Thật lòng, tôi lâu nay rất áy náy vì sao ông Vũ Khiêu, một người luôn được giới trí thức đỏ tôn vinh, đề cao như một nhà văn hóa, một trí thức lớn của Việt nam; một người được đảng rất ưu ái, trao cho rất nhiều danh hiệu to tát, lãnh đạo đảng và nhà nước thường tới thăm hỏi chúc mừng.... mà mình thì chẳng thấy có gì ấn tượng với người này. Hơn nữa, trước tình hình đất nước có rất nhiều vấn đề như những năm qua, là trí thức đáng ra ông cần có nhiều ý kiến đóng góp cho lãnh đạo nhằm góp phần giúp cho đất nước vượt qua khó khăn, nhưng tuyệt nhiên ông im lặng, lảng tránh sứ mệnh của người trí thức yêu nước. Tôi chỉ thấy ông luôn cho rằng mọi sự đều tốt đẹp, đảng lãnh đạo sáng suốt tài tình....Về mặt kiến thức mình cũng chẳng thấy ông có ý kiến gì có giá trị mà chỉ là những ý kiến chunh chung, vô thưởng vô phạt, nhạt nhẽo vô vị. Vì vậy công luận mấy ngày nay bình luận và đánh giá việc ôm hôn cô hoa hậu và đôi câu đối ông tặng cô này tôi cho đây là điều hay ho vì là dịp để mọi người đánh giá đúng về ông này. Đã có rất nhiều bài viết về chủ đề này, tôi xin đăng lại bài của Trần mạnh Hảo trên trang Văn hóa Nghệ an, xin mời các cụ đọc.
Thử lý giải hiện tượng Vũ Khiêu…
GS. Vũ Khiêu, thần tượng trí thức và biểu tượng văn hóa của chế độ hiện hành, anh hùng lao động, vừa được thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tặng câu đối ca tụng ông lên mây, nhân việc ông thọ 100 tuổi như sau :“Triết gia trong cách mạng – Nghệ sĩ giữa Anh hùng”
Ông cũng là người được giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu 1996 về các cuốn sách mỹ học, triết học, văn hóa học như :” Nghệ sĩ và anh hùng”, “Góp phần nghiên cứu cách mạng tư tưởng và văn hoá (1987), Người trí thức Việt Nam qua các chặng đường lịch sử” nhằm ca ngợi Bác và Đảng. Năm 2000, giáo sư được phong danh hiệu Anh hùng Lao động thời đổi mới.
Ngày 12 tháng 9 năm 2006, Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa thay mặt Hội đồng Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhất cho Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu vì có nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp phát triển khoa học xã hội và nhân văn, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.Đại hội Thi đua Thủ đô Hà Nội, khi được trao tặng danh hiệu “Công dân Ưu tú Thủ đô”. (Theo từ điển mạng)
Ông từng được nhà nước tặng biệt thự, được chế độ ưu đãi công thần, chế độ coi ông là thần tượng văn hóa của chế độ…
Năm 1963 GS. Vũ Khiêu đã viết cuốn sách về Mỹ học có tên là “Đẹp”. Năm đó, chúng tôi đã mua cuốn sách này để đọc và thấy kiến thức của GS. Vũ Khiêu phải nói cho công bằng là rất hạn hẹp và ấu trĩ. Mỹ học trong cái nhìn của GS là Mỹ học có tính giai cấp, có tính đảng. Cái gì đảng ta nói, đảng ta làm đều đồng nghĩa với cái đẹp. Ví dụ như cải cách ruộng đất là cái đẹp, đánh nhân văn giai phẩm là cái đẹp, căm thù giai cấp địa chủ tư sản là cái đẹp…
Sau đó tôi đã đọc hầu hết các cuốn sách của GS. Vũ Khiêu như vừa kể trên thì thấy trình độ GS chưa thể gọi là trí thức.
Việc chế độ nâng GS. Vũ Khiêu từ một ông giáo tiểu học, từng hành nghề lao công tạp dịch trong bệnh viện thời Pháp lên thành biểu tượng cho giới trí thức : là anh hùng văn hóa, là nhà triết học số 1, mỹ học số 1, nhà nghiên cứu văn hóa số 1, thậm chí thành Nguyễn Trãi của chế độ…khiến dư luận giới trí thức thứ thật bất bình, không phục; nên khi GS. Ôm hôn cô hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên mãnh liệt quá mức ông cháu và nhất là cụ lại tặng cô này một câu đối thiếu văn hóa, khiến thiên hạ bực mình ném đá khắp nơi trên FB và trên các blog, website.
