Friedman: Ông thấy Putin như thế nào?
NTB:
Tôi nghĩ ông ấy là một ví dụ có lẽ cuối cùng của một nền chính trị cũ
và đặc điểm phổ biến của nền chính trị ấy chính là không biết ngượng.
Friedman: Ông có nghĩ là ông ấy có tương lai?
NTB: Nếu mà ông ấy có tương lai thì chúng ta không có, loài người không có.
Friedman: Khi ông ngồi xuống nói chuyện với các nhà lãnh đạo của Việt Nam, ông nói những điều khá thông thái như thế này họ có hiểu không?
NTB:
Có lẽ chúng ta phải cố gắng để hiểu những nhà lãnh đạo của chúng tôi
một cách tử tế. Họ là những người thông thái thật chứ họ không ú ớ. Họ
là hậu duệ của những người đã điều hành một cuộc chiến tranh khủng
khiếp. Để thắng được người Mỹ là việc vô cùng khó.
Friedman:
Ông nói chuyện rất hay và tôi có nhiều câu hỏi. Việt Nam là đất nước
duy nhất trên thế giới này đánh lại Pháp, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản,
ông có thể giải thích cho tôi điều ấy?
NTB:
Người Việt Nam có một năng lực chịu đựng, chịu khổ vượt ra khỏi sự
tưởng tượng của con người. Các ông không tưởng tượng nổi sức chịu đựng
của họ. Chiến tranh giữa chúng ta với nhau đã kết thúc 40 năm rồi, cho
đến bây giờ tôi cũng chưa thấy người Mỹ nào tưởng tưởng được. Tôi là bạn
của tất cả các thế hệ đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, tôi cho rằng người Mỹ
chưa hiểu được sức chịu đựng gian khổ của người Việt Nam. Ví dụ nền
kinh tế từ 7 – 8% xuống còn 5%, có thể xuống còn 2 - 3% thôi thì một số
bộ phận mong manh trong giới trí thức của chúng tôi tưởng rằng thể chế
này sắp sửa sụp đổ, bởi nền kinh tế không tăng trưởng. Đấy là một sự
nhầm lẫn khổng lồ.
Friedman: Sự mạnh mẽ trong lòng nó đến từ đâu?
NTB:
Nó đến từ chỗ người Việt rất dễ cảm thông lẫn nhau về chuyện này. Người
Việt Nam bao giờ khi đối mặt với nhau họ cũng muốn hơn nhau một chút,
vì thế cho nên họ tự làm nở mình trong sự phấn đấu để anh nọ hơn anh
kia.
Friedman: Có
rất nhiều người Việt Nam hỏi tôi và bây giờ tôi sẽ hỏi ông là Việt Nam
sẽ đối phó với Trung Quốc như thế nào nếu Trung Quốc một ngày nào đó
quyết định đưa một cái giàn khoan vào biển Đông?
NTB:
Tôi nghĩ người Trung Quốc nếu có làm việc ấy thì cũng sẽ thất bại.
Người Trung Quốc sẽ lắp được cái giàn khoan ấy, nhưng để khai thác được
dầu thì không. Người Việt Nam sẵn sàng đốt cái đó. Đối mặt với người
Việt Nam về lâu dài là rất khó, bất kỳ ai.
Friedman: Người Trung Quốc có biết được không?
NTB:
Không có một kẻ mạnh nào biết được tất cả mọi thứ về người Việt. Để
biết được người Việt thì phải là kẻ yếu. Người Lào chắc chắn là hiểu
chúng tôi hơn, người Campuchia hiểu chúng tôi sâu sắc hơn người Mỹ và
người Trung Quốc.
Friedman: Tôi
có một câu nói là ở Mỹ những người có quyền thì chẳng bao giờ nghĩ về
nó, còn những người không có quyền thì bao giờ cũng nghĩ về quyền. Điều
gì là quan trọng nhất mà tôi có thể nói với người Mỹ về Việt Nam trong
thời gian tới?
NTB:
Thứ nhất là người Việt Nam rất thích người Mỹ. Tại sao lại thích người
Mỹ? Bởi vì người Việt Nam rất yêu tự do, và người Mỹ là những người tự
do. Do đó về mặt tự nhiên hai người cùng yêu chung một thứ là tự do. Ở
Việt Nam, người đề phòng người Mỹ, phân vân về người Mỹ là chính phủ chứ
không phải người dân. Thế nhưng không phải chỉ có chính phủ của những
người cộng sản mới phân vân về người Mỹ, mọi chính phủ Việt Nam trước
đây và trong tương lai đều phân vân về người Mỹ. Vì phân vân về người Mỹ
như một đối tượng quá mạnh nên họ không thể hiểu được người Mỹ. Những
người cộng sản Việt Nam hiện nay phân vân về người Mỹ không nhiều bằng
ông Thiệu trước đây.
Friedman: Tôi cũng đồng ý về mặt văn hóa thì người Việt Nam cũng có cái giống người Mỹ.
NTB:
Việt Nam có rất nhiều giai đoạn di dân, nhưng không có cuộc di dân nào
mà hứng thú và gian khổ và phải trả giá đắt như người Việt Nam di dân
đến Mỹ. Phải nói là họ di dân một cách cực kỳ thành công, họ hạnh phúc.
Gia đình nhà tôi cũng đóng góp vào khoảng 200-300 người.
Friedman: 10
ngày trước đây tôi đã ở Ukraina. Tôi đi từ một nước trung bình sống bên
cạnh một con gấu, bây giờ tôi đến một nước trung bình sống bên cạnh con
hổ. Cả hai nước đều đang muốn tìm cách đối phó với hai con đấy, con gấu
thì đang yếu đi, còn con hổ thì càng ngày càng mạnh hơn. Tôi cảm nhận
thấy sự song song rất là phù hợp giữa hai nước. Tôi có lẽ là người duy
nhất trên thế giới này đã đến cả Hà Nội và Kiev ở thời điểm này.
NTB:
Tôi xin kể cho ngài nghe một kỷ niệm của tôi. Đại sứ Ukraina cách đây
năm năm ở Việt nam là bạn của tôi. Ông ấy khoe với tôi về cuộc cách mạng
Cam. Tôi có hàng tuần liền để nói chuyện với ông ấy và tôi đả phá mọi
cuộc cách mạng, không chỉ có cách mạng cam. Tôi có một lý thuyết gọi là
lý thuyết phi cách mạng hóa đời sống chính trị. Ông ấy đề nghị tôi đến
Kiev nói chuyện với hội đồng an ninh quốc gia của Ukraina. Ông ấy chuẩn
bị rất cẩn thận, nhưng trong lúc đó thì một cuộc cách mạng khác lại diễn
ra và tôi không đi được. Ông ấy đành phải triệu đài truyền hình Kiev
đến phỏng vấn tôi tại Hà Nội.
Tất
cả các quốc gia thuộc không gian hậu Xô Viết đều trải qua những cuộc
cách mạng như vậy. Không gian hậu Xô Viết là đề tài khoa học chính trị
mà tôi nghiên cứu 20 năm nay. Kết quả của sự quan sát ấy là tôi viết
được một quyển sách có tên là “Cải cách và sự phát triển”, tức là tôi cổ
vũ các cuộc cải cách. Ngay cả cuộc cách mạng Pháp vĩ đại thì cái mà
nước Pháp nhận được là Bonaparte chứ không phải là tự do. Cách mạng
tháng 10 cũng vậy. Có lẽ có một cuộc cách mạng mà người ta không phải
trực tiếp nhận được kết quả quá tiêu cực, đó là cách mạng Mỹ. Tôi đang
phân vân là không biết cái gọi là cách mạng Mỹ nó có chất lượng cách
mạng thật không hay nó là một cuộc cải cách chính trị thông minh. Khi
tôi đọc cuốn sách “nền dân trị Mỹ” của Tocqueville, qua sự mô tả của ông
ấy thì tôi không có cảm giác cách mạng Mỹ là một cuộc cách mạng. Tôi
nghĩ có lẽ không gian quyền lực, không gian chính trị của thế giới càng
ngày nó càng phẳng theo lý thuyết của ông. Tôi chưa hoàn toàn đồng ý với
ông là thế giới phẳng, nhưng tôi đồng ý với ông là không gian chính trị
và thế giới chính trị nó đã phẳng. Tất cả các mẹo mực của các nhà chính
trị mọi nơi đều được học và ứng dụng ngay lập tức. Nói thật với ông, có
lẽ ông gây cho tôi một ấn tượng là ông là một họa sĩ vĩ đại mô tả thế
giới trong giai đoạn toàn cầu hóa hay nhất từ trước đến nay. Nhưng ông
chỉ mới mô tả nó thôi, còn phân tích các yếu tố để tạo ra sự phẳng, và
sự không phẳng tiềm ẩn bên trong của tất cả các yếu tố là công việc tiếp
theo tôi đang làm. Trong buổi trao đổi với tiến sĩ Herry Kissinger vào
năm 1995 ở Washington DC, tôi có nói Kissinger rằng toàn cầu hóa về kinh
tế không phải là một yếu tố nhân tạo mà là một yếu tố tự nhiên, nó tự
nhiên đến. Còn toàn cầu hóa về văn hóa buộc phải có vai trò của tri
thức.
Friedman: Khi
công nương Diana còn sống thì cô ấy đã phàn nàn là trong hôn nhân của
cô ấy có ba người. Ở Ukraina và Việt Nam có những nét tương tự ở chỗ là
khi mà Putin tỉnh dậy thì nhận ra hôn nhân của mình có ba người. Ngày
xưa có Putin và tay sai của ông ta ở Ukraina điều khiển mọi thứ, bỗng
nhiên một hôm có một người thứ ba đến. Đó là những người trẻ bắt đầu
vươn lên, những người có tham vọng muốn làm người của thế giới. Họ dần
dần trở nên một giai cấp mới và họ muốn những trở thành người khác. Họ
không cần Mỹ, họ không cần NATO. Họ muốn tham gia vào cộng đồng châu Âu.
Ở Việt Nam có nhóm nào giống như vậy không, và ông có phải là chủ tịch
của họ không?
NTB:
Phải nói với ông là rất nhiều người mời tôi làm chủ tịch của những nhóm
như vậy nhưng tôi từ chối. Những trí thức Việt Nam thông minh là những
trí thức không tranh dành quần chúng với những người cộng sản cầm quyền.
Tôi không định tranh dành quần chúng của họ. Tất nhiên, tôi không làm
người thứ ba trong câu chuyện hôn nhân này. Tôi nghĩ là tôi có thể trở
thành bố vợ của nhân vật thứ ba. Ở Việt Nam có cả một thế hệ có kinh
nghiệm về chuyện mà ông mô tả trong ví dụ của ông, không phải thế hệ ông
Tuấn và ông Quang mà thế hệ trước nữa, thế hệ tôi. Người Việt Nam khi
lập gia đình vào thế hệ của tôi thường vẽ tình yêu một cách rất đẹp.
Hạnh phúc hay sự tồn tại của hôn nhân được xây dựng trên cơ sở các tiêu
chuẩn có chất lượng vẽ như vậy. Tất cả các cặp vợ chồng chán nhau đến
mức nào đó nhưng không dám nói, bởi vì họ bị ràng buộc bằng những tiêu
chuẩn vẽ. Khi thời cuộc thay đổi, đất nước chúng tôi mở cửa thì bỗng
nhiên những người đàn ông đẹp đẽ theo tiêu chuẩn cũ trở thành những
thằng hèn xuất hiện trước mắt tất cả các cô vợ cùng một lúc. Phải nói
rằng, do hoàn cảnh, do việc phải đối mặt với sự thiếu thốn, họ bắt đầu
thức tỉnh để đòi hỏi. Các trí thức của chúng tôi giải thích là do nhu
cầu về tự do làm cho con người đòi hỏi cái nọ, cái kia, nhưng không phải
như vậy. Thực ra tự do là phương tiện để con người thay đổi số phận của
mình, chứ không phải tự do là cái người ta đòi hỏi để ăn. Và tự do mà
người ta đòi hỏi để thay đổi thân phận của mình ở Việt Nam bắt đầu từ
người phụ nữ. Ở Việt Nam tất cả các mặt tích cực lẫn tiêu cực bao giờ
cũng bắt đầu từ người phụ nữ. Chính phủ chúng tôi muốn chống tham nhũng
một cách có hiệu quả thì phải đề nghị những người phụ nữ khuyên bảo
chồng hay đòi hỏi chồng là không được đem những đồng tiền ăn cắp mang về
nhà. Còn khi họ vẫn yêu cầu đem về nhà thì các ông chồng vẫn tiếp tục
ăn cắp.
Tôi
có những người bạn có cương vị khá cao ở Trung Quốc. Tôi quen những
người Mỹ ba thế hệ có mặt ở Bắc Kinh, người ta nói rằng tham nhũng ở
Trung Quốc dần dần sẽ bớt đi, bởi vì khi con cái họ có tiền đi du học,
đi làm lương cao thì người ta tự hào và sẽ bớt tham nhũng, tôi chỉ cười.
Tôi nói: rồi các bạn xem thực tế sẽ thế nào.
Friedman: Tầng lớp trung lưu này nó cũng đang phát triển?
NTB:
Nó đang phát triển nhưng nó phát triển không giống như cái mà phương
Tây chờ đợi. Những yếu tố xấu là yếu tố chủ yếu cấu tạo ra tầng lớp
trung lưu. Tầng lớp trung lưu về cơ bản là tầng lớp xấu.
Friedman: Những yếu tố xấu ấy là gì?
NTB:
Thứ nhất, các phẩm hạnh con người, các tình cảm cơ bản mà con người cần
phải có nó không còn trong giai đoạn hiện nay, hay nói cách khác là
tính nhân hậu thoái hóa một cách rất đáng để than phiền. Thứ hai là coi
thường lớp dưới. Họ mất đi sự cảm thông đối với tầng lớp dưới, do đó nó
không cấu tạo thành tấm gương cho sự phát triển các giá trị, mà nó trở
thành thứ Doping thúc đẩy những mặt bệnh hoạn của sự phát triển. Trong
tất cả các yếu tố cần phải chăm sóc để phát triển ở Việt Nam thì yếu tố
đạo đức vẫn là một yếu tố buộc phải chú ý tới. Chúng ta muốn có một thế
giới mà con người vẫn còn tử tế, hay nói cách khác là nó vẫn còn giữ
nguyên các tiêu chuẩn cơ bản của con người thì chúng ta buộc phải chăm
sóc đạo đức.
Friedman: Gọi nó là quyền công dân có được không?
NTB:
Không. Giá trị công dân hay tiêu chuẩn công dân là một khía cạnh tốt,
nhưng không phải là khía cạnh cực tốt trong cái tôi vừa nói. Ở phương
Tây có một khái niệm mà tôi cho rằng có thể tiếp cận với tương lai của
loài người đó chính là “quyền con người”. Tôi đã gọi thế kỷ XXI này là
thế kỷ về quyền con người. Đấy là động lực cơ bản để phát triển của thế
kỷ XXI.
Friedman: Từ Việt Nam ông nhìn thấy Mỹ như thế nào?
NTB:
Tôi vẫn nói với nhiều người Mỹ, trong đó có cả ông đại sứ là người Mỹ
phải cố gắng đi qua cơn khủng hoảng này. Bởi vai trò kéo cỗ xe nhân loại
đi lên vẫn tiếp tục đặt trên vai người Mỹ. Tầng lớp trung lưu Hoa Kỳ là
tốt nhất trong tất cả các lực lượng trung lưu có ở trên thế giới này.
Friedman: Ông có nghĩ rằng Trung Quốc sẽ vượt chúng tôi không?
NTB:
Tôi nghĩ rằng thế giới đang có một sự lộn xộn về tiêu chuẩn, do sự
khủng hoảng của nền kinh tế Mỹ mà ngay cả người Mỹ cũng không còn tự tin
vào giá trị của mình. Nhưng tôi cho rằng điều đó không kéo dài, người
Mỹ sẽ lấy lại và đấy là điều may của nhân loại. Ông có thể kiểm nghiệm
điều ấy ngay mà không cần phải nghe một mình tôi, ông có thể phỏng vấn
mọi người trên thế giới. Sự trẻ trung về mặt văn hóa của nước Mỹ tạo ra
một khả năng là tầng suy thoái nó không dầy như châu Âu. Nước Mỹ là một
quốc gia xã hội chủ nghĩa hay quốc gia cộng sản nhất trên thế giới. Bởi
vì nước Mỹ là một nước có lượng dân nhập cư khổng lồ và nó luôn luôn
được làm nghèo thường xuyên để không trở thành những kẻ giàu có quan
liêu. Sự được làm nghèo thường xuyên luôn làm thức tỉnh người Mỹ, làm
cho họ có kinh nghiệm về sự nghèo khổ của nhân loại và do đó họ có khả
năng lãnh đạo thế giới.
Cách
đây hai ngày có một tờ báo phỏng vấn tôi về khái niệm kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Có một Bộ trưởng nói rằng ông ấy
không nhìn thấy ở đâu khái niệm ấy, mô hình ấy. Nhà báo đến hỏi tôi: ông
có thấy nó ở đâu không? Tôi trả lời: tôi thấy hàng ngày. Kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa là gì? Là một nền kinh tế mà ở trong
đấy các lực lượng kinh tế của nhà nước là chủ yếu và tất cả các khái
niệm liên quan đến sở hữu đều mơ hồ, đều do dự, đều không nhất quán. Đấy
là hai đặc điểm cơ bản quy định một nền kinh tế là kinh tế định hướng
xã hội chủ nghĩa. Tôi cho rằng trong tất cả các phổ quát của nền văn
minh mà chúng ta đang sống thì khái niệm sở hữu là quan trọng nhất. Trên
cơ sở của đặc điểm khác nhau, mức độ khác nhau của khái niệm sở hữu mà
người ta định ra tính chất chính trị của chế độ. Như thế chúng ta có thể
khái quát hóa bản chất của chiến tranh lạnh là sự xung đột của các hệ
thống sở hữu.
Friedman: Có
hai loại đất nước trên thế giới bây giờ, một loại đất nước cố làm cho
chính phủ mạnh lên, một loại cố làm cho dân giàu lên. Người Việt Nam hơi
mắc bệnh sợ không ra ngoài, bởi nó cũng đang muốn chính phủ nó mạnh,
nhưng cũng đang muốn dân mạnh?
NTB: Cũng
không phải thế, đấy là một sự hiểu lầm của các ông. Bởi vì các quan
chức của chính phủ có hai địa vị, địa vị là quan chức của chính phủ và
địa vị là người dân, do đó họ chăm sóc cả hai thứ. Cách ngắn nhất để
chăm sóc có hiệu quả bên trái của câu chuyện này, tức là mặt nhân dân ở
trong người công chức ấy, đó là tham nhũng. Cách tốt nhất và dễ nhất là
tham nhũng. Tôi nhìn thấy hiện tượng tham nhũng và tôi viết về nó thú vị
lắm. Bài toán của những dân tộc như chúng tôi, của đất nước chúng tôi
là rất khó. Giới trí thức chúng tôi hay chỉ trích Chính phủ, nhưng tôi
đang rất phân vân trong việc đổ lỗi cho Chính phủ. Nước Nga chẳng hạn,
nước Nga ra khỏi chủ nghĩa cộng sản rồi nhưng nó không đến tự do. Vậy nó
ở đâu? Đấy là một câu hỏi không thể trả lời một cách dễ dàng. Nếu trả
lời một cách thẳng thắn thì bắt buộc chúng ta phải xúc phạm cá nhân tổng
thống Putin, mà tôi không muốn làm việc đấy. Nhưng ông ấy không dắt
nước Nga đi đến dân chủ được, bởi ông ấy không có khái niệm về dân chủ
thật, ông ấy không có đam mê dân chủ, ông ấy hành động như một chủ tịch
của công ty chứ không phải tổng thống nước Nga.
Trung
Quốc cũng thế. Rất nhiều người phương Tây cứ mô phỏng, suy đoán về
tương lai Trung Quốc. Tương lai của Trung Quốc vô cùng dễ đoán. Một quốc
gia phát triển theo khuynh hướng ấy không thể tránh tan rã được, vấn đề
là nó tan rã theo kịch bản nào, tan rã nhà nước hay tan rã một nền kinh
tế. Có cả kịch bản tan rã về mặt văn hóa nữa chứ không chỉ đơn thuần là
kinh tế hoặc chính trị. Bởi thực ra đấy là một cộng đồng văn hóa rất vô
lý. Ông cứ thử tượng tượng xem có một nền văn hóa nào bao vây toàn bộ,
tịch thu toàn bộ tự do của hơn một tỷ con người. Tan rã kinh tế vì
khoảng cách giàu nghèo, tan rã chính trị vì cát cứ vùng miền, tan rã về
văn hóa, đấy là những sự tan rã khủng khiếp, không thể nào tưởng tượng
được.
Lịch
sử của Trung Quốc là lịch sử giữa hai cuộc tan rã, lịch sử Việt Nam là
lịch sử giữa hai cuộc chiến tranh, mà là chiến tranh xâm lược. Cho nên
để nghiên cứu thân phận những dân tộc như dân tộc chúng tôi buộc phải
rất cẩn thận. Tôi lấy ví dụ như người Hàn Quốc hay người Nhật chẳng hạn.
Họ tham gia cuộc chiến tranh, họ dây dưa vào cuộc chiến tranh với một
nước Mỹ ở trạng thái trước đây. Nhưng nếu họ dây dưa vào cuộc chiến
tranh với nước Mỹ ở trạng thái hiện nay, chưa chắc họ đã có số phận
giống như họ đang có. Ông có thấy nước Mỹ từ thời chiến tranh thế giới
thứ hai và nước Mỹ bây giờ là hai nước khác nhau? Nước Mỹ bây giờ là
nước Mỹ của những người ngụ cư, còn nước Mỹ của chiến tranh thế giới thứ
hai là nước Mỹ đã có màu sắc dân tộc. Giới trí thức chúng tôi bây giờ
rất trông đợi vào nước Mỹ vì họ không nghiên cứu về nước Mỹ thật, họ chỉ
nghiên cứu nước Mỹ mà họ nghĩ trong đầu, không phải nước Mỹ tồn tại bên
ngoài.
Hoàng Anh Tuấn: Sáng
nay ông Friedman có nói chuyện với sinh viên ở Đại học Quốc gia, có một
cô sinh viên phát biểu, cô ấy bảo là bây giờ cô ấy cảm thấy mạnh mẽ
hơn, được tiếp thêm sức mạnh về không gian kinh tế, không gian về tự do
cá nhân, mà không động chạm đến không gian chính trị.
NTB:
Có nhà chính trị thật sự, mà là nhà chính trị cỡ cao cấp, cỡ thứ trưởng
còn bảo tôi bày cho ông ấy cách nào không động đến cải cách chính trị
mà vẫn phát triển kinh tế được.
Friedman: Không thể làm được.
NTB:
Tôi nói với các anh ấy là không có cách gì. Tôi đã từng phê bình một
ông bộ trưởng. Tôi bảo bây giờ các kinh nghiệm của anh không còn giá trị
nữa, anh phải hướng các anh ấy đi tìm giải pháp lý thuyết. Không có
giải pháp lý thuyết, không có cách gì để giải bài toán Việt Nam được.
Friedman: Ở Việt Nam không có vẻ như là có cách mạng?
NTB:
Nó không có khả năng cách mạng. Cách mạng là một khả năng. Thực ra mà
nói, chúng tôi giải thích về cuộc cách mạng tạo ra chế độ này không gần
khoa học lắm. Chúng tôi không có năng lực cách mạng. Người ta nhầm lẫn
giữa năng lực chiến tranh và năng lực cách mạng. Năng lực cách mạng cao
hơn nhiều, không so sánh năng lực chiến tranh với năng lực cách mạng
được.
Friedman: Nếu tôi nói là các ông đã làm cho đất nước tự do chứ chưa làm cho con người tự do, ông thấy thế nào?
NTB:
Cái đó thì tôi đã viết trong một bài có tên là “Cuộc giải phóng nửa
vời”. Khi nào không giải phóng con người thì không có giải phóng. Nếu
chúng ta không giải phóng con người, thì chúng ta chỉ thay thế nhà cầm
quyền này bằng một nhà cầm quyền khác. Một nhà cầm quyền chiếm đóng nước
ngoài thì dễ đánh nó, nhưng đánh đổ một nhà cầm quyền nội địa vô cùng
khó. Chúng tôi không có năng lực cách mạng, chúng tôi chưa làm cuộc cách
mạng nào đến đầu đến đũa. Nhiều khi dùng nhiều thời gian để nghĩ quá
thì đâm ra cái gì mình cũng nhìn thấy mặt trái và nó làm mình bớt hạnh
phúc đi. Tôi có hoàn cảnh rất hạnh phúc nếu tôi nghĩ vừa phải.
Friedman: Tôi
thấy mọi người ngồi đây nói chuyện khá là thẳng thắn, tôi ra đường cũng
không cần phải tự biên tập mình nhiều lắm. Nhưng chúng ta có thể đi
được đến đâu?
NTB:
Tôi nghĩ là nếu riêng tư thì nói được nhiều thứ lắm. Ví dụ ở Việt Nam
có một tổ chức khá bảo thủ, đó là trường Đảng, là nơi người ta dạy ra
các nhà chính trị để phục vụ sự nghiệp của đảng. Họ kéo một lúc 30 giáo
sư đến trao đổi với tôi, mỗi một giáo sư như vậy có thể đưa ra những ý
kiến để có thể trói gô cả làng chứ không phải một phó thường dân như
tôi. Nhưng tôi nói chuyện với họ rất thoải mái, thậm chí tôi nói phải
phi chính trị hóa giáo dục đi. Họ bảo tôi rằng: chúng tôi là người dạy
chủ nghĩa Marx-Lenin, bây giờ phi chính trị hóa giáo dục thì chúng tôi
dạy ở đâu bây giờ. Có thể nói về nhiều điều, nhưng một điều cực kỳ quan
trọng là khi anh nói với người ta kể cả những mặt tiêu cực nhất thì anh
không được nói bằng hai giọng: xem người ta là địch, và xem người ta là
thấp. Khinh người ta, và xem người ta dưới mình là điều rất cấm kỵ. Có
một nhà chính trị cỡ nguyên thủ có gọi tôi đến nhà, ông ấy hỏi tôi là
tôi mới viết có hai bài mà dư luận đã ầm ĩ lên, anh viết những năm quyển
sách mà không ai nói gì anh, anh giải thích cho tôi. Tôi bảo tôi nói
không phải với tư cách một nhà Marxist mà với tư cách một con người.
Friedman: Cảm ơn ông rất nhiều. Tôi thấy buổi nói chuyện này rất thú vị!