Trang

Thứ Tư, 24 tháng 9, 2014

VÀI Ý KIẾN THÚ VỊ CỦA ÔNG LÊ KIÊN THÀNH

     Ông Lê Kiên Thành, con trai của cố TBT Lê Duẩn, hiện là chủ một doanh nghiệp tư nhân. Gần đây, trong một bài viết về chống độc quyền trên VNNet ông có một vài ý kiến thú vị về tình yêu, về vận mệnh của một dân tộc. Xin trích những ý kiến đó để các vị đọc, trước hết là cho vui, và sau nữa, là có thêm kiến thức.


Tình yêu và thói quen nguy hiểm

 Thời tôi còn đi học, tôi luôn được dạy rằng cái ưu việt nhất của CNXH là không có sự độc quyền, cái xấu xa nhất của CNTB là sự độc quyền. Chúng ta tưởng rằng xã hội chúng ta xây dựng là xã hội không có độc quyền. Thế nhưng đến thời điểm này, những khiếm khuyết của một cung cách quản lý bộc lộ và thậm chí kéo theo những hệ lụy ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của xã hội, lại chính là tư duy độc quyền. Đến mức, chúng ta “đến” với sự độc quyền một cách hiển nhiên, nhẹ nhàng, không cảm thấy áy náy, cũng không bị sự ràng buộc của pháp luật.
Độc quyền không ở đâu xa. Độc quyền xuất hiện từ những cái rất nhỏ bé thế trong đời sống của xã hội chúng ta.
Đã từng có thời chúng ta độc quyền về cách thể hiện văn hóa, ấu trĩ đến mức cấm đoán cả việc thể hiện tình yêu, vì cho rằng tình yêu làm ủy mị con người.  Nhưng tình yêu, suy cho cùng, là khởi điểm của sự sống. Tình yêu vừa vĩ đại, vừa trong sáng, vừa ma mị, vừa của thiên nhiên, vừa thuộc về con người. Sinh con là việc bắt buộc để duy trì nòi giống. Nhưng để có thể kéo được hai con người đến được với nhau là phải nhờ tình yêu. Cuộc sống tinh vi, tinh vi ghê gớm ở chỗ đó.  Và những tồn tại mạnh mẽ, những tồn tại khiến cuộc sống thăng hoa và sáng tạo đều khởi nguồn từ tình yêu.
Tôi yêu vô cùng những bài hát nói về tình yêu của nước Nga. Trong suốt cuộc chiến tranh vệ quốc của họ, họ nói về tình yêu thoải mái, tự do và tràn ngập, không bị cấm đoán. Họ nói về đôi môi, về vóc dáng người yêu…Nếu ở Việt Nam, nói về cái đó, chúng ta bị gọi là xác thịt.  Nhưng đã nói đến tình yêu, phải yêu một bờ vai, một làn môi, một ánh mắt nào đó, chứ không thể chỉ yêu một cái bóng. Thế mà tâm lý xã hội ta đã từng có thời phủ định những cái rất thật, rất cuộc sống đó......

Nếu dàn nhạc không có nhạc trưởng đại tài?

Tôi luôn nghĩ ông Karl Marx, ông Lenin nếu còn sống, với những con người trí tuệ như thế, lý luận của họ nhất định sẽ thay đổi. Nếu còn sống, họ sẽ lãnh đạo xã hội theo một cách khác. Bởi trong lúc tăm tối nhất của xã hội, họ đã nghĩ ra những cái rất đúng về quy luật cuộc sống.
Thế thì nếu đang sống ở thời đại này, họ sẽ nhìn ra những cái khác.
Bất cứ thời điểm lịch sử ngặt nghèo nào cũng cần có những nhân tố đặc biệt, những cá nhân kiệt xuất có thể mang đến sự thay đổi. Cái xã hội Việt Nam cần bây giờ là những cá nhân như thế: Những người tìm ra được hướng đi mới, đủ sức mạnh, đủ can đảm tổ chức, sắp xếp lại xã hội theo hướng đi đó. Những người tạo ra hệ thống đó, rồi kiểm soát nó và phát triển nó, xử lý những yếu tố phát sinh trong hệ thống đó.
Một dàn nhạc dù toàn nhạc công giỏi, nhưng không có nghĩa sẽ đánh được một bản giao hưởng hay nếu không có một người nhạc trưởng đại tài, thổi hồn cho bản nhạc. Người nhạc sĩ viết ra bản nhạc hay đã đành, nhưng tạo ra sức sống cho toàn bộ bản nhạc đó phải là người nhạc trưởng, để thính giả cảm nhận được nốt này là lá rơi, nốt kia là gió thổi....
Có những người từng hỏi tôi về sự thay đổi của đất nước và thời điểm của sự thay đổi đó. Sự thay đổi đó có thể là ngày mai, có thể là 100 năm, 200 năm hoặc ... không bao giờ. Điều đó tùy thuộc vào ý chí, bản lĩnh và sự dũng cảm của cả một dân tộc. Trong lịch sử từng có những hiện tượng có những dân tộc đã đi đến sự suy tàn, khi dân tộc không thể thay đổi để tiệm cận với cái mới mang ý nghĩa là cái tiên tiến, cái phát triển của thời đại.
Đã có những đế chế hùng mạnh, những nền văn minh rực rỡ trong lịch sử đã bị hủy diệt một cách ghê gớm. Những ví dụ đó chứng tỏ một điều nếu tổ chức xã hội không tốt, dân tộc có thể đi đến suy tàn.
Không độc quyền về chân lý, không độc quyền về mục tiêu, về lợi ích, là bí quyết duy nhất cho sự sinh tồn của dân tộc. Và tôi mong dân tộc này sẽ chọn được con đường sáng suốt nhất để bước đi.

                                                                                                                                  Tô Lan Hương ghi


4 nhận xét:

  1. "Không độc quyền về chân lý, không độc quyền về mục tiêu, về lợi ích, là bí quyết duy nhất cho sự sinh tồn của dân tộc. Và tôi mong dân tộc này sẽ chọn được con đường sáng suốt nhất để bước đi."
    Em thấy đồng tình với ông LKT về điểm này anh ạ!

    Trả lờiXóa
  2. Ô này sáng suốt hơn cha ,(con hơn cha là nhà có phúc ).Không biết ông này có phải con bà Vân không (bà Vân là một trong các bà vợ ô LD ) bà Vân đến lúc này vẫn kiện ô V N GIÁP làm gián điệp cho Pháp và sau là gián điệp cho L XÔ,bà đề cao công lao của chồng ,rõ thật :vợ nâng chồngmới trông đã ghét !

    Trả lờiXóa
  3. Ong LKT viết như vậy đúng quá, hay quá. Mac, Ang ghen vĩ đại quá đi chứ. Chỉ có những kẻ ôm khư khư học thuyết của ông và coi là bất biến - dù đã lỗi thời, mới là kẻ ngu dốt- Phản động .

    Trả lờiXóa
  4. Ông LKT đã tố được một điều xấu nhất thuộc bản chất của những người cầm quyền hiện nay: duy trì độc quyền để các nhóm lợi ích được hưởng lợi. Họ không muốn chia sẻ quyền con người tối thiểu cho ai hết. Do độc quyền về chân lý, về mục tiêu, lợi ích, về lựa chọn nhân tài, mô hình phất triển v.v. nên không thể chọn được " nhạc trưởng" giỏi. Đó chính là bi kịch lớn nhất. Tuy nhiên ông vẫn còn gượng nhẹ lắm trước nguy cơ dân tộc suy tàn : Con đường sáng để dân tộc bước đi là con đường nào đây? Giá ông cứ nói thẳng ra tương tự cụ NTV thì hẳn có nhiều ý mới để suy ngẫm...

    Trả lờiXóa