Blog / Phạm Chí Dũng / Ngày 17 / 11 / 2015
82 nhân sự ‘luân chuyển’, án kinh tế và Hội nghị 13
Có thông tin cho biết Hội nghị 13 “quyết định nhân sự” của Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam có thể sẽ diễn ra vào nửa đầu tháng 12/2015.
Nếu tin tức trên là chính xác, 2015 là năm “lạm phát” hội nghị Trung ương - có đến 4 kỳ họp 10, 11, 12 và 13, so với chỉ một kỳ được Bộ Chính trị tổ chức vào năm 2014.
Sau khi Hội nghị Trung ương 12 kết thúc “bất phân thắng bại” vào nửa đầu tháng 10/2015, Hội nghị 13 có ý nghĩa “quyết định” - nếu quả đúng nó phải là như thế - đối với vô số ý tưởng và mưu đồ sắp xếp, khuynh loát lẫn thâu tóm bàn cờ chính trị quốc gia.
Thời gian để “lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng lần thứ 12” chỉ còn rất ngắn, nếu cuộc hội tụ “giới tinh hoa trong đảng” này diễn ra theo dự kiến vào tháng Giêng năm 2016. Hoặc cho dù Đại hội 12 được tổ chức ngay sau Tết Nguyên đán 2016, không khí cuộc đua vẫn được kích động lên mức cao nhất để không một tay đua nào không bị ám ảnh bởi nỗi bất an thường trực “chiến thắng hay là chết”.
Còn ngay trước Hội nghị Trung ương 13 lại là một lẽ sống còn: trước khi thở phào để tơ tưởng đến vai vế tổng bí thư, người ta cần không bị Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Cchính trị gạt khỏi danh sách đề cử “tứ trụ” do dính dáng đến “tiêu chí đặc biệt”.
Vậy “tiêu chí đặc biệt” có thể là gì?
Án kinh tế
Từ giữa tháng 11/2015, trên mạng xã hội bắt đầu xuất hiện những bài viết về thảm kịch ngân hàng và nội bộ giới lãnh đạo Việt Nam. Những tựa đề như “Em vợ thủ tướng” và “Ai bảo kê cho ông Trầm Bê” của tác giả bằng xương bằng thịt đã trở nên trực diện và đối đầu hơn rất nhiều so với vài bài báo mang tính ẩn dụ kín đáo cùng người viết nặc danh trước đây.
Khá đồng pha, trên mặt báo chí nhà nước cũng hiện ra một số bài viết phê phán, chỉ trích công cuộc “tái cơ cấu ngân hàng” cùng thảm trạng nợ xấu, tuy với liều lượng “nhân đạo” hơn.
Nhưng một chiều kích cần được đặc biệt chú ý và phân tích là khác hẳn chiến dịch “đánh” vào những địa phận được coi là “sân sau” của vài ủy viên Bộ Chính trị trong hai năm 2013 và 2014, khoảng thời gian cuối 2015 lại chứng kiến dòng thủy lưu chảy ngược: không còn là câu chuyện về “doanh nhân thành đạt” Hà Văn Thắm của Ngân hàng Ocean được cho là người của “khối đảng”, mà mũi giáo dường như đang muốn chọc thẳng vào tổng hành dinh của phe chính phủ.
Chi tiết không khó để nhận ra là trong khoảng 3 tháng qua, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình hầu như “mất tích”, trái ngược hình ảnh xuất hiện thường xuyên trước đó. Thay cho ông Bình, người ta thấy vài phó thống đốc khác hiện diện trước công luận và báo chí.
Một thông tin cũng đang rộng dần trên mạng xã hội và cả trên báo chí nhà nước là chiến dịch Ngân hàng nhà nước mua lại 3 ngân hàng thương mại là Xây Dựng, Đại Dương và GP với giá 0 đồng đang bị nghi ngờ có mối khuất tất nào đó. Một lần nữa, xuất hiện một luồng dư luận đặt lại câu hỏi về mối quan hệ mờ ám giữa hai ngân hàng Sacombank và Phương Nam, cùng vai trò của đại gia Trầm Bê.
Gần đây, có đồn đoán rằng ông Nguyễn Văn Bình đang bị điều tra, liên quan đến những vụ việc ở các ngân hàng GP và Phương Nam. Cũng có thông tin cho biết sắp tới, ông Bình có thể “nghỉ”, mà như vậy là còn may cho ông ta.
Trong thời gian chấp nhiệm từ tháng 8/2011 đến gần đây, Nguyễn Văn Bình được một số dư luận xem là “cánh tay mặt” của giới lãnh đạo chính phủ. Ông Bình cũng được một số dư luận cho là có mối liên đới và chi phối mật thiết với các nhóm lợi ích vàng, ngân hàng và ngoại tệ. Có người nói “cứ mổ Nguyễn Văn Bình và giới ngân hàng là ra hết”.
Liên quan đến một ngân hàng lớn của nhà nước là Agribank, một bài viết trên mạng xã hội còn đề cập đến “em vợ thủ tướng” - chỉ đích danh một thiếu tướng an ninh thuộc Bộ công an…
Khác với giới chức đảng mà cách nào đó bị xem là “tháp ngà” và không có nhiều cơ hội để “hành là chính”, những người bên chính phủ đã có một khoảng thời gian hành sự đủ lâu để khiến ngân khố quốc gia gần như cạn kiệt, nhưng cũng vì thế đã lộ ra quá nhiều “gót chân Asin”.
82 nhân sự ‘luân chuyển’ và ‘thế nước đang lên’
Càng gần Hội nghị 13, chiến dịch “luân chuyển cán bộ” càng phả hơi thở buốt gáy nhiều quan chức. Vào dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay, trên một số tờ báo nhà nước bất chợt xuất hiện một bài viết rất dài với nhan đề “Công tác nhân sự cho Đại hội 12 được chuẩn bị kỹ” của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa.
Có lẽ đã khá lâu rồi, ông Rứa mới xuất hiện với một bài viết nửa chuyên môn nửa kinh viện như thời ông còn giảng bài ở Học viện chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.
Hầu như toàn bộ bài viết đến 8000 từ trên nói về công tác cán bộ. Nhưng có lẽ nội dung “luân chuyển cán bộ’’ mới là phần được nhấn nhá mạnh mẽ nhất. Và trái tim của bài viết được mặc định như một tiết lộ hoàn toàn mới: “thực hiện luân chuyển 54 đồng chí thuộc diện Trung ương quản lý để đào tạo bồi dưỡng thông qua thực tế địa phương và điều động 28 đồng chí đang công tác tại các địa phương về Trung ương để có điều kiện kiện toàn các chức danh chủ chốt gắn với nguồn nhân sự tham gia cấp ủy địa phương khóa mới”.
Có thể nói, đây là lần đầu tiên từ thời điểm sau Tết Nguyên đán 2015 đến nay, ông Rứa - người được xem là “kiến trúc sư” của chiến dịch luân chuyển cán bộ - công bố con số cụ thể về 82 nhân sự cao cấp (54 + 28) được “Trung ương” điều về địa phương và ngược lại.
Hãy nhìn lại một thế cờ khá liều lĩnh nhưng lại chế ngự phần lớn bàn cờ: vào quý đầu năm nay và trước khi diễn ra Hội nghị Trung ương 11, Ban Tổ chức Trung ương đã bất ngờ thực hiện một đợt điều động nhân sự từ các địa phương ra Trung ương và từ Trung ương về địa phương, tổng cộng lên đến gần sáu chục người.
Trước khi diễn ra Hội nghị Trung ương 12 vào tháng 10/2015, lại có thêm một đợt điều động nhân sự hai chiều như thế với con số ước khoảng hai chục người.
Tình hình biến động nhân sự cấp kỳ như vậy đã khiến cán cân lực lượng trở nên cân bằng hơn, khác khá nhiều với thế một chiều đi lên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Trung ương 10 vào đầu năm 2015 - khi chỉ số thăm dò của ông Dũng được xem là cao nhất trong Bộ Chính trị. Trước đó, thậm chí còn có thông tin cho biết Thủ tướng Dũng “nắm” đến gần 70% nhân sự trên tổng số 200 thành viên Ban Chấp hành Trung ương.
Chưa kể đến con số ủy viên Trung ương khoảng 70 người do bên đảng muốn “tăng cường” trong thời gian tới, tình hình nhân sự trong Ban Chấp hành Trung ương hiện thời có vẻ được kiểm soát khá chặt chẽ bởi Ban Tổ chức Trung ương - cũng được hiểu là “cánh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Gần đây, trong bối cảnh ngân khố quốc gia chỉ còn vẻn vẹn 45.000 tỷ đồng mà “không biết phân bổ cho cái gì”, vài chuyên gia phản biện trung thành vẫn nhất mực viết bài ca ngợi: “Thế nước đang lên”.
Làm thế nào để tạo ra một lãnh tụ?
Quay lại bài viết mang tính báo cáo của Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa vào cuối tuần trước. Rất có thể bài viết này không phải ngẫu nhiên mà hiện ra trước Hội nghị Trung ương 13.
Thậm chí, dường như ông Rứa còn khá tự tin trong khẩu khí và văn phong, khi trong bài viết trên xuất hiện một đoạn ví von đầy tính triết lý: “Tagor, một nhà thơ, một triết gia Bà La Môn nổi tiếng của Ấn Độ đã nói: Đào luyện một người đàn ông, chúng ta được một người đàn ông. Đào luyện một phụ nữ, chúng ta được một gia đình. Đào luyện một thầy giáo, chúng ta được một thế hệ. Còn đào luyện một lãnh tụ, chúng ta được một quốc gia phát triển”.
Vậy làm thế nào để một chế độ sầm sập hoàng hôn ở Việt Nam đỉnh cao tham nhũng có thể tạo ra một “lãnh tụ”?
Nhiều khả năng vấn đề “tiêu chí đặc biệt” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, và Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa, được coi là đồng tác giả, sẽ được bủa vây kỹ càng tại Hội nghị 13. Một số trong những nội dung đáng chú ý của “tiêu chí đặc biệt” là nhân sự cấp cao không được để “người thân trục lợi” và không có “vấn đề chính trị hiện nay”.
Nếu “dính” phải những nội dung trên, nhiều khả năng nhân sự cấp cao sẽ không được Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị giới thiệu để trở thành ứng cử viên Tổng Bí thư tại đại hội 12.
Và khi đó là dấu chấm hết. “Chiến thắng hay là chết!”.
Chính trị là như thế.
Để dựng lên một lãnh tụ, người ta phải quét sạch những mầm mống lãnh tụ.
Tôi đọc mãi các bài "đoán già, đoán non", bình luận ,"bình loạn"... của đủ các lề, trong nước có, ngoài nước không ít...về "Nhân sư ĐH 12 đảng CSVN' mà thấy vẫn RỐI MÙ.
Trả lờiXóaHôm vừa rồi có dịp "đàm đạo" cởi mở và "phòng vấn" thẳng thừng" 2 "Chính chị da" có uy tín và am hiểu sâu rộng của Làng ta là cụ Trác Trương và Kyvi. Hai cụ có đưa ra bản "Danh sách ...điệp viên"rất mật...(ong) baot theo các cụ phải như Rưa, Rứa ... mới là "tối iu" (trong cái "tối dở"). Tôi thấy cũng "có .. ní". Nhưng theo tôi Chính trị là THỦ ĐOẠN, kẻ nào Thủ đoạn siêu hơn, tàn bạo hơn sẽ thắng kẻ ngù ngờ lú lẫn.
Hãy đợi đấy. Rất đẽ bị đoán/bói nhầm. Hi Hi. Cụ Trác và cụ Kyvi nhỉ.