Chúng tôi đã đọc hầu hết các cuốn sách của GS. Vũ Khiêu thì thấy nếu ta xếp cụ vào hàng ngũ trí thức thì quả là một điều quá lố. Chỉ riêng việc GS. Vũ Khiêu lên tiếng nhiệt liệt ủng hộ hành vi của mộ kẻ điên rồ đòi sửa lại, viết lại Truyện Kiều như dưới đây, chứng tỏ cụ không phải là người trí thức :
Trong cuộc hội thảo về Dòng chảy văn hóa xứ Nghệ từ Truyện Kiều đến phong trào Thơ mới tổ chức vào ngày 15.12.2012 tại khu di tích Nguyễn Du, Hà Tĩnh, mỗi đại biểu tham dự được tặng một cuốn sách (bản photo) có nhan đề Truyện Kiều Nguyễn Du với tiếng Việt hiện đại, phổ thông, đại chúng và trong sáng, do Đỗ Minh Xuân, một kỹ sư, khảo dịch – nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin in năm 2012. Cuốn sách này có lời đề tựa rất trang trọng của GS. Vũ Khiêu:
“Với một tinh thần khoa học rất nghiêm túc, ông tìm lại hầu hết các bản Truyện Kiều từ trước đến nay, so sánh các dị bản, tìm đọc hầu hết các bài đã bình luận, phân tích tác phẩm và tác giả Truyện Kiều. Từ đó, ông đã có ý tưởng lớn là làm thế nào để phổ cập hóa Truyện Kiều cho quảng đại công chúng, ông gạt bỏ những câu chữ khó hiểu từ tiếng Hán để thay bằng ngôn ngữ thuần Việt trong Truyện Kiều… Tôi hoan nghênh công phu nghiên cứu của ông Đỗ Minh Xuân và tin rằng cuốn sách này của ông là một đóng góp đáng kể vào việc nghiên cứu Truyện Kiều…”.
Với hơn 1.000 chỗ sửa, tức 1/3 tác phẩm, gần như bất cứ chỗ nào trong Truyện Kiều, cũng bị ông kỹ sư cắt xé, bức tử. Điều đáng nói là, việc sửa thơ này của ông kỹ sư lại nhận được cổ xúy của một bậc giáo sư lừng danh: Anh hùng lao động, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học, Giáo sư Đặng Vũ Khiêu.
GS. Vũ Khiêu quả tình không thể gọi là trí thức khi muốn lấy hoa mào gà làm quốc hoa. Ơ hay, bệnh mào gà là bệnh gì chắc GS. chưa biết hay sao?
( Trong bức ảnh này tôi thấy ông VK hôn cô hoa hậu quá ư nhiệt tình: tay trái vòng sau lưng, đặt lên eo; tay phải ghì má cô vào môi..Cô hoa hậu có vẻ miễn cưỡng chịu trận. Bàn tay cô đặt hờ hững sau lưng ông VK )
GS.Vũ Khiêu tặng cô hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên câu đối thiếu văn hóa dưới đây sao có thể gọi là trí thức:
Giáo sư Vũ Khiêu đã viết tặng hoa hậu Kỳ Duyên đôi câu đối: “Trí như bạch tuyết tâm như ngọc Vân tưởng y thường hoa tưởng dung”
GS.Vũ Khiêu đã lấy nguyên vẹn một câu thơ của đại thi hào Lý Bạch trong bài thơ “Thanh Bình điệu”: “Vân tưởng y thường hoa tưởng dung” làm câu đối trên. Đạo văn như trên sao là trí thức?
Câu đối trên ngay từ câu đầu, GS. Vũ Khiêu đã diễu cô hoa hậu rằng trí của cháu trắng như tuyết, nghĩa là cháu không có trí; có lẽ GS. Vũ Khiêu muốn nói đến câu thơ Nguyễn Du : “ Mai cốt cách tuyết tinh thần” chăng ? Nhưng TRÍ và TINH THẦN là hai điều khác nhau thưa cụ GS ! Tinh thần trong câu Nguyễn Du có thể hiểu là tâm đấy! Trí mà như tuyết thì trí ấy bằng không à? Câu đối tặng người ta mà xỏ xiên như thế sao gọi là trí thức ?
Bài thơ “Thanh bình điệu” của Lý Bạch là bài thơ ca ngợi thân xác gợi dục của Dương Qúy Phi sau khi làm tình với Đường Minh Hoàng, sao lại lấy ra ca ngợi một cô gái còn chưa có chồng là sao? Dương Qúy Phi vốn là một dâm phụ, từng là vợ con trai Đường Minh Hoàng, bị vua cha cướp lấy. Dương Qúy Phi với sắc đẹp dục tính đã khiến con nuôi Đường Minh Hoàng là An Lộc Sơn muốn cướp người đàn bà dục tình này nên đã làm loạn, gây chết một phần ba dân số Trung Hoa thời đó.
Có thể vì chế độ nâng GS. Vũ Khiêu, một người không phải trí thức lên thành biểu tượng của trí thức, biểu tượng của văn hóa Việt Nam mà nhân dịp cụ ôm hôn gái trẻ kiểu trai lực điền và tặng nàng đôi câu đối đểu nên đã bị dân mạng ném đá cho bõ tức vì bị lừa hết vụ này sang vụ khác chăng?
Sài Gòn lúc 23 h 28’ ngày 27-2-2015
© Trần Mạnh Hảo
Em không biết nhiều lắm về sự nghiệp của Ô. Vũ Khiêu...nhưng chỉ xét cái ảnh mà phê phán ông thì tội cho ông cụ quá!
Trả lờiXóaTheo mình thì bức ảnh chỉ là giọt nước làm tràn cái li nước của sự bất bình mà thôi. Còn nhớ có một dạo nước mình sôi sục việc tìm quốc hoa, quốc phục rồi thì linh vật....Riêng về khoản quốc hoa thì hồi đó có người đề nghị chon hoa xấu hổ mà mình cho là thiếu ý thức xây dựng. Nhưng khi cụ Khiêu chọn hoa mào gà thì , thú thực, mình không hiểu ý cụ là gì nữa. Về chuyện ngày hôm nay, bức ảnh chỉ là một cử chỉ có phần vụng về của người già thôi. Trông nó hơi buồn cười thôi chứ chẳng nói lên gì nhiều. Vấn đề là đôi câu đối cơ. Nhưng câu đối cũng không phải là nguyên cớ chính tạo nên sự bức xúc đâu. Cái chính có lẽ là sự công bắng trong đánh giá tài năng, sự cống hiến đối với đất nước của Nhà nước đối với giới trí thức nước nhà. Có vấn đề ở chỗ này đấy, có lẽ thế ST ạ. Còn về sự nghiệp của cụ này thì mình hoàn toàn mù tịt.
Trả lờiXóaTôi kg quan tâm đến sự nghiệp , bình luận... của ông Vũ Khiêu, nhưng tôi biết khá nhiều về ông. Có chuyện là 1 trong những người ở HN họ ĐẶNG nói với tôi là có lần họp họ ĐẶNG ở quê, ông VŨ Khiêu đã về họp để nhận họ ĐẶNG, nhưng các bô lão HỌ ĐẶNG KIÊU HÃNH và trả lời :" Ông không phải là họ ĐẶNG của chúng tôi mà là họ VŨ. Lâu nay chúng tôi theo dõi chưa bao giờ thấy ông xuất hiện với họ ĐẶNG mà chỉ thấy ông xuất hiện với đại diện của họ VŨ, vậy xin mới ông RA cho ". Thế là ông Vũ Khiêu phải ra về.Góp chút ý kiến vơi anh Trương Trác thôi. Chào !
Trả lờiXóaOng già họ Vũ nhà tôi còn viết ra giấy trắng mực đen khen ngợi, khuyến khích dân ta đọc "Truyện Kiều" gọt rũa hết điển cố do một tay Kỹ sư cơ khí vô danh tiểu tốt soạn ra và in thành sách hẳn hoi ! Tôi không hoàn toàn đồng ý với cụ Phạm Quỳnh nói " Truyện Kiều còn, nước Nam còn" mà đồng ý đánh giá như GS Hoàng Như Mai , thầy tôi rằng " Truyền Kiều là linh hồn dân tộc" . Vậy mà ông Trí thức đỏ tiêu biểu của nước VN XHCN lại ủng hộ việc viết lại Truyện Kiều của Nguyễn Du, gọt rũa nó như gọt một củ khoai lang thì là cái ...giống gì đây ? !
Trả lờiXóa