Trang

Thứ Tư, 13 tháng 5, 2015

NẾU ÔNG NGUYỄN TẤN DŨNG LÀ NHÀ CẢI CÁCH

  KAMIBLOG - Ngày 12 / 5 / 2015



Trong những ngày này, ở Việt nam vấn đề được dư luận quan tâm nhất có lẽ không ngoài vấn đề nhân sự Đại hội Đảng CSVN lần thứ XII, dự kiến sẽ khai mạc vào cuối tháng 1/2016. Và điều được người ta bàn tán nhiều nhất, không ngoài vấn đề ai sẽ là Tổng Bí thư Đảng CSVN sau Đại hội XII?

Có lẽ dư âm của  Hội nghị TW11 cũng có ảnh hưởng không nhỏ tới vấn đề này. Đặc biệt là vấn để tiêu chuẩn lựa chọn Uỷ viên Trung ương Đảng, được thể hiện qua bài diễn văn bế mạc Hội nghị  TW11 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, được dư luận hết sức quan tâm. Đó là điều mà dư luận đồn đoán và cho rằng đây là một thông điệp của ông Nguyễn Phú Trọng nhằm ngầm chỉ tới một lãnh đạo cao cấp trong Đảng. Người đó không phải ai khác, chính là Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng, một ứng viên được dư luận cho là sáng giá đối với chức vụ này.
Cộng với điều không phải là ngẫu nhiên, đó là việc ngay sau khi Hội nghị TW11 bế mạc, thì buổi chiều 8/5/2015 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, đơn vị bầu cử số 1 đã tiến hành tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm. Tại đây, khi trao đổi với các cử tri Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng “Bí thư kiêm chủ tịch thì to quá, ai kiểm soát ông?”. Điều này được coi là bằng chứng rõ nét nhất cho thấy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và không ít các lãnh đạo cao cấp trong Đảng CSVN đã và đang lo ngại vai trò của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Tuy vậy, việc gần đây truyền thông trong nước ít đưa tin về các hoạt động của Thủ tướng, cộng với điều được dư luận cho rằng hết sức bất thường, đó là việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lớn tiếng "Chửi Mỹ, vái Tàu" trong bài diễn văn quan trọng tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước. Thì cũng có luồng ý kiến cho rằng Thủ tướng Dũng đang chịu một sức ép đáng kể từ phía Đảng và tham vọng của ông Dũng muốn ngồi chiếc ghế Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước theo mô hình Trung quốc, kiểu như ông Tập Cận Bình hiện nay có lẽ sẽ phá sản.
Dù sao dư luận vẫn chỉ là sự đồn đoán hay dự đoán, không phải là kết quả chính xác cuối cùng, vì khi đưa ra mỗi luồng ý kiến thì người ta luôn luôn có lý lẽ để bảo vệ ý kiến của họ. Trong bài viết này xin được đặt câu hỏi: Nếu như ông Nguyễn Tấn Dũng trở thành Tổng Bí thư Đảng CSVN kiêm Chủ tịch nước rồi sẽ tiến hành cải cách thể chế chính trị thì điều gì sẽ xảy ra? Với mục đích để công luận phân tích và tìm hiểu câu trả lời.
Cách đây không lâu, nếu theo dõi chính trị Việt nam thì người ta sẽ thấy Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thường có các tuyên bố hay chỉ thị "đi ngược đường lối của Đảng CSVN" để "mỵ dân", nhằm chứng tỏ mình là một người có tư tưởng cải cách để hướng tới một xã hội tự do, dân chủ theo xu hướng của nhân loại văn minh. Ví dụ như Thông điệp đầu năm mới năm 2014, đã đề cập tới việc cải cách dân chủ để hướng tới một nhà nước pháp quyền, ở đó công dân được làm những điều pháp luật không cấm, còn công chức chỉ được thực hiện những điều luật pháp cho phép. Hay đưa kinh tế Việt nam trở thành một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh, thay cho Kinh tế thị trường định hướng XHCN. v.v... và v.v...
Điều đó đã khiến cho đa số những người quan tâm đến chính trị hy vọng và nóng lòng chờ đợi, kể cả đa số những người trong lực lượng đấu tranh cho Dân chủ ở Việt nam cũng khấp khởi hy vọng và mong đợi sự cải cách chính trị từ phía chính quyền. Nhiều người hy vọng ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ là một nhà cải cách như Gorbachev, sẽ xóa bỏ chế độ cộng sản để mang lại tự do và dân chủ đến cho Việt nam.
Nếu hiểu rằng "Đừng nghe ông Dũng nói, hãy xem ông Dũng làm", thì sẽ thấy rất có khả năng chiêu bài cải cách Dân chủ của Thủ tướng sẽ là một cú lừa ngoạn mục. Vì tự do và dân chủ phải đấu tranh để giành lấy mới có được, chứ không có ai mang đến cho ta. Do vậy, cải cách của Thủ tướng Nguyên Tấn Dũng nếu có, nhưng chỉ là sự cải cách nửa vời để đưa chính trị Việt nam sẽ trở thành gần giống với chính trị nước Nga dưới sự cai trị của V. Pu tin hiện nay.
Được biết, từ trước đến nay, mô hình quản trị nước Nga dưới sự cai trị của V. Pu tin hiện nay đã được các nhà lãnh đạo Việt nam hết sức quan tâm và cho rằng sẽ được áp dụng trong trường hợp tình thế bắt buộc họ phải cải cách thể chế chính trị. Đó là mô hình một quốc gia dân chủ dưới sự dẫn dắt của một lãnh tụ mang hơi hướng độc tài, và vẫn đậm chất cộng sản, nghĩa là vẫn tồn tại sự kiểm duyệt chặt chẽ của nhà nước đối với các phương tiện thông tin đại chúng và các vi phạm khác về quyền con người. Tuy vậy, ở một chừng mực nào đó mô hình này được coi là thành công, vì đã đưa nước Nga phục hồi và lớn mạnh đáng kể sau khi chế độ cộng sản sụp đổ.
Ở Việt nam hiện nay, có thể nói ông Nguyễn Tấn Dũng là một chính trị gia lắm mưu, nhiều kế và luôn tỏ ra là người biết làm chính trị. Chỉ trong vòng 10 năm đảm trách chức vụ Thủ tướng (02 nhiệm kỳ), với một bộ tham mưu giỏi ông Dũng đã thu vào tay mình gần hết các quyền lực của nhà nước Việt nam, cùng với việc nắm trong tay hệ thống chân rết quyền lực từ trung ương đến địa phương. Điều đó đã khiến ông Dũng trở thành một một đối thủ chính trị đáng sợ cho bất cứ ai.
Chỉ cần nói một việc nhỏ, đó là với quyết định của Thủ tướng khi đưa các Tập đoàn Tổng Công ty vốn là Doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc các Bộ, ngành trở thành các quả đấm thép trực thuộc trực tiếp Thủ tướng. Việc này đã nâng quyền lực về kinh tế của Thủ tướng Dũng lên gấp hàng trăm lần, dù rằng các quả đấm thép đó đã đổ vỡ, gây ra biết bao tai tiếng, và thiệt hại về kinh tế khổng lồ như các vụ Vinashin, Vinaline. v.v... Qua việc này để thấy, cách làm của Thủ tướng Dũng chỉ có được và được, mà không hề hấn gì, thiệt hại thì đã có "Đảng và nhà nước lo. Nhân dân chịu". Đó là chưa kể đến việc hiện nay, ông Dũng đã cài cắm con cái mình vào các vị trí quan trọng và có nhiều triển vọng, kể cả việc kế nhiệm thay ông Dũng trong tương lai.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có nhiều điểm tương đồng với V. Putin, vốn xuất thân từ nhà binh, trước là quân nhân, sau là quan chức cao cấp nghành công an. Vốn là một con người khá độc đoán, cộng với bề dày các thành tích đàn áp dân chủ từ trước đến nay. Điều đó sẽ cho thấy, nếu ông Nguyễn Tấn Dũng trở thành Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước, khi đó mọi quyền lực đã nằm trong tay thì có nhiều khả năng ông Dũng sẽ xúc tiến cải cách thể chế chính trị để trở thành một Tổng thống độc tài. Nếu như vậy thì tương lai của người Việt nam sau khi thoát một chế độ độc tài toàn trị được cai trị bởi những ông Vua tập thể của Đảng CSVN, rồi sẽ chuyển qua một chế độ bề ngoài mang hơi hướng Dân chủ, nhưng thực chất dưới sự cai trị của một vị Tổng thống độc tài (vẫn mang nặng tính Cộng sản) thì điều gì sẽ xảy ra?
Nếu điều đó thành hiện thực, thì Việt nam sẽ trở thành một quốc gia theo thể chế chính trị cộng hòa, có nền chính trị đa nguyên và người đứng đầu là Tổng thống Nguyễn Tấn Dũng. Song vị tổng thống này sẽ có nhiều khả năng là một lãnh tụ độc tài và gia đình trị. Và Việt nam khi ấy, sẽ có một nhà độc tài tàn bạo kiểu như Stalin, thậm chí là Hitler là điều khó có thể tránh khỏi. Hoặc nếu may mắn hơn thì có một lãnh tụ độc tài "nhân từ" kiểu như ông Lý Quang Diệu (tuy rằng khả năng này hầu như là không thể có đối với một người độc đoán như ông Nguyễn Tấn Dũng).
Không biết đến lúc đó đất nước Việt nam sẽ khá lên được hay không? Hay chúng ta một lần nữa lại rơi vào cái vòng luẩn quẩn "Tránh vỏ dưa, lại gặp vỏ dừa", vốn là một cái kết cục không mấy tốt đẹp dành cho những kẻ thích nằm chờ sung rụng?
Và khi ấy có lẽ những người đấu tranh cho dân chủ lại hô hào đoàn kết lại để chống độc tài (!?)
Ngày 12 tháng 05 năm 2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét