Chung quanh vấn đề nhận thức và đánh
giá
Hồ Chí Minh hiện nay
Hồ Chí Minh hiện nay
Lê Kỳ Sơn
Bốn mươi
lăm năm đã qua kể từ ngày Hồ Chí Minh qua đời, lịch sử dân tộc và
nhân loại đã trải qua bao biến thiên dữ dội, sự kiện lớn nhất là sự
sụp đổ nhanh chóng, bất ngờ của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới
từng tồn tại hơn 70 năm – như một cuộc động đất chính trị, có thể
sánh ngang với sự sụp đổ của đế chế La Mã hồi đầu công nguyên.
Việt Nam giành được thắng lợi vĩ đại
trong sự nghiệp thống nhất đất nước với cái giá máu xương phải trả
được coi là chưa từng có trong lịch sử kháng chiến của dân tộc.
Nhưng thắng lợi quá lớn đã làm cho những người chiến thắng say sưa,
sinh ra chủ quan, kiêu ngạo; thiếu tinh thần khoan dung của người
thắng cuộc để chủ động thực hiện hòa giải, hòa hợp dân tộc ; ta cũng
đã không biết tận dụng sức mạnh của niềm vui, niềm tự hào chiến
thắng, sự yêu mến, cảm phục và sẵn sàng viện trợ của bạn bè quốc tế
để tranh thủ đưa cả nước chuyển sang một thời kỳ mới: chung tay hàn
gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lại Tổ quốc, sớm đi tới phồn
vinh, thịnh vượng.
Trái lại, cũng do chủ quan, hẹp hòi, tầm nhìn thiển cận, chúng ta đã
liên tiếp mắc phải những sai lầm nghiêm trọng trong chính sách đối
nội và đối ngoại. Tiếng súng vừa mới im được vài năm, ta đã phải
đương đầu với hai cuộc chiến tranh Tây Nam và chiến tranh biên giới
phía Bắc; việc đem quân vào Campuchia, rồi sa lầy ở đó hơn 10 năm;
vụ ‘nạn kiều” và hàng triệu người Việt ồ ạt bỏ nước ra đi,...dẫn đến
Việt Nam bị thế giới bao vây, cấm vận, làm cho nền kinh tế đất nước
và đời sống của nhân dân lâm vào hoàn cảnh khó khăn chưa từng thấy.
Gỡ ra được cũng đã bị chậm đi mất vài chục năm.
Hiện nay, nền kinh tế thị trường “định hướng xã hội chủ nghĩa”, với
những cơ chế bất cập do “lỗi hệ thống” gây ra, đã tạo điều kiện cho
các “nhóm lợi ích” trong bộ máy công quyền lợi dụng thao túng, nền
kinh tế đất nước ngày càng suy thoái, tụt hậu, thua kém cả Lào và
Campuchia. Nạn tham nhũng lan tràn từ trên xuống dưới, quan to ăn
to, quan nhỏ ăn nhỏ, đám thư lại thả sức hạch sách, nhũng nhiễu dân
đen, không chuẩn mực đạo đức và pháp lý nào tiết chế nổi. Dân oan
khiếu kiện mất đất, mất nhà,...diễn ra hàng ngày ở huyện, ở tỉnh,
không ít đoàn kéo lên ăn chực, nằm chờ ở cổng phủ Chủ tịch,...Tiếng
kêu than vang vọng đến cả trời xanh, nhưng không vụ việc nào được
giải quyết triệt để. Trí thức lên tiếng góp ý, phê phán, đấu tranh,
chính quyền đã không chiụ nghe, lại còn bị đe dọa, bắt bớ.
Chưa bao giờ phản ứng của người dân lại trở nên công khai, gay gắt,
quyết liệt như hiện nay. Phải chăng đó là những nhân tố đang tạo nên
những “tổ mối hổng” có thể dẫn đến “sụt toang đê cũ”?
Điều gì đã gây ra bi kịch này, nguyên nhân sâu xa là từ đâu? Ai sẽ
phải chịu trách nhiệm trước lịch sử về sự trì trệ, suy thoái nghiêm
trọng của đất nước và nguy cơ sụp đổ của chế độ?...Trả lời những câu
hỏi đó không tránh khỏi ít nhiều có liên quan đến vấn đề đánh giá
vai trò và trách nhiệm cá nhân của Hồ Chí Minh.
Trong bối cảnh lòng dân ly tán hiện nay, sự đánh giá Hồ Chí Minh
đang diễn ra theo hai chiều đối nghịch, vậy cần có nhận thức và đánh
giá như thế nào để đạt tới sự chính xác, công bằng, khách quan, phù
hợp với thực tế lịch sử?
Công lao to lớn của Cụ Hồ đối với sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân
tộc là điều không ai có thể phủ nhận. Từ đưa
Yêu sách 8 điểm gửi Hội nghị Versailles đến Tuyên ngôn Độc
lập, rồi chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa
cầu,…chặng đường đấu tranh nửa thế kỷ ấy gắn liền với tên tuổi huyền
thoại của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, Cụ vẫn được coi là
người Cha tinh thần đã khai sinh ra chế độ này, vậy Cụ có thể có
những liên đới trách nhiệm gì với thực trạng đáng buồn hiện
nay không?
Những người phê phán Hồ Chí Minh
thường cho rằng mọi tai họa mà dân tộc và đất nước phải gánh chịu
hơn nửa thế kỷ qua, phải được xét từ gốc, từ nhân tố khởi nguyên: ấy
là do Hồ Chí Minh đã du nhập chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam! Sự
thật là như thế nào rất cần được làm rõ.
Đánh giá
vai trò của một học thuyết hay một vĩ nhân cần đứng vững trên
quan điểm lịch sử cụ thể. Lịch sử không đứng yên, mà luôn luôn
vận động, biến đổi. Chủ nghĩa tư bản ở thời kỳ hoang dã, đi xâm
chiếm thuộc địa, thì từ đầu đến chân nó đều thấm bùn và máu; khác
với chủ nghĩa tư bản hiện đại, biết phát huy sức mạnh của văn hóa,
khoa học-công nghệ, dân chủ, pháp quyền,…để dần dần lột xác, trở
thành văn minh. Cũng như vậy, chủ nghĩa cộng sản đầu thế kỷ XX và
Quốc Tế 3 thời Lênin cũng khác với chủ nghĩa cộng sản đã bị Stalin
hóa, Mao-ít hóa sau này. Nếu Quốc Tế 3 không công khai ủng hộ các
dân tộc thuộc địa - nếu cũng chỉ như Quốc Tế 2 - chắc gì Nguyễn Ái
Quốc đã ngả theo chủ nghĩa cộng sản?
Thứ hai, cũng cần phân biệt điều mà
Hồ Chí Minh tự giác, chủ động lựa chọn với điều mà tình
thế bắt buộc ông phải chấp nhận (khi không còn con đường nào
khác), lại càng khác xa với
những điều người khác nhân danh Hồ Chí Minh đã làm!
Vai trò của vĩ nhân là ở chỗ có biết
nắm bắt thời cơ và tận dụng được thời cơ do thời cuộc mang lại để
thành đạt mục tiêu độc lập, thống nhất hay không; còn cá nhân một
lãnh tụ, dù lỗi lạc đến đâu - nhất là lãnh tụ của một nước thuộc địa
nghèo nàn, lạc hậu như nước ta – làm sao có thể vượt qua được vị thế
yếu kém của mình, để tác động vào thời đại, nhằm thực hiện thắng lợi
lý tưởng, hoài bão mà mình theo đuổi?
Người viết thử mạo muội góp phần đưa ra mấy kiến giải sau đây.
1. Ai là người đầu tiên đưa chủ
nghĩa cộng sản vào Việt Nam?
Chủ nghĩa cộng sản là một trào
lưu tư tưởng, một khuynh hướng chính trị hình thành từ nửa cuối thế
kỷ XIX; khi chủ nghĩa tư bản đã hiện nguyên hình tàn bạo, đáng
nguyền rủa của nó, thì chủ nghĩa cộng sản đang là một khuynh hướng
chính trị-xã hội cấp tiến, có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với phần đông
trí thức Châu Âu thời bấy giờ. Sang đầu những năm 20 của thế kỷ XX,
nó bắt đầu được truyền tới Trung Quốc bởi những trí thức Tây học như
Trần Độc Tú, Lý Đại Chiêu, Cù Thu Bạch,...dẫn tới việc thành lập
Đảng CS Trung Quốc năm 1921.
Ở Việt
Nam, vào thời điểm đó, Nguyễn Ái Quốc là người dân đầu tiên của một
nước nô lệ, sau những thất bại của lớp chí sĩ cha anh, đã rời nước
ra đi tìm một con đường mới cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân
tộc. Cái khó của Hồ Chí Minh là cái khó của người đi trước thời
đại. Vào đầu thế kỷ XX, khi chủ nghĩa đế quốc đã trở thành một
hệ thống thế giới, làm thế nào để giải phóng các dân tộc thuộc
địa, vẫn còn là một vấn đề quá mới, chưa có lời giải. Chính
Engels đã từng viết (đại ý): Các dân tộc thuộc địa rồi sẽ được giải
phóng, khi một dân tộc này đi áp bức một dân tộc khác, dân tộc đó
không có tự do. Nhưng “quá
trình ấy sẽ phát triển như thế nào, điều này thật là khó nói”; “về
điều này, tôi nghĩ rằng hiện nay chúng ta chỉ có thể đề ra những giả
thuyết khá bâng quơ mà thôi”[1].
Vào thời
điểm Nguyễn Tất Thành ra đi khảo sát thế giới, từ Á sang Âu, chưa có
dân tộc bị áp bức nào đấu tranh giành được tự do, chưa có tấm gương
thắng lợi nào để soi vào. Ở phương Tây, các đảng Xã hội thuộc Quốc
tế II, sau chiến tranh thế giới 1914-1918, do chủ nghĩa dân tộc bản
vị, về cơ bản họ vẫn ủng hộ chính sách thuộc địa của các chính phủ
tư sản nước mình, họ cũng
“đề ra những nghị quyết rất hay (về vấn đề thuộc địa) nhưng để sau
đó đưa vào các viện bảo tàng”!
Chỉ duy nhất có Đảng CS Nga, với Luận
cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin, công khai tuyên bố
ủng hộ và giúp đỡ thiết thực cuộc đấu tranh của các dân tộc phương
Đông bằng những việc làm cụ thể. Nguyễn Ái Quốc đã từng đặt chân tới
nhiều nước phương Tây, từng chìa bàn tay hữu nghị ra với họ, nhưng
không được ai nắm lấy! Chính lúc ấy, ông đã tìm thấy ở Luận cương
của Lênin một chỗ dựa, một hướng đi mới, nên đã ngả theo Quốc tế 3,
gia nhập hàng ngũ cộng sản, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu
tiên. Đó là một thực tế ai cũng đều đã biết.
Nhưng
Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa cộng sản
không phải với động cơ của một người đi tìm chủ thuyết, như một
bộ phận trí thức cấp tiến phương Tây thời bấy giờ, chán ghét bất
công của chế độ tư bản, họ đã tìm thấy ở chủ nghĩa cộng sản một viễn
cảnh đầy hy vọng về một “mùa xuân mới của nhân loại”. Còn ông Nguyễn
đến với Quốc Tế 3 từ một nhu cầu cấp bách của dân tộc là đi
tìm một phương sách, một con đường cứu nước mới, sau khi các phong
trào Đông du và Duy tân đã hoàn toàn thất bại, chứ không phải ông
đến với Quốc Tế 3 từ sự giác ngộ sâu sắc về lý tưởng cộng sản.
Vào thời điểm ấy, ông chưa có điều kiện nghiên cứu chủ nghĩa Mác một
cách hệ thống, nên đã không được thừa nhận là một người cộng sản
thuần thành, vì người ta thấy ông rất ít trích dẫn kinh điển mácxít,
mà
chỉ chú trọng vào vấn đề dân tộc thuộc địa.
Nói Nguyễn Ái Quốc là người cộng sản
Việt Nam đầu tiên có thể đúng, nhưng là người đầu tiên truyền bá chủ
nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam lại là một nhận định cần được xem xét
kỹ. Hãy nhìn lại, từ bài phát biểu ở Đại hội Tours, đến các bài báo
trên Le Paria, rồi tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp
xuất bản tại Pháp năm 1925,... không có bài viết nào trực tiếp tuyên
truyền cho chủ nghĩa cộng sản, tất cả đều đứng trên lập trường người
dân thuộc địa mất nước mà tố cáo tội ác cai trị tàn bạo, cướp
bóc man rợ của chủ nghĩa thực dân; kêu gọi đồng bào thức tỉnh, đứng
dậy, đoàn kết đấu tranh giành lại độc lập, tự do.
Giữa năm
1923, Nguyễn Ái Quốc đến Liên Xô lần đầu tiên để tham dự Hội nghị
Quốc tế Nông dân, tiếp theo là Đại hội V Quốc tế Cộng sản, rồi Đại
hội các tổ chức quần chúng như Thanh niên Quốc tế, Phụ nữ Quốc
tế,...Nội dung các bài phát biểu của Nguyễn Ái Quốc tại các diễn đàn
này nói chung đều không đề cập đến những vấn đề đang đặt ra trong
phong trào cộng sản bấy giờ, mà chỉ tập trung vào một chủ đề duy
nhất: “Tôi đến đây để không ngừng thức tỉnh các đồng chí về vấn
đề thuộc địa”! Điều này đã gây cho Staline ấn tượng không mấy
thiện cảm về Nguyễn Ái Quốc, coi ông “không phải một người cộng
sản chân chính mà là một người còn mang nặng tinh thần dân tộc chủ
nghĩa ít có”[2].
Cuối năm
1924, Nguyễn Ái Quốc tới Quảng Châu, với danh nghĩa thành viên trong
phái bộ của Borodine, để xúc tiến công tác tổ chức và huấn luyện,
ươm mầm những hạt giống cho cách mạng Việt Nam, sau đó lập ra Hội
Việt Nam Thanh niên cách mạng (chứ chưa phải lập Đảng cộng sản).
Theo Trần Dân Tiên viết trong “Hồ Chí Minh truyện” thì từ tôn
chỉ, mục đích đến điều lệ của Hội đều được ông mô phỏng theo chủ
nghĩa Tam Dân của Tôn Dật Tiên là dân tộc độc lập, dân quyền tự
do, dân sinh hạnh phúc.[3]
Trong nội dung các bài giảng
cho các lớp huấn luyện chính trị tại đây (sau được tập hợp thành
cuốn “Đường cách mệnh” ) cũng như trong các bài viết của ông
trên báo Thanh Niên, chưa thấy nói gì đến mục tiêu thực hiện chủ
nghĩa công sản ở Việt Nam, tất cả chỉ chú trọng nói đến nội dung của
dân tộc cách mệnh (như khẳng định: dân tộc cách mệnh thì chưa
phân chia giai cấp, sĩ nông công thương đều nhất trí chống lại cường
quyền); cách mệnh muốn thành công phải có đảng cách mệnh, đảng
phải có chủ nghĩa làm cốt, phải đoàn kết, lấy công nông làm gốc, vì
họ là số đông nhất và bị áp bức nặng nề hơn cả; muốn làm tròn nhiệm
vụ cách mệnh, người cách mệnh phải có đạo đức cách mệnh, phải bền
gan, phải hy sinh,...
Nói
chung, nội dung lý luận của những sách báo đó đều còn sơ giản, để
phù hợp với trình độ của phần đông hội viên thanh niên lúc bấy giờ,
nên sau này đã bị Hà Huy Tập - người thấm nhuần lý luận “giai cấp
chống giai cấp” của Đại Hội VI Quốc tế Cộng sản - phê phán là “cực
kỳ sơ đẳng, mang dấu ấn của thứ lý luận hợp tác giai cấp, không xác
định động lực của cách mạng Đông Dương, và không hiểu đúng vai trò
độc quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản,...”[4].
Năm 1927, Quảng Châu khởi nghĩa thất
bại, Nguyễn Áí Quốc phải theo phái bộ Borodine trở về Moscow, sau đó
cả phái bộ đều bị Staline cách chức, rồi lần lượt bị thanh trừng.
Nguyễn Ái Quốc bị bỏ rơi, phải tự tìm đường về Xiêm để hoạt động.
Năm 1928, Đại hội QTCS lần thứ VI khai mạc, Nguyễn Ái Quốc không
được triệu tập về dự.
2. Đảng CS Việt Nam thành lập, có
phải do Nguyễn Ái Quốc chủ xướng?
Đầu năm 1930, trước sự xuất hiện và chia rẽ của ba nhóm cộng sản ở
trong nước (điều này ngoài dự kiến của Nguyễn Ái Quốc, vì theo ông,
điều kiện ở Việt Nam chưa chín muồi cho việc thành lập ĐCS); song
với vai trò, trách nhiệm của mình, ông vẫn đứng ra triệu tập
Hội nghị hợp nhất, lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, vì vậy ông được
suy tôn là người sáng lập. Các văn kiện do ông thảo ra, như Chính
cương, Sách lược vắn tắt, Điều lệ Đảng, Lời kêu gọi, dưới ký
tên: Nguyễn Ái Quốc: Thay mặt QTCS và Đảng CS Việt Nam, đều thấm
nhuần những quan điểm của Lênin đã nêu ra trong
Luận cương. Nhưng khi gửi sang Liên Xô báo cáo, đã bị QTCS bác
bỏ, bởi vì lúc này họ đã xa rời những quan điểm ấy của Lênin, chỉ
nhấn mạnh một chiều lý luận “giai cấp chống giai cấp” theo tư
tưởng chỉ đạo của Staline tại Đại hội VI Quốc tế Cộng sản 1928.
Sau đó, Trần Phú được cử về, triệu
tập Hội nghị TƯ tháng 10-1930, phê phán Hội nghị hợp nhất “chỉ
lo đến việc phản đế mà quên mất lợi ích giai cấp đấu tranh, ấy là
một sự rất nguy hiểm”, lại còn “chia địa chủ ra làm đại,
trung và tiểu địa chủ”, lại nói “phải lợi dụng bọn tư bản mà
chưa rõ mặt phản cách mạng”
cùng một số “sai lầm” khác, rồi ra nghị quyết thủ tiêu các văn kiện
của Hội nghị hợp nhất, thông qua Luận cương Chính trị 1930,
đổi tên đảng thành Đảng CS Đông Dương, bầu ra BCH TƯ mới, do Trần
Phú làm Tổng Bí thư. Cương lĩnh, Điều lệ mới đều quán triệt
quan điểm “giai cấp chống giai cấp”. Phải chăng, chính khuynh
hướng “tả” của Luận cương Trần Phú, sau khi được phổ
biến xuống tới các địa phương, đã là một trong những tác nhân góp
phần thổi bùng lên phong trào Xô viết ở Nghệ-Tĩnh?
Cần nói thêm rằng, phong trào đó có
thể còn bị ảnh hưởng bởi một tổ chức mácxít khuynh tả nữa là Liên
Đoàn CS Nam Dương - một chi nhánh của Đảng CS Trung Quốc đã hiện
hữu tại Đông Nam Á và Nam Việt Nam từ những năm 1928-1930. Ta được
biết, sau Đại hội VI QTCS, Lý Lập Tam, nguyên là đại diện của ĐCS
Trung Quốc bên cạnh QTCS, một nhân vật cực tả, đã được Staline chú
ý, đưa vào Ban Chấp Hành QTCS, rồi trở thành người đứng đầu Đảng CS
TQ. Chính nhân vật này đã đưa Đảng CS TQ đi vào con đường phiêu lưu
tả khuynh trong một thời gian dài, gây nên những tổn thất to lớn cho
Đảng của họ. Chính họ Lý đã chỉ đạo đẩy mạnh việc tuyên truyền chủ
nghĩa cộng sản, xây dựng và phát triển tổ chức CS trong người Hoa ở
Thái Lan, Mã Lai, Nam Việt Nam ,...( trụ sở đặt tại Singapore, nên
tổ chức này còn có tên gọi là Liên Đoàn Tân Gia Ba), nhằm
phát huy ảnh hưởng của ĐCS Trung Quốc tại Đông Nam Á. Khi Đảng CS
Đông Dương thành lập, cử ra Ban TƯ lâm thời gồm bảy người, theo quan
điểm quốc tế, họ đã mời một đại diện của tổ chức CS người Hoa ở
Sài-Gòn-Chợ Lớn tham gia BCH, đó là Lưu Lập Đạo (tức “A Lầu”). Phải
chăng, khẩu hiệu cực tả “trí, phú, địa, hào-đào tận gốc, chốc tận
rễ” là do ảnh hưởng từ
Liên đoàn này? (Đây là vần đề cần được nghiên cứu thêm).
Những sự
việc nói trên đều diễn ra ngoài ý muốn của Nguyễn Ái Quốc ,
vì lúc này, ông vẫn đang ở nước ngoài và đã hoàn toàn bị vô hiệu
hóa, chỉ còn là “cái thùng thư” chuyển tiếp giữa Quốc tế CS và Ban
TƯ trong nước. Góp phần tuyên truyền cho chủ nghĩa CS ở Đông Dương
còn phải kể đến báo chí công khai ở Việt Nam thời bấy giờ. Năm 1926,
Phan Văn Trường, lần đầu tiên ở Việt Nam, đã cho đăng toàn văn
Tuyên ngôn đảng cộng sản của Marx-Engels trên tờ La Cloche
Félée của ông, từ số 53 đến số 60 (bằng tiếng Pháp). Báo chí của
chính quyền thuộc địa, lo sợ trước nguy cơ bùng phát mạnh mẽ của
phong trào cộng sản, cũng cho đăng nhiều bài xuyên tạc, nói xấu chủ
nghĩa cộng sản để cảnh giới, răn đe, vô tình cũng đã làm một việc
tuyên truyền không công chủ nghĩa CS. Đó là chưa nói đến hoạt động
và sách báo tuyên truyền của nhóm đệ tứ của Tạ Thu Thâu, Phan Văn
Hùm,...và nhà xuất bản Hàn Thuyên trong những năm 1930 sau này.
Trong khi đó, Chính cương, Sách lược vắn tắt,...do Nguyễn Ái
Quốc khởi thảo, gửi đi Moscow, bị coi là không quán triệt đường lối
“giai cấp chống giai cấp”, nên đã bị thủ tiêu ngay từ trong trứng,
chưa mấy ai được biết đến các văn kiện này (cho tới khi lần đầu tiên
được đưa vào Hồ Chí Minh Toàn tập, t.1, xuất bản lần đầu năm
1980).
Để hiểu
được Hồ Chí Minh, cần thiết phải nhận thức trong sự so sánh
quan điểm, đường lối của ông với đường lối tả khuynh của Staline và
QTCS sau khi Lênin qua đời, nhất là từ sau Đại hội VI 1928. Đặc điểm
của chủ nghĩa tả khuynh dưới sự áp đặt của Staline là nhấn mạnh
độc quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản, nôn nóng thực hiện ngay cách
mạng vô sản khi các điều kiện kinh tế-xã hội chưa chín muồi,
đề cao chuyên chính vô sản và bạo lực cách mạng, sử dụng guồng
máy chuyên chính để đàn áp, sẵn sàng bắt bớ, thủ tiêu những người có
ý kiến khác biệt; mang nặng chủ nghĩa biệt phái, đề cao công nông
nhưng không trọng dụng trí thức; không cho phép các ĐCS được liên
minh tạm thời với các Đảng Dân chủ Xã hội, không đánh giá đúng mức
sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc ở thuộc địa,
không cho phép người cộng sản hợp tác tạm thời với các đảng phái yêu
nước và dân chủ ở các nước họ...Nói chung là Staline đã từ bỏ những
quan điểm đúng đắn của Lênin mà Nguyễn Ái Quốc đã tiếp thu và kiên
trì bảo vệ.
Quan
điểm, đường lối chính trị của Hồ Chí Minh hình thành từ nền tảng văn
hóa phương Đông của ông. Sớm đi sang phương Tây, văn hóa Hồ Chí Minh
còn là sự chưng cất tinh hoa văn hóa ÂuTây, đặc biệt là lý tưởng
Tự do-Bình đẳng-Bác ái của cách mạng Pháp, vì vậy, tư tưởng
chính trị của ông cũng không đóng khung trong một học thuyết duy
nhất nào. Hồ Chí Minh từng viết: “Khổng tử, Jésus, Marx, Tôn Dật
Tiên,...đều có những điểm chung giống nhau, đó là cùng mưu cầu hạnh
phúc cho loài người. Tôi cố gắng là người học trò nhỏ của các vị ấy”[5]. Như vậy, mọi lý thuyết,
chủ nghĩa đối với ông đều có cái hay, đều cần phải nghiên cứu, tham
khảo, học lấy cái đúng, cái tốt, nhưng tất cả đều chỉ là phương
tiện để đạt mục đích là giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ
quốc. Đó là tóm tắt học thuyết “dĩ bất biến, ứng vạn biến”
của Hồ Chí Minh.
Nói cách khác, tư duychính trị Hồ Chí
Minh luôn phấn đấu hướng theo những giá trị chung của nhân loại.
Cuốn sách đầu tiên mà Nguyễn Ái Quốc dịch sang tiếng Việt
không phải “Tuyên ngôn đảng cộng sản” mà là “Tinh thần
pháp luật” của Montesquieu!
Do đó,
tuy đã gia nhập hàng ngũ cộng sản, nhưng trong căn cốt, ông vẫn là
người yêu nước, ông dám vượt qua một số nguyên lý cơ bản của chủ
nghĩa cộng sản ngay cả khi đang sống giữa trung tâm của nó ở
Moscow. Sau khi phân tích những đặc điểm kinh tế-xã hội-văn hóa-lịch
sử của các dân tộc Viễn Đông, ông khẳng định:“Cuộc
đấu tranh giai cấp ở đó (tức Đông Dương) không diễn ra giống
như ở phương Tây”, “Chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của đất
nước...,người ta sẽ không thể làm gì được cho người An Nam nếu không
dựa trên cái động lực vĩ đại và duy nhất của đời sống xã hội của họ”[6].
Ông không coi đấu tranh giai cấp là
động lực duy nhất mà
lấy đại đoàn kết dân tộc làm trọng; không nhấn mạnh chuyên chính
vô sản mà đề cao nhà nước dân chủ; đề cao và tin dùng trí
thức, kể cả trí thức cũ. Ông chủ trương lấy dân làm gốc, lúc
nào cũng tâm niệm: Tổ quốc trên hết, dân tộc trên hết, nhân dân
trên hết; lợi ích của giai cấp, của bộ phận phải phục tùng lợi ích
chung của cả quốc gia, dân tộc. Học thuyết của ông có thể tóm tắt
trong 9 chữ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”.
Dựa theo
những cứ liệu đó, nhà sử học Pháp Pierre Brocheux - người đã dành cả
cuộc đời nghiên cứu về Hồ Chí Minh – từng đưa ra ý kiến riêng: “Tôi
cho rằng ông Hồ Chí Minh về bản chất thực ra là một người theo Khổng
giáo. Ông luôn cố gắng kết hợp những ý tưởng của Khổng giáo - một
truyền thống ý thức hệ Đông Á - với các dòng tư tưởng châu Âu, từ
chủ nghĩa Mác đến chủ nghĩa Lênin…Theo tôi, trước sau ông là một
người tốt, một người Khổng giáo. Những gì người ta nói
về ông ở Việt Nam hiện nay, chỉ đúng một phần thôi. Ông đã cố gắng
đưa vào thực tế tính nhân văn và tính công bằng xã hội theo kiểu
Khổng giáo”[7]. Đó là một ý kiến được
nhiều học giả trong, ngoài nước chú ý và chia sẻ.
Sau những trải nghiệm đau buồn riêng của Nguyễn Ái Quốc qua hai thời
kỳ sống, hoạt động, học tập ở Liên Xô, niềm tin của ông vào Liên Xô
và QTCS như là chỗ dựa duy nhất cho sự nghiệp đấu tranh giải
phóng dân tộc của Việt Nam, không còn nguyên vẹn như xưa. Ông nhận
thấy cách mạng Việt Nam có thể và cần phải có thêm nhiều chỗ dựa
khác, do đó cần chủ động tìm ra những phương thức liên minh tạm
thời, hợp tác rộng rãi (theo tinh thần của Lênin) nhằm tranh thủ
mọi sự giúp đỡ có thể và có lợi cho sự nghiệp đấu tranh giành độc
lập của Việt Nam.
Sau khi Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô cuối năm 1938, tình hình thế giới
đã có những biến chuyển lớn: chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ,
Liên Xô đã hợp tác với Anh, Mỹ , Pháp,...hình thành phe Đồng minh
chống phát xít; năm 1943, QTCS tuyên bố tự giải tán, để các ĐCS được
quyền chủ động hơn, phù hợp với điều kiện của mỗi nước. Ở
Trung Quốc, hai phe Quốc-Cộng lại hợp tác với nhau lần thứ hai để
cùng chống Nhật. Sau khi bắt được liên lạc với tổ chức Đảng trong
nước, Nguyễn Ái Quốc lập tức tranh thủ về nước chỉ đạo phong trào.
Lúc này, Ban TƯ cũ chịu ảnh hưởng của xu hướng Trần Phú, Hà HuyTập
hầu hết đã bị bắt và hy sinh, Ban TƯ lâm thời được thành lập trên cơ
sở Ban lãnh đạo Xứ ủy Bắc Kỳ- gồm những người vốn có quan điểm “ôn
hòa” hơn (Ban Xứ ủy Bắc Kỳ thời kỳ Trịnh Đình Cửu làm bí thư, vẫn
cho rằng đường lối của QTCS mà Trần Phú là đại diện, không phù hợp
với thực tế Việt Nam, nên không tán thành, không tích cực thực thi,
thường bị Trần Phú nhắc nhở, phê phán, đe dọa kỷ luật). Nguyễn Ái
Quốc trở về trong hoàn cảnh Ban TƯ lâm thời tự lập, do Trường Chinh
đứng đầu, đang cần được thừa nhận chính thức, nên đã xem Nguyễn Ái
Quốc như là đại diện của Quốc tế và suy tôn như là lãnh tụ tối cao
của Đảng. Có thể coi đây là cuộc gặp gỡ lịch sử, nếu không có cơ sở
quần chúng cách mạng do Xứ ủy Bắc Kỳ gây dựng, không có sự suy tôn
và nhất trí hợp tác của Trường Chinh, chưa chắc Cách mạng
tháng Tám 1945 đã có thể bùng nổ thuận lợi và thành công như đã diễn
ra!
Dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị TƯ 8 - 1941 đặt lên
hàng đầu nhiệm vụ chống đế quốc, giành độc lập dân tộc; còn nhiệm vụ
chống phong kiến, đem lại ruộng đất cho dân cày sẽ thực hiện từng
bước và phải phục tùng nhiệm vụ chống đế quốc. Nghị quyết Hội nghị
vạch rõ: “Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải
được đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc; không
đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn
thể quốc gia, dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của
bộ phận, của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”[8]. Nghị quyết Hội nghị TƯ 8
- 1941 thực chất là sự trở lại với đường lối, quan điểm đã được
Nguyễn Ái Quốc vạch ra trong Chính cương, Sách lược vắn tắt từ Hội
nghị hợp nhất đầu năm 1930.
Sau Hội
nghị, Nguyễn Ái Quốc viết thư kêu gọi: “Hỡi
đồng bào! Hỡi các bậc phụ huynh! Hỡi các bậc hiền huynh chí sĩ! Hỡi
các bậc phú hào yêu nước, thương nòi! Hỡi các bạn công, nông, binh,
thanh niên, phụ nữ, công chức, tiểu thương!
[9], nghĩa là nhằm vào mọi tầng lớp
nhân dân, chứ không phải chỉ chú ý kêu gọi Hỡi công nông như Trần
Phú ngày trước. Ta hiểu vì sao, sau năm 1945, Hồ Chí Minh đã thực
tâm dùng Cựu hoàng Bảo Đại làm Cố vấn tối cao, đã mời các trí thức,
quan lại trong chính quyền thực dân, phong kiến cũ, tham gia vào
Chính phủ mới sau cách mạng; đã trả lại tự do cho Ngô Đình Diệm,
cũng như sau này đã không loại trừ khả năng sẵn sàng đàm phán với
ông ta để tìm ra một giải pháp cho công cuộc hòa bình, thống nhất
đất nước...
Việc ông Nguyễn chủ động liên hệ với Tướng Claire Chennault-Tư lệnh
không đoàn 14 của Mỹ mang tên “Cọp bay” đóng ở Côn Minh và
với đơn vị OSS (Cơ quan phục vụ chiến lược Mỹ
)- nhân vụ trao trả trung úy phi công Shaw cho họ - là một cơ hội để
tuyên truyền, giới thiệu, nêu cao thanh thế của phong trào Việt
Minh, nhằm tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của lực lượng Đồng minh -
ít nhất là trên danh nghĩa - cho cuộc đấu tranh giành độc lập của
Việt Nam. Việc ông lên đường đi Trùng Khánh năm 1942 để tìm gặp
Tưởng Giới Thạch, cũng là nhằm tìm kiếm sự hợp tác chống kẻ thù
chung của hai dân tộc Hoa-Việt là phát xit Nhật,...Tất cả những việc
làm đó đều nằm trong chiến lược tranh thủ liên minh, hợp tác quốc tế
rộng rãi của Hồ Chí Minh, nhất là trong điều kiện Quốc tế 3 đã tuyên
bố tự giải tán.
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa thành lập nhưng không được một quốc gia nào công nhận. Quá
khứ cộng sản của Hồ Chí Minh đã làm các nước Đồng minh e ngại. Tình
báo Xô viết thừa biết Hồ Chí Minh là ai, nhưng Kremlin vẫn giữ thái độ
im lặng, thực tế như đã bị bỏ rơi. Lúc này, để vượt qua nguy cơ mất
còn, Hồ Chí Minh đã khôn khéo thi hành một đối sách hòa hoãn cực kỳ
mềm dẻo mà cũng phi thường dũng cảm, đó là:
- Đối với Tầu Tưởng, ông tuyên
bố Đảng CS Đông Dương tự giải tán, thực chất là rút vào hoạt động bí
mật. Hai là, chấp nhận cải tổ Chính phủ, rút bớt các thành viên cộng
sản ra ngoài, lui ngày Tổng tuyển cử, tạo điều kiện cho các đảng đối
lập có thêm thời gian chuẩn bị tham gia; sau bầu cử, lại chấp nhận
cho họ thêm 70 ghế đại biểu không qua bầu cử; trên cơ sở đó Quốc hội
cử ra Chính phủ liên hiệp gồm 10 bộ, trong đó Việt Minh 2, Dân chủ
2, Việt quốc 2, Việt cách 2, không đảng phái 2 (vẻ như Việt Minh chỉ
là thiểu số).
- Đối với thực dân Pháp, Hồ Chí
Minh biết rõ người Pháp chưa chịu từ bỏ chính sách tái thuộc địa hóa
Đông Dương, họ đàm phán với Tưởng rồi ký Hiệp định Pháp-Hoa
ngày 28-2-1946, bằng cách trả lại những tô giới thuộc Pháp trên đất
Tàu, bán lại đường sắt Lào Cai-Vân Nam, cho phép Tưởng dùng cảng Hải
Phòng để vận chuyển hàng hóa quá cảnh miễn thuế qua đường Việt Nam,
...Đổi lại quân đội Pháp được phép đem quân ra miền Bắc thay thế
quân Tưởng. Nhưng muốn đem quân ra Bắc êm thấm, không gặp đụng độ
quân sự, Pháp buộc phải điều đình với Chính phủ Hồ Chí Minh.
Tình thế trên đây đặt ra câu hỏi: ta phải quyết đánh hay tạm hòa với
Pháp?
Cân nhắc tương quan lực lượng, Cụ Hồ
chọn giải pháp tạm hòa. Từ cuối tháng 2-1946, hai bên xúc tiến đàm
phán. Điều khoản gay cấn nhất là ta đòi Pháp phải thừa nhận
quyền độc lập và thống nhất
của Việt Nam; còn Pháp chỉ muốn công nhận Việt Nam là một quốc gia
tự trị. Nếu Hiệp định Pháp- Việt chưa được ký kết thì quân
Tưởng chưa thể rút đi, quân Pháp chưa được phép đổ bộ vào Hải Phòng,
xung đột đổ máu giữa các bên sẽ vẫn tiếp tục nổ ra. Để tháo gỡ tình
hình, Hồ Chí Minh đưa ra giải pháp nhân nhượng:
- Nước Pháp công nhận Việt Nam là một
quốc gia tự do
(état libre, thay cho từ indépendance, độc lập) có chính phủ,
nghị viện, quân đội và tài chính riêng, ở trong Liên bang Đông Dương
và trong khối Liên hiệp Pháp. Chính phủ Pháp phải cam đoan thừa nhận
kết quả của cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề thống nhất ba kỳ.
- Nước Việt Nam thuận để 15.000 quân
Pháp được vào Bắc Việt Nam thay thế quân đội Trung Hoa và sẽ phải
rút hết sau thời hạn 5 năm.
Đây là một giải pháp “Câu Tiễn”, nhờ đó, Hiệp định sơ bộ 6-3
đã được ký kết. Nhưng các đảng phái đối lập lại muốn phá, vì nếu
đánh nhau, Việt Minh sẽ thua, họ sẽ được lợi, nên đã ra sức vu cáo
Hồ Chí Minh là “bán nước”. Nhưng đại đa số dân chúng Việt Nam lại
chấp nhận một thỏa hiệp tạm thời với Pháp cốt để đuổi được gần 20
vạn quân Tầu về nước, bởi chính họ mới là kẻ thù truyền kiếp của dân
ta, đã mấy ngàn năm nay, chưa bao giờ họ từ bỏ dã tâm xâm lược và
đồng hóa dân tộc ta. Vì vậy, ở thời điểm này, Hồ Chí Minh đã phải
nói ra một câu - mà báo chí “lề phải” ở Việt Nam chưa bao giờ dám
nhắc lại:“Thà chịu ngửi phân của người Pháp trong 5 năm còn hơn
là phải ngửi phân của người Tầu trong hàng nghìn năm!”[10]. (Điều này chứng tỏ Hồ Chí Minh
không mơ hồ gì về kẻ thù truyền kiếp của dân tộc).
Nếu
Hiệp định sơ bộ 6-3-1946 được Pháp nghiêm chỉnh thực hiện thì
Việt Nam đã không phải tiến hành cuộc kháng chiến 9 năm gian khổ và
chủ nghĩa thực dân Pháp đã không bị chôn vùi ở Điện Biên Phủ; Việt
Nam sẽ ở trong Khối Liên hiệp Pháp (Union Français) và biết đâu,
chắc gì Việt Nam đã buộc phải ngả theo CS Tàu sau năm 1949, trong
khi Staline vẫn ngoảnh mặt làm ngơ? Là một nhà chính trị thực tiễn,
Cụ Hồ đã nhận thấy mục tiêu cộng sản là điều còn rất xa vời, nên
từng nhiều lần tuyên bố: “Tôi
là người cộng sản, nhưng điều quan tâm lớn nhất của tôi là nền độc
lập của Việt Nam. Tôi bảo đảm với các ngài rằng sau 50 năm nữa, chủ
nghĩa cộng sản vẫn sẽ chưa được thực hiện ở Việt Nam !”[11].
Do thái
độ không thức thời của giới cầm quyền Pháp lúc đó, tiêu biểu
là De Gaulle, nên cơ hội này đã bị tuột mất. Hai mươi năm sau, chính
De Gaulle đã có sự nhìn nhận muộn màng về trách nhiệm của ông ta
trong chính sách của Pháp ở Đông Dương thời đoạn 1945-1946. Trong
thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 8-2-1966, ông viết: “ Giá có
một sự hiểu biết nhau tốt hơn giữa người Việt Nam và người Pháp ngay
sau Đại chiến thế giới 2 thì đã có thể tránh được những sự biến tai
ác đang giày xéo đất nước Ngài hôm nay”[12].
- Đối với Mỹ và phương Tây: Sự
kiện Tổng thống F. Roosevelt tuyên bố sau chiến tranh kết thúc sẽ
không trao trả các thuộc địa cũ ở Đông Dương cho Pháp, mà sẽ cho các
nước này được hưởng chế độ “ủy trị” của Liên Hiệp quốc; rồi người Mỹ
đã đi trước thực hiện trao trả độc lập cho Philippines ngay sau
chiến tranh kết thúc,... Những sự kiện đó đã có sức hấp dẫn rất lớn
đối với Hồ Chí Minh, nên thông qua mấy nhân vật quen biết trong nhóm
OSS, Hồ Chí Minh đã tìm mọi cách tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ đối với
nền độc lập của Việt Nam .
Trong 2 năm 1945-1946, Hồ Chí Minh đã
viết 8 bức thư gửi tới Tổng thống Harry Truman và 3 thư gửi Bộ
trưởng Ngoại giao James Byrnes, nhằm kêu gọi Mỹ, với tư cách một
quốc gia bênh vực và bảo vệ Công lý thế giới, sẽ có những bước đi
mạnh mẽ trong việc ủng hộ nền độc lập của Việt Nam; đồng thời bày tỏ
nguyện vọng của Việt Nam
muốn được hợp tác toàn diện với Mỹ, muốn được gửi 50 thanh niên
Việt Nam sang Mỹ học tập, nhằm tiếp thu thành tựu kỹ thuật hiện đại
của Mỹ. Ông cũng tuyên bố sẵn sàng để cho Mỹ đặt căn cứ hải quân tại
Cam Ranh,...Chính Hồ Chí Minh đã sớm chủ động cho thành lập Hội
hữu nghị Việt-Mỹ, và tham dự lễ ra mắt của Hội này tại Hà Nội,
cùng với sự có mặt của tướng Mỹ Gallagher, v.v..
Đầu
tháng 12-1946, Hồ Chí Minh đã tiếp Abbott Low Moffatt, giám đốc Vụ
Đông Nam Á Bộ Ngoại giao Mỹ, được cử sang Đông Dương tìm hiểu tình
hình. Sau buổi tiếp, Moffatt đưa ra nhận xét: “Hồ
Chí Minh trước hết là một người yêu nước, nhiệt tình đấu tranh cho
nền độc lập của Việt Nam, ông có thể được coi như là một Titô ở châu
Á”[13].
Những ứng xử trên cho thấy Hồ Chí Minh là một nhà yêu nước thức
thời, ôn hòa, giỏi ứng biến, chứ đâu phải là một người cộng sản cứng
nhắc, cực đoan! Nếu những nỗ lực trên của Hồ Chí Minh được phía Mỹ
tiếp nhận thì Việt Nam đã là một nước cộng hòa dân chủ không bị chia
cắt, đã mở cửa, sớm phát triển nền kinh tế thị trường, Mỹ đã không
phải đổ của, đổ người vào cuộc chiến tranh Việt Nam, rồi sa lầy tại
đây trong khoảng hơn 20 năm! Tiếc thay, lịch sử lại không hề biết
đến chữ “nếu”!
Bên cạnh đó, Cụ Hồ còn cử nhiều phái
đoàn thân thiện của Việt Nam đi thăm các nước khác: Phạm Văn
Đồng dẫn đầu Đoàn đại biếu Quốc hội Việt Nam đi thăm hữu nghị
nước Pháp; cử Thứ trưởng Ngoại giao Nghiêm Kế Tổ (là đại biểu của
Việt Nam Quốc dân đảng trong Chính phủ Liên hiệp) dẫn đầu Đoàn ngoại
giao, trong đoàn có Cố vấn tối cao Vĩnh Thụy, sang Trùng Khánh để
xin tiếp kiến Tưởng Giới Thạch; cử Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch-với tư
cách đại diện đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh - sang Pháp gặp M.
Thorez, sang Ý gặp Đại sứ Liên Xô Koulajenkôp, đến Ấn Độ gặp J.
Nehru, để thông báo về tình hình Việt Nam và đề nghị giúp đỡ vật
chất, tinh thần cho cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam. Tiếc
rằng các hoạt động đó đều không đạt kết quả mong muốn.
3. Hồ Chí Minh tái hòa nhập với Moscow
và phe xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh nào?
Do đánh giá sai tình hình, Pháp muốn đánh nhanh, thắng nhanh
vào lúc lực lượng vũ trang của Việt Nam vừa thành lập, số lượng nhỏ,
trang bị kém, khó có thể chống lại một quân đội nhà nghề được trang
bị tối tân như quân đội Pháp, giỏi lắm cũng chỉ tồn tại được trong
vài ba tuần lễ! Họ ra sức khiêu khích, gây ra những vụ tàn sát đẫm
máu đối với đồng bào ta ở nhiều nơi, buộc ta phải chống lại. Chiến
tranh đã nổ ra. Để bảo toàn lực lượng, ta phải bỏ thành phố, rút về
nông thôn, lên miền núi, xây dựng căn cứ địa, thực hiện phương châm
“kháng chiến trường kỳ”.
Thu-Đông 1947, ta bẻ gãy được cuộc tiến công 2 gọng kìm của Pháp lên
chiến khu Việt Bắc, địch tổn thất nặng nề, nhưng xuýt nữa, quân nhảy
dù của họ bắt được cơ quan đầu não của ta! Nếu họ đủ sức mở tiếp
cuộc tiến công thứ 2, liên minh được với Tưởng, thực hiện dưới đánh
lên, trên đánh xuống, thì cuộc kháng chiến của quân dân ta có nguy
cơ bị dập tắt hoàn toàn! Bởi lấy gì mà chống lại, khi số vũ khí, đạn
dược ít ỏi ta lấy được của Nhật, mua lại của Tầu, đã được dùng hết!
Ta lại đang trong thế bị bao vây tứ bề, thoát ra bằng cách nào? Tình
hình đó buộc Cụ Hồ phải tìm cách cầu hòa với Chính phủ Tưởng Giới
Thạch, nếu không được giúp đỡ thì cũng phải trung lập hóa vai trò
của họ. Một phái đoàn được cử sang Nam Kinh, với lễ vật hậu hĩnh, để
thuyết phục Tưởng tuân theo tôn chỉ “phù nhược, ức cường” của
Tôn Trung Sơn, ủng hộ các dân tộc nhược tiểu đang đấu tranh chống
các cường quốc thực dân, giành lại độc lập dân tộc.
Chuyến đi chưa được giải mã, chỉ biết rằng sau đó tình hình quốc tế
có những chuyển biến rất nhanh chóng: Giải phóng quân Trung Quốc
“thần tốc Nam hạ”, buộc quân Tưởng phải bỏ chạy ra Đài Loan; tháng
10-1949, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập, rồi nước CHDC
Đức cũng ra đời, hình thành nên hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới
từ Tây sang Đông.
Thắng lợi của cách mạng Trung Quốc
khiến cho Mỹ lo ngại: nếu Pháp thất bại ở Đông Dương, dưới ảnh hưởng
của Trung Quốc, một số nước Đông Nam Á có khả năng ngả theo con
đường cộng sản hóa, Mỹ thấy đã đến lúc phải can thiệp vào Đông
Dương. Một mình ta đánh nhau với Pháp đã khó, nay lại có thêm sự can
thiệp của Mỹ, ta sẽ đối phó thế nào, phải hành xử ra sao?
Nhẫn nại, kiên trì hòa hoãn mãi với
phương Tây mà không thành, để thoát khỏi nguy cơ xấu nhất, Hồ Chí
Minh chỉ còn một con đường duy nhất: bắt mối quan hệ với Đảng CS
Trung Quốc, thông qua họ để nối lại quan hệ với Kremli, tái hòa nhập
phong trào cộng sản quốc tế.
Mao hưởng ứng ngay, vì phù hợp với ý
đồ của họ: cần có một “phên dậu” ở phía Nam, giúp Trung Quốc tránh
phải đụng độ trực tiếp với đế quốc - điều kiện cần để họ tập trung
vào xây dựng và phát triển trong hòa bình.
Song việc thuyết phục Staline đồng
tình lại không đơn giản. Thứ nhất, Việt Nam là một nước nhỏ, lại ở
quá xa Liên Xô, chưa có vai trò gì trong chiến lược đối ngoại của
Liên Xô lúc bấy giờ. Hai là, Việt Nam vốn là thuộc địa cũ của Pháp,
mà Pháp hiện đang là đối tác chiến lược Liên Xô cần tranh thủ ở Tây
Âu, hai nước đã ký với nhau Hiệp định hợp tác,bất tương xâm
Pháp-Xô (1944-1964) hiện vẫn đang còn giá trị; đối với Staline,
Việt Nam không quan trọng bằng Pháp. Ba là, bản thân Staline vốn từ
trước đã không mấy tin tưởng vào Hồ Chí Minh; nay theo báo cáo của
KGB thì Hồ Chí Minh có vẻ như đang muốn ve vãn phương Tây, nhất là
qua hai bức thư của Trần Ngọc Danh (em trai Trần Phú) gửi Staline,
phê phán Hồ Chí Minh đang đi theo con đường của chủ nghĩa dân tộc tư
sản, từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin, từ bỏ chủ nghĩa quốc tế vô sản và
học thuyết đấu tranh giai cấp của Mác,...Vì vậy, ban đầu Staline đã
từ chối không nhận tiếp Hồ Chí Minh. Sau nhờ sự kiên trì thuyết phục
của Mao và Chu, Staline đồng ý tiếp, nhưng không công khai, mà tiếp
trong phòng làm việc riêng của mình, với sự có mặt hạn chế của vài
nhân vật lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Chính phủ Liên Xô.
Trong
cuộc tiếp, Staline đã thẳng thắn phê bình Hồ Chí Minh ba điều: vấn
đề tự ý giải tán Đảng, vấn đề thành phần Chính phủ (lắm nhân sĩ, trí
thức, quan lại cũ, ...ý nói không phải chính quyền công nông), việc
không chịu tiến hành cải cách ruộng đất. Sau đó, yêu cầu Hồ Chí Minh
phải viết một bài tự phê bình về các vấn đề trên, để đăng trên tờ
báo của Cục thông tin Quốc tế Cộng sản (Kominform) “Vì một nền hòa bình
lâu dài, vì một nền dân chủ nhân dân”[14] . Còn vấn đề viện trợ cho cuộc
kháng chiến của Việt Nam, Staline phân công cho Trung Quốc đảm
nhiệm, vì ở ngay sát Việt Nam, đồng thời nhắc nhở Việt Nam phải
ra sức học tập kinh nghiệm của Trung Quốc. Rõ ràng là Liên Xô
không muốn công khai dính líu đến vấn đề Việt Nam ở thời điểm nhạy
cảm này.
Dù chỉ được đón tiếp lạnh nhạt, chuyến đi của Hồ Chí Minh đến Liên
Xô đã giúp Việt Nam thoát ra khỏi thế cô lập, tái hòa nhập với phong
trào CSQT, mở ra hậu phương lớn, nhờ đó đưa cuộc kháng chiến của ta
đi đến thắng lợi ở Điện Biên Phủ. Nhưng cũng từ đây sẽ phát sinh
những hệ lụy phức tạp mà Hồ Chí Minh phải gánh chịu về sau này. Sự
viện trợ về quân sự và kinh tế đi liền với những áp đặt về quan điểm
chính trị, về cơ chế, tổ chức,…theo mô hình của Trung Quốc. Từ đây,
Hồ Chí Minh rất khó có thể giữ được hoàn toàn độc lập, tự chủ như ở
giai đoạn trước.
Mặc dù có sự thúc ép rất mạnh của
Trung Quốc, Hồ Chí Minh vẫn nấn ná, trì hoãn trong thực hiện các chỉ
thị của Staline. Phải sang đầu năm 1951, ông mới tiến hành Đại hội
toàn quốc lần thứ II, đưa Đảng CS ra công khai, nhưng đổi tên thành
Đảng Lao Động Việt Nam; năm 1953 mới phát động quần chúng thực hiện
giảm tô, năm 1954 mới thí điểm cải cách ruộng đất ở một vài vùng
trung du; sau hòa bình 1955-56 mới triển khai rộng rãi trên toàn
miền Bắc. Đặc biệt, họ đòi ta phải cải tổ quân đội, đặt ra hệ thống
chính ủy, ép ta phải thay thế những tướng tá, cán bộ chỉ huy các cấp
có nguồn gốc xuất thân trí thức, tiểu tư sản bằng những cán bộ gốc
gác công nông! (thực ra là muốn tạo ra một đội ngũ tướng tá mới để
dễ bề thao túng hơn). Vị tướng phụ trách Tổng cục cán bộ đã trình
lên Hồ Chí Minh một danh sách hàng trăm người phải thay thế, trong
đó có cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp! Song Cụ Hồ đã kiên quyết phản
đối: “Gạt ra một lúc từng này người, lấy ai mà chỉ huy? Phải đốt
ngay danh sách đó đi!”.
Nhưng rồi có điều Cụ cũng phải nhượng bộ, chấp nhận đề bạt thêm một
đại tướng xuất thân công nông, phụ trách chính trị để cân bằng với
Võ Nguyên Giáp! (mà theo lý thuyết của Mao thì chính trị vẫn cao hơn
quân sự).
Dưới sức ép của các cố vấn Trung Quốc, hàng loạt sai lầm tả khuynh
đã diễn ra sau đó, đau đớn nhất là sai lầm trong cải cách ruộng đất;
là không khí đấu tố căng thẳng trong chỉnh huấn, chỉnh quân, có
người đã phát điên, có người phải tự vẫn! Nhiều văn nghệ sĩ, trí
thức, xuất thân gia đình lớp trên, lo sợ, đã từ bỏ kháng chiến về
thành. Sau Hiệp định Giơ-ne 1954, hàng chục vạn đồng bào đã bỏ quê
hương di cư vào Nam. Cụ Hồ rất đau đớn trước nhưng tổn thất đó,
Người đã phải khóc, nhận lỗi trước Quốc hội và thực tâm Cụ muốn điều
chỉnh lại chính sách. Nhưng phía Trung Quốc đã có phản ứng tiêu cực.
Chu Ân Lai từng phát biểu thẳng với ta (đại ý): Thắng lợi trong
cải cách là cơ bản, còn oan sai-dù có lên tới ngàn vụ- nếu so với
cải cách ruộng đất ở Trung Quốc liệu có thấm thá gì mà phải làm ầm ỹ
đến như thế! Lưu Thiếu Kỳ thì đã phát biểu trong Hội nghị TƯ
Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 25-03-1963 rằng: “Hồ
Chí Minh xưa nay vẫn là tay hữu khuynh…Sau chiến cuộc 1954, ông ta
vẫn còn chần chừ, không dứt khoát chọn chế độ tư bản hay xã hội chủ
nghĩa. Chính chúng ta (tức ĐCS Trung Quốc) đã phải quyết định cho
ông ta”[15]!.
Một dân tộc nhược tiểu muốn đánh thắng một đế quốc hùng mạnh, không
thể không tranh thủ liên minh, liên kết quốc tế, lợi dụng sức mạnh
thời đại để chiến thắng kẻ thù, theo sách lược phù hợp với từng giai
đoạn cụ thể. Mặc dù đã rất khôn khéo điều chỉnh và chấp nhận thỏa
hiệp nhất định với thực tế cay nghiệt của hoàn cảnh nhằm đạt được
mục tiêu cao cả nhất là độc lập, thống nhất cho dân tộc, song
Hồ Chí Minh đã không thể dự kiến hết được mọi diễn biến phức tạp về
sau, nên đã phải gánh chịu những điều tiếng nặng nề, nhất là về sau
này, khi “người đồng chí quốc tế vô sản” đã hiện nguyên hình là “kẻ
thù xâm lược bành trướng Đại Hán”!
Nhưng không thể vì những éo le đó của
lịch sử, mà đi đến quy kết những nhân nhượng của Cụ Hồ khi phải ký
Hiệp định sơ bộ 6-3
là hữu khuynh; không thể coi việc từng bước phải chấp nhận
những áp đặt đường lối của Mao sau 1950, là đã rơi vào “tả”
khuynh; cũng như không thể cho là đã mắc sai lầm khi phải
chấp nhận ký vào bản Hiệp định Genève 1954 mà kết quả của nó
không phản ánh đúng tương quan lực lượng trên chiến trường, ...Đơn
giản vì xưa nay một nước nhỏ, trong thế phụ thuộc vào những nước
lớn, khó có thể tự quyết định được số phận của mình. Đó là những
ràng buộc khắc nghiệt của hoàn cảnh mà Hồ Chí Minh và Đảng CS Việt
Nam đã không thể vượt qua. Chân lý “không gì quý hơn độc lập, tự
do” được Cụ đúc kết từ những trải nghiệm qua nhiều mối quan hệ,
trong đó có cả quan hệ với ông bạn “vàng” từng được coi “vừa là đồng
chí, vừa là anh em”. Cảm quan về nỗi “cay đắng” này từ sớm đã được
Cụ viết ra thành thơ:
Trên đời ngàn vạn điều cay đắng,
Cay đắng chi bằng mất tự do.
Mỗi việc, mỗi lời không tự chủ,
Để người ta dắt tựa trâu bò.
(“Nhật ký trong tù”)
Cay đắng chi bằng mất tự do.
Mỗi việc, mỗi lời không tự chủ,
Để người ta dắt tựa trâu bò.
(“Nhật ký trong tù”)
4. Vai trò và trách nhiệm của Hồ Chí
Minh giai đoạn sau 1954.
Chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu được coi là một trong
những sự kiện lớn nhất của thế kỷ XX, nó đã đào mồ chôn chủ nghĩa
thực dân Pháp đồng thời mở đầu cho sự sụp đổ không gì cứu vãn nổi
của hệ thống thuộc địa trên phạm vi toàn thế giới, làm cho tên tuổi
Việt Nam –Hồ Chí Minh được cả loài người biết đến và hết lòng khâm
phục. Nhân loại đã nhất trí suy tôn Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải
phóng dân tộc, nhà yêu nước vĩ đại của Việt Nam , đồng thời là chiến
sĩ tiên phong của phong trào giải phóng các dân tộc thuộc địa”!
Có lẽ, đây là sự vinh danh cao cả nhất, đúng đắn nhất, xứng đáng
nhất với Hồ Chí Minh – một người đã nửa thế kỷ không ngừng đấu tranh
cho độc lập của dân tộc mình và cho sự nghiệp giải phóng các dân tộc
bị áp bức. Một cuộc đời như thế, tuy chưa thật trọn vẹn, nhưng có
thể nói là đã hoàn toàn xứng đáng đứng vào hàng các vĩ nhân của nhân
loại trong thế kỷ XX.
Nhưng khi đất nước chuyển sang thời kỳ hòa bình, xây dựng, thực hiện
thống nhất nước nhà, vai trò của Hồ Chí Minh như thế nào, Cụ có
những nhược điểm, hạn chế gì không?
