Mùa thu năm 1849, trước khi trút
hơi thở cuối cùng người nhạc sĩ ấy đã khẩn cầu: Hãy mang trái tim tôi
trở về với quê hương! Và hãy rải lên nắp áo quan nắm đất của đất nước Ba
Lan mà tôi đã giữ gìn như bảo vật suốt 20 năm trời xa xứ… Đó là ý
nguyện cuối cùng của nhạc sĩ thiên tài Frederic Chopin – người được thế
giới biết đến là nghệ sĩ biểu diễn, nhà soạn nhạc vĩ đại cho đàn piano.
Vì sao quê hương lại trở thành niềm day dứt đến thế trong trái tim nhạc sĩ thiên tài?
Vì sao quê hương lại trở thành nỗi niềm
day dứt khôn nguôi trong trái tim người nghệ sĩ piano lừng danh thế giới
này? Một số nhạc sĩ thiên tài đã từng sống xa quê hương, như Mozart,
Beethoven, Schubert… đều có chung nỗi buồn xa xứ. Song, không một ai
trong số họ, niềm vương vấn với quê mẹ lại sâu nặng như ở Chopin.
Tạm biệt quê nhà năm 20 tuổi, cho đến
cuối cuộc đời, vì nhiều lý do khác nhau, Chopin không có cơ hội một lần
quay trở lại. Ngay cả thân xác ông cũng nằm lại chốn quê người. Phải mấy
chục năm sau, trái tim của người nghệ sĩ mới được yên nghỉ vĩnh hằng
nơi quê hương Ba Lan! Trái tim đó hiện được lưu giữ tại nhà thờ Thánh
Thập Tự tại thủ đô Warsaw.
Từ nhỏ đã được nghe tiếng đàn piano của mẹ
Hầu hết các thiên tài âm nhạc thế giới đều gắn bó và thành danh với cây đàn piano – cây đàn được suy tôn là “ông vua của các loại nhạc cụ“.
Đầu tiên là trình diễn đàn piano, sau đến là sáng tác các nhạc phẩm cho
loại đàn này. Riêng đối với Chopin, từ khi còn là cậu bé lên 2 tuổi, đã
có thể ngồi bên chân mẹ hàng giờ liền để nghe âm thanh thánh thót của
những phím đàn dưới đôi bàn tay người mẹ.
Người mẹ của Chopin tuy không phải là
nghệ sĩ biểu diễn, song không thể không ngồi trước cây đàn piano mỗi
tối, sau khi đã làm xong mọi việc thuộc thiên chức của người mẹ. Bà là
người Ba Lan, xuất thân từ dòng dõi quý tộc, biết chơi đàn, biết hát
những bài dân ca Ba Lan, thích nhảy múa, có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc
đời và sự nghiệp âm nhạc của Chopin.
7 tuổi đã công bố Vũ khúc Ba Lan nổi tiếng toàn thế giới
Khi 6 tuổi, một đêm không ngủ, cậu bé
Chopin đã lén vào phòng của mẹ để đụng tay vào những phím đàn. Lên 7
tuổi, cậu bé đã có thể công bố nhạc khúc đầu tay “Vũ khúc Ba Lan” nổi
tiếng toàn thế giới. 8 tuổi Chopin đã diễn tấu trước công chúng bản
Concerto viết cho piano của Adalbart Gyrowetz và bắt đầu viết được những
bản Polonaises, Mazurka và một bản Waltzes. 15 tuổi nhạc sĩ xuất bản
điệp khúc viết cho Piano (Rondo for Piano)…
Một quê hương tràn đầy âm nhạc….
Chopin may mắn được sinh ra và lớn lên
trên đất nước Ba Lan, quê hương của nhiều thể loại âm nhạc, Opera, nhạc
đường phố, nhạc trong nhà… Đâu đâu cũng có thể thưởng thức những ca khúc
Arian và Roman, các điệu Polonaises và Waltzes. Rất nhiều người biết
chơi piano, violon, anpha…
Nơi đây có nhiều điệu nhảy tưng bừng, mà
mỗi khi bước lên sàn, người đàn ông thì hùng dũng gõ vang gót giày còn
các cô gái thì lướt đi uyển chuyển như gió, như mây. Cậu bé Chopin như
bị thôi miên bởi tất cả những thứ được coi là “vàng ròng” đó. Mới 15
tuổi đầu, Chopin đã đi đến tận các ngang cùng ngõ hẻm của các làng quê
Ba Lan, để đắm mình trong các điệu dân ca, dân vũ.
Cậu bé phát hiện ra rằng, các bản
Mazurka chứa đựng một nỗi buồn mêng mang không thể diễn đạt bằng lời,
nhưng lại được bộc lộ một cách giản dị trong âm điệu của cây đàn. Âm
nhạc dân gian Ba Lan, đặc biệt là âm nhạc của các loại vũ khúc đã làm
rung động tâm hồn non nớt của Chopin, là cội nguồn của những Giai điệu
đẹp như thơ mà ông sáng tác sau này.
Có thể nói, trong cuộc đời lao động nghệ
thuật 52 bản Mazurka do ông sáng tác chính là tình yêu quê hương đất
nước và khát vọng tự do mà nhạc sĩ đã gửi gắm. Những nhạc khúc ấy của
Chopin được công chúng Ba Lan nhìn nhận là một vốn quý của dân tộc.
Cùng với nguồn cảm hứng bất tận là tình
yêu quê hương, tình yêu đôi lứa cũng đem lại cho Chopin những cảm xúc
dạt dào, đưa sự nghiệp âm nhạc của Chopin lên đỉnh cao.
Những người phụ nữ đã bước vào cuộc đời nhạc sĩ thiên tài…
Theo một số nhà nghiên
cứu tiểu sử, Chopin đã từng yêu ba người phụ nữ. Mối tình đầu với
Conxtanxia- một cô gái Ba Lan, có giọng hát hay như chim họa mi, học
chung trường khi Chopin còn ở quê nhà. Cô “đã bước vào cuộc đời anh như người chủ bước vào căn nhà bỏ không để ở lại đó thật lâu dài, vĩnh viễn”.
Song, xung quanh Conxtanxia có rất nhiều
chàng trai quý tộc săn đón, còn Chopin thì e dè, mặc cảm, non nớt nên
đã để mối tình đầu đi qua. Nhưng dư vị ngọt ngào của mối tình đầu đã
khiến trái tim Chopin đóng kín một thời gian dài.
Mùa hè năm 1835, tại Dresden, Chopin đã
gặp gỡ và yêu một cô gái thứ hai cũng người Ba Lan. Đó là Maria, một cô
gái thuộc đẳng cấp thượng lưu, năm ấy 16 tuổi. Do người thân của cô hết
sức bảo thủ trong quan niệm “môn đăng hộ đối” nên dù hai người đã từng
làm lễ đính hôn nhưng rốt cuộc mối tình này cũng kết thúc.
Năm 28 tuổi, trong khi chưa chấm dứt hẳn
quan hệ với Maria nhưng qua sự giới thiệu của bạn bè, Chopin quen biết
với nữ văn sĩ Aurore Dupin, còn gọi là quý bà Dudenvant. Aurore Dupin là
một người rất nổi tiếng ở Paris, hơn Chopin sáu tuổi, có hai con với
người chồng cũ. Cô là tác giả của một số cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất ở
Paris lúc đó, lại là người có nhan sắc, có tài sản, có những quan niệm
mới mẻ về tình yêu và hạnh phúc.
Trong các tiểu thuyết của mình, Dupin cổ
súy cho tư tưởng giải phóng phụ nữ khỏi những định kiến hẹp hòi của xã
hội đương thời. Sau khi ly dị, Dupin đã từng yêu một nhà thơ nổi tiếng,
song vì không chấp nhận làm “nô lệ” cho người đó, nên cuối cùng tình cảm
của họ cũng kết thúc.
Khi được giới thiệu với Chopin, dẫu nghe
người ta đồn rằng anh đã làm lễ đính hôn với Maria, song Aurore Dupin
vẫn quyết tâm chinh phục bằng được người nhạc sĩ cô hằng ngưỡng mộ.
Aurore Dupin cho rằng, mối tình với Chopin là “mối tình cao
thượng, lớn lao, khó hiểu, làm lu mờ tất cả những chuyện đã qua. Và nếu
như chẳng may chết đi trước cuộc gặp gỡ với Chopin thì toàn bộ cuộc đời
sẽ chẳng có giá trị gì...”.
Sau nhiều lần gặp gỡ, Chopin vẫn tỏ ra
hờ hững, vì giữa hai người có quá nhiều khác biệt, vì những lời đồn đại
xung quanh phẩm hạnh và tính cách của Dupin. Chopin cảm thấy Dupin như “con hạc đứng giữa bầy gà, khi nói chuyện thì như mụ phù thủy Delphi trong đền thờ thần Apollo“… Nhưng dần dần, do những nỗ lực từ phía Dupin, định kiến được xóa bỏ.
Trong một lá thư dài gửi Chopin, Aurore Dupin thẳng thắn bày tỏ tình cảm của mình: “Tôi
không muốn giành giật của bất kỳ ai một cái gì hết… Tôi muốn trở thành
một niềm vui hiếm hoi và mãnh liệt, muốn có mặt trong đời anh, dẫu bên
cạnh một phụ nữ khác, muốn làm anh tin rằng, nhiều lúc có thể phân đôi
thân mình khi không thể toàn vẹn được”.
Đã có lần, Dupin phủ phục dưới chân Chopin, năn nỉ: “Nếu không từ bỏ được Maria thì cũng đừng cự tuyệt tôi!”. Cuối cùng thì Chopin đoạn tuyệt hẳn với Maria, chuyển đến sống chung của Dupin và hai đứa con của nàng từ mùa thu năm 1838.
