùy chọn điểm đến khi rời Hong Kong.
Một mặt, chính quyền Hong Kong muốn trao nộp nhanh chóng người họ cho là ‘kẻ xách động nguy hiểm’ cho chính quyền Pháp.
Mặt khác, hồ sơ của Anh tại Hong Kong
coi vụ việc này ‘không quan trọng’ và quan chức Bộ Thuộc địa Anh còn
ghi chú ủng hộ quan điểm bảo vệ các quyền dân sự của bị cáo.
Theo tác giả Sophie Quinn-Judge, một
quan chức Anh là Walter Wallis còn lập luận rằng trao Tống Văn Sơ cho
Pháp thì chẳng khác nào ‘tống cổ một người ủng hộ Nga hoàng về Liên
Xô’.
Trong vụ việc kéo dài tới tận năm 1933,
cuối cùng, Nguyễn Ái Quốc được luật sư Loseby giúp cải trang thành
một thương nhân Trung Hoa và rời khỏi Hong Kong an toàn.
Người Anh với châu Á
Trong lần sang Hong Kong tháng Ba năm nay
tôi có vào thăm Bảo tàng Tôn Trung Sơn và đọc thêm về giai đoạn các nhà
cách mạng châu Á, gồm cả Hồ Chí Minh, được chính phủ Quốc dân Đảng hỗ
trợ tại Nam Trung Quốc trong những năm 1920-1930.
Ở Trung Hoa hồi đó, ngoài các luật sư
thiên tả ở Hong Kong, còn có những nhân vật người Anh khác có thể đã
đóng vai trò ít ra là gián tiếp trong vụ Nguyễn Ái Quốc.
Ví dụ như đảng viên đảng Cộng sản Anh,
George Hardy, người phụ trách Profintern tức cánh nghiệp đoàn của Quốc
tế Cộng sản (Comintern).
Chính Văn phòng Viễn Đông tại Thượng Hải
của Comintern và Profintern đã cung cấp ngân quỹ hàng năm cho các đảng
phái, tổ chức của cộng sản Trung Quốc và Đông Dương hoạt động tại Nam
Trung Hoa.
Nguyễn Ái Quốc đã ‘thoát hiểm’ trong bối cảnh đó nhưng ảnh hưởng của phe tả châu Âu vào chính trị toàn cầu còn kéo dài về sau.
Trong Thế Chiến 2, Thủ tướng Winston
Churchill, lãnh đạo của Đảng Bảo thủ đã quyết định bổ nhiệm Sir
Stafford Cripps làm đại sứ Vương Quốc Anh tại Moscow.
Điều thú vị về cách dụng nhân của
Churchill là dù biết rõ Stafford Cripps ‘thân cộng’, ông coi đó lại
càng hay vì đại sứ có thể nói chuyện dễ dàng với Stalin và duy trì mối
quan hệ Đồng Minh chống Đức.
Năm 1942 ông Stafford Cripps về nước làm
Chủ tịch khối nghị sỹ Hạ viện, được phong Bộ trưởng Quân khí chuyên lo
chương trình đóng máy bay để gấp rút tăng cường cho không quân Hoàng
gia Anh bị Luftwaffe tấn công.
Sau Thế Chiến, Stafford Cripps vẫn đóng vai trò quan trọng trong chính trường Anh và giữ chức Bộ trưởng Tài chính năm 1950.
Hôm 18/3/2015 nhắc lại câu nói của ông
khi Bộ trưởng Tài chính đương nhiệm George Osborne tuyên bố trong
luật ngân sách mới, những ai thu nhập dưới 11 nghìn bảng Anh một năm
sẽ không phải đóng thuế thu nhập.
Phe đối lập coi đây là động tác ‘mua
phiếu’ cho đảng Bảo thủ và nhắc lại phát biểu năm 1950 của Bộ trưởng
Stafford Cripps yêu cầu
Thủ tướng Clement Atlee không tuyên bố mở cuộc tổng tuyển cử trước khi ông công bố ngân sách quốc gia.
Ông Cripps muốn ngăn chặn tình trạng
đảng của ông bị phê phán lợi dụng ngân sách có điều khoản tăng trợ cấp
hoặc giảm thuế cho dân để mua chuộc cử tri.
Điều này cho thấy dù là người thiên tả,
Sir Stafford Cripps có quan điểm ủng hộ quốc gia kháng chiến rõ ràng và
cũng phân biệt việc đảng của ông với việc nước.
Ở Anh ngày nay, vụ án về Nguyễn Ái Quốc ở
Hong Kong không phải là điều được được nói đến nhiều trong cuộc đời
của Sir Stafford Cripps.
Nổi tiếng hơn cả là sự ủng hộ của ông cho nền độc lập của Ấn Độ.
Gần đây, nhân lễ khai trương bức tượng
Mahatma Gandhi ở London báo Anh (14/03) lại nhắc đến phát biểu đầy
ngưỡng mộ của ông về Gandhi, người đòi thực dân Anh phải cuốn cờ về
nước.
Sir Stafford Cripps nói:
“Không có người nào trong thời đại chúng
ta cho thấy mạnh mẽ và thuyết phục hơn Gandhi về sức mạnh của tinh thần
vượt lên trên các giá trị vật chất.”
Nguyễn Ái Quốc đã không may mắn có được các đối thủ như vậy.
Vào giai đoạn Việt Nam đấu tranh đòi
độc lập 1945-1946, tính cố chấp của chính giới Pháp gồm cả phái de
Gaulle và phe Xã hội mà ông từng là đảng viên đã góp phần đẩy Hồ Chí
Minh và Việt Minh về phía Mao với các hệ luỵ cho quốc gia nhiều thập
niên về sau.
Dù sao đi nữa, giai đoạn ngắn ngủi có
liên quan đến các hoạt động của Nguyễn Ái Quốc với nước Anh cũng là
điều đáng nhắc lại để ta biết rõ thêm về các nhân vật của một thời
phức tạp về quyền lợi và tư tưởng ở đây mà Sir Stafford Cripps là một.
Đúng là chuyện rất hay mà giờ mới biết. Cảm ơn bạn Trác. Không biết Bác Hồ có biết ông Stafford Cripps là người đã qđ thả bác không nhỉ.
Trả lờiXóaCâu chuyện rất hay và cảm động. Điều đáng nói là những nhân vật cánh tả, với nhiều hoạt động độc lập và không theo tư duy của nhà cầm quyền vẫn được trọng dụng và do đó làm được nhiều việc lớn lao.
Trả lờiXóaĐiều mình áy náy là mãi cho đến nay Nhà nước ta chưa một lần nhắc đến và bày tỏ lòng biết ơn đối với vị ân nhân này cùng thân nhân của ông. Cụ Hồ cũng có thể không biết chứ nếu biết chắc Cụ sẽ kể cho các đ/c về việc này cũng như tìm cách cam ơn vị ân nhân. Cụ Hồ có thể không biết do Cụ không biết tình tiết liên quan đên hệ thông tư pháp Anh quốc nhưng cơ quan nghiên cứu của nước ta, cụ thể là ban nghiên cứu LS Đảng hay Bảo tàng HCM thì phải biết chứ nhỉ. Việc họ không biết chứng tỏ công tác nghiên cứu của họ có vấn đề.
Trả lờiXóa