Như một tấm huân chương có mặt phải, mặt trái; con người cũng có mặt
ưu, mặt nhược, mà như người ta thường nói: có khi nhược điểm lại là
cái bóng nối dài của ưu điểm. Vĩ nhân cũng chỉ là một con người, mà
con người nào chẳng bị giới hạn bởi đời sống trần thế. Hồ Chí Minh
là một nhân vật lịch sử nên cũng chịu sự ràng buộc của điều kiện
lịch sử. Ông là người Việt Nam nên cũng chung đúc cả tinh hoa lẫn
nhược điểm của dân tộc Việt Nam. Từ buổi đầu dựng nước, dân tộc ta
đã phải liên tục đứng lên chống giặc ngoại xâm, những nhân vật được
nhân dân phong “thánh”, từ Thánh Gióng, Đức thánh Trần, đến Hồ Chí
Minh,...đều là những anh hùng chống ngoại xâm. Trí tuệ dân tộc dồn
tất cả cho sự nghiệp giữ nước, nên thành tựu
dựng nước không mấy dồi dào, lịch sử nước ta thiếu những nhân
vật “kinh bang, tế thế” lỗi lạc, mở ra cho dân tộc những thời
kỳ phát triển rực rỡ về kinh tế, văn hóa, tư tưởng,... Do bị ngoại
thuộc sớm ngay khi vừa lập quốc, trong hàng ngàn năm Bắc thuộc, ta
chưa kịp sáng tạo ra chữ viết riêng, nên cũng không có triết học
riêng, tôn giáo riêng,… nói chung là đều du nhập,vay mượn từ nước
ngoài, mà ta cũng không tiếp thu cái gì cho thật hoàn chỉnh, sâu
sắc, hệ thống để từ đó vượt lên, sáng tạo ra cái riêng, với tư cách
là sản phẩm của Việt Nam.
Vì vậy, các nhà nghiên cứu suy tôn Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng, nhà
lý luận, hay nhà văn hóa,...kèm theo những tính từ rất cao, cũng chỉ
là một cách bồi dưỡng niềm tự hào cho nhân dân mình, còn Hồ Chí Minh
– với bản chất khiêm nhường - ngay từ lúc còn sống, Cụ đã khước từ
mọi danh hiệu người đời gán cho. Ví như Cụ từng nói: Nhà
thơ gì tôi? Trong tù, đi ngang được ba bước, đi dọc được sáu bước,
không biết làm gì thì làm thơ, thế thôi! Tôi chỉ là người có chút
duyên nợ với báo chí, gọi tôi là nhà cách mạng chuyên nghiệp là đúng
nhất.
Để góp phần đánh giá khách quan về Hồ Chí Minh ở thời kỳ sau
hòa bình, ta hãy thử xét qua một vài phương diện cơ bản:
A. Về xử lý mối quan hệ giữa đức trị
và pháp trị:
Hồ Chí Minh vốn là một môn đệ của Nho giáo, nên rất coi trọng đức
trị, lấy đức làm gốc; bản thân suốt đời nêu gương cần, kiệm, liêm,
chính, chí công, vô tư,...Trong kháng chiến, Cụ chưa có điều kiện
chăm lo đến xây dựng nền pháp trị. Dù đã từng lập ra Bộ Tư pháp ngay
từ năm 1945, song chịu sức ép của quan điểm mao-ít, lại giải thể nó
đi trong hơn 10 năm, nên đến lúc qua đời năm 1969, Cụ Hồ cũng
chỉ mới thông qua được có 16 đạo luật, còn lại, toàn là sắc lệnh.
Song không phải Cụ coi nhẹ vai trò
của pháp luật, khi cần nghiêm khắc, Cụ vẫn rất nghiêm khắc để giữ
vững kỷ cương, phép nước, như đã từng ký lệnh xử tử hai cán bộ cao
cấp (Đại tá Trần Dụ Châu và Thứ trưởng Trương Việt Hùng), điều mà
những người kế tục ông sau này chưa ai theo được tấm gương ấy - mặc
dù mức độ tham nhũng và sa đọa của những kẻ phạm pháp hiện nay còn
lớn gấp trăm nghìn lần hơn so với hai nhân vật được nhắc đến ở trên.
Không hình thành được ý thức và tập
quán “sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” trong cán
bộ và nhân dân, có nguyên nhân sâu xa từ trong truyền thống “phép
vua thua lệ làng” của xã hội phong kiến-tiểu nông ngày xưa (có
lúc còn được ta đề cao như là biểu hiện của tinh thần phản kháng).
Dù sao Cụ Hồ cũng phải chia sẻ một phần trách nhiệm trong vấn đề
này, vì chưa nhận thức được nhược điểm cố hữu của dân tộc, để sớm
xử lý đúng đắn mối quan hệ tương hỗ giữa pháp trị với đức trị.
Người ta thường nói: pháp luật là đạo đức tối thiểu, đạo đức là pháp
luật tối đa. Trong môi trường làng xã nhỏ hẹp ngày xưa, các gia
đình, dòng họ sống với nhau nhiều đời, hiểu biết về nhau rất kỹ, chỉ
làm một việc xấu, dù nhỏ, cũng lan đi rất nhanh, cả làng đều biết.
Sống ở làng, dư luận có vai trò điều tiết đạo đức rất lớn,
nên ai cũng phải giữ gìn. Nhưng đi vào xã hội đô thị hiện đại, chỉ
riêng đạo đức thôi không đủ, phải tăng cường vai trò của pháp luật,
phải luật hóa những chuẩn mực đạo đức tối thiểu, buộc ai cũng
phải tuân theo, để từ cưỡng chế trở thành thói quen tự giác của toàn
xã hội.
Đạo đức cách mạng không phải là những
chuẩn mực bình thường, mà là những yêu cầu đạo đức rất cao, không
thể đạt được chỉ bằng kêu gọi và nêu gương, mà phải được quán triệt
vào trong cơ cấu, thể chế, tổ chức, biến nó thành pháp luật,...buộc
ai cũng phải thực hiện, nếu không muốn bị pháp luật trừng trị hay
đào thải. Do những chuẩn mực đạo đức không sớm được thể chế hóa
thành luật, nên bản thân tấm gương đạo đức của Cụ Hồ cao đẹp, hấp
dẫn đến như thế mà vẫn không đủ sức ảnh hưởng, thấm sâu vào ngay các
đồng chí, học trò gần gũi chung quanh mình, thì làm sao ảnh hưởng
tới được đông đảo cán bộ và nhân dân bên dưới?
Ở phương Tây, người ta đâu có rao giảng nhiều về đạo đức, kể cả Mác,
nhưng họ lại rất coi trọng xây dựng thể chế, tổ chức, pháp luật,
khép con người vào quy củ, dùng cưỡng chế của pháp luật, biến đạo
đức thành tập quán, thành nếp sống tự nhiên của toàn xã hội. Ai làm
trái đều bị công luận lên án, pháp luật xử trí, từ đó mà dẫn đến sự
hình thành văn hóa tự xử: Quan chức có sai lầm thì lập
tức tự nguyện xin từ chức, thậm chí có người còn đi đến tự vẫn (do
xấu hổ, không chịu nổi áp lực phê phán của xã hội). Một xã hội hình
thành được những thể chế và tập quán như thế sẽ “làm cho những lời
kêu gọi về đạo đức trở nên thừa”.
Ở ta hiện nay, tuy văn bản pháp luật không thiếu, nhưng đang bị vô
hiệu hóa, người ta xét xử không nhân danh Công Lý, mà nhân danh Nhà
nước, nên xét xử như thế nào đều ở trong sự dàn xếp giữa các “nhóm
quyền lực”, Thần công lý chỉ còn là một anh hề, vì vậy chưa thể nói
đến bao giờ ta mới có văn hóa tự xử!
Các quan chức tham nhũng, tha hóa, đồi trụy vẫn cứ nhơn nhơn, đâu
biết xấu hổ là gì mà phải tự vẫn! Trong bối cảnh ấy mà cứ kêu gọi
“đẩy mạnh học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” một cách
hình thức và nhàm chán, một khi “trái núi chỉ đẻ ra những con chuột”
tham nhũng thì dễ biến thành một trò hề, hơn nữa còn là một sự nhạo
báng đối với Cụ.
B. Về đường lối xây dựng chủ nghĩa xã
hội ở miền Bắc:
Vào những năm 60 thế kỷ trước, tâm trí Cụ Hồ có phần dành nhiều hơn
cho miền Nam và sự nghiệp thống nhất đất nước, song đây vốn là một
trong hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng cả nước; có lẽ do thiếu
cả lý luận lẫn thực tiễn, Đại hội III (1960) của Đảng vẫn chưa thể
vạch ra được một chiến lược rõ ràng và đầy đủ cho một “tổng lộ
tuyến” đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam .
Xây dựng chủ nghĩa xã hội có nội dung
quan trọng hàng đầu là
kinh tế, đây lại là mặt yếu của nhà chính trị Hồ Chí Minh.
Theo đuổi mục tiêu cứu nước, Cụ Hồ chưa có điều kiện đi sâu tìm hiểu
các học thuyết kinh tế của A. Smith, D. Ricardo, kể cả Tư bản
luận của Marx, chưa nói gì đến các học thuyết kinh tế hiện đại.
Nho giáo xưa vốn rất ít bàn về sản xuất và kinh tế. Vì vậy, chưa thể
nói đến tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh một cách đầy đủ và
hệ thống, bản thân Cụ cũng chưa từng một lần nhắc đến khái niệm
kinh tế thị trường.
Hồ Chí Minh sống đến 1969, khi đó
Quốc tế xã hội chủ nghĩa, sau chiến tranh, đã phục hồi và phát
triển, tới Đại hội thứ 23, đã có 170 tổ chức thành viên từ 126 nước
tới dự, trong đó có 29 đảng đang cầm quyền, 23 đảng tham gia liên
minh cầm quyền. Chủ nghĩa xã hội dân chủ kiểu Bắc Âu ngay từ
sinh thời Cụ đã có những thành tựu được cả thế giới biết đến. Hồ Chí
Minh do bị chi phối bởi tư tưởng đối đầu thời kỳ chiến tranh
lạnh, chưa có điều kiện tìm hiểu, nên chưa biết đến những thành tựu
này của chủ nghĩa xã hội dân chủ.