Khi Chopin bị viêm phổi, Dupin theo ông
đi xuống miền Nam nước Pháp để tránh mùa đông giá rét. Suốt sáu tháng
trên đảo Majorka, Dupin không khi nào rời khỏi giường bệnh. Chopin cảm
thấy rất hạnh phúc, như “không phải sống trên mặt đất mà là đang sống trong thế giới thần tiên, có mây mù bao quanh, có mùi thơm ngào ngạt..“.
Những kiệt tác đơm hoa từ những thăng hoa tình yêu …
Chín năm sống trong tình yêu ngọt ngào –
một quãng thời gian không quá ít ỏi trong cuộc đời ngắn ngủi của nhà
nhạc sĩ thiên tài, đã đưa Chopin lên đỉnh cao của thành công. Ông chuyên
tâm vào việc sáng tác, và hầu hết những kiệt tác: “Khúc tự sự số 2,
số 3, số 4″; “Khúc hòa tấu B giáng minor”, “Khúc ảo tưởng F minor”, “Vũ
khúc ảo tưởng Ba Lan”, “Vũ khúc Mazurka” kiệt xuất và một số dạ khúc khác được sáng tác trong thời gian này.
Chopin từng cho rằng, tình yêu như một cái giếng nghệ thuật, khi đào thấy miệng giếng, nguồn cảm hứng sẽ trào dâng.
Nhưng buồn thay, do cá tính của hai
người quá khác biệt, tuy vẫn còn rất yêu, cuối cùng Dupin chia tay với
Chopin khi ông đang ốm thập tử nhất sinh. Sự ra đi của Dupin đã lấy đi
hết cảm hứng, sinh lực, khiến Chopin gần như chấm dứt sự nghiệp sáng
tác. Thế mới biết, “Nữ thần Tình yêu” luôn là chúa tể của tất cả các
thần linh mà giới nghệ sĩ hằng thờ phụng.
Chopin từng buồn bã thú nhận: “Nghệ
thuật của tôi đi về đâu rồi? Lòng dạ của tôi ở đâu? Tôi đã tiêu hao nó
vào đâu rồi? Tôi gần như không còn nhớ được tiếng hát quê hương của mình
ra sao nữa!”.
Cũng may mà trong chín năm sống chung
với Dupin, Chopin đã kịp mang tiết tấu, giai điệu của dân tộc Ba Lan đưa
vào truyền thống âm nhạc châu Âu, sáng tạo ra một thứ âm nhạc Ba Lan
mang ý nghĩa quốc tế, đồng thời nêu lên một mẫu mực cho âm nhạc dân tộc
về sau.
Âm nhạc của Chopin, từ những
nhạc khúc mở đầu, những dạ khúc, những vũ khúc Mazurka, những vũ khúc Ba
Lan, những nhạc khúc ngẫu hứng đều có nội dung vĩ đại, sâu sắc và đẹp
như một bức tranh tình yêu chan hòa ánh nắng…
Đêm 17 tháng mười năm 1848, Chopin qua
đời, đôi bàn tay để trên bụng nắm chặt chiếc cốc bạc đựng nắm đất Ba
Lan. Đó là chiếc cốc bạc tinh xảo do một khán giả Ba Lan trao tặng
Chopin trước khi lên đường sang Paris, với lời nhắn nhủ: “Chopin
thân yêu! Đựng trong chiếc ly này là nắm đất Ba Lan của chúng ta. Nhạc
sĩ sắp đi xa, tôi thay mặt nhân dân Warsaw tặng nhạc sĩ làm chút kỷ
niệm”.
Chopin đón nhận chiếc cốc, áp sát vào nơi trái tim đang đập rộn rã, nước mắt rưng rưng: “Quê hương ơi! Tôi mãi mãi trung thành với người! Tôi sẽ hiến thân cho người! Tôi sẽ mãi mãi dùng tiếng đàn để ca ngợi người!“.
Để vĩnh biệt Chopin, tại Medeleine, dàn
nhạc giao hưởng và đội hợp xướng của Nhạc việc Paris đã trình tấu bản
“Cầu hồn” của Wolfgang Amadeus Mozart!
Sau đây mời độc giả thưởng thức tác phẩm
Fantaisie Impromptu, để cảm nhạc cái đẹp mỹ lệ trong âm nhạc của thiên
tài Frederic Chopin.
Để có thể thưởng thức âm nhạc cổ
điển một cách sống động mỹ mãn nhất, chúng ta nếu không thể ngồi trực
tiếp trong nhà hát lớn một cách trang nghiêm chăm chú, thì với link nhạc
hay đĩa CD như ở đây, độc giả hãy cố tạo cho mình 1 không gian tĩnh
lặng riêng, đeo tai nghe, nhắm khẽ mắt để có thể thưởng thức tương đối
trọn vẹn những kiệt tác này của nhân loại ….
Hà Phương tổng hợp và biên soạn
https://youtu.be/TwU4x6avZTg
Trả lờiXóaÂm nhạc là động lực cho tôi làm việc hăng say mổi ngày
Trả lờiXóa