Tuy sinh thời, Hồ Chí Minh từng nói:
Việt Nam chúng ta không giống với Liên Xô và Trung Quốc, ta cần
thiết phải tìm ra con đường khác để đi lên chủ nghĩa xã hội. Song
đây chỉ có ý nhấn mạnh là phải biết xuất phát từ đặc điểm riêng của
mỗi nước, chưa phải do đã nhận thức được những nhược điểm, sai lầm,
khuyết tật trong mô hình chủ nghĩa xã hội cực quyền của Staline -
cái mà ngày nay chúng ta gọi là “những lỗi của hệ thống”! Vì vậy,
trong các phát biểu, cả trong
Di chúc, chưa thấy Cụ Hồ có cảnh báo nào phải đề phòng,
để tránh không mắc vào những khuyết tật ấy. (Di chúc
có nói đến “phải chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo
ra những cái mới mẻ, tốt tươi”, nhưng chưa đề cập tới hai chữ
“đổi mới” với hàm nghĩa như là phải cải tổ).
C. Nhận thức về vai trò và sức mạnh
của khoa học và công nghệ:
Nếu so sánh có thể thấy: sinh thời Marx còn chưa biết đến đèn điện,
thời Engels chưa có máy bay, thời Lênin đã có điện ảnh, vô tuyến
điện, nhưng chưa có vô tuyến truyền hình,... sinh thời Hồ Chí Minh
đã được chứng kiến những thành tựu khoa học-công nghệ làm thay
đổi thời đại: sức mạnh năng lượng nguyên tử, máy điện toán, công
nghệ thông tin, công nghệ biến đổi gien, con người đã bay vào vũ
trụ,... Tuy nhiên, Hồ Chí Minh còn ít nói về vai trò và sức mạnh
của khoa học-công nghệ, có nói, nhưng chưa đủ, chưa đến độ, nhất
là chưa ráo riết trong tổ chức, đào tạo, nghiên cứu, vận
dụng, phát triển khoa học-công nghệ , để nhanh chóng đưa nước ta
thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu.
Có thể đổ tại hoàn cảnh chiến tranh, đất nước bị chia cắt,...nhưng
nếu so với Bắc Triều Tiên cùng hoàn cảnh như ta, mà từ lâu họ đã chế
tạo được vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo, đã có nền công nghiệp
quốc phòng hiện đại, khiến cho các cường quốc láng giềng phải vì nể.
Trong khi đó, đến nay ta vẫn chưa có một nền công nghiệp cơ khí chế
tạo đủ sức tự sản xuất hoàn chỉnh một chiếc ôtô, một cái máy chuyên
dùng cho công nghiệp hay nông nghiệp,… thế mà cứ “hồn nhiên, vô tư”
nói rằng đến năm 2020 (tức là chỉ 5 năm nữa) nước ta sẽ trở thành
một nước công nghiệp theo hướng hiện đại!
Hiện nay, ta đã có hai viện hàn lâm khoa học nhưng lại không có
những “viện sĩ” đúng nghĩa; có nhiều giáo sư, tiến sĩ nhưng lại
không có phát minh, sáng chế được quốc tế biết đến và công
nhận,...Đó không phải là lỗi của cá nhân mà thuộc lỗi của đường lối,
của tầm nhìn lãnh đạo, chưa vạch ra được một chiến lược quốc gia về
phát triển khoa học-công nghệ với những định hướng mục tiêu cơ
bản cần đạt trong các kế hoạch trung hạn và dài hạn.
Con người Việt Nam vốn thông minh, năng động, khéo tay nhưng cũng
mang những hạn chế của một cư dân nông nghiệp sản xuất nhỏ (giỏi bắt
chước nhưng kém độc lập, sáng tạo) lại cộng thêm di chứng của Nho
giáo, trọng danh hơn trọng thực, nên mới có tình trạng thừa thầy mà
thiếu thợ, thừa quan chức mà thiếu chuyên gia, như Cụ Hồ nói: thừa
người đi tuyên truyền mà thiếu người giỏi quản trị hành chính; sính
làm thơ, sáng tác “văn chương” hơn là say mê, tìm tòi, phát minh
khoa học-kỹ thuật,...(Vì vậy, đã có người phải loa lên rằng “Toàn
dân yêu thơ, sơn hà nguy biến!). Trong hoàn cảnh đó, những anh
“Hai Lúa” chế ra được máy bay trực thăng, tàu ngầm mini, cải tiến xe
bọc thép,…đáng phong anh hùng lao động sáng tạo, lại không được Nhà
nước tuyên truyền, đề cao, nên ta mới chỉ có loại anh hùng “sao văn
tế”!
Khoa học-công nghệ của ta muốn phát triển, giáo dục-đào tạo phải
khắc phục được những nhược điểm cố hữu nói trên của con người Việt
Nam, nhất là Nhà nước phải tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế,
chính sách đang là rào cản sự phát triển của khoa học-công nghệ
hiện nay:
- một là, lựa chọn, cắt cử người
lãnh đạo khoa học-công nghệ phải là những nhà khoa học tâm huyết, có
thực tài, có khát vọng sáng tạo, tìm tòi cái mới và truyền được khát
vọng đó cho đồng nghiệp và học trò (như thế hệ các giáo sư Trần
Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu,... thời Cụ Hồ ngày xưa). Muốn thế, phải
biết quý, biết trọng những người có bộ óc lỗi lạc, có tầm vóc khoa
học, chứ không phải coi họ như những “sai nha” quen xun xoe, nịnh
hót quanh mình.
- hai là, phải hình thành đồng bộ
một đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành có trí tuệ, có sức sáng tạo
mạnh, có công trình nghiên cứu được thế giới biết đến, có quan hệ
rộng rãi với các nhà khoa học nước ngoài, có khả năng đào tạo được
các nhà khoa học trẻ, đảm bảo tính kế thừa và phát triển tiếp nối ở
mỗi chuyên ngành nghiên cứu. Đáng tiếc, ở ta hiện nay đang có sự
đứt gãy, hụt hẫng giữa các thế hệ, lớp sau không kế thừa được lớp
trước.
- ba là, phải làm trong sạch môi
trường học thuật đang bị ô nhiễm nặng: các chuẩn mực khoa học
không được triệt để tôn trọng; nạn “học giả, bằng thật”, nạn mua
bằng, bán điểm; nạn lũng đoạn, tham nhũng đáng xấu hổ trong
việc giành giật các chương trình, đề tài nghiên cứu, …Muốn thế, phải
trả lương cho các nhà khoa học đủ sống để họ có thể theo đuổi lý
tưởng sáng tạo khoa học, biết đứng cao hơn mọi cám dỗ vật chất, danh
vị, tiền tài; phải tiến tới xóa bỏ “nền khoa học bao cấp”, bỏ “cơ
chế xin cho” trong nghiên cứu khoa học!
Không coi trọng chỉ đạo và đầu tư
tương xứng cho khoa học-công nghệ, tức là không quán triệt trong
thực tế quan điểm coi cách mạng khoa học-công nghệ là then chốt,
đó là lỗi của Đảng và Nhà nước, trong đó có phần nào trách nhiệm của
người đặt nền móng, là Cụ Hồ.
*
Lịch sử dân tộc ta đã ghi lại không ít tên tuổi sáng chói của những
anh hùng cứu nước, chống ngoại xâm, như hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô
Quyền, Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang
Trung,…GS Hoàng Xuân Hãn, trong một thư gửi Đại tướng Võ Nguyên
Giáp, có đoạn viết: tuy nước ta có nhiều cuộc chiến thắng ngoại
xâm, nhưng “chỉ có hai cuộc giải phóng mà thôi: thời
1416-1427 với Lê Lợi cùng Nguyễn Trãi và thời 1945-1975 với Bác Hồ
cùng các Anh”
[16] . Ý GS Hãn muốn nói: cần phân
biệt giữa
chiến thắng chống ngoại xâm với sự nghiệp đấu tranh
giải phóng đất nước, một bên có sẵn một hệ thống nhà nước với
quân đội hùng hậu được trang bị và tổ chức chặt chẽ, được nhân dân
cả nước sẵn sàng góp người, góp của để bảo vệ Tổ quốc; với bên kia
là cuộc đấu tranh giải phóng đất nước (đang bị ngoại bang thống trị
với hệ thống cảnh sát, máy chém, nhà tù), phải khởi sự từ hai bàn
tay trắng, phải bí mật nhen nhóm, thức tỉnh lòng yêu nước và căm thù
của nhân dân, phải rất giỏi tổ chức quần chúng, từ nhen từng đốm lửa
nhỏ đến đốt cháy cả đồng cỏ rộng…Muốn thế, người lãnh tụ phải
có đạo đức rất cao mới hấp dẫn được quần chúng đi theo mình; lại
phải rất trí tuệ, rất tài năng trong phân tích tình hình, khéo liên
minh, liên kết, biết thêm bạn, bớt thù, giỏi nắm bắt thời cơ, chớp
thời cơ để giành lấy thắng lợi cuối cùng.
Nếu kể từ ngày Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, đến 1941
trở về gây dựng và làm cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, rồi
lãnh đạo cuộc kháng chiến 9 năm, kết thúc vẻ vang với Chiến thắng
lịch sử Điện Biên Phủ 1954, là gần trọn 45 năm! Đó là một sự nghiệp
vô cùng gian nan, cực khổ nhưng cũng vô cùng vinh quang.Vào nửa đầu
thế kỷ XX, ở Việt Nam không một nhân vật lịch sử nào có thể so sánh
với tầm vóc của Cụ được!
Lịch sử rất công minh trong phán xét ai là kẻ có tội, ai là người có
công. Chúng ta vững tin rằng năm tháng qua đi, hận thù được xóa bỏ,
dân tộc hòa hợp lại, lịch sử sẽ đánh giá đúng công lao, sự nghiệp
của Hồ Chí Minh: “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà yêu nước
vĩ đại, chiến sĩ tiên phong của phong trào giải phóng các dân tộc
thuộc địa trong thế kỷ XX”./.
Tháng 5-2015
LKS
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét